Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên và khủng hoảng Cuba : Góc nhìn lịch sử

media 
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong một lần phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung. Ảnh do KCNA công bố ngày 23/06/2016REUTERS/KCNA/File Photo

Khi những căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ vừa có dấu hiệu lắng xuống, thì Bình Nhưỡng lại cho bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản. Chắc chắn Bình Nhưỡng muốn cho thấy là mọi đe dọa và trừng phạt sẽ không thể ngăn cản chế độ Bắc Triều Tiên theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo bằng mọi giá. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng Cuba cũng đã nhiều lần thành tâm điểm trong các nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng hạt nhân. 

Trong bài viết có tiêu đề « Ba suy nghĩ về sự giống nhau giữa khủng hoảng Bắc Triều Tiên và khủng hoảng Cuba » đăng trên trang mạng The Conversation ngày 29/08/2017, ông Pierre Grosser, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Science Po - Pháp, nhận định cuộc khủng hoảng Cuba trước đây thực sự gây ngạc nhiên, còn căng thẳng tới đỉnh điểm lần này trong hồ sơ Bắc Triều Tiên là điều mọi người đã lường trước, do Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tên lửa đạn đạo. Giáo sư Grosser nhấn mạnh không có ý định so sánh các điểm giống nhau và khác biệt giữa hai cuộc khủng hoảng, mà chỉ đưa ra vài nhận xét dưới góc nhìn lịch sử. 

Vũ khí hạt nhân là để tấn công hay phòng thủ ? 

Theo giáo sư Grosser, trong tất cả các nghiên cứu về khủng hoảng Cuba, người ta thường giới thiệu sơ đồ về tầm bắn của các tên lửa được lắp đặt trên hòn đảo, nhằm cho thấy chúng nguy hiểm tới mức nào đối với Hoa Kỳ. Người ta cũng làm vậy khi nói về các tên lửa của Bắc Triều Tiên. Dường như người ta coi các tên lửa của Bình Nhưỡng là nhằm mục đích tấn công. Nhiều người đã phản ứng gay gắt khi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dọa bắn tên lửa về phía đảo Guam của Mỹ. Việc dễ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân luôn khiến người Mỹ bất an. 

Đối với lãnh tụ Liên Xô, Nikita S. Khrushchev, tên lửa ở Cuba là nhằm cân bằng lại tương quan hạt nhân Mỹ-Xô. Thực ra là Mỹ đạt trình độ cao hơn Liên Xô khi đó về tên lửa đạn đạo tầm xa ICBM. Vì lãnh tụ Liên Xô đặt cược tất cả vào vũ khí hạt nhân để phòng vệ và cho phép chuyển hướng các nguồn lực vào việc phát triển kinh tế đất nước, nên Khrushchev phải tỏ ra không gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng Cuba.

Khi Hoa Kỳ chưa có đủ tên lửa liên lục địa hay chưa có công nghệ bắn tên lửa từ tầu ngầm, Washington đã cho đặt tên lửa quanh Liên Xô, chẳng hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Xô cho lắp đặt các tên lửa tại Cuba nhắm tới nước Mỹ cũng giống cách Mỹ làm với Liên Xô và Khrushchev đã rất vui sướng cho Mỹ « nếm mùi » sống với tên lửa của kẻ thù đặt sát biên giới. Như vậy, mục tiêu của điện Kremlin không phải là tấn công. Hơn nữa, đối với lãnh tụ Liên Xô Khrushchev, tên lửa của Liên Xô là nhằm bảo vệ Cuba. Mọi người vẫn còn nhớ sự kiện Vịnh Con Heo 1961 và việc Mỹ chuẩn bị chiến lược quân sự quy mô lớn năm 1962 nhằm lật đổ chế độ Fidel Castro. 

Hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu có phải Bình Nhưỡng coi vũ khí nguyên tử và tên lửa là phương tiện sống còn để bảo vệ chế độ. Hoa Kỳ đã rút vũ khí hạt nhân cuối cùng tại Hàn Quốc vào năm 1991, nhưng vẫn có thể tấn công Bắc Triều Tiên bằng nhiều cách khác. Chuyên gia Grosser nhắc lại là khủng hoảng Cuba được giải quyết bằng lời hứa Mỹ không xâm lược Cuba, đổi lại Liên Xô rút tên lửa khỏi hòn đảo. Mỹ cũng rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu Bắc Triều Tiên có chấp nhận thỏa thuận kiểu này không ? Theo giáo sư Grosser, chắc chắn Washington ít muốn thay đổi chế độ Bình Nhưỡng hơn là thay đổi chế độ Cuba và người Cuba tị nạn tại Mỹ bận tâm về đất nước họ nhiều hơn là người Hàn Quốc bận tâm về Bắc Triều Tiên. 

Trên thực tế, còn có một cuộc khủng hoảng thứ hai tại Cuba. Đó là vào tháng 11/1962, Liên Xô muốn rút tên lửa khỏi Cuba. Chủ tịch Castro, dù không hài lòng chút nào về việc « bị bỏ rơi », vẫn đánh giá Liên Xô là lực lượng bảo vệ Cuba hiệu quả, nhất là vì Liên Xô phát triển hải quân trong khu vực. Còn hiện giờ, Bắc Triều Tiên cảm thấy khá đơn độc. Bình Nhưỡng thấy rõ là vào năm 1962, Cuba đã bị Matxcơva bỏ rơi. Điều này càng khiến Bình Nhưỡng muốn có sức mạnh hạt nhân của riêng mình.

Việc Mỹ xâm lược Grenada vào năm 1983 cũng thúc đẩy Bắc Triều Tiên đẩy nhanh chương trình phát triển hạt nhân. Và xét cho cùng, vào năm 2017, Bắc Triều Tiên đã thành công hơn Liên Xô và Cuba tại thời điểm năm 1962, vì viễn cảnh Bình Nhưỡng phải giải trừ vũ khí hạt nhân dường như đã lùi xa. 

Liệu có nguy cơ vũ khí hạt nhân bị sử dụng không?

Các sử gia đánh giá nguy cơ leo thang hạt nhân thời kỳ khủng hoảng Cuba không trầm trọng như người ta e ngại. Lãnh tụ Liên Xô Khrushchev đã nhận thức được các nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một số nhà chiến lược hiện nay vẫn tiếp tục loan truyền hình ảnh tổng thống Kennedy mạnh mẽ, đe dọa được Liên Xô ở mức cao nhất và buộc được Matxcơva nhượng bộ. Và họ muốn tổng thống Donald Trump đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên đỉnh điểm để Bắc Kinh giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Nhưng nếu tổng thống Kennedy được coi là một chú chim bồ câu hòa bình giữa một bầy « diều hâu » - cố vấn thân cận, thì tổng thống Donald Trump hiện nay lại là một con diều hâu giữa những người có đầu óc thực tế.

Một cách hình ảnh, giáo sư Fosser ví von hiện giờ, nếu tổng thống Mỹ chỉ biết đu đưa vai để đánh golf thì tổng thống Nga lại khoe cơ bắp khi đi câu cá. Theo một thăm dò ý kiến mới đây, người dân Mỹ không phản đối việc sử dụng vũ khí nguyên tử để đối đầu với Bắc Triều Tiên. Nhưng chúng ta cũng phải đặt câu hỏi về phản ứng của châu Á về việc các quốc gia trong khu vực phải hứng chịu bom hạt nhân. 

Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un khiến nhiều người nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên đáng lo ngại, kỷ nguyên của những mối đe dọa, răn đe giữa những kẻ điên khùng. Một số người tự hỏi liệu có nên hạn chế quyền được ấn nút hạt nhân của tổng thống Donald Trump hay không. Trong khi nhiều nhà quan sát đánh giá Kim Jong Un lý trí hơn Donald Trump. Và dường như mối nguy hiểm nằm ở nguy cơ leo thang căng thẳng chứ không phải ngay chính ở sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Sau cuộc khủng hoảng Cuba, hai cường quốc Mỹ-Xô đã triển khai một « đường dây nóng » để hỗ trợ quản lý khủng hoảng. Nhưng không chắc chắn là Washington chịu thiết lập đường dây đối thoại trực tiếp, vì như thế có nghĩa là vị thế của Bắc Triều Tiên được nâng lên. 

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên là cuộc khủng hoảng toàn cầu ?

Mỹ hiện đang lo ngại là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền : Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trang bị vũ khí nguyên tử. Nhưng đó lại là điều một số nhà tư vấn bảo thủ của Hoa Kỳ mong chờ để Mỹ bớt phải can dự vào các vấn đề quốc tế. Theo họ, Nhật Bản và Hàn Quốc đủ khả năng tài chính để tự phòng vệ. Và chính tổng thống Donald Trump, khi mới nhậm chức cũng ngả theo hướng này. 

Còn Nhật Bản và Hàn Quốc sợ bị cuốn vào cuộc chiến tranh của Mỹ chống Bắc Triều Tiên, và rất có thể cuộc chiến đó sẽ trở thành cuộc chiến với Trung Quốc, giống hồi năm 1952-1953. Tokyo và Seoul không muốn bị Washington bỏ rơi, và cũng không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến. Trong trường hợp nổ ra xung đột, Washington phải tính tới khả năng Hàn Quốc, đặc biệt là thủ đô Seoul bị tấn công. Vào tháng 10/1962, tổng thống Mỹ Kennedy có mối lo thường trực là Liên Xô sẽ tấn công Tây Đức. Nhìn rộng ra, khi đó các đồng minh của Mỹ ở Tây Âu có nguy cơ bị cuốn vào căng thẳng với Matxcơva. 

Thêm vào đó, trong khi cuộc khủng hoảng Cuba diễn ra, Trung Quốc bắt đầu tấn công Ấn Độ. Và tổng thống Mỹ Kennedy không thể bỏ qua điều này. Tuy nhiên, giáo sư Grosser cho biết mối liên hệ giữa hai sự kiện trên hiếm khi được nhắc đến. Khi đó, thủ tướng Ấn Độ Nehru đã gọi điện cho chính quyền Mỹ và việc này làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng sự ủng hộ của Liên Xô quá ít ỏi. Tổng thống Mỹ Kennedy thì tin rằng Trung Quốc và Nga có sự bàn tính phối hợp để tấn công Mỹ trong các hồ sơ Cuba, Ấn Độ và Đông Dương.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên giờ đây lại không giống như vậy. Và Mỹ dường như đã gửi cho Ấn Độ một vài tín hiệu, nhưng New Delhi vẫn không ngớt lo ngại là Washington sẽ bỏ rơi Ấn Độ để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Báo chí nhà nước Trung Quốc thì cảnh báo là Ấn Độ không thể được Mỹ ủng hộ nhiều hơn so với năm 1962 và đánh giá là Matxcơva cũng không thể ngả hẳn sang Bắc Kinh hay New Delhi vì từ những năm 1950, Matxcơva đã mơ tới trục Matxcơva - Bắc Kinh - New Delhi. 

Nga hiện vẫn giữ vai trò quan trọng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, cho dù Matxcơva không phải là yếu tố duy nhất tạo ra chế độ Bình Nhưỡng sau năm 1945. Hiện nay, cũng giống như trong quá khứ, Nga muốn chơi ván bài trên mọi mặt trận ở lục địa Âu-Á (Baltic, Ukraina, Balkan, Syria, Caucase, Afghanistan, Triều Tiên …) để kích thích sự phát triển của điều mà Matxcơva coi là lợi ích của Nga và nhằm làm ảnh hưởng tới lợi ích của Hoa Kỳ. Theo giáo sư Grosser, không thể phân tích cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà không tính tới quan hệ Nga-Mỹ. 

Và cuối cùng, giáo sư Grosser nhận định hồ sơ Bắc Triều Tiên không thể tách rời hồ sơ Iran. Hiện nay, tại Washington đang diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nếu Mỹ huỷ bỏ thỏa thuận trên, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Và Bình Nhưỡng chắc chắn không quên vụ lãnh đạo Kadhafi của Libya bị trừ khử trong khi nước này đã thương lượng về việc từ bỏ phát triển hạt nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét