Sự hung bạo hiện nay tố giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ
sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một chính quyền không cảm thấy lâm nguy
không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, mười năm
và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều đúng.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được ưu ái, nhất là những người đang mắc nạn
Hôm nay, 22/12, như dự đoán Trần Thị Nga đã bị xử y án 9 năm
tù và 5 năm quản chế trong phiên tòa phúc thẩm. Những người ngồi ghế thẩm phán
đã chỉ có phận sự đọc một bản án được quyết định trước mà trong thâm tâm chính
họ cũng phải thấy là vô lý và dã man. Trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiều
phiên tòa chính trị tương tự. Đây là thời điểm đòi hỏi mọi người và mỗi người
nhìn rõ thực trạng đất nước và trách nhiệm của mình.
Trước hết là đừng quên những sự thực nền tảng.
Một là, kể từ năm 1976 Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền (The
International Bill of Human Rights) -gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, Công Ước
Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh
Tế, Xã Hội và Văn Hóa- đã có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia
thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Trong luật quốc tế này các quyền
tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng. Chúng có giá trị cao nhất và
không thể chuyển nhượng. Các anh em dân chủ đang mắc nạn -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
Phan Kim Khánh và Nguyễn Văn Hóa vừa qua, Trần Thị Nga hôm nay, các anh em thuộc
Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều anh em khác sắp tới- đều đã chỉ sử dụng một phần nhỏ
và một cách khiêm tốn các quyền căn bản này. Họ hoàn toàn vô tội. Trái lại
chính Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam đã phạm pháp. Điều này cần được nói ra
và nhấn mạnh trong các phiên tòa chính trị sắp tới. Đáng tiếc là cho tới nay
chưa ai làm việc này.
Hai là, ngay cả nếu áp dụng bộ luật hình sự gian trá hiện
nay của chế độ cộng sản Việt Nam thì những người bị xét xử cũng vô tội vì các bản
cáo trạng đều vu vơ, không hề chứng minh một vi phạm nào mà chỉ có những cáo buộc
một chiều. Đặc tính của các chế độ cộng sản là sự tùy tiện, bất chấp ngay cả luật
pháp của chính họ.
Ba là, những phiên tòa chính trị của chế độ này chỉ là những
trò hề lố bịch. Những gì mà các bị cáo và các luật sư nói tại phiên tòa đều
không có tác dụng nào bởi vì các bản án đều đã được quyết định trước. Các thẩm
phán chỉ là những người đã hy sinh danh dự và liêm sỉ của mình để đóng vai thẩm
phán và đọc những bản án có sẵn.
Bốn là, mặc dầu vậy chính quyền cộng sản vẫn cố gắng lừa bịp
các nạn nhân và dư luận trước mỗi phiên xử bằng cách hứa hẹn giảm án nếu các bị
cáo nhận tội và xin khoan hồng. Sự mặc cả này đặc biệt bỉ ổi. Nó nhắm làm nhục
nạn nhân và xóa bỏ niềm tự hào mà đáng lẽ họ phải có, niềm tự hào chính đáng của
một người đã dám nói lên lẽ phải cũng như danh dự và quyền lợi của dân tộc
trong sự im lặng sợ sệt của đa số. Nó nhắm che đậy bớt bộ mặt nhơ nhớp của
chính quyền đồng thời khiến người dân có cảm tưởng chế độ bạo ngược này chưa thể
lay chuyển và mất lòng tin ở cuộc vận động dân chủ. Nhưng điều cần được nhấn mạnh
là nó không làm giảm bao nhiêu sự tàn bạo của các bản án, bởi vì chính quyền
này đang rất cần những bản án thật nặng để hăm dọa những người có ý định phản
kháng.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga tranh đấu quyết liệt
và chọn thái độ thách thức trước tòa án đã bị xử 10 năm và 9 năm tù, nhưng Nguyễn
Văn Hóa và Phan Kim Khánh, với thành tích đấu tranh mỏng hơn nhiều, đã nhận tội
và xin khoan hồng cũng bị xử 7 năm và 6 năm. Nếu Hóa và Khánh thách thức chế độ
tới cùng thì bản án của họ cũng không khác bao nhiêu.
Nhận tội và xin khoan hồng là một thái độ rất sai, làm mất
phong cách của người đấu tranh, gây thiệt hại cho cuộc vận động dân chủ và cũng
không có ích lợi cụ thể nào cho các đương sự. Nếu các nạn nhân và gia đình họ
trong lúc lo âu và bối rối vì những áp lực đủ loại có thể yếu lòng và bị mắc lừa
thì các luật sư phải giải thích cho họ, trấn an họ và thay mặt cộng đồng quốc
gia bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đối với họ, chứ không thể để họ sa vào
cái bẫy dơ bẩn này. Đó không phải là làm chính trị mà chỉ là trách nhiệm của một
luật sư.
Một câu hỏi lớn phải được đặt ra là tại sao dù đã có hàng
trăm vụ án chính trị để rút kinh nghiệm, đa số các luật sư vẫn chưa làm việc
này ? Thiếu bản lĩnh hay đồng lõa với bạo quyền ?
Giai đoạn hiện nay đang đầy thử thách. Trong thế bế tắc
không lối thoát về mọi mặt chính quyền cộng sản đang lên cơn điên. Sẽ còn nhiều
vụ án chính trị khác trong những ngày sắp tới. Đây là lúc mà mọi người cần nhìn
rõ vai trò trách nhiệm của mình.
Những người dân chủ cần hiểu rằng sự hung bạo hiện nay tố
giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một
chính quyền không cảm thấy lâm nguy không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi
người với hai con thơ, mười năm và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều
đúng. Đây thực ra là một cơ hội cho cuộc vận động dân chủ.
Rất tiếc, thực tế là tuy nguyện vọng dân chủ của nhân dân đã
tràn ngập nhưng do sự non kém của tầng lớp trí thức đội ngũ dân chủ chưa mạnh,
mỗi người dân chủ chân chính vì vậy là một tài nguyên của đất nước cần được bảo
trọng. Sự thận trọng phải là ưu tiên hàng đầu trong khi chúng ta nỗ lực vận dụng
thời cơ để đẩy mạnh hơn nữa cố gắng dân chủ hóa đất nước. Điều mà những người
dân chủ phải tâm niệm và nhất trí trước với nhau là nếu không may mắc nạn sẽ
không nhượng bộ.
Bổn phận của các luật sư là bảo vệ lẽ phải và bảo vệ thân chủ.
Trong những vụ án chính trị thân chủ của họ thực sự có lẽ phải nhưng các bản án
lại được quyết định trước. Như vậy các luật sư phải hiểu rằng lời bào chữa của
họ trước tòa không có tác dụng gì lên bản án, vai trò của họ vì vậy, một mặt,
là nói lên tiếng nói của lẽ phải trước công luận và, mặt khác, là làm gạch nối
giữa người dân chủ mắc nạn với gia đình họ và công luận. Trong vai trò gạch nối
này họ có trách nhiệm giúp nạn nhân và gia đình giữ vững tinh thần trước những
thủ đoạn hăm dọa và dụ dỗ của một chính quyền bất lương, để đừng bị cướp đoạt
cái đẹp và cái đúng của hành động. Và để được tôn vinh như họ xứng đáng được
tôn vinh.
Vai trò của luật sư dứt khoát không phải là khuyên hay gợi ý
thân chủ đầu hàng. Thiên chức của một luật sư là bảo vệ công lý chứ không phải
là để khuyên người ngay nên cúi đầu trước kẻ gian. Một luật sư không cần phải
tham gia đấu tranh cho dân chủ nếu không muốn nhưng trong mọi trường hợp phải
tôn trọng thiên chức của nghề luật sư.
Đã đến lúc, song song với việc lên án sự gian ác và tùy tiện
của chính quyền cộng sản, những người dân chủ cũng cần tận dụng các phương tiện
truyền thông để vạch mặt chỉ tên những thẩm phán tay sai của bạo quyền và những
luật sư đồng lõa với bạo quyền. Những người này chắc chắn là không biết xấu hổ,
nhưng đó lại càng là lý do để họ phải bị tố giác. Dư luận dĩ nhiên cũng cần nhận
diện những luật sư chân chính.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được
ưu ái nhất là những người đang mắc nạn -Như Quỳnh, Nga, Xuân, Đài, Tôn, Trực,
Trội, Túc và nhiều anh chị em khác. Tuy vậy nghĩ đến họ không phải là để mong họ
chỉ bị tuyên án 6 năm thay vì 10 năm mà là quyết tâm đấu tranh có hiệu quả hơn
để chế độ này sớm chấm dứt và họ sớm tìm lại được tự do trong vinh quang.
Chúng ta có quyền lạc quan. Dân chủ và nhân quyền đã trở
thành nền tảng của một trật tự thế giới mới. Chế độ này, cũng như quan thày
Trung Quốc của nó, đã tích lũy đủ mâu thuẫn để sụp đổ và có mọi triển vọng sẽ
cáo chung trong một tương lai gần. Lịch sử có thể sang trang rất nhanh chóng và
đất nước này sẽ biết đánh giá đóng góp của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét