Hệ thống caméra giám sát được lắp đặt dày đặc tại Thiên An
Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc để theo dõi "nhất cử, nhất động" của người
dân tại quảng trường. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Trong khi đa phần các báo Pháp hôm nay tập trung vào thời sự
trong nước thì báo Libération dành một hồ sơ lớn 4 trang bài nói về « Con mắt của
Bắc Kinh ». Với gần 200 triệu caméra, 40 triệu mẫu giọng nói và 1 tỉ gương mặt
được lưu trong cơ sở dữ liệu của công an, chế độ Tập Cận Bình đang tăng cường
giám sát công dân ở những mức độ « chưa từng có từ trước tới nay » với lý do «
đảm bảo an ninh quốc gia và đấu tranh chống khủng bố. »
Trong bài viết « 1,4 tỉ nghi phạm tại Trung Quốc », thông
tín viên Raphaël Balenieri của báo Libération tại Bắc Kinh cho biết chính quyền
Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hệ thống giám sát nhờ các tiến bộ về công
nghệ. Cho dù là các cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức phi chính phủ …, không ai
có thể thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của bộ máy Nhà nước.
Để tới quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh, người
dân Trung Quốc phải đặt thẻ căn cước vào một cái hộp điện tử, thẻ của họ bị chụp
ảnh. Và trên quảng trường, « nhất cử, nhất động » của họ đều bị hàng trăm
caméra treo trên các cột đèn ghi lại. Vào đầu tháng 12/2017, phóng viên John
Sudworth của đài BBC đã thách thức chính quyền thành phố Quý Dương, miền tây
nam Trung Quốc tìm được mình từ một tấm ảnh mà ông đã đưa cho cảnh sát. Và chỉ
sau bảy phút, nhà chức trách Quý Dương đã tìm thấy John Sudworth !
Trên đây là một vài ví dụ về việc theo dõi ồ ạt mọi cử chỉ,
hành động của 1,4 tỉ người tại Trung Quốc từ lâu nay đã « nằm trong chuỗi ADN của
đảng Cộng Sản Trung Quốc », một đảng muốn tiêu diệt « ngay từ trong trứng nước
» mọi ý đồ chỉ trích đảng. Và theo dòng thời gian, để thích nghi với một xã hội
« kết nối mạng » và « liên tục chuyển động », hệ thống giám sát công dân của
Trung Quốc không ngừng được cải tiến, đặc biệt nhờ big data và trí thông minh
nhân tạo, hai lĩnh vực mà Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới. Các yếu tố
chính trị và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau để đẩy mạnh việc giám sát người dân.
Về mặt chính trị, việc gây lo ngại nhất là vào năm 2014,
chính quyền đã thông qua kế hoạch xây dựng « một hệ thống uy tín xã hội » cho tới
năm 2020. Mỗi cá nhân, tổ chức sẽ bị chấm điểm dựa theo hành vi trong cuộc sống
đời thường và trên mạng Internet. Tùy theo số điểm, họ có thể được trao một
danh hiệu manh tính tượng trưng, hay bị phạt tiền, bị cấm đoán hoặc bị đưa vào
« một danh sách đen ». Theo nhà chức trách, mục đích là « nâng cao tính trung
thực … của toàn xã hội ».
Việc chấm điểm dựa vào các công nghệ mới cho phép chính phủ
thu thập và lưu trữ ngày càng nhiều dữ liệu và phân tích các dữ liệu trên ngày
càng nhanh chóng. Thương mại điện tử và thanh toán qua mạng cũng cung cấp cho
nhà chức trách vô số thông tin.
Theo ông Gregory Walton, chuyên gia an ninh mạng tại đại học
Oxford, Anh Quốc, công nghệ hiện đại đã giúp nhà chức trách Trung Quốc thực hiện
tham vọng mà họ nung nấu suốt 60 -70 năm qua. Thực ra, công nghệ trên có ở mọi
nơi, nhưng Trung Quốc thì khá đặc biệt vì 3 lý do : dân số rất đông, thông tin
cá nhân không được chú ý bảo mật và Nhà nước đầu tư ồ ạt vào trí thông minh
nhân tạo.
Công cuộc giám sát dân chúng của Tập Cận Bình không vấp phải
trở ngại nào, cả về mặt xã hội, pháp luật và truyền thông. Các thảo luận về bảo
vệ thông tin cá nhân, vốn rất sôi nổi ở Mỹ và châu Âu, lại không hề tồn tại ở
Trung Quốc. Và cái « rọ sắt » mà Tập Cận Bình úp lên xã hội dân sự kể từ khi
lên nắm quyền vào năm 2012 khiến mọi tranh luận tiềm tàng đều trở nên « bất khả
thi ».
Tuy nhiên, thông tín viên báo Libération kết luận, cho dù có
tinh vi đến mấy, không có hệ thống nào là không có « kẽ hở ». Chẳng hạn, vào
năm 2013, đã xảy ra một vụ tấn công - tự sát gần Thiên An Môn, mà theo cảnh sát
Trung Quốc là do 3 phần tử cực đoan dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ thực hiện.
Danh sách người giàu nhất hành tinh năm 2017
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đề cập tới « danh sách
các tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2017 ». Theo đánh giá của Bloomberg, tài sản
của 500 người giàu có nhất hành tinh đã tăng thêm 23% (1.000 tỉ đô la) trong
năm 2017, nâng tổng khối tài sản của họ lên 5.300 tỉ đô la (gấp hơn 2 lần PIB của
Pháp). Để lọt vào danh sách trên, các tỉ phú phải sở hữu ít nhất là 4,1 tỉ đô
la/người.
3 người thuộc tốp đầu đều là người Mỹ. Người giàu nhất toàn
cầu là Jeff Bezos, với gần 100 tỉ đô la. Ông là người nắm 16,4% cổ phần của tập
đoàn Amazon). Chỉ trong một năm, tài sản của Jeff Bezos đã tăng từ 34,2 tỉ đô
la lên thành 99,6 tỉ đô la. Đứng thứ hai là Bill Gates (Microsoft) với 91,3 tỉ
đô la. Tỉ phú Warren Buffett (Berkshire-Hathaway) đứng ở vị trí thứ ba với 85 tỉ
đô la. Ông chủ của Facebook đứng thứ 5 (72,6 tỉ đô la). Và ngày càng có nhiều tỉ
phú trong lĩnh vực công nghệ (3 tỉ phú trong tốp 5).
Phần Lan : nghĩa địa hạt nhân khổng lồ
Chuyển sang lĩnh vực môi trường - xử lý rác thải, báo Le
Monde giới thiệu với độc giả về « nghĩa địa hạt nhân khổng lồ ở Phần Lan ».
Chính quyền Phần Lan đã quyết định cho xây khu chôn rác thải hạt nhân đầu tiên
bên bờ biển Baltic, cách thủ đô Helsinky 30 phút chạy xe, tại thị trấn Eurajoki
đẹp như tranh vẽ với các ngôi nhà gỗ giữa bạt ngàn rừng thông. Nghĩa địa hạt
nhân Onkalo là nơi chôn cất, từ khoảng giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100,
rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ đậm đặc trong vòng 100.000 năm, thời gian
đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.
Theo các chuyên gia, nền đá granit ở Olkiluoto có niên đại 2
tỉ năm, là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các conteneur bằng đồng
chứa rác thải hạt nhân, kể cả trong trường hợp động đất, lượng phóng xạ rò rỉ
xũng thấp dưới ngưỡng cho phép.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không hề có dấu hiệu của sự tức
giận từ phía các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hay người dân sống trong khu vực.
Thường thì trên thế giới, dự án về nghĩa địa hạt nhân đều bị từ bỏ hoặc trì
hoãn, vì bị nghi ngờ không đảm bảo an toàn và vấp phải phản ứng của dân chúng. Ấy
vậy mà dự án Onkalo lại không gặp trở ngại gì và tiến triển gần như đúng kế hoạch
đề ra từ năm 1983.
Theo phóng viên báo Le Monde, điều đó có được nhờ chính quyền
tin tưởng mạnh mẽ vào các chuyên gia, nhà địa chất. Thị trưởng Vesa Lakaniemi
khẳng định : « Một khi các chuyên gia nói là không có vấn đề gì về an toàn, thì
chúng tôi tin tưởng họ. » Nhưng yếu tố then chốt là người dân Phần Lan có lòng
tin vào chính quyền và cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia. Theo nhiều cuộc thăm
dò ý kiến về tỉ lệ được lòng dân, cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của Phần
Lan thường đứng trong tốp đầu, chỉ sau cảnh sát và lực lượng cứu hỏa.
Châu Âu : Làn sóng di dân mới hướng về Tây Ban Nha
Trong lĩnh vực xã hội, Le Monde nói về « Làn sóng di dân mới
hướng về Tây Ban Nha ». Nước này là cửa ngõ nhập cư lớn thứ ba châu Âu, sau Ý
và Hy Lạp. Theo số liệu mới nhất của bộ Nội Vụ, số người nhập cư trái phép vào
Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi so với năm 2016, phần lớn qua ngả Địa Trung Hải.
Điều đáng chú ý là từ mùa hè 2017, có nhiều di dân tới từ
Algérie. Theo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, hồi tháng 09/2017, 25% số người
nhập cư trái phép vào Tây Ban Nha là người Algérie.
Chính quyền Madrid rất lo ngại về hiện tượng mới này và ngay
lập tức kêu gọi chính quyền Algérie có biện pháp hạn chế làn sóng di dân ồ ạt từ
nước này sang Tây Ban Nha. Còn « biện pháp khẩn cấp » của Tây Ban Nha là dồn
500 di dân, phần đông là người Algérie, cập bờ biển Murcie, vào một khu trại
giam ở Archidona, Malada. Họ lập luận : tập trung di dân trong các trại giam bảo
đảm điều kiện vệ sinh, có vòi hoa sen, lò sưởi, giường, phòng tập thể thao thì
tốt hơn là gửi di dân tới các trại tị nạn như ở nhiều quốc gia khác và đây là
biện pháp tạm thời.
Tuy nhiên, biện pháp của chính quyền Madrid đã bị các tổ chức
nhân quyền trong nước chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng Tây Ban Nha tiếp đón người
tị nạn ít hơn nhiều so với Ý, và dường như chính phủ chưa chuẩn bị tốt trước vấn
đề đón tiếp di dân.
Canada dự liệu về một làn sóng di dân mới
Vẫn liên quan tới vấn đề di dân, Anne Pélouas - thông tín
viên báo Le Monde - tại Montréal cho biết « Canada dự liệu về một làn sóng di
dân mới ». Từ tháng 01 đến tháng 09/2017, theo Cảnh sát Hoàng Gia Canada, có gần
19.000 người, chủ yếu là người Haiti, vượt biên giới trái phép từ Mỹ sang
Canada. Mục tiêu của họ là xin tị nạn tại Canada, tránh nguy cơ bị chính quyền
Donald Trump trục xuất.
Bộ trưởng An Ninh Ralph Goodale đã từng phát biểu Ottawa
đang « chuẩn bị mọi kịch bản », nhưng ông vẫn nhấn mạnh số di dân tới Canada có
thể là « không thể lường nổi ». Hồi tháng 11/2017, Ottawa thông báo sẽ tiếp đón
1 triệu di dân trong vòng ba năm tới.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao cơ quan quốc gia về hải
quan và di dân thì chỉ trích là chính phủ liên tục đơn giản hóa tình hình và
nói là mọi việc đều trong tầm kiểm soát. Cơ quan này đã yêu cầu tăng cường nguồn
lực, nhưng không được đáp ứng, trong khi họ lo ngại năm 2018 sẽ là năm bùng nổ
về di dân.
Trang nhất các báo Pháp
Đa phần các báo Pháp hôm nay quan tâm tới thời sự trong nước.
Báo Le Monde chạy tít « Kịch bản tăng cường giám sát người thất nghiệp ». Chính
phủ Pháp nhận được đề xuất gia tăng giám sát người thất nghiệp đang được hưởng
trợ cấp của Pôle Emploi - cơ quan hỗ trợ người thất nghiệp. Theo tài liệu trên,
những người thất nghiệp không năng nổ, tích cực tìm việc, hoặc từ chối các đề
nghị tuyển dụng phù hợp với khả năng của họ, hoặc khước từ khóa đào tạo nghề mà
Pôle Emploi đề xuất sẽ bị mất 50% tiền trợ cấp trong vòng hai tháng và mất 100%
trợ cấp trong vòng hai tháng nếu tái diễn. Những người không trả lời đề nghị hẹn
gặp của tư vấn viên của Pôle Emploi sẽ bị mất 20% trợ cấp.
Trong khi đó, « Thuế : Tất cả những thay đổi trong năm 2018
» là chủ đề được báo kinh tế Les Echos quan tâm. Còn « Hình ảnh của nước Pháp
đã thay đổi ? » là câu hỏi của báo công giáo La Croix. Các thông báo về cải
cách và sự tham gia tích cực trên chính trường quốc tế dường như đã cải thiện
hình ảnh của nước Pháp trong mắt người nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét