Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Hành trình Biển Hồ 1: Kampong Chhnang Bấp bênh với sóng gió

Tonle Sap rộng lớn mênh mông một vùng biển hồBiển Hồ Tonlesap
Kể từ khi trở lại Campuchia vào những năm đầu thập niên 1980, nhiều bà con Việt kiều vẫn chưa có mẩu giấy tùy thân hợp pháp nào. Thêm vào đó, những năm gần đây, người dân còn cáo buộc tình trạng bị "ức hiếp, lừa gạt" bởi chính tỉnh hội người gốc Việt.
Sau hai tiếng lái xe từ thủ đô Phnom Penh, đến tầm trưa hôm 8/12, phóng viên BBC có mặt tại xã Phsa Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, một tỉnh nhỏ ở Biền Hồ, nơi có một số lượng lớn người gốc Việt sinh sống.

Tôi gặp với ông Nguyễn Văn Nam, một người dân có chút hiểu biết về luật pháp và thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Việt.
Như nhiều người Việt sinh sống ở đây, ông Nam và gia đình đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn trở về Việt Nam để chạy nạn Khmer Đỏ.

Những ngôi nhà gỗ chòng chành chông chênh đặc trưng trên Biển Hồ
Image captionNhững ngôi nhà gỗ màu xanh dương chòng chành chông chênh đặc trưng của người gốc Việt trên Biển Hồ

Đóng nhiều loại phí, nhiều loại giấy tờ mà không có kết quả

Và cũng như hầu hết người dân ở đây đều, sau khi chạy nạn thì đã mất hết giấy tờ tùy thân cũ và cứ liên tục phải làm nhiều giờ khác nhau.
Ông Nam cho biết: "Trong thời gian đó tôi sống ở đây thì có nhiều vấn đề phức tạp về vấn đề giấy tờ vì người Việt ở đây mỗi năm cứ làm giấy mãi làm giấy hoài, cứ đóng mỗi năm vậy đó không nhiều thì ít có lúc 5000, 10.000, 15.000 Riel..
Người dân cứ đóng các khoản phí "bí ẩn" từ khoảng 20 năm nay nhưng không rõ giấy tờ thủ tục đi đến đâu.
Nhưng khi có người ý kiến tại buổi họp chi hội để xin tiền để hỗ trợ người dân khoản phí trên thì bị "giật mic".
Tuy nhiên, người dân sau đó cùng nhau làm một số lá đơn kiến nghị, xin nhờ giúp đỡ, gửi lên nhiều cơ quan chính phủ Campuchia.
"Sau đó thì tiền về," ông Nam cho biết. "Có quan chức Campuchia xuống đưa tiền cho người dân đóng, sau đó thu lại." Tuy nhiên ông Nam nói không biết số tiền này đến từ đâu.


Sau khi đóng 250,000 Riel, người dân sẽ được nhận Thẻ Ngoại Kiều (như trong hình). Cứ hai năm đóng một lần, đến năm thứ 7 thì họ đủ tiêu chuẩn để đăng ký nhập quốc tịch Campuchia.
Image captionSau khi đóng 250,000 Riel, người dân sẽ được nhận Thẻ Ngoại Kiều (như trong hình), cứ hai năm đóng một lần. Theo luật Campuchia, sau khi được thừa nhận sinh sống hợp pháp 7 năm, tức đóng phí 3 lần, đến năm thứ 7, người gốc Việt đủ tiêu chuẩn để đăng ký nhập quốc tịch Campuchia

Khi BBC hỏi về vấn đề xích mích, kỳ thị với người Khmer bản địa, thì ông Mạnh nói theo ông được biết thì ở Kampong Chhnang không có vấn đề gì.
"Mình sống ở đất nước người ta thì sao mà mình xích mích gì với người ta," ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, ông Mạnh kể lại một trường hợp khi con dâu là người Khmer sinh cháu, nhưng vì chồng là người Việt, phía chính quyền Campuchia "không chịu làm giấy khai sinh". Phải nhờ đến bà ngoại là người Khmer lên làm giấy thì mới được cấp.
Hiện không rõ những gia đình thuần Việt thì có giấy tờ bằng cách nào.

Cáo buộc tỉnh hội 'lừa đảo bán đất lấy tiền'

Đồng thời vào năm 2015, người dân được thông tin phải di dời rồi vùng Chợ Nồi ở trung tâm tỉnh Kampong Chhnang.
Ông Nam cho biết khi đó "đuổi là tự đi, không ai giúp đất hay tiền để dỡ nhà, số tiên nho nhỏ để cắt nhà chòi tranh cũng không có, là tự mình lên, tự lo."


Nhiều em nhỏ không có giấy khai sinh, không thể đến trường mà ở nhà phụ cha mẹ chài lưới
Image captionNhiều em nhỏ không có giấy khai sinh, không thể đến trường mà ở nhà phụ cha mẹ chài lưới

Một người dân khác là ông Nguyễn Văn Mạnh thì nói, "Cuộc sống hồi đó không khó khăn đâu, do tỉnh hội của ông Bé làm khó khăn 8 năm nay. Năm 2000 có ông Bảy Tân là dân bầu. Ông đó ổng lo cho dân sau ổng chết thì Bùi Văn Bé lên làm, cấu kết với chính quyền làm khó dân, ức hiếp dân," ông Mạnh nói.
Ông Bùi Văn Bé mà ông Mạnh đề cập là chi hội trưởng Hội người gốc Việt ở tỉnh Kampong Chhnang.
Năm 2015, người dân bị yêu cầu di dời khỏi khu Chợ Nồi, vùng trung tâm của tỉnh và phải chuyển lên bờ sinh sống.
Người dân cáo buộc khi đó ông Bé nói con trai bán đất cho người dân và ông Bé đứng ra làm chứng với tư cách chủ tịch tỉnh hội.
"Nói ông Bé làm giấy chủ quyền [đất] ông Bé không làm, đòi tiền cũng không trả, nói nặng thì ông Bé đe dọa sẽ cho công an bắt bỏ tù," ông Mạnh cho biết, nói rằng người dân còn bị đe dọa sẽ bị "công an bắt giữ" nếu "tiếp tục có ý kiến".
"Bà con phàn nàn dữ lắm, đòi ông Bé trả tiền. Chi hội gì mà toàn kinh doanh gia đình chứ không lo cho bà con," ông Mạnh nói.


Một cửa tiệm cơ khi lềnh bềnh trên Biển Hồ ở Kampong Chhnang
Image captionMột cửa tiệm cơ khi lềnh bềnh trên Biển Hồ ở Kampong Chhnang

"Đất đó là đất ngập nước là đất không được giấy chứng quyền mà ổng nói con trai là Bùi Minh Tâm, thừa nhận ký bán đất rừng bán. Tôi không hiểu làm sao ổng là người Việt lấy đất Campuchia đem bán được, mà nhiều bà con tin tưởng rốt cuộc đưa tiền, rồi giờ nhà nước lấy lại hết trơn," ông Nam giải thích.
Theo luật Campuchia, nếu không có quốc tịch Campuchia thì không thể mua đất. Việc 'mua đất' không thành nên từ 2015 đến nay, người dân vẫn sinh sống trong những căn nhà nổi ở một khu hẻo lánh.
Chúng tôi sau đó đã tìm cách liên lạc với ông Bùi Văn Bé nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn, nói rằng chỉ ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội mới có quyền phát ngôn với báo chí.

'Chỉ mong sống ở mé sông, không chống luật pháp Campuchia'

Nếu khổ vậy thì ông có khi nào nghĩ sẽ về Việt Nam không? Phóng viên BBC hỏi ông Mạnh.


Một gia đình Việt-Khmer ở Kampong Chhnang
Image captionMột gia đình Việt-Khmer ở Kampong Chhnang

"Muốn về thì phải làm đơn xin về bển, mà mỗi đơn là 200 đôla. Tiền đâu mà chúng tôi làm. Mà đây là tiền chi hội đòi đóng. Về [Việt Nam] mà không có giấy tờ của chi hội thì họ không nhận," ông Mạnh nói.
"Chi hội kèm cặp quá rất là tội cho dân, tất cả bà con chúng tôi. Anh em chúng tôi không biết sao thoát được cảnh khổ."
"Về chuyện bị đuổi lên bờ, đa số chúng tôi làm ăn nghề chài lưới, không quen cuộc sống trên bờ, nên mong cô bác các hội trong ngoài nước ủng hộ, bà con không chống luật pháp Campuchia, chỉ xin được ở gần mé sông để quản lý xuồng ghe, tài sản, tiếp tục làm nghề chài lưới, đánh bắt cá," ông Mạnh phân trần.


nhà nổi Kampong Chhnang
Image captionKhông có giấy tờ trong tay, không thể sở hữu đất, nhiều người gốc Việt vẫn sống trên các căn nhà nổi tạm bợ vùng Biển Hồ ở tỉnh Kampong Chhnang

Xin mời quý vị và các bạn đón đọc phần 2 về chuyến đi đến Siem Reap và phần 3 về cuộc phỏng vấn với chủ tịch Hội người gốc Việt ở Phnom Penh của phóng viên Thùy Linh.
Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét