Câu thơ của Tản Đà:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Chuyện bóng đá
Cuối cùng thì đội tuyển U23 VN đã chia tay Giải vô địch bóng
đá U-23 châu Á (AFC U-23 Championship) với kết quả Á quân. Và nhận được giải
Fair-play.
Trước trận chung kết, tôi cũng như rất nhiều người Việt
trong và ngoài nước khác, mong đội U23 VN thắng, không phải vì “lòng yêu nước,
lòng tự hào dân tộc” gì đó như ai đó nói, mà với lý do khác: để bao nhiêu người
không thất vọng mà làm chuyện gì xuẩn ngốc hoặc lại quay sang chì chiết, trách
móc các cầu thủ và cả ông huấn luyện viên người Hàn quốc! Nếu VN thắng, phản ứng
vui mừng quá mức của nhiều người Việt sẽ làm thế giới sửng sốt (như họ đang sửng
sốt từ đầu giải tới giờ vì điều đó). Nhưng nếu VN thua, những phản ứng tiêu cực
của nhiều người Việt chắc chắn sẽ còn làm cho thế giới...kinh ngạc, không hiểu
nổi hơn!
Đã nói rồi, U23 vào tới chung kết giải bóng đá U23 châu Á,
điều đó đáng khen thôi. Trước khi bắt đầu giải vô địch bóng đá U-23 châu Á, người
Việt chắc chẳng dám hy vọng VN sẽ vào đến tứ kết, chứ đừng nói đến chung kết.
Người Việt mừng, cũng tốt thôi. Tuy nhiên, đã có quá nhiều lời khen rồi, đó là
chưa kể báo chí VN như lên đồng với những câu giật tít quá lố, không tỉnh táo.
Trong đó bị chỉ trích nhiều là những câu như “thế nước mạnh, vận nước đang
lên”, hoặc “Không thể tin nổi! U23 VN đặt cả châu Á dưới chân bằng chiến thắng
để đời”, (Trí thức Trẻ)!...
Đám quan chức lãnh đạo thì vớ ngay lấy cơ hội, vơ vào, đẩy
lên hơn nữa. Ông Thủ tướng thì “nổ: "với tinh thần quả cảm, ý chí và bản
lĩnh của con người Việt Nam... đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên vào vòng bán
kết U23 châu Á"! Ông HLV Lê Thụy Hải thì bảo "U23 VN là những anh
hùng của dân tộc”…
Trên facebook có nhiều người vì vui quá cũng mơ hơi xa, ví dụ:
"...Duyên Anh đã đánh đúng vào mẫu số chung nhỏ nhất của người Việt (đam
mê túc cầu) để gầy dựng lại một giấc mơ lan toả từ túc cầu qua đến sự tự tin
làm được và làm thành ở mọi việc!
…Đây là một đội Việt Nam chiến thắng trên những lộ trình gồ
ghề khúc khuỷu với khí phách và tố chất tạo ra huyền sử loại David đánh ngã
Goliath.
Không biết các em sẽ thắng hay thua chung kết AFC Cup nhưng
những gì các em đang thở, đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ Thành Người
Quang Trung gần thành hiện thực!...”
Có chắc gì thắng trong bóng đá thì sẽ "làm được và làm
thành ở mọi việc!", đặc biệt là khi còn chế độ độc tài đảng trị ở VN? Có
chắc gì thắng vài trận bóng đá là "đang biến giấc mơ Bồn Lừa và giấc Mơ
Thành Người Quang Trung gần thành hiện thực!"?
Những lời nói đó đều là quá lố, và có hại, trước hết là cho
chính các cầu thủ, nếu họ không tỉnh táo.
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Đừng nâng bóng đá lên
thành quá mức, hay tâng bốc các cầu thủ quá mức. Điều quan trọng nhất ở đây là
đội tuyển U23 VN đã vượt qua được những giới hạn trước đó, tức là chỉ lẹt đẹt
trong những giải đấu khu vực Đông Nam Á.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong một trận bóng đá, điều quan trọng
nhất, còn hơn cả chiến thuật của huấn luyện viên, kỹ thuật, tài năng của từng cầu
thủ và của toàn đội, là yếu tố tâm lý. Đội tuyển VN từ trước tới giờ khi đi thi
đấu bên ngoài, dù chỉ mới là giải khu vực như SEAGames, tâm lý không ổn định,
nhất là trước đội Thái Lan, hễ thua một cái là mất tinh thần luôn, một phần do
thiếu tự tin, một phần bị sức ép từ sự cuồng nhiệt và lòng mong đợi quá lớn từ
cổ động viên nước nhà. Đội U23 lần này đã cho thấy tâm lý rất vững vàng, tinh
thần thi đấu ngoan cường, dù bị dẫn trước hay bị trọng tài xử ép vẫn không mất
tinh thần, đó là điểu quan trọng.
Nhưng ở một tầm nhìn lớn hơn, bóng đá hay thể thao nói
chung, cũng không khác gì văn học nghệ thuật, muốn phát triển ngoạn mục thì phải
có những yếu tố sau: Thứ nhất, một môi trường tự do, tôn trọng thể thao/nghệ
thuật, không bị định hướng, kiểm soát, gò ép bởi một chế độ độc tài; thứ hai,
những người lãnh đạo nhà nước có tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, yêu thể
thao/nghệ thuật, có tầm nhìn xa, có chiến lược đầu tư lâu dài hoặc chí ít lả để
cho tư nhân, những cá nhân, cơ quan có lòng với thể thao/nghê thuật nhảy vào đầu
tư cho tài năng, chứ không phải “xây nhà từ nóc” như bóng đá VN lâu nay; thứ
ba, môi trường làm thể thao/nghệ thuật phải được bảo vệ bởi luật pháp và tinh
thần thượng tôn pháp luật để tạo nên một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, ở đó
tài năng thực sự có thể vươn lên và tỏa sáng và hoàn toàn không có đất cho bọn
tham nhũng, bọn đạo văn, bọn ăn cắp hay bọn mua độ, bán độ, bọn cơ hội, háo
danh, con ông cháu cha v.v…
Bóng đá dù sao, cũng chỉ là bóng đá. Cuộc vui qua rồi, hãy
trở lại thực tại, với một nước VN xét về nhiều mặt đều thua xa các nước láng giềng
trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến chậu Á và thế giới.
Cho nên những ngày qua giữa rừng lời khen ngợi, có vài người
viết bài cảnh tỉnh, nhắc nhở cũng là không thừa. Không phải nhắc người dân
chung chung mà là nhắc cái bọn con gái cởi truồng đi ngoài phố để ăn mừng, nhắc
báo chí đừng có lên đồng, tung hô quá mức, thế giới nhìn vào người ta cười cho,
và nhắc các ông lãnh đạo đừng có mượn cái chuyện bóng đá, dùng bóng đá để cổ
xúy cho dân quên đi bao nhiêu chuyện thất bại của nhà cầm quyền, bao nhiêu bất
công, phi lý, oan trái của chế độ.
Thế nhưng chỉ có thế mà người Việt cũng cãi nhau, giữa người
ngây ngất khen ngợi và những người tìm cách lưu ý thực chất của vấn đề. Một vài
người đã phải rút bài, đính chính vì bị bao nhiêu người khác vào comment mắng
cho cái tội dám nhắc nhở khi người ta đang vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét