Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Việt Nam ‘vừa siết vừa nới’ giới hoạt động?



Đại sứ David Shear và Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập và là chủ tịch Phong trào Nhân quyền phi bạo lực ở Việt Nam và là ứng viên giải Nobel Hoà bình 2012 tại nhà Bác sỹ Quế, 2012. BS Quế là một trong những người bị an ninh theo dõi sát sao.


Vài tháng nay, ba nhà bất đồng chính kiến nổi trội ở Sài Gòn là mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cùng một người không tiện nêu tên khác bỗng nhiên không còn bị an ninh canh gác và theo dõi như trước.

Nguyên do?

Ba nhân vật trên đây là những người trước kia luôn được nhà cầm quyền “ưu ái” dành cho sự “chăm sóc đặc biệt”, gần như 24/24h. Vì thế, việc họ không còn bị canh gác thường xuyên khiến bản thân họ cũng như những người khác không khỏi ngạc nhiên và đưa ra những nhận định khác nhau.

Người thì nhận xét đây là dấu hiệu cho thấy thực trạng ngân sách cạn kiệt đã ảnh hưởng đến ngân khoản rót cho bộ máy công an, lực lượng vốn luôn được nhà cầm quyền dành cho một chế độ đãi ngộ đặc biệt, với thói quen chi tiêu vô tội vạ mà hầu như không bị kiểm soát. Và xem ra tình trạng ngân sách thu không đủ bù chi đã buộc người ta phải xem lại việc nuôi cả một đội quân chỉ để phục vụ cho việc canh gác các nhà đấu tranh ôn hoà này.

Người thì cho rằng đây là một biểu hiện của chính sách “vừa siết, vừa nới” của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến, nhằm dung hoà giữa những gì họ đã đạt được với Mỹ với quyết tâm bảo vệ chế độ của ban lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, sau các vụ bắt bớ và khủng bố gần đây, đặc biệt là các bản án nặng nề dành cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (ngày 29/6) cùng nhà hoạt động Trần Thuý Nga (ngày 25/7), vụ khởi tố nhà hoạt động Lê Đình Lượng theo Điều 79 BLHS (ngày 26/7), và đặc biệt là vụ bắt giam và khởi tố đồng loạt 4 nhà hoạt động là MS Nguyễn Trung Tôn, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà báo Trương Minh Đức và LS Nguyễn Bắc Truyển vào ngày 30/7, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, vốn bắt đầu từ khi LS Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015.

Các vụ trấn áp này lại càng đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam vừa “tung cờ trắng” trước lời đe doạ của Bắc Kinh, yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại bãi Tư Chính, khu vực mà Hà Nội luôn khẳng định là nằm trong thềm lục địa của mình, không thuộc khu vực tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào, còn Bắc Kinh thì vẫn khăng khăng là nằm trong đường lưỡi bò do họ tưởng tượng ra trên Biển Đông.

Phương châm hành động của ban lãnh đạo…

Như chúng tôi đã chỉ ra trong bài “Xu thế chính trị của ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay”, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang từ ngày 19-21/6/2013, sân khấu chính trị Việt Nam vốn dĩ đã phức tạp lại càng phức tạp hơn: ông Trương Tấn Sang từ bỏ vị trí thủ lĩnh phe cấp tiến để sắm vai một nhân vật cơ hội, quy thuận Bắc Kinh hầu mong được tiếp quản chiếc ghế TBT; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nổi lên đóng vai trò thủ lĩnh của nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, nhưng lại chưa đủ sức lãnh đạo phe cấp tiến do viễn kiến và uy tín của một nhân vật xuất thân từ ngành công an. Trước Đại hội XII Đảng CSVN, ban lãnh đạo Việt Nam dần đi đến thoả hiệp và thống nhất về hai phương châm hành động: (i) duy trì chế độ bằng mọi giá, và (ii) ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh (việc thắt chặt quan hệ hơn với Mỹ, được đánh dấu bằng chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng nhằm mục đích này).

Để duy trì chế độ bằng mọi giá, LS Nguyễn Văn Đài – nhân vật tưởng như khó đụng tới nhờ mối liên hệ chặt chẽ với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và phương Tây – đã bị bắt tại nhà riêng ngày 16/12/2015, khởi đầu cho một làn sóng đàn áp mới, với những bản án nặng nề và những vụ khủng bố thẳng tay nhằm vào giới đấu tranh. (Việc LS Đài bị bắt tại nhà riêng, chứ không phải “bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phạm tội”, cho thấy vụ bắt bớ này diễn ra với sự đồng thuận của Bộ Chính trị, chứ không phải do các phe phái đấu đá nhau.)

Để ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật mà LS Cù Huy Hà Vũ nhận định là “điệp viên hoàn hảo của Trung Quốc” – đã bị tập thể Bộ Chính trị loại khỏi cuộc chơi.

…và thực tế diễn ra

Do cùng chia sẻ những lợi ích thiết thân trên con thuyền XHCN nên phương châm duy trì chế độ bằng mọi giá đã được các phe phái quán triệt và lực lượng “còn đảng còn mình” thì thực hiện trên cả xuất sắc: bị đánh phá từ cả từ ngoài vào lẫn từ trong ra trong bối cảnh không còn sự ủng hộ ngấm ngầm của phe cấp tiến như trước, vài năm gần đây phong trào dân chủ Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, phương châm ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh lại không được quán triệt đầy đủ, và nhanh chóng rơi vào tình cảnh “được chăng hay chớ”. Nguyên do là mặc dù Nguyễn Tấn Dũng đã ra đi nhưng các “nhân tố Trung Quốc” vẫn còn nắm nhiều quyền lực (nếu không muốn nói là vẫn chiếm ưu thế) trong Bộ Chính trị, mà tiêu biểu là TBT Nguyễn Phú Trọng (nhân vật thậm chí không thèm che dấu lập trường thân Trung Quốc) và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải (nhân vật được coi là liên quan trực tiếp đến hầu như mọi vấn nạn Trung Quốc ở Việt Nam suốt 10 năm qua: trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ông ta đã để cho nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, với 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những dự án nằm ở những vị trí xung yếu về quốc phòng, rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, hay trực tiếp “khai sinh” và bảo trợ cho Formosa Hà Tĩnh, v.v.).

Đáng quan ngại hơn, ngay cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người vốn được coi là thủ lĩnh của nhóm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng chấp nhận để Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải tháp tùng mình trong chuyến thăm Belarus và Nga cuối tháng Sáu vừa qua. Động thái này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: nhân vật đang nóng lòng được tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng này sẽ chấp nhận đánh đổi những gì để nhận được sự chuẩn thuận của Trung Nam Hải và phe nhóm thân Tàu?

Việc Hà Nội đầu hàng trước Bắc Kinh trong vụ khoan thăm dò khí đốt tại Bãi Tư Chính là một diễn biến phù hợp với logic lập luận trên đây.

Tình hình sắp tới

Trở lại với việc một số nhân vật bất đồng chính kiến tên tuổi không còn bị canh giữ như trước. Thoạt tiên, đây có vẻ như là dấu hiệu cho thấy hoặc gánh nặng nợ công và tình trạng thâm thủng ngân khố đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bộ máy công an, hoặc nhà cầm quyền đang thực hiện chính sách “vừa siết, vừa nới”.

Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, công an đội quân “kiêu binh” của chế độ. Vì vậy, ngay cả khi tình hình ngân sách ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị thì lực lượng này cũng nằm cuối danh sách phải chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, Sài Gòn là địa phương đóng góp tới hơn 31% cho ngân sách cả nước nên lại càng khó tin là ngân sách dành cho lực lượng công an ở đây bị thắt chặt.

Ngoài ra, tuy ba nhà hoạt động nói trên không còn bị canh giữ thường xuyên, nhưng một nhà đấu tranh kỳ cựu khác là linh mục Phan Văn Lợi thì vẫn đang trong tình trạng bị “quản thúc tại gia” ở Huế, khi nhà cầm quyền bố trí một đội quân thay phiên nhau túc trực bên ngoài nhà ông, không cho ông ra khỏi nhà. Còn bác sỹ Nguyễn Đan Quế (người từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hoà Bình và luôn bị giám sát chặt chẽ hàng chục năm nay, với 3 camera gắn trên cả 3 ngõ vô nhà) thì nhận định là chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông được “nới lỏng” cả.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù không còn bị canh giữ nhưng an ninh vẫn bí mật theo dõi ông. Điều này có nghĩa là việc một số nhà hoạt động nổi trội không còn bị canh giữ đơn giản chỉ là sự thay đổi chiến thuật của an ninh đối với vài đối tượng cụ thể. Việc sử dụng một đội quân thường xuyên canh giữ và đeo bám đối tượng rõ ràng là vừa phản cảm, vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Thay vào đó họ chỉ cần bí mật theo dõi và tổ chức ngăn chặn đối tượng mỗi khi diễn các sự kiện chính trị - xã hội là đủ. (Bác sỹ Nguyễn Đan Quế cho biết, hôm diễn ra phiên toà xét xử nhà hoạt động Trần Thuý Nga, ông bị hai nhân viên an ninh canh gác trong hai ngày liền.)

Với các vụ bắt bớ, khủng bố cùng những bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động gần đây, có thể nói phong trào dân chủ đang đứng trước sự đàn áp khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, mức độ khốc liệt khác thường này còn khiến người ta liên hệ đến những vấn đề nội bộ của nhà cầm quyền, thể hiện qua hai vụ việc đang khiến dư luận xôn xao là Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam “đầu thú” và ông trùm ngân hàng Trầm Bê bị bắt.

Tóm lại, bất chấp thực tế một số nhà hoạt động không còn bị canh gác, tình hình dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo chiều hướng xấu. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục ít nhất là cho đến Hội nghị Trung ương 7, diễn ra vào tháng 5/2018, một hội nghị mà người ta dự kiến là ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật bảo thủ và thân Tàu số 1 Việt Nam, sẽ rời khỏi chiếc ghế TBT. Và xu thế chính trị tại Việt Nam sau Hội nghị Trung ương 7 sẽ phụ thuộc rất lớn vào “thoả ước” giữa vị tân Tổng Bí thư với Bắc Kinh và phe nhóm thân Tàu trong bộ máy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét