Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

2357 -- Chục tỷ đồng vây cá mập: Điềm báo “rông cả năm” cho ngoại giao Việt Nam’!

Thiền Lâm - Cali Today
Vietnam – Cali Today News – Chỉ vài ngày sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh căng mặt lên giọng “2017 là năm thành công nhất về đối ngoại của Việt Nam” trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại năm 2018, đã có ngay một bằng chứng sống động về “thắng lợi ngoại giao”: nhà chức trách Chi Lê phát hiện hàng trăm vây cá mập được phơi phóng công khai ngay trên mái nhà của Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê.
Cú mở màn đắng ngắt như thế có vẻ phát đi một điềm báo “rông cả năm” đối với thể chế “ngoại giao đa phương và muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Hình chụp từ xa những cái vây cá mập phơi khô trên nóc Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Santiago, Chile. (Hình: El Mostrador)

Luật Chile cấm cắt vây tươi đối với 30 loài cá mập sinh sống ở vùng ven biển Chile, kéo dài từ Đông Thái Bình Dương đến Nam Đại Dương. Trong số đó, 15 loài thường xuyên trở thành mục tiêu bị cắt vây, bao gồm loài cá mập xanh (Prionace glauca) sắp bị đe dọa và cá mập Mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus) sắp nguy cấp.
Lệnh cấm của Chile không ngăn cản đánh bắt cá mập, nhưng bắt buộc ngư dân phải mang cá mập nguyên vẹn vào bờ. Việc cắt vây cá mập trên tàu hoặc vận chuyển vây từ tàu này sang tàu khác bị nghiêm cấm. Việc đưa cá mập còn nguyên vẹn đến chợ tiêu thụ cho phép nhận dạng loài, theo dõi số lượng cá mập đánh bắt, đồng thời giảm số lượng cá mập mỗi tàu được phép bắt trước khi đưa ra giới hạn về trọng lượng.
Một sự trùng hợp rất thú vị là vụ “vây cá mập trên mái nhà Đại sứ quán Việt Nam” bị phát hiện vào đúng thời gian đang diễn ra cuộc hội thảo về bảo vệ sinh vật biển, đặc biệt là các giống cá mập do một số tổ chức quốc tế như Pristine Seas, National Geographic Society, The Pew Charitable Trust, Greenpeace, tổ chức ở Nam Mỹ, khiến cho các nhà chuyên môn và cộng đồng quốc tế phẫn nộ và giới truyền thông quốc tế không thể bỏ qua.

Đã từ lâu, nhiều thông tin cho biết vây cá mập được người Việt Nam cũng như người Trung Quốc rất quý, coi như một món ăn bổ béo rất đắt tiền, thường được ăn trong những bữa tiệc đặc biệt, chỉ những kẻ giàu có, trưởng giả mới đủ sức chi trả.
Hiện thời, giá vây cá mập ở thị trường Việt Nam lên đến hàng chục triệu đồng mỗi kg. Với phi vụ đầu cơ hàng trăm miếng vây cá mập mà được báo cáo là “chi dùng cho gia đình”, Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê có thể thu lợi bất chính đến hàng chục tỷ đồng.
Nhân vụ “vây cá mập trên mái nhà Đại sứ quán Việt Nam”, nhiều người nhắc lại các phi vụ đình đám thể hiện “vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế” cách đây không lâu như giới nhân viên ngoại giao Việt Nam buôn bán sừng tê giác và ngà voi ở châu Phi, hay vụ Đại sứ Việt Nam Lê Văn Bàng trộm sò ở New York vào năm 2015.
Trong vụ trộm sò, tờ Daily News đã đưa tin “BREAKING NEWS: Ambassador of Vietnam, Bang Van Le was arrested in USA for “clams crime””:
“Người ta bắt gặp đại sứ Lê Văn Bàng và người tài xế Nguyễn Đình Toàn hôm 31 tháng 7 ở khe suối East Hampton’s Hog Creek, tay mang các bao nhựa chứa đầy sò, các viên chức tỉnh cho biết.
Scott Allen, uỷ viên công tố viên tỉnh nói thoạt đầu hai người giả vờ không biết nói tiếng Anh khi các nhân viên trông coi bến cảng đến chất vấn họ.
Khi cảnh sát được gọi tới nơi, ông Bàng và ông Toàn vứt bỏ mấy bao sò và đòi được quyền đặc miễn ngoại giao, tờ Daily News cho biết như vậy.
Hai người bị cảnh sát cho thẻ phạt về tội câu sò bất hợp pháp và xả rác. Lấy sò không có giấy phép sẽ bị phạt 250$…”
Đến năm 2017, “quyền đặc miễn ngoại giao” của giới quan chức Việt Nam đã chính thức bị Nhà nước Đức bác bỏ sau vụ “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú” theo lối tuyên giáo của công an Việt Nam nhưng lại bị Đức cáo buộc là mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào ngày 23/7/2017. Người Đức không những đã ra thông báo tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam – một cú giáng thẳng thừng điếng người vào thói dùng luật rừng với cả thế giới cùng thói “kiêu ngạo cộng sản”, mà còn đình chỉ luôn hiệp định Đức – Việt về miễn vi sa cho những người dùng hộ chiếu ngoại giao. Cử chỉ đặc biệt tế nhị này có nghĩa là kể cả Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có muốn đi Đức thì đều phải đến Đại sứ quán Đức tại Hà Nội để xin visa.
2017 cũng là năm mà quan hệ Việt Nam – Campuchia “tốt đẹp” đến mức chỉ hai tháng sau chuyến đi của Tổng bí thư Trọng đến Phnompenh cùng món tiền tặng trị giá 25 triệu USD (lấy từ ngân sách và do đó từ tiền thuế của dân Việt) cho quốc hội nước này, Bộ Nội vụ Campuchia bất thần tuyên bố xúc tiến kế hoạch thu hồi giấy tờ tùy thân, mà thực chất là thu hồi quyền công dân, của gần 70.000 người, đa phần là gốc Việt, đang sinh sống tại Campuchia.
2017 cũng là năm “thắng lợi đa phương” của Việt Nam mà đã khiến hàng loạt quốc gia như Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và có thể cả Nhật Bản, Mỹ dường như không còn muốn tiếp nhận lực lượng lao động thủ công và kể cả du học sinh Việt Nam. Một số thị trường nhập khẩu lao động đang dần đóng cửa. Có thể nhiều du học sinh Việt Nam sẽ phải về nước…
Về mặt nội bộ, 2017 rất giống với là “năm của Phạm Bình Minh”. Tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gây ra một sự ồn ào bàn tán về vị thế chính trị sa sút của ông ta khi phải đứng ra đọc “chuyên đề về dân số và sức khỏe”, thay cho báo cáo ngoại giao.
Được khởi động bằng vụ “vây cá mập trên mái nhà Đại sứ quán”, năm 2018 sẽ “rông cả năm” cho ngành ngoại giao Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét