Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Đinh La Thăng: Bất thường, bất ngờ, bất chấp!?


Cách đây vài tuần, tôi có viết bài: “Đinh La Thăng (ĐLT) - Đỉnh cao của những bất thường” (Danluan.org). Những tưởng, sau bài đó, chẳng còn điều gì để bàn về sự bất thường một khi “nó” đã đạt đến đỉnh cao!
Thế nhưng, cuộc đời luôn khó lường với chữ ngờ - nhất là trong cái thời, luật văn bản chả là cái gì so với… luật rừng! Lịch sử tố tụng của Nước CHXHCN VN sẽ phải ghi nhận KỶ LỤC vô tiền khoáng hậu của ĐLT cùng vụ án “ĐLT và đồng phạm”.

Chưa bao giờ dư luận chứng kiến “chuyến tàu tốc hành” trên đó chở cựu Ủy viên Bộ Chính trị - bị cáo ĐLT, lao đến đích “kết án thật gấp” lại chạy nhanh với tốc độ kinh hoàng đến như thế.
Ngày 8.12.2017 khởi tố, bắt tạm giam. 12 ngày sau, hoàn tất hồ sơ kèm theo Lệnh Truy tố (20.12.2017) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, BLHS.
Như thế vẫn chưa… phải là “nhiều”: Nếu trừ đi 4 ngày nghỉ, thì, toàn bộ thời gian để QUYẾT “xong” SỐ PHẬN của quan chức cao nhất bị truy tố, tính từ thời ông Hoàng Văn Hoan (1979), chỉ còn có 8 ngày!
Có lẽ, ĐLT là người được sinh ra để kết duyên cùng với “kỷ lục”!
Sau khi có quyết định truy tố ít ngày, Phiên tòa được ấn định thời gian đem ra xét xử gần như ngay lập tức: 8.1.2017, tức là tròn một tháng, kể từ khi bị bắt.
Chưa bao giờ có vụ án liên quan đến cán bộ cao cấp, với vô vàn sợi dây khuất tất, mờ ám, trắng đen nhập nhằng lại có thể xử một cách quá VỘI, quá nguy hiểm như thế.
Tính bất ngờ của sự bất thường của vụ án còn làm cho giới quan sát khó nghĩ hơn nữa khi, kể từ ngày 1.1.2018, theo BLHS mới, Điều 165 về tội danh “cố ý làm trái” sẽ bị hủy bỏ, thay thế bằng 9 tội danh khác.
Các điều luật mới, nằm trong Mục 3 Chương 18 từ Điều 217 đến Điều 234 của BLHS 2015.
Trong chương này bao gồm 9 tội danh: Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224), Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Điều 225).
Nếu ông ĐLT phạm tội sau 0 giờ ngày 1.1.2018 thì Cơ quan CSĐT có thể truy tố vào hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo Điều 219)” hoặc hành vi “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 220)”.
Tất nhiên, vì ông ĐLT phạm tội trước 0 giờ ngày1.1.2018 nên quan tòa vẫn xử theo BLHS năm 1999 bất chấp BLHS năm 2015 đã có hiệu lực pháp lý!
Tuy nhiên, quan tòa không thể không bị phân tâm, bối rối khi phân định tội danh theo một cái “khung vô hình” nằm chơi vơi giữa hai bộ luật đó.
Theo thông lệ lâu nay, một khi luật mới có hiệu lực, luôn phải kèm theo Thông tư hướng dẫn cùng việc giải thích các điều luật thay thế.
Tội danh của ông ĐLT có khung hình phạt cao nhất là 30 năm tù ở. Nếu ĐLT bị ghép thêm tội danh (gần như chắc chắn) là tham ô 14 tỷ đồng thì, mức án có thể là tử hình.
Thế nhưng, cũng theo luật mới có hiệu lực từ 1.1.2018, án tử hình sẽ không còn nữa nếu bị can nộp 3/4 số tiền đã tham ô!
Đến đây lại “mắc” luôn cái thòng lọng trớ trêu của “trò chơi” pháp lý của vương quyền: Làm sao có thể giảm án cho ĐLT khi cấp dưới của ông ta là Nguyễn Xuân Sơn đã bị tuyên án tử hình về những tội mà Sơn đã vi phạm bởi làm THEO LỆNH của ĐLT!
Chắc hẳn các tác giả của bộ phim “Trò chơi Vương quyền” cũng khó có thể nghĩ ra cái kịch bản nào rắc rối hơn những mâu thuẫn của bất thường chồng chéo lên vô số những bất ngờ; rồi, được gỡ nút thắt bằng rất nhiều cái… bất chấp, mà trong đó, cái bất chấp bi hài nhất là người ta truy tố bị can một tội danh mà chỉ 10 ngày nữa, tội danh đó không còn nữa, và nó sẽ được thay thế bằng một hay “vài” trong 9 tội danh khác?
Giả sử ông ĐLT bị buộc tội tham ô 14 tỷ, theo luật 1999, mức án cao nhất là tử hình; nhưng theo luật 2015 thì có thể nộp 3/4 số tiền tham ô để thoát án tử!
Trong trường hợp này, sẽ áp dụng theo luật cũ hay mới?
Lẽ ra, theo nguyên tắc, một khi luật mới đã có hiệu lực thì tội danh theo luật cũ sẽ tự động được quy chiếu (đổi) theo tội danh mới và xử theo luật mới…
Như vậy, có thể thấy, người ta đã rất VỘI để hoàn tất hồ sơ (8 ngày) để KỊP truy tố theo Điều 165 BLHS năm 1999 (nếu để chậm sau 11 ngày (1.1.2018) sẽ phải truy tố theo tội danh khác và sẽ không còn bị tử hình nếu bị cáo nộp 3/4 số tiền do tham nhũng mà có).
Nhân đây, xin nói thêm rằng, tính chất “bất chấp” trong vụ việc ĐLT, có hơi hướng “cùng cha khác mẹ” với sự phi thường của “bất chấp” trong vụ án Vũ Nhôm: Báo chí đăng tải đất đai mà Vũ Nhôm “mua” được bằng sự bất hợp pháp ở Đà Nẵng, dày, nhiều như sao sa; thế nhưng, chẳng quan tòa và cơ quan tố tụng nào thèm quan tâm: Người ta khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”?…
Trong trường hợp của Vũ Nhôm, tham nhũng là chuyện vặt. Trường hợp của ĐLT, thời gian cần để “chín” một vụ án, sao cho khỏi làm thương tổn đến số phận chính trị cả một đời người, nhỏ hơn cả chuyện… vặt?!
Xem ra, thực chất của vấn đề của Vũ Nhôm hay ĐLT, chúng nó nằm đâu đó phía trên, sau của 7 sắc ảo giác cầu vồng…
Đó là: Cuộc chơi của “trò chơi” thực ảo mà cả một trời mê cung thật - giả khó lường, được trưng bày khó hiểu hơn mọi nỗi buồn đã từng xuất hiện trên cõi trần ai…
Dù muốn hay không, bất kỳ ai cũng phải đặt câu hỏi: Để trở thành một Ủy viên Bộ CT, phải mất hàng chục năm trời. Thế nhưng, để XÓA BỎ hàng chục năm công dày, tội lớn, uẩn khúc và chằng chịt các đúng - sai ấy, chỉ cần vài chục ngày là đủ để khởi tố - truy tố - xét xử?
ĐLT có tội là hiển nhiên.
Trừng phạt thích đáng là tất nhiên.
Nhưng mà, vội vàng và nhanh hơn cả “quá nhanh, quá nguy hiểm” là sự không công bằng, trong cái cách suy xét giản dị nhất của lẽ đời!…
Cho dù lý giải theo cách nào đi nữa, quyết định đến số phận của một KIẾP NGƯỜI; lẽ phải và sự công bằng, luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, khách quan!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét