Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

2479 - 50 năm tuổi Đảng liệu làm nên 1 bài học về 'sự lắng nghe'


Vào chiều ngày 29.01, Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện là ông Trần Quốc Vượng, đã tổ chức lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong lời chia sẻ, ông Vượng nhấn mạnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Người viết không bàn về những cụm từ ‘có cánh’ khác, mà chỉ muốn tập trung hơn trong cụm từ ‘phát huy’, ‘lắng nghe’ và ‘tôn trọng’ nhân dân.

50 năm theo Đảng, tức là ½ thế kỷ, 2/3 đời người, tức là những cụm từ nêu trên càng cực kỳ quan trọng, bởi chính nó – chứ không phải cái gì khác, có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng trở nên ‘cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư’ hơn trong mắt người dân.


Nhưng, ông Tổng Bí thư đã dành bao nhiêu phần trăm (%) trong đó để thực sự lắng nghe người dân muốn gì, thực sự tôn trọng người dân nói gì, và đã làm gì để phát huy cái gọi là ‘dân chủ’ trong nhân dân?

Chỉ biết rằng, cho đến nay, mọi hoạt động của ông, mọi vốn từ liên quan đến một tầm nhìn và sự bền vững của một nhà lãnh đạo nêu trên, chỉ xoay quanh chữ ‘không nằm ngoài Đảng’.

50 năm, Đảng của ông cũng đã có sự thay đổi, biến thiên về hình thức và ít nhiều tính chất, nhưng tính độc tài vẫn giữ nguyên. Và chính yếu tố ‘độc tài/ quyền lực’ đó, khiến cho ‘lăng nghe; tôn trọng; phát huy’ chỉ nhằm giữ Đảng lại bằng mọi giá, giữ Đảng ‘trường tồn với dân tộc’.

Nói chính xác là, chính vì luôn hóa thân với Đảng nhằm giữ cho bằng được tính ‘độc tài/ quyền lực’ dưới ngôn từ đẹp đẽ là 'sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với nhà nước và xã hội' - coi đây là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển quốc gia.nên đôi khi bản thân ông Nguyễn Phú Trọng có phần đối nghịch với Nhân dân.

Và quan điểm vón cục lại là: Không có Đảng, không có cuộc sống như ngày nay.

Nhưng mọi nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo cuộc sống nó chỉ đúng khi nó phù hợp với thực tiễn, và mọi quyền lực phải được giữ lấy bằng sự lắng nghe số đông, tôn trọng số đông, và phát huy tính dân chủ số đông. Đồng nghĩa, nếu mọi thứ xuất phát từ nhóm ít người, thì nó sẽ rơi vào diện ‘chủ quan suy diễn ý chí’.

Thực vậy, khi nghĩ đến ‘lắng nghe, dân chủ, tôn trọng’, nhiều người nghĩ đến một ‘đồng chí đứng đầu Đảng’ với một ‘cử tri quen thuộc’ ở các cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đến mức một Facebooker đã phải thốt lên: nếu lỡ một mai, ‘cử tri quen thuộc’ đó mất đi, thì ông Đảng trưởng sẽ trình diễn với ai nữa về ‘sự dân chủ và lắng nghe nhân dân’.

Thực vậy, khi nghĩ đến câu ‘nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?', nhiều người nghĩ đến một ‘đồng chí đứng đầu Đảng’ kiêu ngạo với quyền lực, chối bỏ lịch sử quốc gia, không chuyện nhìn sự phát triển thực tại của đất nước, và bỏ quên nhịp độ phát triển vượt bật của các quốc gia khác. Hay là ngài Tổng Bí thư phát ngôn trong ngôi chùa quá tĩnh, thành ra ngài cũng từ bỏ luôn cái thực tiễn rách nát để nói lời ‘đạo thiên đàng’?

Không trách được, 50 năm theo Đảng, và sự trung thành khiến một người có thể lấn sang cả sự ‘ngu trung’. Và nhắm mắt trước thực tại khắc nghiệt để tìm bình an trong sự giáo điều.

Giáo điều, nên lắng nghe là lắng nghe trong Đảng, dân chủ là dân chủ trong Đảng, tôn trọng là tôn trọng trong Đảng. Thành ra, cái ‘tự do ngôn luận’ cũng là tự do trong Đảng nốt, không có ngoại lệ, mọi thứ tự do theo định hướng của Đảng, để tuyên truyền và lừa dối,…

Số người bị bắt tăng lên, và Ngài Tổng bí thư từ năm 2016 đến nay luôn được vinh danh trong danh sách ‘kẻ thù tự do báo chí’. Và khi là ‘kẻ thù’, thì khi đó Tiếng Dân còn chưa được ông Tổng bí thư coi trọng.

Do vậy, dù ghi nhận 50 năm tuổi Đảng nhưng chưa chắc ông có 1 ngày đủ dân chủ với chính mình để học 1 bài học về lắng nghe Tiếng Dân.

Đó cũng là một sự đáng thương của chính ông, cho một sự mê muội và ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét