Trân Văn - VOA
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công
của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The
Economist)
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại gieo hoang
mang cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam khi chỉ đạo Tổng cục Thống
kê (GSO), đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh
tế phi pháp vào việc tính toán GDP.
Khái niệm hoạt động kinh tế phi chính thức chỉ những hoạt
động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế ở cấp
độ gia đình tự sản tự tiêu, các hoạt động kinh tế bị sót khi thu thập dữ
liệu.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO, Tổng cục Thống
kê của Việt Nam đã thu thập và đã xử lý được dữ liệu của ba mảng liên quan đến
hoạt động kinh tế phi chính thức là: Hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình không
đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình tự sản tự tiêu và các
hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Săp tới, cơ quan này sẽ thu thập và sẽ xử lý dữ liệu
của kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp để tính toán GDP.
Ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thống kê của Liên Hiệp Quốc,
người từng là cố vấn cho một dự án về tính toán GDP đối với các hoạt động kinh
tế phi chính thức tại một số quốc gia châu Á, châu Phi của Liên Hiệp Quốc, khuyến
cáo, nếu không bảo đảm khả năng thu thập dữ liệu thường xuyên và chính xác, đặc
biệt là với hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp (mại dâm, đánh bạc,
buôn lậu,…) thì không nên đưa vào GDP vì vô giá trị và dễ làm lạc hướng.
Tại sao đưa hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế phi
pháp vào GDP lại dễ làm lạc hướng? Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu
Kinh tế và Chính sách (VEPR), một trong những người đồng quan điểm với ông Việt
(cần thu thập dữ liệu về hoạt động kinh tế phi chính thức để hoạch định chiến
lược phát triển kinh tế nhưng không nên gộp kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp vào
GDP để tăng quy mô của nền kinh tế), giải thích, gộp hoạt động kinh tế ngầm, hoạt
động kinh tế phi pháp vào GDP sẽ nâng GDP lên và khiến tỉ lệ bội chi, tỉ lệ nợ
nần tính trên GDP giảm, hồ sơ tăng trưởng kinh tế sẽ… đẹp hơn.
Sự “kiên định” của chính quyền Việt Nam trong việc đeo đuổi
chỉ tiêu tăng trưởng GDP để hồ sơ tăng trưởng kinh tế…đẹp là một trong những
nguyên nhân chính dẫn tới thảm trạng hiện nay (ngân sách liên tục thâm thủng, nợ
nần càng ngày càng cao).
***
GDP là cách gọi tắt Gross Domestic Product (tổng sản phẩm nội
địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng
thời gian nhất định). Bởi GDP thường được dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng
kinh tế của một quốc gia nên trong vài thập niên gần đây, thông qua Quốc hội Việt
Nam, giới lãnh đạo Đảng CSVN đặt định chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, thúc
chính phủ Việt Nam phải “phấn đấu” để chứng minh cả khả năng lãnh đạo toàn diện,
tuyệt đối của mình, lẫn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là…
ưu việt.
Theo thời gian, các chuyên gia kinh tế nhận ra, những số liệu
liên quan đến tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với ấm no,
hạnh phúc. Tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể rất cao
nhưng theo sau đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo có thể càng ngày càng lớn, bất
bình đẳng xã hội có thể tăng vọt, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống có thể bị
hủy hoại trên diện rộng. Đó là lý do khái niệm tăng trưởng bền vững, phát triển
bền vững xuất hiện. Chẳng riêng các chuyên gia kinh tế mà một số viên chức hữu
trách ở Việt Nam cũng thú nhận, dù luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh
tế nhưng tăng trưởng kinh tế và tiến trình phát triển ở Việt Nam là… thiếu bền
vững.
Dẫu trên thực tế có không ít cơ quan truyền thông tại Việt
Nam giới thiệu hàng loạt tài liệu, nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế
giới, cảnh báo “mặt trái” của những số liệu liên quan tới tăng trưởng GDP, tăng
trưởng kinh tế,…
Chẳng hạn Nhịp Cầu Đầu Tư tóm tắt và giới thiệu cuốn
“Wellbeing Economy: Success in a World Without Growth” (Nền kinh tế hạnh phúc:
Thành công trong một thế giới không tăng trưởng) của Lorenzo Fioramonti. Vị giáo
sư về Kinh tế Chính trị của Đại học Pretoria - Nam Phi này đưa ra nhiều ví dụ
nhằm giúp người ta không ngộ nhận về tăng trưởng GDP: Bán thận lấy tiền sẽ góp
phần thúc đẩy tăng trưởng GDP nhưng giáo dục trẻ con, nấu một bữa ăn phục vụ cộng
đồng, tổ chức cải thiện thể lực cộng đồng thì không thể tạo ra số liệu – không
đóng góp gì vào tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia đốn toàn bộ cây cối để bán sẽ
giúp GDP tăng vọt, còn giữ - chăm bón cây cối thì không. Một quốc gia bảo tồn
thiên nhiên vì lợi ích của tất cả mọi người thì khó mà đưa được chuỗi hoạt động
ấy vào tăng trưởng kinh tế nhưng nếu tư nhân hóa, thương mại hóa các khu bảo tồn
để thu phí thì quyết định đó sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Tương tự,
tất cả mọi người khỏe mạnh sẽ không tác động đến số liệu tăng trưởng kinh tế,
song mọi người đổ bệnh thì GDP sẽ tăng mạnh nhờ chi tiêu cho thuốc men, bác sĩ,
bệnh viện... Fioramonti nhấn mạnh, chạy theo tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh
tế là dại dột. Hệ thống kinh tế tốt là hệ thống trao cho dân chúng quyền lựa chọn
hạnh phúc phù hợp với giá trị và động cơ của họ.
Còn Tia Sáng giới thiệu “Tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc
nhân sinh” của Tôn Thất Nguyễn Thiêm. Ông Thiêm khẳng định, cứu cánh của kinh tế
là góp phần tạo dựng hạnh phúc cho cõi nhân sinh thông qua sự tăng trưởng của
xã hội. Động lực thúc đẩy tăng trưởng chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân
tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có
thật về hạnh phúc của con người. Tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc
nhưng mặt khác, tăng trưởng cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững!
Tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là tạo ra của cải vật chất mà nhất thiết phải
mang đến một luân lý tinh thần, bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người
trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu yếu tố đó, tăng
trưởng vật chất sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội trầm kha, gây rối loạn nghiêm trọng,
cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự!
Rồi những chuyên gia kinh tế như Vũ Thành Tự Anh thì phân
tích về hiệu quả đầu tư của Việt Nam với các quốc gia khác, so sánh chúng để chứng
minh giá mà Việt Nam phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao. Nhắc nhở GDP chỉ là
phương tiện chứ không phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh
tế. Nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài
nguyên, căng thẳng xã hội... gây ra thì số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam khó mà có thể như đã công bố. Có chuyên gia như ông Bùi Trinh cảnh cáo, nếu
tiếp tục theo đuổi tăng trưởng GDP kiểu như đổ tiền vào các tượng đài, đẩy GDP
lên bất kể tượng đài chẳng tạo ra tác động tích cực nào cho phát triển, kinh tế
vĩ mô sẽ càng ngày càng bất ổn, không thể giảm bội chi mà chỉ lún sâu hơn trong
nợ nần.
… Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam vẫn dõng dạc tuyên bố: Nếu
tăng trưởng thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ.
***
Tháng trước, nhiều giới sửng sốt khi GSO của Việt Nam công bố,
tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 là 6,81% GDP, cao hơn chỉ tiêu
tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đề ra (6,7% GDP) và vượt xa dự đoán của mọi
người, kể cả của Ủy ban Giám sát Tài chính thuộc Quốc hội Việt Nam trước đó chỉ…
một ngày.
Tháng này, ông Phúc vừa khuyên GSO “không chạy theo thành
tích để đưa ra số liệu không cơ bản”, vừa trao hàng loạt Huân chương Lao động đủ
hạng cho các tập thể, cá nhân của ngành thống kê, dù hoạt động của ngành này được
chính ông nhận định còn “đơn điệu”, chưa chú ý tới các thống kê liên quan tới
chất lượng tăng trưởng như: Môi trường, năng suất lao động, xã hội...
Chính phủ Việt Nam giải thích, sở dĩ họ muốn GSO đưa kinh tế
ngầm, kinh tế phi pháp vào tính toán tăng trưởng kinh tế vì GDP thay đổi thì nợ
nần còn “dư địa” (thêm cơ hội vay mượn) để “đầu tư cho phát triển”. Khi nợ nần
bị khống chế bởi “trần”, “trần” lại tương ứng với một tỉ lệ nhất định về GDP
(hiện là 65% GDP) thì “dự đoán” kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp hiện vào khoảng
30% GDP rõ ràng là hết sức hấp dẫn. Cộng 30% đó vào GDP sẽ đẩy “trần” nợ cao
lên. “Đầu tư” cho “phát triển” các trung tâm hành chính, quần thể quảng trường
– tượng đài, đại dự án, những chương trình “kích cầu” sẽ lại… như xưa! Nội các
của ông Phúc lại có thể vênh vang, xênh xang như nội các của ông Dũng vì lúc
nào cũng “bảo đảm mục tiêu tăng trưởng dù kinh tế thế giới, kinh tế khu vực bất
ổn, khó lường”.
Các chuyên gia kinh tế đã lặp đi, lặp lại rằng thu thập – xử
lý dữ liệu liên quan tới kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp rất khó chính xác, cách
tốt nhất để hạn chế kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, giúp họat động của ngành thống
kê dễ dàng, đáng tin cậy hơn là công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của hệ
thống công quyền. Tuy nhắc nhở ngành thống kê phải “trung thực” song chính phủ Việt
Nam không tha thiết với công khai hóa, minh bạch hóa. Họ mê “dự đoán” kinh tế
ngầm, kinh tế phi pháp tương đương“30% GDP”.
Ngộ nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét