Ông Đinh Thế Huynh mất chức vị Tổng bí thư vì sự trung dung của chính mình? |
Ông Đinh Thế Huynh – nhân vật được nhắc nhiều nhất trong năm 2017 vì liên quan đến vị trí và vai trò kế nhiệm chức vụ Tổng Bí thư trong tương lai. Nhưng nổi hơn, là câu chuyện ông đi ‘điều trị bệnh’ và người thay thế ông là Trần Quốc Vượng.
Câu chuyện sức khỏe trở thành một mấu chốt trong ‘kế nhiệm chức vụ quan trọng’ trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Khẩn thiết hơn, khi ngày càng nhiều cán bộ trở nên bệnh tật đến mức ‘tử nạn’ trước những sự kiện lớn của chính Đảng Cộng sản.
Trở lại câu chuyện, chức Tổng Bí thư ai sẽ kế nhiệm, còn quá lâu để nhận biết, nhưng nhìn chung, ông Trần Quốc Vượng là ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay, lý do, ông đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan bắt đầu củng cố lại vai trò, vị trí của mình trong nhiệm vụ kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, ông Vượng còn đạt tiêu chuẩn về mặt sức khỏe - tính đến thời điểm hiện tại.
Vấn đề đặt ra, nếu ông Đinh Thế Huynh khỏe mạnh trở lại thì ông có trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Tổng Bí thư? Ít nhất, về mặt đảm nhiệm các chức vụ trong thực tế tại trung ương và địa phương, ông có phần nổi bật hơn ông Trần Quốc Vượng.
Câu trả lời là: không.
Vì ngoài yếu tố sức khỏe ra, thì đối với 1 vị trí lãnh đạo mang tính cực kỳ quan trọng về mặt Đảng như Tổng Bí thư, cần cả sự dấn thân, còn nếu ai vẫn 'ốm' về mặt tinh thần, thì có thể nghỉ tiếp.
Tại sao?
Từ sau HN TW 5 (5/2017), ông Đinh Thế Huynh bắt đầu lùi vào màn trướng của sân khấu chính trị, và các hoạt động với tư cách là một đảng viên, ĐBQH hoàn toàn vắng bóng.
HN TW 5 có gì, ngoài phần liên quan đến kinh tế, thì phát biểu bế mạc của ông TBT Nguyễn Phú Trọng còn đặt riêng một phần liên quan đến: kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó nhấn mạnh: Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, với quyết tâm cao hơn để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
Khi ông Đinh Thế Huynh ốm, đồng nghĩa với việc ông ốm luôn trong chọn cờ của mình, ông giữ thái độ trung dung trong chiến dịch của người đốt lò. Chiến dịch mà 'đa đánh lại ta', một chiến dịch mang tính sinh tử về mặt vận mệnh chính trị.
Do đó, trung dung sẽ là một lựa chọn phù hợp nhằm biểu thị quan điểm, thái độ không ngả về một thái cực nào, dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh.
Trung dung có tính tích cực là cho phép một chính trị gia có thể tạm thời lùi về sau để nhận thức rõ hơn tình hình 'mạnh yếu' của các phe phái, trước khi nghiêng hẳn về một bên nào đó.
Nhiều trường hợp cũng diễn ra một cách tương tự như vậy, khi trong giai đoạn “đốt lò”, ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ đã xin thôi nhiệm vụ vì lý do cá nhân. Bởi có lẽ, chính ông Phan Văn Sáu hiểu rõ hơn ai hết tính khốc liệt của cuộc chiến phe phái tại Việt Nam, nơi mà mỗi quan chức ít nhất bị nắm một điểm yếu nhất định, và khi phe địch mạnh lên, thì điểm yếu đó sẽ được vận dụng để 'kỷ luật đảng' cũng như 'xử lý hình sự'.
Và do đó, 'xin nghỉ để đi chữa bệnh tại nước ngoài' trở thành một cụm từ để ám chỉ sự trốn tránh mang tính tạm thời, nhưng trong giai đoạn 'đốt lò', nó lại trở thành dấu chấm hết cho sự nghiệp.
Khác với chức vụ liên quan đến Nhà nước, chức vụ Đảng có vẻ đang thiết lập lại tính 'tập trung, thống nhất, và kỷ luật'. Do đó, nếu trước đây, ban lãnh đạo ĐCSVN chọn ông Nguyễn Xuân Phúc cho chức vụ Thủ tướng vì ông đáp ứng lối chơi 'tập thể', được tất cả các bên chấp nhận; thì giờ đây với chức vụ Tổng Bí thư – ông Nguyễn Phú Trọng muốn chọn một lãnh đạo nổi bật, có dấu ấn, sức ảnh hưởng nặng để tiếp tục thông điệp xuyên suốt do mình khởi xướng: Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.
Một lãnh đạo đảng dám làm, dám chịu.
Và thực tế cho thấy, trong giai đoạn 'đốt lò' hiện nay, một chính khách cấp cao cần phải lựa chọn theo phe cánh nào để đảm bảo 'củi tươi cũng phải cháy', chứ không phải là trung dung trong những thời điểm khẩn thiết nhất liên quan đến công tác thanh trừng dưới lớp bình phong 'phòng chống tham nhũng'.
Cùng với 'tau khỏe có chi mô', thì 'nếu ốm thì nghỉ đi' trở thành cụm từ đặc tả tốt nhất số phận chính trị gia thời cộng sản, cũng như cho thấy tính chất khốc liệt của cuộc chiến phe phái của Việt Nam trong giai đoạn xác định rõ trắng hay đen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét