Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

2358 - Ở cuối một con đường



Bông hồng cho người nằm xuống. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
Ở vùng Little Saigon có một con đường nổi tiếng, mà cư dân ở đây ai cũng qua lại nhiều lần. Con đường được đặt tên là đường số 1 khiến người ra liên tưởng đến quốc lộ số 1 như trong tác phẩm “Dọc Đường Số 1” của Phan Nhật Nam.
Con đường phát xuất từ thành phố nhỏ Tustin, băng ngang qua Santa Ana và kết thúc ở thành phố Westminster với một địa điểm, nơi có một ngôi nhà xây kiểu cổ tĩnh lặng, được gọi là Peek Family, hay rõ hơn là Peek Funeral Home, nơi mà 90% cư dân Quận Cam phải ghé qua trước khi trở về với cát bụi hay đi vào lòng đất!
Trong hơn hai mươi năm, tôi đã có dịp ngồi nghe hàng trăm bài diễn từ thắm thiết ca ngợi, tuyên dương công trạng, đạo đức của người chết, mà khi sống người đọc không có cơ hội để mặt đối mặt tâng bốc, những lời ca tụng mà nếu còn sống, người trong quan tài hẳn bất như ý. Cũng có những bài điếu văn, không hề thấy thấp thoáng hình ảnh người chết mà lồ lộ vóc dáng, chân dung, tiểu sử người đang đứng trước quan tài.Từ ngày về cư ngụ tại Quận Cam, tôi đã đến đây rất nhiều lần để đưa tiễn bạn bè, thân nhân và đồng đội. Không ai là khỏi qua đây, một vị tướng lãnh cho đến một binh nhì, nói theo kiểu “huynh đệ chi binh,” và từ một triệu phú cho đến một kẻ không nhà, từ một nghệ sĩ hay một nhân vật nổi tiếng có hàng nghìn người đưa tiễn, cho đến một người vốn vô danh trong cộng đồng, mà tang lễ chỉ có mươi người tham dự.
Ngày nay cái máy “micro” có mặt khắp nơi, trong hội nghị, ở đám biểu tình, một buổi họp và bây giờ có cả trên bục của nhà quàn, tuy hoàn cảnh mỗi nơi có khác nhau, nhưng sức hấp dẫn của nó vẫn là một.
Thơ vốn là thứ khó chọn chỗ để trình diễn nhất, nhưng cuối cũng vẫn có hai nơi dễ dãi nhất để trình bày là trong đám cưới và giữa đám ma.
Những người qua đời đến đây rất lặng lẽ, không ai hề hay biết và chúng ta chỉ được thông báo ngày họ ra đi, với những tràng hoa viếng đầy màu sắc và đoàn thân quyến bạn bè lặng lẽ theo sau, trên con đường dẫn đến lò thiêu hay ra nghĩa địa buồn.
Hình như tất cả chức tước, danh vọng, tiền bạc và của cải đều nằm lại phía sau, và tất cả người ra đi đều có chung một loại xe, không phân biệt giàu nghèo, thứ bậc trong xã hội, đó là chiếc xe tang. Và chắc chắn theo quy luật khắc nghiệt, không ai mang theo mình được một thứ gì, ngoài một bộ áo quần duy nhất mặc trong mình, không một mảnh giấy tờ tùy thân nào được đem theo, kể cả những vật bất ly thân cũng đành để ở lại.
Cái chỗ chúng ta thường gọi là nơi về, chỗ đến, thường được mô tả là nơi chốn tốt đẹp, thanh thản, cao sang, có phần thiêng liêng mà mắt trần chúng ta chưa hề thấy được, cái nơi mà ai cũng chúc tụng, cầu nguyện cho chúng ta được đến, vậy thì có gì phải sợ hãi.
Đây cũng là lúc chúng ta bỏ hết lo âu, phiền muộn, đau đớn, nợ nần lại sau lưng để thanh thản đi qua một thế giới khác.
Những mộng ước trong đời chưa thành cũng xin bỏ lại, những công việc dở dang không biết gửi gắm lại cho ai. Chúng ta cũng biết ước mơ là vô tận, mà đời sống thì gang tấc. Nói như Trịnh Công Sơn: “Những hẹn hò từ nay khép lại!”
Trong những lúc trà dư tửu hậu, chúng ta thường vui vẻ nói chuyện mình có cơ may trúng số cuối tuần này với tỉ lệ may mắn là một trên hàng chục triệu người, trong khi đó có một cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người là cái chết thì không một ai muốn nhắc đến.
Vậy thì con người sinh ra vốn lạc quan cùng tận, trong khi sự sống đang mơn mởn đâm chồi, tỏa ngát hương, cái chết quả độc ác, tàn nhẫn. Nhưng đừng cho nó chọn lựa sự đến bất ngờ, khiến cho chúng ta ngạc nhiên, sợ hãi như trong lúc bất thình lình, đột ngột đến đập vai, gọi lớn, hù dọa sau lưng. Cái chết quả là một điều kinh hoàng, nhưng giá mà chúng ta làm quen được với nó từ ngày còn trẻ, quen thuộc mà không hề bị ám ảnh.
Chúng ta thường nói đến sự ra đi của song thân, quyến thuộc hay bạn bè của chúng ta một cách bình thản, nhưng xem chuyện giã từ cuộc sống của cá nhân chúng ta như là một điều kỵ húy.
Kinh nghiệm trong trại tù cho biết, khi một người biết được ngày mai mình sẽ được phóng thích, đêm nay, người sắp mãn hạn tù rộng lượng sẵn lòng đem tất cả vật dụng, tư trang cho người khác, một là những thứ đó họ không cần đến nữa, hai là để cho chuyến trở về (hay ra đi) được thanh thản, nhẹ nhàng hơn.
Luật đời không cho chúng ta biết trước được ngày “phóng thích,” nhưng nếu biết trước được ngày ra đi này, chúng ta có sẵn lòng đem cho tất cả mọi người tình yêu thương chúng ta có, và sẵn sàng vứt bỏ sự thù ghét cho thênh thang nhẹ gánh buổi lên đường không?
Cuối tuần này, chúng ta sẽ đến đây viếng ai? Phải chăng tất cả đều cùng một nơi về!
Nhà thơ Trần Văn Nam, nhà ở tận thành phố Walnut, cách Little Saigon hơn 45 phút xe, nhưng theo ước nguyện cuối đời của anh, gia đình sẽ đưa anh về nằm ở cái nơi cuối đường Bolsa cho đông vui, gần gũi anh em.
Tôi có thể nói rằng, không phải chỉ có con đường số 1 từ thành phố Santa Ana, khi qua thành phố Westminster đổi thành Bolsa là dẫn đến nhà quàn, lò thiêu và nghĩa trang Peek Family, mà có thể nói tất cả con đường của thành phố nơi đây cuối cùng đều dẫn một nơi như thế, đó là nơi ta viếng người đã khuất, gặp bà con, bạn bè trong nhiều lần, và cuối cùng là nơi chúng ta đến đây trước khi trở về với cát bụi hay đi vào lòng đất!
Thật ra, đã ra đi, ai cũng có nơi đến, và con đường nào cũng có một chỗ cuối của nó! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét