1. Tin Nga: Chấp nhận tham gia
Olympic Pyeongchang 2018 không quốc kỳ
Các vận động viên Nga đến
Pyeongchang, Hàn Quốc, sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 dưới màu cờ
Olympic. Đó là quyết định của Ủy ban Olympic Quốc gia Nga sau phiên họp hôm qua
12/12/2017. Matxcơva đã chọn giải pháp không đối đầu, chấp nhận án phạt của Ủy
Ban Olympic Quốc Tế đối với thể thao Nga vì những vụ bê bối sử dụng doping,
theo đó những vận động viên « sạch » vẫn có thể tham dự Olympic Pyeongchang,
nhưng sẽ không có quốc kỳ hay quốc ca Nga. Các vận động viên Nga được CIO xác
nhận không dùng doping sẽ được phép đến Hàn Quốc thi đấu.
2. Tin Pháp: Thượng đỉnh khí hậu
Paris và 12 cam kết vì hành tinh xanh
Giảm nhiên liệu hóa thạch, khuyến
khích năng lượng tái tạo. Đó là nội dung 12 cam kết cụ thể của những công ty,
ngân hàng, nhà tài trợ tham dự thượng đỉnh « Vì một hành tinh » ngày 12/12/2017
tại Paris để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong hiệp định COP 21.
Huy động tài chính tư nhân và quỹ
đầu tư nhà nước là mục tiêu mà thượng đỉnh Paris nhắm tới. Để chiến lược « chuyển
đổi năng lượng » thành công, phải cần đến 3.500 tỷ đô la hàng năm, trong vòng
30 năm, cho đầu tư phát triển năng lượng sạch.
3. Tin Việt Nam: Tìm thấy thêm 58
hang động mới tại Phong Nha
Hang Thiên Đường, một
trong số hàng trăm hang động ở tỉnh Quảng Bình.
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng,
một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vừa phát hiện thêm 58 hang động mới tại
các xã vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa. Số hang động này được tìm thấy trong một
cuộc khảo sát dựa trên thông tin do người dân địa phương cung cấp.
Trong số 58 hang động mới phát hiện,
có nhiều hang lớn và có giá trị. Một số hang phải đi đường rừng từ 2-3 ngày mới
tới được. Một số hang có thể đã được sử dụng trong thời chiến vì các nhân viên
khảo sát phát hiện những hộp mực trong các hang này. Hiện vẫn còn một số hang mới
chưa được khảo sát.
4. Tin Trung Cộng: Tưởng niệm 80
năm vụ thảm sát Nam Kinh
Quang cảnh lễ tưởng niệm
vụ thảm sát Nam Kinh 1937 ngày 13/12/2017. REUTERS/Stringer
Theo AFP, hôm nay, 13/12/2017,
Trung Quốc tổ chức tưởng niệm các nạn nhân bị quân đội Nhật thảm sát tại Nam
Kinh cách đây đúng 80 năm. Thảm kịch trong Thế chiến thứ 2 này vẫn luôn là mối
hiềm khích ám ảnh quan hệ giữa hai cường quốc châu Á.
Ngày 13/12/1937, quân đội Nhật
Hoàng vào chiếm Nam Kinh, khi đó là kinh đô của Trung Quốc dưới triều đại nhà
Thanh. Theo các nhà sử học Trung Quốc, trong 6 tuần chiếm đóng quân Nhật đã tiến
hành các cuộc tàn sát, cướp bóc, đốt phá thành phố, làm 300 nghìn thường dân và
binh lính Trung Quốc bị chết.
5. Tin Hoa Kỳ: Đề nghị đàm phán,
nhưng đã chuẩn bị chiến tranh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson
đề nghị mở thảo luận với Triều Tiên mà không đặt ra bất cứ điều kiện tiên quyết
nào, tuy nhiên ông nói thêm rằng Bình Nhưỡng phải cho thấy là họ sẵn sàng chọn
những giải pháp khác để thay đổi hướng đi trong các chương trình hạt nhân và
phi đạn của mình.
Ông Tillerson loan báo đề xuất
này trong bài diễn văn đọc tại Diễn đàn Quỹ Hội đồng Đại Tây Dương - Hàn Quốc
hôm 12/12. “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cần phải tới bàn hội nghị để
đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào họ muốn, nhưng họ phải tới
bàn hội nghị trong tinh thần là mong muốn có một sự lựa chọn khác. Như đã nói
nhiều lần, tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao cho đến khi quả bom đầu tiên
rơi xuống.”
6. Tin Thổ nhĩ Kỳ: 'Jerusalem phải
là thủ đô Palestine'
Ông Erdogan tại đại hội của đảng
cầm quyền AK hôm đầu tháng 12 ở Istanbul: Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cổ vũ
cho nghị trình dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo.
Ông Erdogan đọc diễn văn trước
hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phê phán quyết định của chính
phủ Hoa Kỳ coi Jerusalem là thủ đô Israel. Dù là đồng minh quan trọng của Mỹ
trong khối NATO, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là "quyết định vô giá trị"
từ Hoa Kỳ. Ông nay muốn thế giới Hồi giáo công nhận Jerusalem là "thủ đô
bị chiếm đóng của nhà nước Palestine".
7. Tin Châu Âu: EU ngưng tài trợ
cho bầu cử vào năm tới tại Campuchia
Liên Minh Châu Âu EU quyết định
ngưng các khoản tài trợ giúp Campuchia tổ chức bầu cử, lấy lý do không tin cuộc
bầu cử vào tháng Bảy năm tới ở Xứ Chùa Tháp sẽ diễn ra theo đúng tinh thần tự
do và công bằng.
Trong văn thư gửi cho Ủy Ban Bầu
Cử Quốc Gia Campuchia, EU viết rằng cuộc bầu cử mà đối lập không được quyền
tham gia sẽ bị xem là cuộc bầu cử không hợp pháp. Văn thư viết tiếp dựa theo những
gì đang xảy ra, Liên Minh Châu Âu không thể hỗ trợ cho công tác tổ chức như đã
hứa. Quyết định của EU liên quan đến việc chính phủ do Thủ Tướng Hun Sen lãnh đạo
đàn áp đối lập, qua việc bắt giữ lãnh tụ Kem Sokha, và dùng phán quyết của Tòa
Tối Cao để giải tán đảng Cứu Quốc.
8. Tin Trung Cộng: Âm thầm xây trại
tị nạn dọc biên giới với Triều Tiên
Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng cạnh sông Tumen, biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Trung Cộng đang âm thầm xây dựng
một mạng lưới trại tị nạn dọc theo biên giới dài 1.416 km với Triều Tiên nhằm
đón đầu một cuộc di cư tiềm tàng do xung đột hoặc do chế độ Kim Jong-un sụp đổ.
Báo New York Times, tờ Guardian
và một số hãng tin quốc tế khác cho biết 3 làng thuộc quận Changbai và 2 thành
phố của tỉnh Jilin đã được chọn làm nơi xây dựng trại tị nạn. Thông tin này được
trích từ tài liệu của một công ty truyền thông nhà nước Trung Quốc, China
Mobile, công ty dường như được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ internet cho 5 địa
điểm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét