Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng cản tàu Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải dương 981, năm 2014.
Việt Nam có thể sẽ bắt đầu khởi động dự án khai thác mỏ khí đốt Cá
voi xanh ngoài khơi tỉnh Quảng Nam vào tháng 11 năm 2017, với đối tác là
công ty ExxonMobile của Mỹ. Liệu Trung Quốc sẽ làm áp lực để Việt Nam bỏ dở kế hoạch này, như là
họ đã làm tại khu vực Bãi Tư Chính ở phía Nam đối với công ty Tây Ban
Nha Repsol hay không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói với Kính Hòa đài RFA rằng khả năng đó là thấp.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì nếu ExxonMobile
tiến hành khai thác ở mỏ khí Cá voi xanh theo như báo chí thông tin, xác
xuất mà Trung Quốc gây áp lực với Exxo Mobile và đối tác Việt Nam là
Petro Việt Nam dừng khai thác mỏ này, là thấp.
Lý do thứ nhất là vị trí của mỏ này theo tôi hiểu thì nằm cách bở
biển tỉnh Quảng Nam 80 km, có nghĩa là nó nằm hoàn toàn trên vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, và nó cũng nằm về phía Tây của đường trung
tuyến giả định giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam ủa Trung
Quốc, trong cái vùng ngoài cửu Vịnh Bắc Bộ mà hai bên chưa phân định.
Theo tôi hiểu thì dường như giữa Việt Nam và Trung Quốc có một thỏa
thuận, thống nhất ngầm là các hoạt động của mỗi bên diễn ra ở vùng biển
chưa phân định của bên nào thì bên còn lại sẽ không phản đối. Trước đây
các giàn khoan của Trung Quốc thăm dò ở mỏ Lăng Thủy ở phía Đông đường
trung tuyến giả định, thì Việt Nam cũng không có những hành động phản
đối mạnh mẽ hay là cản trở như là lúc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải
Dương 981, vào năm 2014 vào vùng biển Việt Nam phía Tây đường trung
tuyến giả định đó.
Cái thứ hai là lần này đối tác của Petro Việt Nam là ExxonMobile, một
hãng dầu của Mỹ, thì với vị trí và ảnh hưởng của mình thì Mỹ và
ExxonMobile có cơ sở và thế để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc.
Kính Hòa: Mỏ Cá voi xanh này nằm ngoài cái đường mà ta hay gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cái này phải có tọa độ chính
xác thì mới xác định được, nhưng mà nó có thể nằm ngoài, và điều quan
trọng là nó nằm phía Tây đường trung tuyến giả định giữa bờ biển Việt
Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Chúng ta phải hiểu là khu vực này nằm
ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là nơi hai bên vẫn chưa phân định. Đúng ra khi
phân định xong thì các hoạt đọng khai thác thăm dò sẽ thuận lợi hơn, hai
bên sẽ có sở pháp lý vững chắc hơn. Do vị trí lô này nằm sát bờ biển
Việt Nam hơn nên nhiều khả năng là Trung Quốc không có lý do để phản đối
mạnh.
Dĩ nhiên nếu họ muốn thì họ cũng có thể phản đối dựa trên lý do là lô
này nằm chồng lấn lên đường lưỡi bò của Trung Quốc, hoặc họ có thể nói
là các đảo ở Hoàng Sa có vùng đặc quyền 200 hải lý chẳng hạn.
Kính Hòa: Nhưng nếu chúng ta giả định có một sức ép
của Trung Quốc tương tự vụ Repsol thì ông dự trù là phản ứng của Việt
Nam sẽ như thế nào?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ không
từ bỏ, hay nói nôm na là không đầu hàng trong trường hợp này, tại vì ở
một vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam 80 cây số mà Việt Nam bỏ thì coi
như Việt Nam không dám làm gì trên biển Đông nữa.
Kính Hòa: Có một bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời
báo của Trung Quốc nói rằng vụ Repsol thể hiện một thái độ chín chắn
của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, ông thấy thế nào?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Họ dùng cái giọng kẻ cả như là
xoa đầu đàn em để gọi là khẳng định vị thế đàn anh tay trên của mình.
Tuy nhiên chuyện Việt Nam có thực sự chấm dứt các hoạt động của mình hay
không thì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết. Có ý kiến cho
rằng là Việt Nam dừng vì một phần đã hoàn thành việc thăm dò của mình
rồi.
Tuy nhiên trên bề mặt thì cũng có thể coi vụ đó là một thắng lợi của
Trung Quốc, ít nhất là Trung Quốc coi như vậy. Các báo chí của Trung
Quốc bình luận sự kiện đó như một thắng lợi của Trung Quốc, và đó cũng
là một điều thường thấy trong thái độ của Trung Quốc.
Kính Hòa: Ông có nhắc đến vị trí của ExxonMobile
cũng như vị trí của nước Mỹ trong việc khai thác mỏ Cá voi xanh. Cũng có
ý kiến nói rằng thái độ của chính quyền ông Donald Trump bây giờ vẫn là
một ẩn số rất là lớn, khi có sự việc cụ thể thì mới biết họ xử lý như
thế nào. Ông đánh giá thế nào về nhận định này về thái độ và vị trí của
nước Mỹ ở Biển Đông?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Về cơ bản theo tôi thì lập
trường của Mỹ về biển Đông dưới thời ông Donald Trump không có gì thay
đổi so với người tiền nhiệm là ông Obama. Tuy nhiên có điều gây quan
ngại là chính quyền Trump hiện nay bị phân tâm khá nhiều bởi các vấn đề
khác, đặc biệt là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cho nên mặc dù có sự
nhất quan và sự tiếp nối về chính sách nhưng mà sự quan tâm và can dự
trên thực tế không đủ mạnh mẽ hoặc là không đạt được cái mức mang lại sự
an tâm của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.
Điều này cũng dễ hiểu là do nguồn lực về chính trị cũng như về vật
chất của Mỹ cũng có giới hạn, và do những vấn đề khác bức thiết hơn,
nóng bỏng hơn nó thu hút sự quan tâm của chính quyền Trump, cho nên là
sự quan tâm của họ đến Biển Đông có sự suy giảm ít nhiều, nhưng mà về
lâu dài thì tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ có sự tiếp nối, nếu không
nói là có sự quan tâm lớn hơn về tình hình Biển Đông, do Biển Đông là
một địa hạt nơi mà sự cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
đang diễn ra, và chính vì vậy, cho dù ai là chủ Nhà Trắng thì vẫn có
nhiều khả năng Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện, sự can dự đến Biển Đông cũng
như là quan tâm đến sự tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc tập trận ngoài cửa vịnh Bắc Bộ
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 31 tháng 8 giao thiệp với phía đại
diện Đại sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ lập trường về thông báo
của Bắc Kinh cho tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa Vịnh
Bắc Bộ, khu vực gần với dự án dầu khí của ExxonMobil.
Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được
báo giới hỏi về vấn đề vừa nêu nói rằng Hà Nội hết sức quan ngại khi
Trung Quốc tuyên bố tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa
Vịnh Bắc Bộ. Phía Hà Nội không cho biết thông báo tập trận của Trung
Quốc được đưa ra vào khi nào và thời gian cụ thể lúc nào cuộc tập trận
sẽ diễn ra.
Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng lặp lại lập trường của Việt Nam là mọi
hoạt động của nước ngoài trong vùng biển chủ quyền, quyền tài phán của
Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các qui định của luật pháp
Việt Nam và quốc tế; đặc biệt Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm
1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét