LTS: Nhân vụ bê bối của Công
ty CP VN Pharma, bắt tay với Cục Quản lý Dược (tên gọi trước ngày
13/8/1996 là Vụ Quản lý Dược) và Bộ Y tế để trục lợi trên thân xác người
bệnh, hiện đang làm rúng động công luận, Tiếng Dân xin đăng lại loạt
bài phóng sự điều tra gồm 7 kỳ, của hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Võ
Khối, để độc giả có cái nhìn rõ hơn về những vụ bê bối đã và đang diễn
ra bên trong cơ quan này hàng chục năm qua. Loạt bài này đã được đăng
trên báo Thanh Niên từ tháng 6 năm 2004.
____
Thanh Niên
Kỳ 1: Tâm tư của 1 cựu phó Viện trưởng Viện KSND tối cao
Hoàng Hải Vân – Võ Khối
11-6-2004
Hơn 10 năm trước, một số người ở Cơ quan Quản lý Dược Bộ Y tế
đã có hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng: 158 loại thuốc đã
được cấp số đăng ký “khống”, hàng trăm loại thuốc và nguyên liệu thuốc
khác cũng được cấp số đăng ký cho các công ty dược nước ngoài mà không
hề thông qua Hội đồng xét duyệt. Những loại thuốc đó, trong đó có nhiều
thuốc kém chất lượng đã được nhập khẩu ào ạt vào thị trường Việt Nam gây
tác hại khôn lường đến sức khỏe của nhân dân… Đây là một trong những vụ
án trọng điểm lúc đó, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo các
cơ quan chức năng kiên quyết điều tra xử lý. Tuy nhiên, vụ án đã bị
“chìm xuồng”, không hề được đem ra xét xử.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, cựu Phó viện trưởng thường trực
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thìn, người trực tiếp chỉ đạo
vụ án điểm này đến giờ vẫn còn bức xúc: “Lúc bấy giờ làm quyết liệt lắm,
nhưng mà người ta chạy ghê gớm quá…”. Có thể nói sau khi “chạy” thành
công vụ án này, rất nhiều tiêu cực xung quanh việc cấp số đăng ký thuốc
tiếp tục được phản ánh, nhưng cơ quan quản lý dược đã trở thành một
“thành trì bất khả xâm phạm”. Nếu không lật lại vụ án này, sẽ không thể
mổ xẻ được những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng độc quyền tăng giá
thuốc hiện nay…
Vào năm 1992, với nhiều nguồn tin báo tội phạm, trong đó có đơn tố
cáo của cán bộ, nhân viên Vụ Quản lý Dược (Bộ Y tế), Thủ tướng Võ Văn
Kiệt đã chỉ thị cho Bộ Y tế và các ngành bảo vệ pháp luật xem xét xử lý
để đáp ứng những yêu cầu của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham
nhũng và buôn lậu. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Y tế đã tiến hành
thanh tra vụ việc. Sau khi Thanh tra Bộ Y tế có kết luận, ngày
5/2/1993, cũng thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các bộ
Y tế, Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa
án nhân dân tối cao, Ban Nội chính trung ương và Văn phòng Chính phủ đã
có một cuộc họp để “bàn chủ trương, biện pháp, trách nhiệm phối hợp
trong việc giải quyết, xử lý tình hình vi phạm pháp luật nghiêm trọng
xảy ra tại Vụ Quản lý Dược Bộ Y tế” với sự chủ trì của Phó viện trưởng
thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thìn. Bản thông
báo về cuộc họp này nêu rõ: “Cuộc thanh tra tuy có kéo dài nhưng đã đạt
được một số kết quả theo yêu cầu. Kết quả thanh tra tuy chưa được cụ thể
nhưng đã phát hiện và kết luận được những vi phạm pháp luật nghiêm
trọng tại Vụ Quản lý Dược. Kết quả thanh tra cho thấy một số người có
trách nhiệm của Vụ Quản lý Dược Bộ Y tế có nhiều vi phạm pháp luật gây
hậu quả rất nghiêm trọng trong việc quản lý nhập khẩu các dược liệu, gây
thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước (không thu được các khoản
lệ phí, các khoản thuế…), cho nhập cả các loại dược liệu kém phẩm chất
đưa vào cung cấp cho thị trường thuốc chữa bệnh trong nước gây ảnh hưởng
lớn đến sức khỏe nhân dân, không quản lý được kinh phí trong các chương
trình viện trợ của nước ngoài; có biểu hiện nhận hối lộ,… Tình hình
trên làm cho dư luận và quần chúng nhân dân rất bất bình”.
Bản thông báo cũng yêu cầu: “Để sớm giải quyết, xử lý vụ việc nghiêm
trọng trên, yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Y tế thể hiện rõ quan điểm của
mình trong việc xử lý ở Vụ Quản lý Dược. Bộ trưởng chuyển ngay toàn bộ
hồ sơ thanh tra nói trên sang Bộ Nội vụ, Viện KSND tối cao để các ngành
bảo vệ pháp luật sớm áp dụng các biện pháp xử lý theo luật định để xử lý
bằng hình sự vì qua kết luận thanh tra cho thấy có dấu hiệu tội phạm
hình sự nghiêm trọng xảy ra tại Vụ Quản lý Dược. Đồng chí Bộ trưởng Y tế
cho kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý Vụ Quản lý
Dược để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Viện KSND tối
cao, Bộ Nội vụ biết… Bộ Nội vụ, Viện KSND tối cao, Tòa án NDTC sẽ cử
ngay các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành hoạt động
theo tố tụng hình sự ngay sau khi tiếp nhận được hồ sơ thanh tra do Bộ Y
tế chuyển để thực hiện chức năng của mình theo luật định nhằm khẩn
trương xử lý tình hình vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự xảy ra tại Vụ
Quản lý Dược, phục vụ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu”.
Điều rất đáng chú ý hồi đó là cuộc họp quan trọng này đã mời các cơ
quan báo chí có đăng bài về vụ này tham dự “để nắm được quan điểm, chủ
trương, biện pháp xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật”. Bản thông báo
cũng đề nghị các cơ quan báo chí “ủng hộ, giúp đỡ các cơ quan nói trên
thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật quy định” và đề nghị “các đồng chí có
thể đăng những bài cần thiết phục vụ cho việc điều tra vụ án”.
Cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thìn
nói với chúng tôi: “Lúc bấy giờ theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
mới có cuộc họp đó. Sau cuộc họp thì khởi tố vụ án và khởi tố các bị
can. Và khởi tố rồi mới báo cáo lên Ban chỉ đạo chống tham nhũng đưa vào
án điểm. Lúc bấy giờ làm quyết liệt lắm. Nhưng vì nó chạy ghê gớm quá,
cho nên khó…”. Một trong những cái “khó” đó là trong quá trình điều tra
vụ án thì đến cuối năm 1994, ông Thìn có quyết định nghỉ hưu. Và mấy
tháng sau, vụ án tham nhũng “đặc biệt lớn” này đã được Viện KSND tối cao
phê chuẩn quyết định đình chỉ điều tra…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét