“Đúng là khai thác du lịch bằng cáp treo khá phổ biến trên thế giới và
mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế, người ta cũng không áp
dụng cáp treo với khám phá hang động, đặc biệt với những hang lớn và đẹp
lộng lẫy như Sơn Đoòng, hệ sinh thái có các đặc điểm môi trường lý hóa
đặc biệt, rất dễ bị tổn thương và hủy hoại bởi sự thăm viếng vượt quá
sức chịu tải của nó”. Tiến sĩ Tạ Hòa Phương, cho biết như vậy.
Tiến sĩ Tạ Hòa Phương chuyên nghiên cứu về lĩnh vực Cổ sinh - Địa tầng.
Ông là Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, tham gia nghiên cứu
khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng cùng các hang động trong đó từ năm 1990.
Ông cũng là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên đi xuyên qua hang Sơn Đoòng,
năm 2013.
Thủ tướng quên tham vấn Tổ tư vấn?
Theo cổng thông tin UBND tỉnh Quảng Bình, chiều 25-8, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng
Bình. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đề xuất nhiều vấn
đề, trong đó có việc bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia
Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh
nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới.
Xung quanh đề xuất trên, Thủ tướng nói rằng ông và các bộ ngành “đồng ý
về chủ trương” ở chuyện làm cáp treo. Có lẽ khi phát biểu điều đó trong
cảm hứng của “gió Đại Phong” (từ của ông Phúc nhấn nhá nhiều lần hôm
chiều 25-8 với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình), ông Thủ tướng quên mất rằng
phía tỉnh Quảng Bình đề xuất khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ
Bàng có tuyến cáp treo dài đến 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh
đông đến hang Én.
Như vậy, Phong Nha – Kẻ Bàng nơi đang có số loài thực vật 2.744 loài,
động vật trên 1.000 loài; trong đó có nhiều loài quý… thì để làm cáp
treo, người ta phải mở đường để vận chuyển nguyên vật liệu, ánh sáng đèn
điện, tiếng ồn máy móc… Những điều đó sẽ phá vỡ tính toàn vẹn của quần
thể sinh học, động vật ở đây.
Tin ai?
Trong gặp gỡ báo chí hồi đầu năm nay (hôm 17-1-2017), ông Trần Tiến
Dũng, phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Tỉnh chưa có chủ trương
cũng như chưa có kế hoạch xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng”. Ông Dũng
nhấn mạnh với các phóng viên là dự án muốn thực hiện phải qua nhiều quy
trình, xin ý kiến các bộ ngành và đặc biệt cần sự đồng ý của UNESCO.
Trong buổi gặp gỡ này, ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Du lịch Quảng
Bình, có cho biết thêm là địa phương đang kêu gọi các nhà đầu tư xây
dựng cáp treo ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, kèm lời nhấn:
“Không có chuyện xây cáp treo vào Sơn Đoòng vì đây là tài nguyên thiên
nhiên vô giá cần được bảo tồn”.
Tuy nhiên, ghi nhận của báo chí lại cho thấy các thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có vẻ… chỉ là một nửa sự thật.
Vào ngày 24-4-2017, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức Đại hội cổ đông
thường niên năm 2017. Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc FLC đang
triển khai dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, Quảng Bình, liệu việc thực
hiện dự án này có đi ngược lại với mục tiêu “thân thiện với môi trường”
mà FLC đã truyền tải tại báo cáo thường niên, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ
tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, cho biết thời gian qua, FLC có
nghiên cứu và khảo sát dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng Quảng Bình theo
lời mời gọi của chính quyền tỉnh.
“Khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy UBND tỉnh Quảng Bình có
lý của họ vì đường vào khu vực cửa hang rất khó khăn, đi mất nhiều
ngày, đồng thời chỉ vào được không quá 20 người mỗi ngày”, ông Trịnh Văn
Quyết nói.
Chỉ biết tiền, tiền và nhiều tiền hơn nữa
Liên quan chuyện “Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương”, tiến
sĩ Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường Việt
Nam, trăn trở rằng ông chưa bao giờ thỏa mãn với báo cáo tác động môi
trường, nguyên do bởi các yếu tố như thời gian, kinh phí. Thêm vào đó,
vẫn có những “thủ thuật quản lý không trong sáng” để làm cho báo cáo tác
động này không ảnh hưởng nhiều đến việc phê duyệt các dự án.
Ông Trịnh Văn Quyết nói trước cổ đông hôm 24-4-2017, rằng số lượng du
khách vào hang Sơn Đoòng năm 2016 “chỉ dưới 500 khách”. Thế nhưng với
những nhà khoa học về Cổ sinh - Địa tầng, để ngành du lịch đón “gió Đại
Phong” không đồng nghĩa với con số tăng lượng khách đến với hang động
này.
“Một số thành tạo địa chất đặc biệt của hang Sơn Đoòng như các bờ ngăn
mỏng và dựng đứng bằng chất calcit tạo nên hệ thống “ruộng bậc thang” kỳ
thú; rồi các thành tạo phytokarst và biokarst có cấu trúc mỏng manh, là
sản phẩm phá hủy trầm tích carbonat có sự tham gia của tảo, nấm...
Những thứ này ở Việt Nam chỉ riêng trong hang Sơn Đoòng mới có và chúng
rất dễ bị phá hủy khi du khách vào hang”. Tiến sĩ Tạ Hòa Phương nói.
“Khi có cáp treo, lượng người đổ về đây sẽ rất lớn và vấn đề ô nhiễm môi
trường là điều không thể tránh dù ta có quản lý tốt. Chính vì vậy, tôi
cho rằng, hang Sơn Đoòng chỉ nên dành cho các nhà nghiên cứu, nhà thiên
nhiên, thám hiểm… còn nếu để khai thác du lịch một cách ồ ạt ai cũng có
thể đến thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn”. Tiến sĩ Vũ Quang Côn, cựu Viện
trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cảnh báo.
Bàn về chuyện “cáp treo” đang tràn lan như thứ dịch bệnh, tiến sĩ khảo
cổ Nguyễn Thị Hậu cảnh báo: “Gần đây, dự án cáp treo Sơn Đoòng đang bị
nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng gồm những tổ chức bảo vệ thiên nhiên
và những người bảo vệ sự bền vững cho du lịch sinh thái Việt Nam.
Những tuyến cáp treo như vậy nguy cơ sẽ là những “bản án treo” mà thế hệ
tương lai phải chịu: sự cạn kiệt của thiên thiên kéo theo sự “trả thù”
của nó đối với con người. Bởi tất cả các hệ sinh thái đặc thù của khí
hậu nhiệt đới Việt Nam đã bị tổn hại do chiến tranh, do phát triển kinh
tế (khai hoang, thuỷ điện, trồng trọt…) và bây giờ là do phát triển du
lịch – ngành kinh tế sử dụng nguồn vốn ban đầu và phần lớn là từ thiên
nhiên và di sản văn hoá.
Du lịch “sinh thái” lại có tác động không nhỏ huỷ hoại sự sống của bao
nhiêu loài thực vật, động vật, bao nhiêu nguồn gien quý hiếm, phá vỡ mối
liên hệ giữa các loài nhằm cân bằng môi trường trên rừng dưới biển…”.
Khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn rằng
nội các của ông là một chính phủ kiến tạo cho sự tăng trưởng bền vững,
không ăn xổi ở thì. Tăng trưởng bền vững, tức là phát triển kinh tế phải
đảm bảo môi trường an sinh, môi trường sinh thái chứ không phải bất
chấp mọi thứ, phá hủy di sản hàng triệu triệu năm mới có để đánh đổi lấy
lợi ích kinh tế trước mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét