Nghe tờ DW của Đức đưa
tin Hồ Ngọc Thắng bị đình chỉ công tác và bị điều tra, nhiều bạn bè trên
facebook của tôi thấy phấn khởi. Nhiều người khác không nói ra nhưng
trong đầu chắc đều nghĩ đến hai từ: Đáng kiếp!
Không biết các dư luận viên có lời nào ủng hộ ông Thắng không, nhưng giả
sử có thì chắc cũng chỉ là cào bàn phím chửi “bọn Đức” là chính. Sau vụ
Trịnh Xuân Thanh này, nước Đức có nguy cơ bị tuyên giáo và an ninh Việt
Nam chính thức liệt vào danh sách “thế lực thù địch”. Còn tờ Nhân Dân –
cái tờ báo cách đây vài năm đã trao giải và tôn vinh ông Thắng vì bài
viết đả kích dân chủ phương Tây của ông – cho đến giờ hoàn toàn im lặng,
bỏ mặc cộng tác viên ruột của mình lao đao nơi xứ người.
Có một bạn facebook của tôi hỏi, liệu có khả năng Hồ Ngọc Thắng trở về nước sẽ được bố trí một chức vụ thật to hay không? Kiểu thuyên chuyển công tác lên vị trí cao hơn, bổng lộc hơn này được gọi nôm na là “đá lên”, đảng cũng có truyền thống áp dụng với các cán bộ quan chức của mình.
Tuy nhiên, trong vụ Hồ Ngọc Thắng, khả năng đó chắc là rất thấp.
Vì đảng Cộng sản vốn dĩ rất bạc.
Văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn
Sau chiến tranh, các loại quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”,
“Tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”… mọc lên như nấm, nên nhiều người có
thể tưởng nhầm rằng đảng Cộng sản ân nghĩa lắm.
Thật ra thì không phải thế, đảng chỉ “biết ơn” bằng ngân sách nhà nước
và tiền đảng vặn cổ dân mà thôi, chứ bạc bẽo, vô ơn bạc nghĩa vốn là đặc
thù của trào lưu cộng sản văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn.
Vì văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn, nên sau chiến tranh, đảng lo trả thù
người của chế độ cũ, tiêu diệt mọi mầm mống nổi loạn, hơn là tri ân này
nọ. Thế là lại đẻ ra cả một lớp người với tâm lý kể công, suốt ngày kể
lể chuyện mình có công với cách mạng, mình hy sinh mất mát là thế mà bây
giờ phải sống cơ cực, vất vả quá như này…
Nhưng thôi, tâm lý kể công đó là một vấn đề khác, ta không bàn ở đây. Mà hãy thử nhìn vào cái sự bạc bẽo của đảng Cộng sản.
Vụ xử tử bà Nguyễn Thị Năm (năm 1953) có lẽ là ví dụ bi thảm và rõ rệt nhất.
Vụ “mượn” nhà của một loạt tư sản, tiểu tư sản Hà Nội (sau năm 1954) rồi
điềm nhiên chiếm luôn không trả – ví dụ như ngôi nhà ở số 34 phố Hoàng
Diệu của vợ chồng triệu phú Trịnh Văn Bô – là ví dụ chỉ kém bi thảm hơn
một chút. Nửa thế kỷ sau, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Bô, cực chẳng đã
phải để con trai cõng mẹ đang đêm đột nhập vào chính nhà mình, dùng cách
“nhảy dù” để giành lại ngôi biệt thự mà đảng đã ký giấy xin mượn của bà
trong thời gian hai năm, 1954-1956.
Trước kháng chiến, doanh nhân Trịnh Văn Bô cũng là một nhà hằng tâm hằng
sản, có công lớn với "cách mạng": Tính đến ngày 19/8/1945, vợ chồng ông
Bô đã ủng hộ Việt Minh tới 8 vạn 5 nghìn đồng Đông Dương (tương đương
212,5 cây vàng – theo thời giá khi ấy).
Đây là những lời dư luận viên dành tặng cụ Lê Đình Kình - đảng viên cộng sản, cựu Bí thư chi bộ,
nay đã trở thành dân oan Đồng Tâm.
Bạn bè quốc tế thì cũng mặc xác!
Sau chiến tranh, một loạt các nhân vật cánh tả của thế giới (ở Mỹ, Đức,
Thụy Điển…) – những người đã từng lên tiếng ủng hộ nhiệt thành “cuộc
kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt
tài tình của đảng” – bị chính quyền Hà Nội cho vào quên lãng, ngay cả
những người có gặp rắc rối với xã hội của họ. Diễn viên điện ảnh Mỹ Jane
Fonda lúc cao hứng còn sang thăm Hà Nội, chụp ảnh với bộ đội (năm
1972), nghe đâu còn bảo: “Tôi có đứa con trai, tôi sẽ đặt tên nó là
Trỗi” . Chẳng biết bà nói thế thật hay là báo chí nhà sản tuyên truyền
bịa ra như vậy. Trở về Mỹ, bà bị nhiều người chỉ trích, khinh ghét, tẩy
chay… Đảng Cộng sản, tuyên giáo đảng im bặt, chẳng một lời “thăm hỏi,
động viên”.
Jane Fonda vẫn còn may mắn. Số phận những người Pháp đã từng ủng hộ Việt
Nam trong kháng chiến chống Pháp mới thật bi thảm; họ trở về nước và
đối diện tòa án binh, đi tù hoặc gặp nhiều khó khăn khác trong cuộc
sống. Đảng ta mặc kệ, dĩ nhiên. Nhà văn Vũ Thư Hiên từng viết trong “Đêm
giữa ban ngày” rằng ông rất ngạc nhiên thấy Chính phủ Việt Nam không
bao giờ để mắt đến những người đã từng là “bạn bè quốc tế”, đứng về phía
Việt Nam trong chiến tranh.
“Tấm gương” Trần Văn Trường
Năm 1999, Trần Văn Trường, một doanh nhân ở phố Bolsa (Westminster, bang
California), treo cờ đỏ sao vàng và ảnh ông Hồ Chí Minh trong cửa hiệu
của mình. Biểu tình hàng ngàn người ở khu Bolsa phản đối Trần Văn
Trường. Bên này đại dương, báo đài Việt Nam, đặc biệt là VTV, rầm rộ đưa
tin ủng hộ ông Trường và lên án cộng đồng Việt Nam tị nạn ở Mỹ. Nhưng
chỉ phản ánh đại khái là có một doanh nhân bên Mỹ vì treo cờ đỏ và ảnh
Bác mà bị “người Việt lưu vong” đánh phá, đe dọa thôi, chứ tất nhiên
không đả động gì tới cuộc biểu tình và cũng không nói về kết quả của vụ
việc đó.
Báo chí Việt Nam càng không nói đến những chuyện sau này xảy ra với Trần
Văn Trường. Ông ta về nước kinh doanh, hình như là mở đầm tôm, nuôi cá
gì đó, rồi cũng bị Nhà nước Việt Nam, bị chính quyền địa phương… cưỡng
chế, cướp sạch. Kinh doanh thua lỗ, kiện không được, trắng tay ông ta
lủi thủi trở về Mỹ và tiếp tục sống trong chính cái cộng đồng mà ông ta
từng ngang nhiên khiêu khích, chọc tức kia.
Vấn đề là chẳng thấy đại diện nào của “Đảng và Nhà nước” thăm hỏi, động
viên, trao quà giúp đỡ ông Trường cả. Một lời nhắc cũng không.
* * *
Đó, đảng Cộng sản – lực lượng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ở
Việt Nam – là một tập hợp những con người hành xử như thế đấy.
Những kẻ ủng hộ nó – cho dù chỉ vì tiền như an ninh hay dư luận viên
hiện nay – cũng nên nhìn vào thứ đạo đức cách mạng này mà coi lại, xem
có nên tìm đường rút cho mình không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét