Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

2359 - Bản sắc Dân tộc trong tiến trình toàn cầu hóa


Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực của con người, lằn ranh quốc gia, chủng tộc,... lần lần phai nhạt dần. Và cùng với sự tiếp tay của các nước hậu kỹ nghệ, người dân của các quốc gia đang phát triển ngày càng được tiếp thu và hấp thụ thêm nhiều thành quả của tiến bộ khoa học để cải thiện xã hội từng bước một.

Tuy nhiên cũng cần nhận rõ thêm nhiều mặt tích cực và tiêu cực của một số quốc gia Tây phương trong cung cách hành xử trước xu hướng trên để có cái nhìn khái quát về các phương cách tiếp cận môi sinh cho toàn cầu. Xin đan cử ra đây hai trường hợp cần cho chúng ta suy gẫm. Đó là trường hợp nước Đức và Pháp.

1. Về nước Pháp

Nước Pháp và người Pháp luôn luôn tự hào là chiếc nôi của cuộc cách mạng dân chủ trên thế giới qua cuộc nổi dậy phá ngục Bastille năm 1789, đã kiêu hãnh vì có một nền văn hóa ưu việt và một ngôn ngữ văn minh và tiến bộ nhất trên thế giới. Nước Pháp cũng là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển công-kỹ-nghệ và có nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu... Nhưng đứng trước nhu cầu toàn cầu hóa, người dân Pháp đã thể hiện một số mặt tiêu cực có thể làm chậm lại tiến trình đi đến gần nhau của các dân tộc trên thế giới để cùng giải quyết những vấn đề chung cho nhân loại. Thí dụ điển hình sau đây kiên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch quốc tế đã nói lên tính "cô lập" tiêu cực của người Pháp.

Kể từ năm 1994, chính phủ Pháp đã dự phóng tính toàn cầu hóa của nhân loại nên có khuyến cáo về việc sử dụng tiếng Anh trong giáo dục, dịch vụ công cộng và trao đổi quốc tế. Claude Allegre, Bộ trưởng giáo dục Pháp thời bấy giờ đã yêu cầu các nhà khoa học, nghiên cứu trong khi viết khảo luận hay báo cáo nên trình bày bằng Anh ngữ. Nhưng cho đến 2000, các tài liệu nghiên cứu từ Pháp vẫn hoàn toàn soạn thảo bằng Pháp ngữ và đây là một cản ngại lớn cho nước Pháp và thế giới trong việc trao đổi các tiến bộ của khoa học. Đến năm 2015, tình trạng có tiến bộ hơn nhưng chỉ có khoảng trên dưới 20% bài báo cáo khoa học được trình bày bằng tiếng Anh. Hiện tại, chỉ còn 130 triệu người nói tiếng Pháp so với hơn 7 tỷ người hiện diện trên thế giới.

Tính cực đoan trên còn thể hiện qua việc trao đổi trong lãnh vực hàng không. Các phi công Pháp vẫn tiếp tục cưởng lại lệnh của chính phủ đề ra trong luật An toàn Không lưu vào tháng 2/2000 về việc sử dụng Anh ngữ khi đi và đến phi trường De Gaulle (Paris).

Hai sự kiện trên thể hiện rõ tinh thần tự mãn và niềm tự ái dân tộc cực đoan của người Pháp. Và kết quả là nước Pháp hiện tại không còn ảnh hưởng mạnh về chính trị-kinh tế-văn hóa đối với các quốc gia đang phát triển như ngày xưa nữa. Vị trí của nước Pháp đã tụt xuống hàng thứ yếu cùng với các trì trệ về kinh tế-xã hội mà chính phủ Pháp đang phải đương đầu.

Trong lịch sử, ảnh hưởng của Pháp về văn hóa cùng ngôn ngữ rất quan trọng đối với Việt Nam. Vào giữa thế kỷ 20, có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều sử dụng Pháp ngữ một cách rành rọt. Cho đến năm 2000, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học trên khắp nước có 528.380 học sinh, trong đó 471.585 thí sinh chọn môn Anh văn là ngoại ngữ chính, trong khi chỉ có 18.006 chọn Pháp văn và 5.801 chọn Nga văn.

Ngay trong lãnh vực điện toán cũng vì tính cực đoan trên mà người Pháp đã để lộ ra rõ những yếu điểm trong việc chuyển ngữ các từ thông dụng quốc tế từ Anh ngữ mà đôi khi không hiểu ý nghĩa thực sự của các từ đó. Đại để như: CD rom ra Cédérom, Start-up ra Jeunes pousses (?), và lố bịch hơn nữa là Stock option ra Option sur titre (?!)

2. Về nước Đức


Trở về nước Đức, từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ người dân và chính phủ Tây Đức trong gần mười năm phải cưu mang hai vấn nạn chính:

 1- Một Đông Đức nghèo nàn và hạ tầng cơ sở cùng hệ thống công-kỹ-nghệ không còn phù hợp với cung cách phát triển mới;

2- Dân sinh và dân trí người Đông Đức ở dưới mức trung bình quá xa so với người dân Tây Đức.

3- Thêm nữa, sau gần 50 năm dưới chế độ cộng sản, người dân Đông Đức không còn thấy định hướng mới nào nữa cho xã hội đứng trước sự phát triển quá kỳ tân tiến của đồng hương từ phía bên kia bức màn sắt.

Đứng trước tình trạng đó, thay vì hành xử với cung cách của kẻ chiến thắng về kinh tế và chính trị đối với người chiến bại, chính phủ và người dân Tây Đức đã mở rộng vòng tay cứu vớt đồng bào ruột thịt Đông Đức. Họ đã tân trang, chuyển vận các công nghiệp "sạch" qua Đông Đức cùng với việc hàn gắn vết thương ý thức hệ do một chủ thuyết không tưởng đã tạo ra sự nghèo đói cho phân nửa phần đất nước.

Theo ước tính từ năm 1990, Tây Đức dự trù chuyển dịch từ 200 đến 300 tỷ Mỹ kim trong vòng 20 năm tới cho công tác trên. Vì vậy, khoảng cách kinh tế - kỹ thuật giữa hai miền đất nước lần lần được thu hẹp lại. Và hai người anh em ruột thịt Đông Đức và Tây Đức lần lần hội nhập vào sinh hoạt của một tổ quốc chung: quốc gia thống nhất Đức Quốc.

Về cung cách hành xử quốc tế, nước Đức thống nhất đã có tầm nhìn toàn cầu hóa bằng cách sáng lập và khai sinh đồng tiền chung cho Âu châu: Euro-dollar. Nước Đức thống nhất không còn đứng về phía cánh hữu cực đoan và chính phủ Đức hiện tại đã chuyển vận theo xu hướng toàn cầu hóa về lập trường chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng ôn hòa.

Về đối nội, nước Đức thống nhất đã xem đồng bào chính quốc như một, đối lại với CSBV xem bà con miền Nam còn hơn kẻ thù truyền kiếp, và đổi lại đang cỏng rắn Bắc phương về dày xéo dân tộc.

Về đối ngoại, họ đã có cái nhìn vị tha hơn đối với các quốc gia đang phát triển bằng cách mang đến cho các quốc gia nầy nhiều viện trợ không bồi hoàn và xóa nợ... hơn là tận dụng và bốc lột kinh tế - lao động.

Đức quốc trong chiều hướng tiếp cận tương lai như trên đã có một tầm nhìn thật dân tộc, nhân bản và một hướng đi khai phóng phù hợp với nguyên tắc căn bản chân chính cho nhân loại để tiếp tục cuộc hành trình trong thế kỷ 21.

Pháp và Đức là hai quốc gia cùng có chung nhiều yếu tố:

- Một nền văn minh – khoa học tiến bộ lâu đời,

- Cùng chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới từ thế kỷ 18.

- Hai dân tộc trên cũng cùng thể hiện tinh thần dân tộc cực đoan và đã từng làm xáo trộn thế giới dưới thời Napoléon và Hitler.

Tuy nhiên Pháp quốc đã đi ngược lại giòng lịch sử trước xu hướng toàn cầu hóa. Việc làm đó đã để lại cho một nước Pháp nhiều trì trệ về phát triển kinh tế - xã hội và trong lãnh vực bảo vệ môi trường. Mặc dầu vẫn còn nằm trong danh sách tám cường quốc trên thế giới, nước Pháp về nhiều phương diện vẫn còn đứng sau các nước có kỹ nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Úc, Canada, Bắc Âu... nhất là trong lãnh vực thanh lọc ô nhiễm nguồn nước và phế thải kỹ nghệ.

Ngược lại, chính phủ và người dân Đức đã thể hiện một hướng đi thật nhân bản không những đối với đồng bào ruột thịt mà cho tất cả các dân tộc ở những nước kém mở mang. Việc làm nầy thật dáng cho chúng ta suy gẫm. Tinh thần dân tộc cực đoan của người dân Đức (chủng loại siêu nhân) đã nhường bước cho xu thế xích lại gần nhau trên thế giới qua tính bác ái chung cho nhân loại.

3. Bản sắc “đảng” của CSVN

Nhìn lại Việt Nam, nhà cầm quyền hiện tại vẫn tiếp tục mang theo trong đầu ý tưởng siêu việt, đỉnh cao trí tuệ để điều hành đất nước mà không chịu mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài: thế giới của sự hợp tác hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Kết quả đã cho thấy trước mắt là sau 42 năm thống nhất đất nước, cho dù hết sức lạc quan, Việt Nam không còn thể hiện một chỉ dấu nào cho thấy xu hướng đúng đắn trong việc phát triển quốc gia nữa. Lãnh đạo không tìm ra hướng đi khả dĩ phù hợp cho sự hồi sinh của Việt Nam. Và người dân, như hàng thần "lơ láo" quanh quẩn lo toan cho cuộc sống hàng ngày (mà vẫn chưa xong!) thì đâu còn trí tuệ nào nữa để nghiền ngẫm đến việc bồi đấp quốc gia...

Còn Việt Nam đang đứng ở đâu?

Nước Việt Nam đã chính thức thống nhất từ năm 1976 về phương diện địa dư... nhưng tình tự dân tộc còn bị ngăn chặn do những rào cản vô hình. Người dân miền Nam vẫn còn mang nhiều uẩn khúc trong cuộc sống hàng ngày từ đó đến nay. Trái lại mãi mê một xã hội mà trong suốt cuộc chiến họ chưa hề hình dung ra như thế nào!

Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới, xin đan cử ra đây quan điểm của Đảng CS để chống lại sức ép của toàn cầu hóa:

"Toàn bộ vẫn đề là ở chỗ, chúng ta, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thái độ và cần hành động như thế nào trước quá trình toàn cầu hóa? Và câu trả lời của chúng ta là: "hội nhập", "mở cửa", dĩ nhiên trên cơ sở những nguyên tắc của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta, và trong hội nhập phải chủ động, phải căn cứ thực lực và không thể không cảnh giác, không thể quên đấu tranh, phải nên nhớ hội nhập mà không hòa tan".

Chính vì những suy nghĩ giáo điều trên càng làm cho đất nước ngày càng đi vào… ngõ cụt!

Tuy nói như thế nhưng cuối cùng ĐCSVN cũng phải thú nhận rằng: "nếu không tranh thủ được những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại, dù là toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối như ngày nay, thì chúng ta không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được".

Cơ hội đó xảy ra ngày 13/7/2000 sau khi Hoa kỳ và Việt Nam ký kết hiệp ước thương mại xong. Và sau 17 năm, cuộc tranh thủ của CSBV không có thêm một bước nhảy vọt nào cả ngoài việc thực hiện "toàn cầu hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa", làm cho đất nước Việt Nam ngày càng lún sâu trong đói nghèo.

4. Kết luận

- Với cung cách điều hành quốc gia và hành xử hài hòa theo xu hướng toàn cầu nước Đức đã đưa dân tộc và quốc gia đi theo chiều thuận của bánh xe lịch sử.

- Nước Pháp vẫn còn dậm chân tại chỗ mang theo tâm khảm mặc khải đứng cao và đứng xa hơn mọi tiến độ đang vận hành trên thế giới.

- Và gần đây nhất, hai người anh em Bắc và Nam Hàn với hận thù đằng đằng trong hơn nửa thế kỷ đã phải ngồi lại với nhau trong tinh thần tình tự dân tộc để bàn bạc về việc thống nhất Hàn quốc qua việc thiết lập phái đoàn thể thao mùa đông chung sẽ diễn ra vào 8/2/2018 sắp tới tại Nam Hàn. Cử chỉ và ngôn từ của hai vị lãnh tụ Nam Bắc cho thấy tinh thần hòa giải và hòa hợp thực sự của cả hai phía. Đây cũng là giải pháp thích hợp nhất cho thời đại mới: hai bên cùng chiến thắng - win-win situation. Và người dân hai miền Nam Bắc Hàn sẽ lấy lại được những gì đã mất mát trong hơn nửa thế kỷ khi nghe hai vị lãnh đạo Nam Bắc Hàn tuyên bố: một ngày mới đang khởi đầu - a new day is beginning.

Về lại Việt Nam, với những cung cách suy nghĩ nêu trên cộng thêm tâm khảm của một não trạng nghi ngờ, mặc cảm cần phải tỏ ra chủ động và hiệu chứng chuếch choáng với hơi khói chiến tranh vẫn còn đâu đây... làm sao Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới và tạo được một sự thông cảm toàn diện và đồng thuận ở cả hai mặt chính quyền và người dân như trường hợp Đức và Hàn quốc.

Thống nhất lãnh thổ chưa đủ.

Cần phải thực tâm nhận lỗi và chủ động trong việc hàn gắn lại toàn khối đại dân tộc đã rạn nứt vì đa số bị bỏ rơi, bạc đãi và xua đẩy. Chỉ có việc làm sáng suốt nầy mới có thể tạo ra cơ hội cứu vãn Việt Nam trong tiến trình mới của nhân loại.

Đến bao giờ người Việt ở cả hai miền đất nước mới được nghe câu nói "một ngày mới đang khởi đầu..." bằng tiếng Việt mặc dù Việt Nam đã thống nhất về mặt địa lý trên bốn mươi năm rồi, nhưng trên tình tự dân tộc, dường như khoảng cách Bắc – Nam ngày càng cách xa.

Vì đâu đưa ra cớ sự nầy?

Phải chăng chính là do Cộng Sản Việt Nam?

Mùa Xuân hy vọng - 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét