Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Huy Đức đã lầm…



Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng và Trịnh Xuân Thanh. Ảnh cắt từ clip
 và internet
 
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh bị tình báo phía Việt Nam tại Đức, bắt và chuyển sang một nước thứ ba, trước khi đưa về Việt Nam khiến quan hệ giữa Đức và Việt Nam căng thẳng. Trong ngày, Đức đã trục xuất đại sứ lẫn tham tán (người được xem là tình báo Việt Nam tại Đức) trong vòng 48 tiếng. Bối cảnh đó, nhà báo Huy Đức nhận định rằng, phản ứng của Đức là đáng tiếc với ngụ ý rằng, hoạt động bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức là hợp lý và cản trở điều đó là sai (*).

Huy Đức đưa ra ba luận điểm chính: Một, những quốc gia muốn Việt Nam chống tham nhũng lại chính là nơi chứa chấp kẻ tham nhũng; hai, kẻ bị bắt (ám chỉ Trịnh Xuân Thanh) chưa hẳn là nạn nhân của phe phái mà có thể là tội phạm, tội tham nhũng; và ba, quan trọng nhất, đất nước có dân chủ và pháp quyền, chưa chắc chống tham nhũng được.

Cả ba luận điểm đó đều đánh lạc hướng một vấn đề rất quan trọng, vấn đề mà Huy Đức tin rằng có thể không đáng bận tâm cho công cuộc chống tham nhũng, cuộc chiến chống tham nhũng đó có thể bất chấp cả cách thức thực hiện, miễn, nó mang được kẻ tham nhũng về trị tội. Vấn đề né tránh là: Đâu là ranh giới giữa đấu đá chính trị và sự liêm chính trong việc chống tham nhũng.

Chúng ta thừa hiểu, ở xã hội toàn trị theo mô hình cộng sản, đấu đá chính trị và kể cả triệt tiêu phe phái trong nội bộ đều nấp dưới chiêu bài “chống tham nhũng”. Mọi tên cộng sản và những kẻ theo chúng, tay đều nhúng chàm, vấn đề là nhiều hay ít. Khi ai đó đứng về một phe, không phải vì công lý mà vì mượn công lý để triệt tiêu phe nhóm còn lại.

Trở lại vấn đề Trịnh Xuân Thanh, tôi không in ông ta trong sạch, nhưng chắc chắn một điều, kẻ muốn tiêu diệt ông ta cũng y chang như Trịnh Xuân Thanh. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh mang trong người cả hai vấn đề: vừa tham nhũng vừa là nạn nhân chính trị. Tôi chỉ lưu ý ở khía cạnh tham nhũng, thứ lý do để Huy Đức vịn vào nhằm hợp lý hoá mọi phương tiện để đạt được cứu cánh là, đưa tên tội phạm này về xử tội.

Khi Trịnh Xuân Thanh chưa bị xử bằng một toà án công khai, minh bạch và theo đúng luật lệ; không một kẻ nào, kể cả chính quyền, được phép xem Thanh là một tội phạm. Do đó, Thanh không phải là tội phạm tham nhũng khi đặt chân đến Đức và xin quy chế tị nạn. Mọi hành vi bắt cóc Thanh, dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào, cũng là sai, sai hoàn toàn. Chúng ta có thể tin rằng Thanh là một tên tham nhũng đào thoát khỏi quốc gia và đào tị đến Đức; đó là niềm tin. Nhưng nguyên tắc lý tính ở đây, vai trò tội phạm là không minh bạch, nhưng vai trò nạn nhân chính trị thì rõ, rất rõ là đằng khác.

Tôi tự nghĩ, nếu Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng quyết liệt như Huy Đức đang cổ vũ, thì tại sao, ông ta chỉ tập trung vào phe Nguyễn tấn Dũng? Khi nhiều người cố gắng vẽ ra một Nguyễn Tấn Dũng như là nguyên nhân gây ra suy thoái quốc gia, thì họ quên rằng, đất nước này được điều hành bởi một tập thể có chia chác chung quyền lợi chứ không riêng gì Dũng. Có thể, Dũng là kẻ mưu mô khi giành nhiều quyền lợi cho phe cánh mình, nhưng không lẽ những kẻ ngồi trong bộ chính trị thời Dũng đều mù hết sao? Chúng cùng tham nhũng như Dũng, nhưng khi giành quyền lực, chúng lại cho rằng chúng đang hành động như sứ giả của công lý.

Ở phương diện công pháp quốc tế, tôi lên án hành vi tình báo làm với Trịnh Xuân Thanh, bất cứ vì lý do gì, hành động đó thô bỉ và khốn nạn, không kém gì đám tình báo Pháp đã bắt bớ người yêu nước Việt Nam năm xưa. Dù, Thanh chẳng phải là kẻ yêu nước, hắn chẳng tốt và chẳng xấu; nhưng hắn cần được cư xử đúng với những gì chúng ta tin là công lý.

***

Bài liên quan:





           Ảnh minh họa. Nguồn: internet
 
Khi Nguyễn Tấn Dũng bị loại tại Đại hội 12, một nhà ngoại giao phương Tây tại Sài Gòn hỏi tôi, “Cô Phượng rồi sao?”. Tôi nói, “Bà nên hỏi cô ấy; nhưng tôi e nước Mỹ và Phương Tây sẽ có thêm nhiều công dân giàu có và tôi muốn lưu ý bà, tiền đấy là xương máu của nhân dân chúng tôi”.
Nếu quả thật, Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thay vì bị dẫn độ, phản ứng của Đức là dễ hiểu. Việt Nam chắc chắn có khó xử dù bây giờ họ có thể gửi cho phía Đức những phủ nhận của TXT (bắt cóc thì điều quan trọng nhất là phải có nạn nhân). Tôi không đủ thông tin để bình luận thêm. Chỉ suy nghĩ rất nhiều về điều này. Mấy năm qua tôi tham gia nhiều dự án của các định chế quốc tế giúp VN phòng, chống tham nhũng, bây giờ chính những nơi mong muốn VN thực sự chống tham nhũng đó có khả năng trở thành nơi trú ẩn cho những tên trộm cướp tiền bạc của nhân dân tôi hung hãn nhất.

Tôi ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng và mong muốn những kẻ bỏ trốn như TXT phải bị bắt.

Chính trị nào cũng có phe phái vấn đề là chúng ta còn phải chờ các phiên tòa để thấy những kẻ hôm nay bị bắt là nạn nhân của phe phái hay là những kẻ đang ăn cướp của dân. Tối qua khi theo dõi phản ứng của Đức, tôi nói với một nhà báo lớn và một luật sư tên tuổi, “Chúng ta có thể còn nghi ngờ anh công an đứng bên kia đường vẫn làm mãi lộ, nhưng nếu có kẻ cướp giật bên nay ta vẫn cần ở anh ấy”.

Việc để xảy ra sự phản ứng của Đức là đáng tiếc khi lần đầu tiên đảng CSVN thực sự có truy đuổi những tên tham nhũng (lúc đầu tôi cũng ngờ rằng với những dây nhợ của TXT, BCA sẽ không muốn bắt). Nhưng, “tái ông thất mã”, tôi hy vọng là trước phản ứng của Đức trong vụ TXT, ông Trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng và các đồng chí của ông nhận ra, cải cách là đòi hỏi cấp thiết của đất nước. Có dân chủ, có nhà nước pháp quyền chưa chắc đã chống được tham nhũng; nhưng nếu không có dân chủ, không có nhà nước pháp quyền thì các thành tựu chống tham nhũng nếu đạt được cũng chỉ là cục bộ.

Thể chế nào muốn chống tham nhũng cũng đều phải cần những bàn tay sạch. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào những bàn tay sạch thay vì một thể chế thì các thành tựu chống tham nhũng dù có đạt được cũng chỉ là tạm thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét