Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Câu chuyện cuối năm

Sáng sớm thứ Bảy 30.12.2017, Th, bạn học cũ hồi trung học, sống ở Gießen, gọi điện thoại nói đến tôi chơi. Khi Th tới, tôi gọi mời thầy Ng đi ăn sáng, Th cũng là học trò thầy Ng. Chạy xe qua đón thầy vì trời mưa suốt đêm kéo dài tới sáng, dù không lớn.

Theo thói quen thường lệ, tôi đưa thầy và bạn vào cà phê Starbucks. Những ngày cuối năm khu mua sắm vắng vì mọi người còn vội vã đi mua sắm những vật dụng cần thiết cho 2 ngày nghỉ sắp tới, khi chợ đóng cửa hoàn toàn.

Ba thầy trò ăn sáng, uống cà phê, nói đủ chuyện. Mới có, cũ có, nhắc lại những kỷ niệm từ hồi năm 1963, lúc thầy Ng mới về trường, những biến động chính trị ở miền Nam, sau khi ông Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, lan man đến những ngày tháng miền Nam rơi vào tay quân cộng sản đến tình trạng đất nước hiện nay.

Khi Th đưa ra câu hỏi: Theo thầy, liệu VN sẽ có đổ máu, đổ nhiều hay ít khi chế độ cộng sản sụp đổ?

Thầy Ng trầm ngâm, suy nghĩ khá lâu, một lúc sau mới chậm rãi nói lên ý kiến.

– Đây là câu hỏi nhức nhối cho tất cả những ai còn suy tư, lo lắng đến vận mệnh dân tộc, đất nước. Bản thân thầy tin rằng, sẽ khó lòng tránh được đổ máu, hơn thế nữa, máu sẽ đổ rất nhiều nếu chúng ta không tìm được cách ngăn chận, đề phòng từ trước. Chúng ta đây là ai, lại là một câu hỏi khác.

Th hỏi thêm:

– Theo ý thầy, tại sao máu sẽ đổ và đổ rất nhiều?

Thầy Ng nhấp một ngụm cà phê trước khi trả lời:

– Chẳng cần phải suy nghĩ sâu xa. Dễ dàng nhận thấy hận thù chồng chất gần 43 năm qua ở VN, gây ra bởi mâu thuẫn của giai cấp thống trị và kẻ bị trị. Nếu chỉ nói mâu thuẫn giữa chế độ CS và người dân thì không nêu bật được vấn đề, bởi chế độ CS giờ đây đã biến tướng, trở thành chế độ độc tài, mafia đỏ.

Vừa qua, trên báo Tiếng Dân, Đàn Chim Việt và một số trang mạng khác có hai bài của nhà báo Phạm Đoan Trang và giáo sư Nguyễn Đình Cống nói đến vấn đề đấu tranh bất bạo động (BBĐ).

Rất khó lòng có được một cách mạng bất bạo động tại VN. Tại sao? Câu trả lời nằm ở nhiều nguyên nhân sau:

1. VN chưa có một phong trào đấu tranh BBĐ rõ ràng. Những cuộc biểu tình phản đối Formosa, biểu tình Vì Cây Xanh Hà Nội, phong trào Dân Oan Khiếu Kiện chỉ bộc phát lẻ tẻ, manh mún từng thời kỳ, giai đoạn, rồi nhanh chóng tan rã, đi vào quên lãng.

2. Chưa có người lãnh đạo có tầm vóc sánh ngang với Mahatma Gandhi hay Nelson Mendela để có thể dẫn dắt, kết hợp sự tranh đấu rời rạc, phân tán của các nhóm biểu tình trở thành một tổng lực khiến giai cấp thống trị phải lùi bước hoặc chấp nhận thỏa thuận. Trần Huỳnh Duy Thức là người duy nhất có đủ khả năng, tầm nhìn, thì lại đang bị giam giữ.

3. Căn tính hận thù dai dẳng của dân tộc. Căn tính đó tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt, không có môi trường, không có cơ hội sẽ không bộc phát, nhưng vẫn âm ỉ nằm chờ. Người CS thấy rõ điều đó, vì thế họ khai thác, kích động để cướp chính quyền và duy trì chế độ. Tuy nhiên, người CSVN quên mất rằng việc lợi dụng căn tính hận thù đó là con dao hai lưỡi. Khi không còn kiểm soát được xã hội, căn tính đó sẽ trở thành thảm họa cho người CSVN.

Tuy nhiên cần phải thấy rõ rằng, chế độ CSVN chỉ có thể sụp đổ ở một trong 2 trường hợp sau đây:

1. Một biến động quốc tế làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới.

2. Cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bô đảng CS đến thời điểm gay gắt, khốc liệt nhất dẫn đến sự đổ vỡ toàn diện cơ cấu, nền tảng của đảng.

Khi chế độ CS sụp đổ, những thế lực chính trị ma bùn sẽ mọc ra như nấm, chưa kể những tổ chức ở hải ngoại đã cắm rể sẵn trong nước, chỉ chờ thời cơ nhẩy vào khuấy động, giành giật quyền lực, ảnh hưởng, Với những tổ chức đã quen sử dụng bạo lực để bịt miệng người đối kháng ngay khi ở các nước tự do, dân chủ thì chắc chắn họ sẽ không từ thủ đoạn nào như CS đã làm để chiếm được quyền lực.

Căn cứ vào những điểm vừa nói, hi vọng một cuộc cách mạng nhung sẽ xẩy ra ở VN là điều hoang tưởng. Vậy vấn đề còn lại là làm thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại của cuộc tắm máu giữa những hận thù Quốc-Cộng, Nam-Bắc, Tôn giáo, phe nhóm trong đảng CSVN…

Quân đội là lực lượng duy nhất có thể ngăn chận được cuộc tắm máu nếu họ được chuẩn bị, được hướng dẫn. Họ là lực lượng được đào tạo chính quy, thống nhất, có kỷ luật và điều quan trọng là họ không có nhiều hận thù với dân như lực lượng công an, cảnh sát.  Dó đó cần quay trở lại câu hỏi Chúng Ta Đây Là Ai?

Tất nhiên không phải là những tổ chức, đảng phái, hội đoàn, cá nhân ở hải ngoại, bởi hải ngoại chỉ có thể đóng vai trò yểm trợ khi có biến động xẩy ra. Thầy nghĩ rằng hai chữ “chúng ta” nên dùng cho những tướng lãnh, những sĩ quan trung, cao cấp trong quân đội có lương tri, không tham nhũng, còn ưu tư, lo lắng cho vận mệnh đất nước, dân tộc.

Con số này ít hay nhiều, khó biết được nhưng chắc chắn có. Những người trong số này cần phải chuẩn bị cho mình tinh thần bất bạo động một cách kiên quyết, cần phải có tài liệu, phương thức hướng dẫn thuộc cấp, làm sao để trấn an, lôi kéo thành phần lưng chừng trong quân đội, công an khi sắp có biến.

Trước khi chế độ CS sụp đổ, sẽ có những dấu hiệu rất rõ ràng. Đó là sự rối loạn trong hàng ngũ lãnh đạo CS, những cuộc đấu đá, thanh trừng gay gắt sẽ diễn ra, lực lượng công an, lá chắn của chế độ sẽ nhanh chóng tan vỡ. Lãnh đạo chế độ, đảng sẽ tìm mọi cách tẩu thoát ra nước ngoài.

Nên nhớ rằng, khi chế độ CS ở Âu Châu sụp đổ vào năm 1989, Nicolae Ceaușescu, chủ tịch đảng CS Romania là lãnh tụ duy nhất trong khối Đông Âu bị bắt khi chạy trốn, bị tuyên án tử hình và hành quyết ngay trong ngày Giáng Sinh năm 1989 vì cuộc sống xa hoa và tội diệt chủng là một bài học mà lãnh đạo đảng CSVN không chịu học hoặc học không thuộc.

Nicolae Ceaușescu cũng là người ra lệnh cho quân đội bỏ thuốc độc vào các giếng, hồ cung cấp nước uống cho dân chúng cũng như bắn thẳng vào đám đông biểu tình nhưng quân đội đã không thi hành. Điều này chứng tỏ rằng bất cứ quân đội nào cũng có những tướng lãnh hiểu biết, có lương tri.

Từ những nhận định trên, có thể nói, đất nước VN chúng ta có rất ít hi vọng về một cuộc cách mạng nhung, không có bạo động. Vì thế, những ai còn suy tư, lo lắng về tương lai dân tộc, đất nước cần phải có sự chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất và hi vọng tốt nhất cho đất nước khi chế độ CS sụp đổ.


Tôi và Th ngồi yên lắng nghe những phân tích, nhận định của thầy Ng. Trước khi chia tay, thầy Ng nói thêm với tôi và Th: “Hai em, nếu có thời gian, nên vào thư viện tìm đọc lại những cuốn sách nói về các cuộc cách mạng đẫm máu trong lịch sử cận đại, về nguyên nhân, diễn tiến, hậu quả…, đúc kết và hệ thống hóa lại thành những tài liệu phổ biến về VN cho mọi người đọc. May ra các tài liệu đó có thể đến tay những tướng lãnh trong quân đội, những người có tầm nhìn xa, có ý tưởng ngăn chận một cuộc tắm máu khi CS sụp đổ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét