Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 30/08/2017 đăng bài
dưới nhan đề “Trung Quốc muốn một Đông Nam Á như thế nào?” nói về hai
nguyện vọng của Trung Quốc: 1) Không muốn Đông Nam Á có một liên minh
chống Trung Quốc, đặc biệt là liên minh do Mỹ đứng đầu; 2) Không muốn
Đông Nam Á bị chia rẽ và mất ổn định về chính trị, bởi lẽ đó sẽ là cái
cớ để Mỹ can thiệp vào Đông Nam Á.
Bài viết là bản dịch từ bản tiếng Anh “What type of East Asian order will China accept?” của Huang Jing, đăng trên trang Eastasiaforum.org của Australia. Nội dung bài báo như sau:
Một bài đăng trên mạng Diễn đàn Đông Á của Australia ngày 29/08/2017
viết: Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng khả năng khuếch trương sức mạnh
của họ ra các vùng biển bên ngoài đã làm cho Đông Nam Á quan tâm và lo
ngại. Với mức độ khác nhau, các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự có mặt
của Mỹ tại châu Á. Điều đó không những chỉ vì Mỹ được coi là một bá chủ
nhân từ mà nhiều người Đông Nam Á còn cho rằng sự hiện diện của Mỹ là
một biện pháp duy trì sự cân bằng chiến lược trong vùng. So sánh tương
ứng, Trung Quốc có lúc bị coi là kẻ muốn thay đổi trật tự và cục diện an
ninh của vùng này. Vậy nếu xét mong muốn và lợi ích của Trung Quốc thì
Trung Quốc muốn có một Đông Nam Á như thế nào?
Trước tiên, Trung Quốc không muốn xuất hiện một liên minh chống Trung
Quốc tại Đông Nam Á, đặc biệt là liên minh do Mỹ đứng đầu. Thứ hai,
Trung Quốc không muốn Đông Nam Á bị chia rẽ và mất ổn định về chính trị,
bởi lẽ điều đó sẽ tạo ra cái cớ để các quốc gia ngoài vùng như Mỹ can
thiệp vào công việc của Đông Nam Á. Nhìn từ góc độ Trung Quốc, bất kỳ sự
can dự sâu nào của quốc gia ngoài vùng vào các nước ở xung quanh Trung
Quốc đều sẽ bị [Trung Quốc] coi là mối đe dọa tiềm tàng.
Trong lịch sử, bất ổn chính trị của Đông Nam Á đã châm ngòi cho các
hoạt động chống Trung Quốc, qua đó người Hoa ở hải ngoại sẽ trở thành
con dê thế tội trong các xung đột kinh tế – xã hội (của các nước này).
Điều đó chẳng những đem lại sự thách thức về ngoại giao cho Bắc Kinh mà
còn gây ra tình cảm dân tộc chủ nghĩa bên trong Trung Quốc, qua đó làm
suy yếu sự ổn định chính trị của Trung Quốc.
Một Đông Nam Á bần cùng về kinh tế, chia năm sẻ bảy là không có lợi
cho một nước buôn bán lớn nhất thế giới như Trung Quốc. Với tư cách là
kẻ hưởng lợi và kẻ thúc đẩy chính của công cuộc toàn cầu hóa kinh tế,
Trung Quốc có thể được lợi lớn từ một Đông Nam Á phồn vinh. Đây là lý do
vì sao khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á [năm 1997] Trung
Quốc đã ra sức giúp các nước Đông Nam Á.
Rõ ràng, kỳ vọng Trung Quốc bất chấp tất cả để “giành lấy” Đông Nam Á
cũng là không thực tế. Điều quan trọng nhất đối với Bắc Kinh là ngăn
chặn sự liên kết giữa vùng này với Mỹ, Nhật. Giả thử không có quốc gia
Đông Nam Á nào bằng lòng cung cấp căn cứ cần thiết cho hoạt động quân sự
của Mỹ thì Mỹ căn bản chẳng thể đối đầu quy mô lớn với Trung Quốc. Nếu
các quốc gia Đông Nam Á giữ trung lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung thì
Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng về sức mạnh kinh tế, chính trị
và lại có nhân tố địa lợi, cuối cùng sẽ có thể giành thắng lợi trong
vùng này. Bởi vậy một Đông Nam Á thống nhất và trung lập về chính trị là
phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh.
Đồng thời Trung Quốc ra sức thúc đẩy hội nhập kinh tế với Đông Nam Á,
đây cũng là một khu vực tiêu điểm trong đề xuất “Một vành đai một con
đường”. Nhưng tranh chấp Biển Đông [nguyên văn : Nam Hải] là
một thách thức căn bản trong sự tiếp cận Đông Nam Á của Trung Quốc. Các
quốc gia Đông Nam Á ở các mức độ khác nhau hoan nghênh sự can dự của Mỹ,
vì thế Washington nắm được sự chủ động chiến lược. Hiển nhiên Bắc Kinh
hiểu rằng đối kháng với Mỹ không phù hợp lợi ích của Trung Quốc. Bắc
Kinh thường hay nhân nhượng Washington nhưng đồng thời cố gắng tăng
cường thực lực của mình. Mục tiêu [của Trung Quốc] chưa chắc đã là muốn
thắng trong đối đầu quân sự mà là làm tăng cái giá Mỹ phải trả trong
cuộc đối kháng với Trung Quốc, buộc Washington không dám khai chiến mà
lựa chọn đi đến thương lượng.
Giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông như thế nào sẽ ảnh hưởng rất
lớn đến sự phát triển kinh tế của các nước có yêu sách chủ quyền khác,
mục tiêu của Trung Quốc là cung cấp những điều tốt cho các nước muốn hợp
tác, ngược lại thì gây sức ép [với các nước không muốn hợp tác]. Về mặt
này Trung Quốc có ưu thế sức mạnh áp đảo, thời gian cũng đứng về phía
Trung Quốc.
Nhưng do sự thay đổi cân bằng chiến lược nhanh chóng trong khu vực,
công tác ngoại giao chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á liệu có thể
thực sự đạt được ý nguyện của Bắc Kinh hay không vẫn còn phụ thuộc vào
sự phát triển tình hình sắp tới.
Nguồn bài tiếng Trung: 澳媒:中国想要什么样的东南亚呢?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét