“Chúng ta rồi sẽ bị hủy hoại bởi những gì mình yêu thích”,
Aldous Huxley từng viết như vậy vào năm 1932. Trong cuốn Brave New World của
mình, ông mô tả xã hội loài người vào năm 2540 – một xã hội đã
bị phá hủy bởi sự thiếu hiểu biết, sự đam mê thú vui tức thời, sự
thống trị của công nghệ, và sự dư thừa hàng hóa vật chất. Với việc
bầu Donald Trump lên làm Tổng thống, nước Mỹ dường như đang đi
theo đúng con đường mà Huxley đã chỉ ra sớm hơn 500 năm so với dự
đoán của ông.
Lâu nay, văn hóa công chúng Mỹ luôn né tránh những tư tưởng trí
thức cao đạo, và thường ca ngợi một loại chủ nghĩa quân bình theo
kiểu bình dân và tự do, coi đó là một điều kiện
tiên quyết cho sự sáng tạo không bị hạn chế cũng như thứ chủ nghĩa tư
bản không kiểm soát mà nước này ủng hộ. Tất cả những gì mọi người
cần chỉ là ý chí dám làm và sự kiên trì.
Đây đã từng là một đề nghị hấp dẫn cho người dân ở những nước như
Liên Xô, vốn dĩ khá giống với thế giới trong tiểu thuyết đen tối 1984
của George Orwell. Ở nơi mà sự kiểm soát của chính phủ khiến sự
sáng tạo văn hóa chỉ có thể diễn ra trong bí mật, thì tinh thần
bình dân và trí tưởng tượng mà nước Mỹ hiện thân quả là một giấc mơ.
Trong thế giới của Orwell, áp lực chính trị sẽ từ từ gia tăng, và
rồi một phong trào bất đồng chính kiến sẽ xuất hiện để lật đổ hệ
thống, giống như trường hợp Liên Xô năm 1991. Tuy nhiên, nếu người
dân bị phân tâm bởi những trò giải trí và nhiều thứ khác, họ
sẽ mất đi ý chí kháng cự. Dần dần, họ sẽ bị thiếu kiến thức và
kỹ năng trầm trọng đến mức chẳng thể chối từ một cuộc sống
bị kiểm soát, dù bản thân họ không muốn.
Nói cách khác, thế giới mà người dân Liên Xô “mơ về” thực ra cũng
chỉ là một nhà tù theo kiểu khác – ít khó chịu hơn, nhưng cũng
khó trốn thoát hơn. Đó là những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Ngành công nghiệp giải trí của Mỹ từ lâu đã biến nền chính trị
của nước này trở thành một thứ chủ nghĩa siêu thực Hollywood.
Các chính trị gia cũng giống như nhân vật trong phim, từ vai diễn
liêm khiết vô tội của Jimmy Stewart trong Mr. Smith Goes to Washington (1939), đến nhân vật ông trùm tài phiệt kiểu Trump của Orson Welles trong Citizen Kane (1941), hay ứng viên Thượng nghị sĩ của Robert Redford trong The Candidate (1972), đó là chưa kể đến rất nhiều vai diễn cao bồi của John Wayne.
Nhờ chiến thắng của ứng viên trẻ tuổi John F. Kennedy (JFK)
vào năm 1960, “vẻ đẹp kiểu Hollywood” đã lần đầu tiên bước vào
Nhà Trắng. Trong năm 1960, hình ảnh của Kennedy đã đến với từng
người Mỹ, bên cạnh một Richard Nixon tuy nổi tiếng hơn nhưng lại
không quyến rũ bằng. Với vẻ ngoài giống một tay chơi hào hoa hơn
là một tên cao bồi, Kennedy đã chiếm được cảm tình của công chúng
Mỹ. Nhưng ông không phải là người theo chủ nghĩa chống trí thức
(philistinism), trái lại, ông từng tuyên bố vào năm 1963 rằng “sự ngu
dốt và mù chữ … đã nuôi dưỡng những thất bại trong hệ thống xã hội và
kinh tế của chúng ta.”
Vị Tổng thống Mỹ mang vẻ ngoài “màn bạc” tiếp theo chính là
Ronald Reagan, người từng là một diễn viên thực thụ đóng phim cao
bồi. Tuy nhiên, khi nhắc đến sự cởi mở và tri thức, quan điểm của
ông lại trái ngược với JFK. Truyền bá kinh tế học trọng cung
(supply-side economics) cho những người công nhân da trắng, Reagan đã
thuyết phục hàng triệu người rằng “một chính phủ gọn hơn” – nghĩa
là cắt giảm các chương trình liên bang, bao gồm giáo dục – sẽ mang lại
“bình minh cho nước Mỹ.”
Vẻ mặt thân thiện nhờ được tập dượt nhiều lần đã giúp
Reagan hoàn tất vai Tổng thống một cách chuyên nghiệp, chắc chắn
nhờ một chút tài năng Hollywood. Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược
(Strategic Defense Initiative – SDI) của ông, với mục đích chấm dứt
chiến lược răn đe hạt nhân “hủy diệt lẫn nhau chắc chắn”, thực sự
đã được đặt mật danh là “Chiến tranh giữa các Vì sao” (Star
Wars.) Reagan được xem là một biểu tượng của Đảng Cộng hòa cũng bởi
khả năng kết hợp sự tàn nhẫn của một cao bồi với nét quyến
rũ của một ngôi sao điện ảnh, tất nhiên một phần cũng là do
may mắn.
Cuối cùng thì, chiến thắng của người Mỹ trong Chiến tranh
Lạnh còn có một phần đáng kể là nhờ Mikhail Gorbachev – người
đã nỗ lực cải cách Liên Xô để rồi lại đẩy nhanh sự tan rã của nó.
Sau chiến thắng đó, nước Mỹ lại càng ủng hộ những đề xuất
táo bạo. James Carville, người xây dựng chiến dịch tranh cử cho
Tổng thống Bill Clinton (người cũng hưởng lợi từ vẻ ngoài đậm chất
miền Nam và nét quyến rũ giống như Kennedy) đã tạo ra khẩu hiệu
“Vấn đề là ở kinh tế, đồ ngốc ạ!” (It’s the economy, stupid). Một
câu khẩu hiệu bắt tai, dễ nhớ đến mức nó thường xuyên được
dùng lại cho tới tận hôm nay. Thế nhưng, chính nền kinh tế Mỹ
cũng đã trở nên “ngu ngốc” đi rất nhiều.
Đến năm 2000, người Mỹ đã sẵn sàng cho George W. Bush. Vừa là một
“hoàng tử”, lại vừa là một thường dân, Bush đã kết hợp dòng dõi
cao quý Bờ Đông của cha mình với tính cách giản đơn của người
Texas, biến ông trở thành một phép cộng hoàn hảo giữa Stewart và
Wayne. Nhưng Bush không phải là ngôi sao phim ảnh, ông chỉ là diễn
viên quảng cáo mà thôi, đó là giúp quảng bá chiến tranh.
Ngày nay, ngành giải trí đã bước sang một giai đoạn mới – và chính
trị cũng vậy. Từ truyền hình thực tế đến những bom tấn mùa hè và
cả mạng xã hội, người dân, đặc biệt là ở Mỹ, đang ngày càng bị chi
phối bởi những thông tin chưa được “lọc”, những thứ diễn ra tức
thời và liên tục. Mong muốn dành cho việc tìm hiểu kiến thức sâu
rộng và những cuộc thảo luận phức tạp dường như đã bị thay thế hoàn
toàn bởi cơn khát những chia sẻ được lan truyền, hay likes, và followers.
Rồi thì Trump xuất hiện. Cùng với những cuộc vận động ồn ào và
các dòng tweet “đề xuất chính sách” chỉ có 140 ký tự lúc 2h30 sáng,
cựu ngôi sao truyền hình thực tế biết chính xác làm thế nào để thu hút
dân chúng đang tức giận. Chính Trump – người được đồn đại rằng sẽ
mở “Trump TV” nếu thất cử – đã cho rằng chiến thắng của mình là nhờ
mạng xã hội.
Một số cử tri ủng hộ Trump nói rằng họ chỉ theo “lẽ thường” và
rằng họ bị thu hút bởi thông điệp của Trump về “sự thịnh vượng và
giảm nợ,” cùng với “một quân đội mạnh hơn và cải cách nhập cư.”
Nhưng nếu xem xét kỹ càng ta sẽ thấy thông điệp này thực ra
chẳng có nội dung thực chất, nó thậm chí còn chẳng mạch lạc.
Điều khiến người ta bầu cho Trump thực ra là hình ảnh ông chủ khét tiếng như trên bộ phim The Apprentice,
gã đàn ông độc đoán sẵn sàng sa thải – hoặc trục xuất – bất
cứ ai, mà chẳng cần phải suy nghĩ lại. Họ đã bỏ phiếu cho kẻ mà
họ nghĩ là sẽ theo câu thần chú ngang tàng của Wayne: Nếu mọi thứ
không phải rõ ràng đen trắng, thì tôi sẽ nói ‘Tại sao không?’” Nhiều
người cũng đã bỏ phiếu bầu với hy vọng trở lại thời kỳ khi mà
người da trắng là những tay cao bồi và những kẻ chinh phục .
Sau chiến thắng của Trump, người đã chọn một kẻ theo thuyết
người da trắng thượng đẳng làm cố vấn chiến lược của mình
(Steve Bannon), nước Mỹ có thể sẽ bước vào thế giới của Orwell.
Điều này sẽ khiến người ta tuyệt vọng, nhưng trong cái rủi vẫn
có cái may, vì cuối cùng, một phong trào phản kháng sẽ xuất
hiện và phá hủy hệ thống. Nhưng ngay cả khi Trump chưa tới mức chủ
nghĩa tân phát xít, ông ta vẫn có thể tạo ra một nước Mỹ dành cho một
số ngày càng ít người, trong khi các cử tri, vẫn còn đang bận
rộn với mấy bức ảnh lũ mèo cùng mớ tin tức ngụy tạo trên mạng
xã hội, sẽ dần dần mất đi khả năng phân biệt giữa cuộc sống thực tại
và cái bóng ảo của nó.
*
Nina L. Khrushcheva là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học
The New School, New York, và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách
Thế giới.
Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “Donald Trump’s Brave New World”, Project Syndicate, 15/11/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét