Nhân ngày kỷ niệm nhân quyền quốc tế 10/12/2017 năm nay, có lẽ những ai quan tâm đến tình hình nhân quyền (quyền con người) tại Việt Nam đều không khỏi thở dài trước việc hàng loạt công dân, tổ chức vì công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền mà bị bắt bớ, đàn áp trong cả năm 2017. Cùng với việc có nhiều nhà hoạt động đang bị sách nhiễu, số người bị bắt vẫn còn có thể tăng trong vài tuần cuối cùng của năm.
Đảng viên cộng sản cũng cần được đảm bảo quyền con người
Cả xã hội đang xôn xao theo dõi diễn tiến bắt bớ Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị của đảng cộng sản. Giờ đây, những người mơ ước Việt Nam có nhân quyền nhất, đặc biệt là quyền được xét xử công bằng, công khai, quyền được sống (không bị xử tử hình) có lẽ chính là Đinh La Thăng và những người cùng vụ án với ông.
Dĩ nhiên, ông Thăng và những người cùng vụ sẽ không có một cơ hội nào thoát tội dưới chế độ chính trị do các ông phục vụ và bảo vệ. Trung ương đảng cộng sản vừa ban hành Quy định 102-QĐ/TW trong đó cấm đảng viên cộng sản không được đòi “tam quyền phân lập”, nghĩa là chủ trương của giới lãnh đạo cộng sản trước sau như một là khống chế trực tiếp, tuyệt đối quốc hội, chính phủ và tòa án.
Không có tam quyền phân lập thì dĩ nhiên không có tòa án độc lập. Không có tòa án độc lập thì xét xử thế nào là theo ý của giới lãnh đạo cộng sản, nghĩa là không có công lý và không có quyền con người tại Việt Nam.
Giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục vi phạm Hiến pháp
Khoản 3 điều 102 của Hiến pháp hiện hành cho chính giới lãnh đạo cộng sản ban hành ghi rõ:
“Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Khoản 2 điều 103 Hiến pháp cũng ghi:
“Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.”
Tuy thế, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng lại chỉ đạo tòa án phải đem vụ Trịnh Xuân Thanh ra xét xử ngay trong tháng 1, 2 năm 2018. Rõ ràng ở đây người đứng đầu một tổ chức chính trị đã can thiệp trắng trợn vào việc xét xử của tòa án. Nếu ông Trọng không chỉ đạo thì hệ thống tư pháp Việt Nam có xử Trịnh Xuân Thanh hay các đại án tham nhũng khác không?
Việc chỉ đạo xét xử của ông Trọng như vậy đã khiến cá nhân ông và tổ chức đảng cộng sản cầm quyền của ông vi phạm điều 103 của Hiến pháp một cách công khai. Liệu có cơ chế nào để tòa án có thể xét xử ông Trọng nói riêng và giới lãnh đạo cộng sản nói chung vì việc vi phạm hiến pháp và pháp luật này?
Câu trả lời rõ ràng là không có, chừng nào Việt Nam chưa có tòa án độc lập hoặc tam quyền phân lập. Đó là lý do Trung ương đảng cộng sản ban hành quy định 102 cấm đảng viên đòi tam quyền phân lập.
Pháp trị (nhà nước pháp quyền) là giải pháp chứ không phải đức trị
Cũng ngay trong ngày bắt Đinh La Thăng 8/12, ông Trọng cũng ra mắt bộ sách “Vững bước trên con đường đổi mới”, trong đó ông cũng chỉ xoay đi xoay lại việc dạy đạo đức cách mạng, chỉnh đốn đảng,… hoàn toàn không có giải pháp gì mới trong việc chống tham nhũng vốn là “giặc nội xâm”.
Không thể có “đổi mới” thật sự nếu tư duy vẫn như cũ bởi vì vấn đề cũng sẽ như cũ. Chỉ có thể “đổi mới” khi giới lãnh đạo có tư duy mới, giải pháp mới, đó chính là điều các đảng viên cộng sản chính trực đã nói ngay trong nội bộ đảng: đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự…
Tiếc thay, những điều trên lại là điều cấm kỵ trong đảng cộng sản, nghĩa là giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục đi trên con đường cũ với tham nhũng và bất công xã hội rộng khắp, cũng có nghĩa họ chọn con đường đi đến sụp đổ.
Chính tiến sỹ Nhị Lê, phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã nói rõ về chuyện sụp đổ sắp tới của đảng cộng sản: “Sự rạn vỡ, chia rẽ về chính trị tất yếu sẽ dẫn đến sự tan vỡ về mặt tổ chức. Nếu sự tan vỡ về mặt chính trị cộng với tan vỡ về tổ chức thì Đảng Cộng sản không còn là đảng nữa, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc không còn vai trò lãnh đạo đất nước được nữa”.
Nếu thực sự giới lãnh đạo cộng sản quyết tâm chống tham nhũng, hẳn là đường dây mua chức đại biểu quốc hội do bà Châu Thị Thu Nga muốn khai ra đã không bị tòa án công khai bịt miệng tại tòa.
Chính giới lãnh đạo cộng sản đã “lật đổ chính quyền nhân dân”
“Chính quyền nhân dân” chỉ có thể được hiểu theo nghĩa là đại biểu quốc hội do lá phiếu trung thực của dân bầu ra. Việc mua bán chức đại biểu quốc hội rõ ràng là hành vi “lật đổ chính quyền nhân dân” để lập nên một chính quyền của những nhóm lợi ích tham nhũng. Cũng như vậy, việc giới lãnh đạo cộng sản không cho bà Nga khai ra đường dây mua bán chức tước chính là hành vi tiếp tay, bao che, là đồng phạm cho chuyện “lật đổ chính quyền nhân dân”.
Từ đó, ta có thể thấy tất cả những người bị kết án theo điều 79 Bộ luật Hình sự “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ở Việt Nam đều bị kết án oan vì ở Việt Nam không hề có “chính quyền nhân dân” để mà lật đổ. Những người lật đổ chính quyền nhân dân chính là giới lãnh đạo cộng sản. Họ đã biến chính quyền thành công cụ của một đảng khi từ chối “tam quyền phân lập”, từ chối “tòa án độc lập”.
Một vấn nạn mà chính báo chí chính thống của đảng cộng sản nêu ra là nạn quan chức thi nhau đi nước ngoài “tham quan, học tập” khiến ngân sách kiệt quệ. Quan chức cộng sản hiện tại còn sính dùng từ “cách mạng 4.0”. Trong khi đó, tinh hoa của văn minh nhân loại chính là đa nguyên đa đảng, xã hội dân sự, tam quyền phân lập, quyền con người,… thì chính lãnh đạo cộng sản lại chối bỏ.
Chỉ cần ngồi ở Việt Nam, giỏi tiếng Anh, sử dụng Google thành thạo là có thể “tham quan, học tập” được hầu hết các quốc gia trên thế giới, đâu cần tốn tiền, thế nhưng giới lãnh đạo cộng sản lại đang muốn ra luật để ngăn cản hoạt động của Google, Facebook, bất chấp việc đó vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Như vậy, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là tư duy “lấy đảng trị quốc” và cơ chế đảng trị không được thay đổi thì không có hi vọng gì về việc quyền con người được tôn trọng ở Việt Nam.
Quyền con người phải là trung tâm chứ không phải quốc gia
Các cuộc cách mạng ở Việt Nam trước đây đều lấy quốc gia, dân tộc là chủ đạo. Từ đó, con người cá nhân bị đè bẹp dưới các khái niệm đó. Bản thân giới lãnh đạo cộng sản khi đàn áp các cá nhân, tổ chức lên tiếng vì công bằng xã hội đều đem khái niệm “an ninh quốc gia” ra để bao che, ngụy biện cho việc vi phạm nhân quyền.
Cuộc cách mạng sắp tới của nhân dân Việt Nam chính là phải đặt lại con người vào vị thế trung tâm, giải phóng con người cá nhân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân dưới thể chế nhà nước pháp quyền. Cuộc cách mạng đó phải được bảo đảm bằng một bản hiến pháp chuẩn mực bảo đảm quyền làm chủ của người dân và đoàn kết quốc gia.
Việc bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, báo hiệu một thời kỳ đấu tranh khốc liệt, một mất một còn trong nội bộ đảng cộng sản. Người thét ra lửa đòi “đốt lò” như ông Trọng hôm nay, hoàn toàn có thể bị các đồng chí của ông đem ra trước vành móng ngựa ngày mai.
Cũng như ở Trung Quốc, trùm an ninh đầy quyền lực Chu Vĩnh Khang, người đã từng đàn áp biết bao người dân Trung Quốc khát khao dân chủ, đã nhận án chung thân trong một phiên tòa xét xử kín. Quả báo đến tức thì ngay trong kiếp này chứ không cần phải đợi kiếp sau.
Các đảng viên cộng sản, các sỹ quan an ninh, công an, quân đội cần suy nghĩ thấu đáo về những tấm gương trên. Vi phạm nhân quyền, đàn áp bất đồng chính kiến, bắt bớ tổ chức chính trị đối lập, bức cung, nhục hình thì trước sau gì cũng sẽ phải đối diện với tòa án và lương tâm của mình.
Còn những người Việt Nam khát khao một nền “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực” cần đoàn kết với nhau để đảm bảo một sự chuyển đổi trong hòa bình, với tinh thần đoàn kết dân tộc, không còn hận thù, nội chiến, đổ máu như đảng cộng sản đã làm sau 30/04/1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét