Vô lý thứ 2, các dự án không đấu thầu mà do cơ quan chức năng mà thực chất là các quan chức chỉ định thầu. Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời công luận về toàn bộ các dự án BOT không đấu thầu do “thời gian cấp bách” là ngụy biện trắng trợn. Bởi vì bộ này có chức năng chính là vạch ra kế hoaạch xây dựng mạng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không ở VN theo từng giai đoạn không thể có chuyện hầu hết các con đường BOT đều quá cấp bách đến nỗi không thể có vài tuần, vài tháng để đấu thầu. Một dự án hàng nghìn tỷ đ tư nhân làm hầu hết vốn vay nhà nước bảo lãnh (vốn nhà nước) mà không đấu thầu thì ai tin có sự minh bạch, giá đầu tư hợp lý? Hơn nữa nó quá “cấp bách” tại sao khi hoàn thành dân lại ít chọn con đường “quá cần” đó mà lại phải đặt trạm phí ở chỗ khác? Hiện tại ở VN có bao nhiêu nơi không có cầu, đường, dân chúng đi lại vô cùng vất vả, nguy hiểm, vậy có cấp bách không?
Vô lý thứ 3, các trạm thu phí đặt không đúng chỗ. Chỉ riêng trên QL1A đã có 8 BOT “đường làm một nơi, trạm thu phí đặt chỗ khác” (lời chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại UBTV quốc hội). Đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ chỉ đầu tư cỡ 30% kiểu “tráng men” mặt đường nhưng thu phí như đường mới trên QL1 “độc đạo” lưu lượng đi lại rất cao, tạo lợi thế tuyệt đối cho nhà đầu tư. Tất cả các trạm BOT khác như Cai Lậy, Tào Xuyên (Thanh Hóa) Bến Thủy (tránh TP Vinh), Cầu Rác (thu tuyến tránh TX Hà Tĩnh)… cũng tương tự. Trong kinh doanh phải có cạnh tranh, rủi ro.
Nhưng ở đây do đặt trạm thu phí ở những con đường cũ huyết mạch thì nhà đầu tư nắm chắc lãi lớn còn khách hàng (dân) không có sự lựa chọn. Ở BOT cao tốc 5B nhà đầu tư “tráng men” một số đoạn QL 5 để lấy cớ đặt hai trạm thu phí. Lúc đầu phí qua QL 5 chưa cao vẫn ít xe đi qua BOT cao tốc 5B nhóm lợi ích liền tăng phí QL 5 lên nhiều lần để dân “chạy đâu không thoát”. Đây có phải là kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng hay không? Việc đặt trạm thu phí ở các đường có sẵn đã cướp đi quyền tự do đi lại trên các con đường quốc gia đầu tư, tu bổ từ tiền thuế của nhân dân là một kiểu “trấn lột” đúng như Nguyên Phó Văn phòng Quốc Hội Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Năm 1995 thời chính phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải nhà đầu tư xin làm BOT nâng cấp QL 5 không được chấp nhận nhưng đến thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể thì các dự án BOT “trấn lột” mọc lên như nấm. Dự án BOT giao thông là:Khi nhà nước không có vốn làm con đường ở địa hạt nào đó mời gọi tư nhân đầu tư. Tư nhân có vốn nhàn rỗi họ nghiên cứu thấy nếu làm con đường ấy thu phí có thể có lãi và họ đầu tư lời ăn, lỗ chịu, khách hàng có quyền lựa chọn đi con đường của họ hay không. Hơn nữa dịch vụ công cộng còn phải phù hợp với mức sống, khả năng thanh toán của khách hàng. Hiện tại khả năng kinh tế của dân chưa thể sử dụng dịch vụ những con đường BOT đó thì sao?
Ở ngành Hàng không đã gặp vấn đề này. Vào những năm 1990 vé đường bay Hà Nội-Điện Biên (cũng như nhiều đường bay ngắn khác) chỉ có 150 ngàn đồng (dưới chi phí) bay 30 phút còn đi đường ô tô trên QL 6 giá 30 ngàn đồng/vé đi cả ngày đêm rất vất vả nhưng chuyến bay nào cũng chỉ có lèo tèo vài khách nên ngành HK phải dừng bay nhiều lần. Nếu khi ấy ngành HKVN yêu cầu lập trạm thu phí giá cao trên QL 6 để dân phải đi máy bay thì có được không? Chẳng lẽ bộ GTVT và các cơ quan chức năng không hiểu điều quá đơn giản đó? Không thể có chuyện những cái đầu được giao quản lý các lĩnh vực ấy không hiểu mà chỉ có một lý giải là nhóm lợi ích “đánh quả”.
Thủ đoạn “dây máu ăn phần”
Hầu hết các trạm thu phí vô lý “trấn lột” dân đều dựa vào lý do “tăng cường, cải tạo” một đoạn đường đặt trạm thu phí. Đây là thủ đoạn của một cậu bé chơi đùa hay làm việc gì đó không bị sao nhưng cậu ma lanh kiếm tý máu ở đâu đó rồi bôi vào mình gào khóc như mình bị thương để đòi người trên phải đền bù chút quà (phần), tức “dây máu ăn phần”.
Ở hầu hết các dự án BOT nhóm lợi ích đều áp dụng thủ đoạn “trẻ ranh” này với nhân dân. Một sự xảo trá hỗn xược coi dân không ra gì. Riêng trên con đường huyết mạch của quốc gia QL1A có 8 BOT kiểu “dây máu ăn phần”.
Tại dự án Cai Lậy phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký duyệt dự án đường tránh thị xã Cai Lậy (BOT) không có nội dung “tăng cường mặt đường QL 1 qua Cai Lậy…” nhưng đại diện bộ GTVT là thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký công văn gửi lãnh đạo địa phương “mách nước” đặt trạm thu phí ở ở Km 1999+300 QL1 và sau đó tất nhiên, lãnh đạo và đoàn đại biểu QH Tiền Giang đều chấp nhận cái lợi cho “hội” quan chức, nhà đầu tư là tất nhiên, vì làm lợi cho dân vốn chẳng có gì. Thế là bộ GTVT và nhà đầu tư có chút “máu” để lấy cớ “ăn phần” và họ “tráng men” 26, 5 KM QL1A đoạn qua TX Cai Lậy, sửa qua quýt cống, rãnh, mắc thêm một số đèn chiếu sáng…. và “yên tâm” đặt trạm thu phí trên “động mạch chủ” giao thông VN.
Nội dung của BOT là “xây dựng-kinh doanh-chuyển giao” vậy những đoạn đường “tráng men”và mắc thêm ít bóng đèn thì gọi là BOT gì? Hành vi gian dối, vượt quyền chính phủ của ông Nguyễn Văn Thể, Đinh la Thăng cần phải điều tra, làm rõ. Theo một cán bộ ở bộ GTVT dấu tên cho biết thì “hầu hết các BOT bộ GTVT và các nhà đầu tư đều mánh lới, ma giáo kiểu BOTCai Lậy. Họ lộng hành làm nhiều việc sai trái, dối trá như thế không phải vô tư như ông Nguyễn Văn Thể tuyên bố”.
Vừa qua, bộ GTVT tham mưu cho chính phủ, quốc hội (đã được thông qua) thực hiện dự án làm hơn 654 KM đường cao tốc bắc nam giai đoạn 2017-2020 “trong đó có các đoạn BOT”. Nếu các BOT vẫn trên QL1A độc đạo cũ và đặt trạm thu phí ở đó thì khó tránh khỏi âm mưu “trấn lột” dân như các BOT hiện nay.
Đến nay có thể khẳng định hầu hết các dự án BOT, nhất là dưới thời ông Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là những vụ “đánh quả” của các đại gia và quan chức!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét