Trước hết, việc ông Thăng bị bắt
và sẽ bị xử là chuyện không có gì bất ngờ, chuyện "tất yếu", chuyện
tiếp theo những chuyện đã kể, màn thứ hai của vở diễn Dầu khí Việt Nam và có thể
còn tiếp dài nữa, nếu giữa chừng không xảy ra cái biến cố cũng rất quan trọng
và rất "tất yếu" khác.
Việc xảy ra chậm hơn dự liệu chỉ
chứng tỏ tính phức tạp của vụ việc. Nếu có gì khác thì đó là cách tổ
chức thực hiện, vì thực hiện như thế nào phản ánh tâm và thế của ta&sc giả
của nó.
"Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý"
17h19, ngày 8/12/2017, báo
VnExpress.net, tờ báo đầu tiên đưa tin Quốc hội họp bất thường bãi miễn tư cách
đại biểu của ông Đinh La Thăng, Bộ chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng và sinh hoạt
cấp uỷ trung ương. Ngay sau đó, Bộ Công An phát lệnh khởi tố bắt tạm giam.
18H45, xe 7 chỗ biển xanh của cảnh
sát xuất hiện, đi thẳng vào sảnh chung cư khu đô thị Sông Đà, nơi ở của gia
đình ông Đinh La Thăng. 30 phút sau, cổng vào khu vực sân chung cư đóng hoàn
toàn, đèn tắt, chỉ còn công an là những bóng người xuất hiện tại khu vực. Lệnh
bắt tạm giam và khám xét tại gia đã được thực hiện chỉ sau quyết định của Quốc
hội và lệnh của bộ Công an không quá một giờ. Khám và bắt kết thúc vào lúc
20h30, trong cùng ngày 8/12.
Tất cả mọi con bài cùng lật một
lúc. Thấy con bài cũng là lúc hai tay đã lọt trong tròng khóa số 8. Nhanh không
kịp thở.
Nhanh và bất ngờ vì: Mọi việc đã
được lên kế hoạch từ trước.
- Ngày 8/12 là một ngày cuối tuần,
khi mọi quan tâm được dành cho gia đình.
- Ông Trọng biến mất từ sau cuộc
gặp mặt cử tri ngày 29/11. Râm ran tin đồn ông bị trụy tim, đột quỵ, phải đi
Singapore chữa bệnh (không biết ai, hay chính ông phóng ra cái tin nhảm đó). Đó
là khoảng lặng trước cơn bão, hay là bước thu mình trước khi vồ mồi của mãnh
thú. Ông xuất hiện trở lại ngày 8/12, chính là ngày phát nổ và kết thúc mọi
chuyện, chỉ trong nửa buổi chiều.
- Ngày 07/12, tức là trước giờ G
một ngày, ông Trần Quốc Vượng ký ban hành Quy định khai trừ ra khỏi đảng mọi
hành vi tiêu cực và liên hệ với tiêu cực. Có tất cả trong cái quy định không mới
mà rất mới này. Nó là lưỡi gươm Damocles, nó cách ly, nó cô lập đối tượng, nó tập
hợp, và kêu gọi đầu hàng v.v...
- 10h sáng ngày 8/12, Bộ chính trị
triệu tập nghe báo cáo của 5 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị về công tác cán bộ
do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Không một ủy viên Bộ Chính trị nào được
phép vắng mặt. Nhưng vắng mặt một người: Trần Quốc Vượng. Không tìm thấy ông
trên những bức ảnh chụp hội nghị.
- Đầu giờ chiều ngày 8/12, Thường
vụ Quốc Hội họp phiên bất thường ra quyết định bãi miễn tư cách đại biểu, tước
quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền miễn trừ khởi tố bắt giam của ông Đinh
La Thăng.
- Cùng lúc đó, tại văn phòng Ban
bí thư trung ương đảng, ông Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ chức Trung ương ký
quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng và sinh hoạt cấp uỷ của ông Đinh La Thăng.
Việc này có nghĩa là đình chỉ tư cách đảng viên của ông Thăng trước khi thủ tục
khai trừ được thực hiện tại chi bộ.
- Cũng trong cùng buổi chiều ngày
8/12, ông Quang (bị phải) triệu tập phiên thứ hai Hội đồng Quốc phòng và An
ninh quốc gia. Cuộc họp này buộc phải có mặt tất cả năm vị quyền lực tối cao
quan hệ tới an ninh quốc gia và ổn định của chế độ: ông Quang, Chủ tịch nước, Tổng
tư lệnh quân đội; ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng; bà Nguyễn Thị Kim ngân, chủ
tịch Quốc hội; ông Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Quốc phòng, ông Tô Lâm, Bộ trưởng
Công an, ông Phạm Bình Minh Bộ trưởng Ngoại giao. Cùng có mặt với 5 vị đứng đầu
này là toàn bộ trưởng ngành, trưởng các đầu mối của hệ thống An ninh quốc gia.
Phủ chủ tịch đã trở thành một trại tạm giam, ít nhất trong phạm vi nửa ngày
8/12. Vô hiệu hoá mọi khả năng tạo ra nguy cơ.
- Cuối cùng là lệnh bắt giam và
khám xét tại nhà của nguyên ủy viên bộ chính trị, cựu Chủ tịch Hội đồng thành
viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nguyên Bộ trưởng giao thông vận tải,
nguyên bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng. Việc chuẩn bị hàng năm, lên kế hoạch
hàng tháng, nhưng thực hiện và hoàn thành trong chưa đầy một tiếng. Đó là tóm tắt
nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Việc dụng mưu, và nhất là mưu hiểm
cho thấy tâm trạng thiếu tự tin và tình thế không chắc chắn của các đạo diễn.
Trịnh Xuân Thanh, viên đá khóa vòm
Giữa năm 2016, từ một sơ suất do
chủ quan của lãnh đạo bộ Công an, Trịnh Xuân Thanh đã tẩu thoát ra nước ngoài.
Ngày 15/9/2016, toàn bộ hệ thống bộ xậu của Thanh trong Tổng công ty xây lắp dầu
khí PVC, bị bắt hết: Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc, nhân vật thứ hai, Nguyễn Mạnh
Tiến, Phó tổng Giám đốc 1; Trương Quốc Dũng, Phó tổng Giám đốc 2; Phạm Tiến Đạt,
Kế toán trưởng. Tuy nhiên, đây chỉ là cấp thừa hành. Vũ Đức Thuận và đồng bọn,
mặc dù biết và nắm bắt được hết mọi chi tiết diễn biến các vụ việc, và đã khai
hết, nhưng không chịu trách nhiệm. Người chủ trương, người trực tiếp giao nhiệm
vụ cho họ là Trịnh Xuân Thanh. Và tất nhiên, họ biết, ngay cả Trịnh Xuân Thanh
cũng chỉ là cấp thực hiện, nhưng là người nhận trực tiếp.
Chuyện phải hiểu thế này: giá dầu
thế giới trượt từ 50 đôla lên xấp xỉ 145 đôla một thùng những năm từ 2006-2011,
mỗi năm Việt Nam xuất bán khoảng 20 triệu tấn, tiền lãi ngoài hạch toán lên tới
7-9 tỷ đôla. Số tiền này nằm tại Tài khoản của Tập đoàn Dầu khí. Nếu báo lãi
ngoài hạch toán, tức là lãi không do tác động của sản xuất hay quản lý, Tập
đoàn dầu khí buộc phải nộp hết về cho ngân sách. Nhà nước có thể giàu có hơn,
nhưng cá nhân chẳng ai được gì. Bằng kỹ thuật sổ sách kế toán, có thể làm biến
mất các con số lãi một cách không khó khăn, vì không xuất hiện chi phí. Người
phát hiện ra số tiền này là ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng bộ Công thương,
cơ quan chủ quản của Tập đoàn dầu khí. Thích hợp nhất cho công việc này là người
phải từng là kế toán trưởng một công ty lớn và vừa phải là một tổng giám đốc
tinh thông luồng lạch quy trình của sản xuất và vòng khép kín của đồng tiền.
Không ai có thể thích hợp hơn Đinh La Thăng, từng 5 năm, 1989-1994, kế toán trưởng
Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty lớn nhất quốc gia, rồi sau đó, từ 1999 tới
2003, lần lượt kinh qua từ Phó tổng giám đốc, Tổng Giám đốc cho tới 2002 thì vừa
là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, vừa làm phó
chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, vừa làm ủy viên trung ương Hội Kế toán Quốc
gia. Phát hiện ra Đinh La Thăng là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trời sinh
ra cặp ba hoàn hảo, vì có lẽ cả "trời cũng tối mắt" vì đống tiền kếch
xù là của công, ủa Nhà nước, của toàn dân, của chủ nghĩa xã hội, nghĩa là chẳng
của ai cả.
Chuyện này, chúng ta đã nói nhiều
lần. Chu trình ăn cắp tiền được tổ chức thực hiện như sau: Tập đoàn Dầu khí
trình thủ tướng chính phủ duyệt cho phép đầu tư hàng loạt dự án ngoài ngành. Tập
Đoàn lập hàng loạt Ban Quản lý dự án tương ứng. Tập Đoàn thành lập Tổng công ty
xây lắp Dầu khí làm đầu mối duy nhất nhận và giao các công ty trực thuộc và thầu
phụ các dự án xây dựng. Tập đoàn giải ngân cho các Ban Quản lý. Các Ban Quản lý
giản ngân cho Tổng Công ty Xây Lắp. Tổng công ty xây lắp tạm ứng vốn và thanh
quyết toán với các công ty con và các thầu phụ. Tiền đi ra từ tài khoản sang
tài khoản, nhưng đến cấp công ty con và thầu phụ, thì thành quỹ lương và các
khoản được chi bằng tiền mặt. Bằng mọi thủ đoạn, lập công ty ma, lập chứng từ
khống, lập quyết toán khống, lập báo cáo trượt giá v.v… tiền quay về cho PVC là
tiền mặt hoặc được phép thanh toán bằng tiền mặt. Mà tiền mặt thì đi đâu, về
đâu, không để lại dấu vết.
Như vậy, tất cả các đầu mối phát
ra của đồng tiền là các Ban quản lý Dự án. Đầu mối nhận tiền khai triển dự án
duy nhất là Tổng Công ty Xây lắp PVC của Trịnh Xuân Thanh. Tiền từ PVC giải tỏa
xuống cho các công ty thi công và các thầu phụ, sẽ được quyết toán sau đó với
chỉ một mình PVC. PVC là nơi nhận tiền phát xuống từ trên và nhận tiền quay trở
lại từ bên dưới. Trịnh Xuân Thanh vì thế nắm được mọi thứ tiền xuất phát từ các
quyết định của Đinh La Thăng, và là người chia tiền từ các khoản nộp lại từ bên
dưới. Trịnh Xuân Thanh biết tất cả, nắm và chứng kiến tất cả.
Nhưng rõ ràng, tất cả những khoản
tiền đó phải được di chuyển theo một mệnh lệnh thống nhất. Mệnh lệnh đó xuất
phát từ đâu? Nếu xuất phát từ ông Thăng, có khả năng, ngay ông Ninh Văn Quỳnh,
hay ông Lê Đình Mậu, nguyên kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí có thể không biết,
vì khi có quyết định và chữ ký của Chủ tài khoản, chữ ký của Kế toán trưởng chỉ
có ý nghĩa làm chứng, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh biết, vì ông buộc phải biết tiền
nhận về thì dùng vào đâu và tiền thu được thì chuyển về đâu, cho ai.
Như vậy, muốn hoàn chỉnh hồ sơ kết
án ông Đinh La Thăng, việc đối chứng của ông Trịnh Xuân Thanh là việc không thể
thay thế. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc bắt bằng được Trịnh Xuân
Thanh đương nhiên là nhiệm vụ bất khả kháng. Việc đưa một uỷ viên Bộ chính trị
ra toà, và nhất là những cái có thể đến sau phiên toà này có thể làm rung chuyển
cả chế độ, xứng đáng được trả giá.
Gọi Trịnh Xuân Thanh là viên đá
khoá vòm là đúng, vì Trịnh là trung tâm của vụ án. Ông Dũng, ông Vũ Huy Hoàng
và ông Thăng đã dày ông và không ít mạo hiểm để tìm cách "chôn sống"
hắn, từ việc phong anh hùng lao động, tới việc đẩy hắn vào rừng Hậu Giang, xa
lánh trần thế, nhưng phía bên kia lại bằng mọi giá kiếm và lôi hắn ra bằng được.
Phần còn lại là phán xử của định mệnh.
Lôi được Trịnh từ Đức về "tự
thú", giống việc gỡ được viên khoá, vòm Tấn Dũng tự sụp. Khó nói được gì về
mưu lược của ông Dũng, vì thực chất, cái Gia đình mà ông là Bố già không phải
được tổ chức từ một kế hoạch, mà nó hình thành tự phát, gắn kết tự nhiên nhưng
lỏng lẻo giữa những kẻ cùng có chung một đức tính tham lam và đốn mạt, nên bây
giờ khi bị chọc thủng ở một điểm, nó tự phơi ra toàn bộ sự mông muội của nó.
Chuyện còn đi về đâu?
Ngày 25/11, tại Hà Nội, Thường trực
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp. Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ thị: tập trung xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh
và đồng bọn trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh dù chưa xử
thì thiên hạ cũng đã biết kết quả thế nào. Tội làm thua lỗ và thất thoát 3.300
tỷ đồng, Chuyện tham ô hàng chục tỷ vụ lừa bất động sản của Tổng công ty bất động
sản Điện Lực dầu khí, nhất là tội công khai tố cáo và tuyên bố chống lại Tổng
bí thư... cứ chỉ theo luật thì Trịnh khó thoát được án tử hình. Nhưng mục đích
chính của vụ án Trịnh Xuân Thanh là gì? Ai đã chỉ đaọ Trịnh Xuân Thanh? Trịnh
Xuân Thanh thực hiện các chủ trương của ai? Chủ trương biển thủ số tiền 7-9 tỷ
đôla trong két Tập Đoàn Dầu Khí VN-PVN là của cá nhân hay có sự thông đồng của
nhóm lợi ích? Nhóm này gồm những ai? Thậm chí có thể phải trả lời: Đây là âm
mưu biển thủ tiền công hay âm mưu phá hoại, làm sụp đổ chế độ?
Trực tiếp là Đinh La Thăng, vụ án
Trịnh phải làm rõ, Trịnh đã có những chỉ thị nào của chính ông Đinh La Thăng? Xử
Trịnh Xuân Thanh chỉ để có thể xử Đinh La Thăng.
Vụ án tiếp theo, vì vậy, là vụ xử
Đinh La Thăng. Đến lượt vụ án Đinh La Thăng phải được làm rõ câu hỏi: Ai là người
đưa ra chủ trương biển thủ số tiền lãi do trượt giá dầu? Nhóm lợi ích đã hình
thành như thế nào, và gồm những ai? Mặc dù không xử thì ai cũng biết, đó là bộ
ba thiên định: Dũng Hoàng Thăng.
Một trong những sai phạm dẫn đến
kỷ luật cách chức uỷ viên bộ chính trị của ông Đinh La Thăng mà báo cáo của Ban
kiểm tra Trung ương nêu ra là: "tư vấn để Thủ tướng quyết định chỉ định thầu
trái "pháp luật". Ai cũng hiểu cách hành văn này chỉ đơn thuần là
cách diễn từ. Thực chất của nó là "thông đồng với Thủ tướng chỉ định thầu
trái pháp luật". Đây là mũi tên chỉ đường hướng đi tới của vụ án. Thủ tướng
chính phủ không thể quyết định trái pháp luật chỉ do tư vấn không đúng. Ông
Dũng cũng từng quyết định cho Formosa, công ty Tàu núp bóng Đài Loan, đầu tư
vào nơi hẹp nhất của đất nước, do "tư vấn" của Vũ Kim Cự. Không biết
tên đốn mạt nào tư vấn cho ông để Tàu đầu tư vào Bô xít Tây Nguyên?
Tuy vậy, hồi tháng 3, ông Thanh
có một thư tố cáo làm dân mạng xôn xao: "Chỉ tính trong 10 năm ông Nguyễn-Tấn-Dũng
làm thủ tướng, mỗi năm Việt-Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô! Với lượng dầu
thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm! Mỗi tấn tính rẻ 600 đô,
như vậy là băng đảng ông Nguyễn-Tấn-Dũng và Đinh-La-Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x
600 =36 tỷ đô-la" (ông Trịnh quên Bộ chủ quản của ông Thăng là ông Vũ Huy
Hoàng. Ông Thăng có chủ quyền độc lập, nhưng mọi khoản di chuyển trên hạn ngạch,
phải báo cáo và được đồng ý của Bộ chủ quản).
Trong trại giam và trước Toà, ông
Trịnh sẽ phải khai và làm rõ những cáo buộc này. 36 tỷ đôla, "đó là chưa kể
hàng trăm khoản tham nhũng khác từ ngành Dầu khí như mua sắm thiết bị, vật tư,
chi phí khai thác, mua sắm tàu bè…" Những khoản tham nhũng này đi đâu, nước
nào, ẩn nấp dưới những cái tên thật giả nào... Nghe nói, Luật Magnitsky đã sờ đến
và đang khảo cứu những nguồn tiền của ông Dũng và cô con gái Nguyễn Thanh Phượng.
Tất cả các khoản tài sản có nguồn gốc tham nhũng sẽ lần lượt được phanh phui và
phong tỏa.
Việc bắt giam ông Thăng chứng tỏ
ông Trịnh Xuân Thanh đã khai hết và đã khớp cung với những khai báo của các đối
tượng khác, đã bị bắt trước đó. Tuy vậy, ông sẽ còn phải khai nhiều nữa, vì
chính ông từng viết: "Tất cả những điều này, tôi sẽ lần lượt nêu ra hết".
Như vậy có thể nói ngay được rằng,
năm 2018, chỉ quanh vụ việc tại Tập đoàn Dầu khí, sẽ có thêm ít nhất 3 vụ xử tiếp:
vụ Đinh La Thăng, vụ Vũ Huy Hoàng và vụ Nguyễn Tấn Dũng.
Và nếu Trịnh Xuân Thanh sắp tới
người ta xử tử hình, thì mấy ông kia, sẽ hai ba lần tử hình. Nhưng, sẽ lại tái
diễn nghịch lý kiểu cộng sản, độc quyền công lý: chức càng bé càng dễ chết.
Ngày 1/12, thân mẫu ông Dũng mất.
Người ta nói đó là điềm báo. Mẹ ông Dũng có phúc dày mới sinh ra được một thủ
tướng, nhưng cũng vì phúc lớn mà bà được giải thoát trước khi chứng kiến sự việc
khiến đau lòng mọi người làm mẹ. Cũng có thể giác quan đã cho bà biết những gì
đang đến vượt quá sức chịu đựng của bà.
Cuộc chiến chống tham nhũng thật
giả đến đâu?
Việc dụng mưu để thực hiện việc
vây bắt Đinh La Thăng khiến dư luận nghi ngờ tính chính danh và sự đồng tâm của
nội bộ Bộ chính trị.
Trong khi tất cả các uỷ viên bộ
chính trị (phải) có mặt, việc vắng mặt của trưởng Ban kiểm tra Trung ương không
thể ông Trọng không biết. Ai là người phải báo cáo với hội nghị lý do vắng mặt
của ông Vượng? và lý do đó là gì? Nếu ông Vượng được giao thực thi một nhiệm vụ
đột xuất, đặc biệt và hết sức quan trọng, tại sao Bộ chính trị không được biết?
Ông Vượng làm theo lệnh của ai, tại sao, với tư cách gì? Ngược lại, nếu ông Vượng
được nói vắng mặt vì một lý do khác, thì là nói dối. Ai chỉ đạo nói dối Bộ
chính trị? Đây sẽ là một sai phạm nghiêm trọng, không thể tha thứ. Dù người đó
là ai, bất cứ ai, thì người đó cũng dứt khoát bị loại khỏi tư cách uỷ viên Bộ
chính trị.
Tại sao Hội đồng Quốc Phòng và An
ninh lại họp phiên thứ hai vào đúng buổi chiều cùng ngày, cùng một lúc với cuộc
họp bất thường của uỷ ban Thường vụ Quốc Hội?. Cả hai cuộc họp đều cần sự có mặt
của bà Ngân chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh không hề có sự cố đột xuất, khẩn
trương nào. Ông Quang triệu tập Hội nghị do không được biết có cuộc họp của Thường
vụ Quốc hội cùng lúc? Hay ông Quang bị thúc ép triệu tập họp và có trách nhiệm
thi hành chỉ thị? Ông Quang, và thậm chí cả ông Phúc, liệu các ông có được biết
một sự kiện vô cùng nghiêm trọng đang diễn ra không? Có người thấy ông Phúc ngủ
gục xuống bàn cuối cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc phòng.
Có gì bất thường khi lệnh khám
nhà và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng được thực hiện trong khi ông Tô Lâm cả buổi
sáng lẫn buổi chiều đều có mặt trong các cuộc họp? Người ta đặt câu hỏi về chuyện
trước đây, có nghi vấn chuyện vượt biên của ông Trịnh Xuân Thanh có trợ giúp của
bên công an, cùng với chuyện khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Hà Nội và
ra đầu thú thì ông Tô Lâm trả lời báo chí không hề biết. Đây là cách nói ông
không chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc, và cũng có nghĩa rằng ông không đồng tình
với việc bắt cóc này. Chủ trương bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nếu không do ông Trọng
chỉ đạo, chắc chắn cũng được ông đồng ý. Ông Lâm, nếu không ủng hộ, là không
cùng quan điểm với Tổng bí thư. Có tin nói, cả ông Phạm Bình Minh cũng phản đối
chuyện bắt cóc, nên bộ Ngoại giao từ đầu chỉ giữ thái độ im lặng. Các cuộc vận
động về sau chỉ giao cho ông Vương Đình Huệ, phó thủ tướng phụ trách kinh tế.
Nếu kế hoạch bắt giam ông Đinh La
Thăng được tính tới chuyện cách ly cả ông Phúc, ông Quang, ông Tô Lâm, cả ông
Phạm Bình Minh, thì sự việc đã trở thành nghiêm trọng. Đương nhiên, không thể
cho rằng ông Trọng chống lại mấy ông này, cũng như không thể xem là mấy ông này
vào phe với nhau chống lại ông Trọng cùng những người ủng hộ ông Trọng, như ông
Vượng và ông Phạm Minh Chính. Nhưng việc làm này cũng như hiện tượng này chứng
tỏ một tình trạng có thật là sự chia rẽ đã trở nên trầm trọng trong nội bộ bộ
chính trị.
Để loại ông Quang và ông Phúc,
hai vật cản có trọng lượng nhất trên con đường dẫn tới vị trí cao nhất của chế
độ, người ta đã tạo ra tất cả các loại vũ khí: tham vọng quyền lực, xa rời chủ
nghĩa Mác và Chủ nghĩa xã hội, Khai man lý lịch, báo cáo thành tích thiếu trung
thực, 27 biểu hiện của suy thoái và diễn biến, quy định mới về khai trừ đảng
viên, quy định kiểm tra tài sản của 1000 cán bộ cao cấp, nhất thể hóa, tinh giản
hóa cơ cấu bộ máy...
Ông Quang thực sự đã là một xác
chết. Ngoài những liên quan tới tham nhũng mà chắc chắn người ta đã có qua các
lời khai của các nghi phạm, có nguy cơ dẫn ông tới vành móng ngựa, quy định do
ông Vượng vừa ký ban hành lại có thể đưa ông Quang vào vị trí của đối tượng phải
xét khai trừ đảng.
Ông Phúc cũng khó thoát khỏi danh
sách những kẻ được hưởng phần ăn chia từ các phi vụ tham nhũng kéo dài hàng chục
năm, suốt thời kỳ tham nhũng toàn quốc dưới tay ông Dũng. Tài sản chìm nổi của
ông cũng đã bị lộ hết, chỉ còn tuỳ thái độ của ông để khui hay không khui ra mà
thôi. Gần đây, ông Phúc còn bị gán cho cái mũ xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa,
kiên quyết cải cách hành chính theo mẫu tư bản và triệt thoái doanh nghiệp nhà
nước, vô hiệu hoá chủ trương vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh của Tổng bí
thư.
Cho nên, ông Trọng và những kẻ cơ
hội quanh ông không hề chống tham nhũng. Các ông chỉ mượn chiếc gậy chống tham
nhũng để đoạt lại quyền thống soái sân khấu chính trị, giành lại những vị trí
mà nhiều người trong các ông thèm thuồng và ganh tị. Bởi vì cùng lúc hò hét bắt
bớ những tên trộm cắp tài sản của dân, các ông vừa chống lại hiệu lực độc lập của
Pháp luật. Các ông chống lại tam quyền phân lập, chống lại tự do cạnh tranh
chính trị, cạnh tranh quyền cầm quyền. Nguyên nhân của tham nhũng là đặc quyền
và tài sản công cộng. Các ông nhân danh chống tham nhũng để bắt người, nhưng
các ông khư khư giữ độc quyền phân phát chức vị và chia chác quyền lực. Các ông
biến đất đai và tài nguyên quốc gia thành những tài sản vô chủ dưới danh nghĩa
"tài sản xã hội chủ nghĩa". Các ông dùng tài sản công làm mồi nhử và
nuôi dưỡng tham nhũng.
Trước diễn đàn Quốc hội, ông
Dương Trung Quốc, một nghị sĩ 5 nhiệm kỳ liên tục, đã phát biểu: "Chỉ có
quan chức mới có thể tham nhũng vì họ mới có quyền lực, còn người dân thì chỉ
có thể ăn cướp". "Ở Việt Nam để có quyền lực thì ít nhất phải là đảng
viên, nhưng không phải tất cả đảng viên đều có quyền có chức. Thế thì ít nhất
chúng ta có thể khoanh được vùng khu trú của căn bệnh này. Tức là chỉ là một số
nhỏ có quyền chức trong số 4,5 triệu đảng viên thôi. Như vậy, có thể nói, bệnh
tham nhũng là bệnh đảng, bệnh của đảng."
Tham nhũng là bệnh đảng, không phải
bệnh xã hội hay của đạo đức. Đã là đảng viên thì tất mắc bệnh tham nhũng. Đã là
người thuộc hệ thống đảng thì tất yếu tha hoá. Ông Dũng, khi về nghỉ chính sách,
mới nói "ráng làm người tử tế", có nghĩa là còn ở trong hệ thống, thì
còn không thể tử tế. Đây là sự thú nhận hệ thống chỉ toàn những người không tử
tế, còn lại trong đảng chỉ toàn những kẻ không tử tế, những người khác đang lần
lượt bỏ đi. Chính ông Tổng bí thư cũng thừa nhận là tình trạng "chán đảng,
khô đoàn, nhạt chính trị" cần được ngăn chặn.
Màn ba, màn bốn của vở diễn Đinh
La Thăng, bởi vậy có thể vẫn được diễn, nhưng đạo diễn của nó có thể không phải
những người cũ, "nếu giữa chừng xảy ra một biến cố cũng rất tất yếu".
Sân khấu đang lộ dần ra những khuôn mặt mới. Một dàn đạo diễn mới. Vương Đình
Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Võ Văn Thưởng ở một bên và phía đối diện là một
xã hội dân sự đã đến tuổi trưởng thành. Và người ta sắp đến sẽ lại nói nhiều tới
đối thoại xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét