Giới quan sát cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang tìm cách “thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
Giới quan sát nhận định, Tổng bí
thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tung “cú đấm thép chưa từng có”
trong vụ bắt giữ và truy tố ông Đinh La Thăng, và đây là “đòn cảnh cáo” những
ai muốn thách thức mình.
Cựu quan chức từng nằm trong nhóm
hơn chục người “chóp bu” đầy quyền lực ở Việt Nam “ngã ngựa” hôm 8/12 với tội
danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng” thời còn nắm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây rúng động người dân
trong nước như thể hiện trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ông David Brown, cựu
nhân viên ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, “không ngạc nhiên” trước diễn biến này, nhất
là sau khi ông Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm, rồi sau đó là vụ
“bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, gây sóng gió quan hệ Hà Nội và Berlin.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt,
ông Thanh nắm các vị trí quan trọng ở một công ty thành viên của PVN thời kỳ
ông Thăng lãnh đạo tập đoàn nhà nước này, vốn từng đóng góp đáng kể vào ngân
sách nhưng hiện lao đao vì giá dầu giảm thời gian qua.
Ông Trịnh Xuân Thanh "cung cấp
bằng chứng" về ông Thăng để "tự cứu mình"?
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn,
người quan sát tình hình chính trường Việt Nam, cho rằng ông Thanh “được cho là
con át chủ bài” trong hồ sơ về ông Đinh La Thăng”.
Còn ông Brown nhận định rằng “nhiều
khả năng, để tự cứu mình, ông Thanh đã cung cấp bằng chứng mà giới chức có thể
sử dụng để chống lại ông Thăng và ông [Nguyễn Quốc] Khánh [cựu Chủ tịch PVN]”.
Ông Khánh bị tước tư cách đại biểu
quốc hội và bị bắt giam cùng ngày với ông Thăng với cùng tội danh.
Chuyên gia David Brown cho rằng Tổng
bí thư Trọng “muốn làm trong sạch đảng khỏi những thành phần suy thoái và cơ hội
nhằm khôi phục lại uy tín của đảng”.
“Các vụ khởi tố ở PetroVietnam được
'dàn dựng' nhằm mục đích cảnh cáo bất kỳ ai muốn thách thức kế hoạch đó của ông
Trọng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: ông Thăng và ông Khánh sẽ thú tội tới mức độ
nào để tránh bị án nặng nhất?” ông Brown nói.
Nếu bị kết tội, ông Thăng đối mặt
với án có thể lên tới 20 năm tù giam, theo Bộ Luật hình sự.
Ông Đinh La Thăng và Ngoại trưởng
Mỹ John Kerry trên một tòa nhà ở TP HCM giữa năm 2016.
Báo chí trong nước nhiều ngày qua
đã khai thác triệt để vụ ông Đinh La Thăng, nhưng không thấy ý kiến của luật sư
bào chữa cho ông hay người thân của cựu quan chức từng nắm nhiều trọng trách
này.
Nhà hoạt động Tuấn viết trên
Facebook: “Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông [Thăng], sau một thời
gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm
của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu
đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ
quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãi bày với báo chí
thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan
tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước
dân chủ pháp trị?”
Nhận xét các diễn biến về ông
Thăng, chuyên gia Brown cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn
Phú Trọng, đang tìm cách “thanh trừng các đồng minh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng”, người từng thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực trước thủ lĩnh của
Đảng Cộng sản Việt Nam năm ngoái.
Nhận định này giống với các ý kiến
của một số hãng thông tấn đang đặt văn phòng tại Việt Nam. Reuters hôm 9/12 đưa
tin, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam “bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến
chống tham nhũng có động cơ chính trị” và “nhắm vào những người thân cận với cựu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
Ít ngày sau khi các cựu quan chức
dầu khí rơi vào vòng lao lý, trong một diễn biến khác cho thấy cuộc chiến chống
tham nhũng đang gia tăng cường độ ở Việt Nam, ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch
Tập đoàn Cao su Việt Nam, một công ty lớn của nhà nước, đã bị khởi tố hôm
12/12, nhiều năm sau khi đã về hưu.
Thời gian vừa qua, ông Trọng có
những tuyên bố chống tham nhũng được báo chí chính thống và nhiều cư dân mạng
trích dẫn lại như: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” hay “đánh
con chuột đừng để vỡ bình”, “không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin,
nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”.
Nhà nghiên cứu David Brown cho rằng
ông Trọng “đang làm những gì ông cho là cần thiết để duy trì vị thế độc đảng”.
Chuyên gia này nói thêm: “Nếu nó
giống với những gì hiện diễn ra ở Trung Quốc [nơi hiện có chiến dịch “đả hổ diệt
ruồi], đó là bởi vì cả hai đảng cùng đối mặt với các thách thức tương tự, chứ
không phải bởi vì ông Nguyễn Phú Trọng nhận lệnh từ quốc gia láng giềng lớn ở
phương bắc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét