Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Liệu ‘Tiểu cách mạng văn hóa’ có đe dọa Hồng Kông?



Vào thời điểm này năm mươi năm trước, sự kiện được cho là vụ việc bạo lực và đau thương nhất trong lịch sử Hồng Kông kể từ sau Thế chiến II đã nổ ra. Ngày 06/05/1967, tranh chấp lao động tại một nhà máy sản xuất hoa giả bằng nhựa ở quận Kowloon đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài tám tháng, giết chết 51 người và làm bị thương 832 người khác, và trong một khoảng khắc ngắn ngủi, nó đã mang Cách mạng Văn hóa đến Hồng Kông.

Các nhân tố bên trong và bên ngoài đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng này. Chính sách thuộc địa của chính phủ Anh đã làm gia tăng khoảng cách giữa tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động, và người nghèo phải đối mặt với tình trạng đói nghèo hơn nữa sau khi có một dòng người tị nạn chạy trốn từ Trung Quốc cộng sản vào Hồng Kông. Trong khi đó ở đại lục, Cách mạng Văn hoá, vốn bắt đầu một năm trước đó, đang ngày càng trở nên cực đoan.

Cuộc bạo loạn ngày 06/05 được phát động bởi một chi bộ địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hồng Kông, với hy vọng tiêu diệt chính phủ thuộc địa. Trong năm trước đó, một chi bộ khác đã làm điều tương tự với chính quyền Bồ Đào Nha ở Ma Cao và trở thành những người cai trị trên thực tế.

Nhưng trong khi người Bồ Đào Nha nhượng bộ dễ dàng, người Anh lại chống cự rất mạnh mẽ. Đại diện ĐCSTQ ở Hồng Kông đã phản ứng lại bằng bạo lực dữ dội. Cuộc bạo loạn dần trở thành một chiến dịch khủng bố thành thị kéo dài.

Hơn một nghìn quả bom đã được cài trong nửa sau năm 1967, giết chết 16 người. Các sinh viên theo cánh tả và các công nhân chưa được đào tạo về cách xử lý chất nổ đã sản xuất bom ở trường học và văn phòng công đoàn. Chỉ đến khi một sinh viên 18 tuổi bị tai nạn làm mất cánh tay của mình thì nhà chức trách mới biết rằng các phòng thí nghiệm khoa học đã bị biến thành các kho vũ khí tạm thời. Phẫn nộ càng tăng cao khi một quả bom khác giết chết một cặp anh em đang chơi đùa trên đường phố.

Chi bộ ĐCSTQ ở Hồng Kông đã gây thêm sợ hãi bằng cách công bố một danh sách những người là mục tiêu ám sát. Trong đó có một quan chức cấp cao người Hoa làm việc cho chính quyền Anh, một doanh nhân hàng đầu, một đại diện của tầng lớp địa chủ, và Louis Tra Lương Dung (hay Kim Dung) – chủ biên của Minh Báo, một tờ báo Hồng Kông đã chỉ trích cuộc bạo loạn. Lâm Bân, phát thanh viên radio thẳng thắn đã lên án vụ bạo loạn, đã bị thiêu sống đến chết, cùng với anh họ của mình, ngay trên đường đi làm.

Nhưng đó là thời kỳ cao trào của Cách mạng Văn hoá, và với những người cộng sản ở Hồng Kông, những hành động khủng bố này là anh hùng và yêu nước.

Ở Trung Quốc, việc hành quyết và giết chóc tùy tiện những người chống đối là chuyện thường ngày. Các tấm áp phích với khẩu hiệu như “Khủng bố Đỏ muôn năm!” đã được dán khắp đất nước. Hồng Vệ Binh ở đại lục, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đã bày tỏ sự đoàn kết với những người cánh tả ở Hồng Kông. Một triệu người đã phản đối trước văn phòng Đại biện Anh tại Bắc Kinh vào tháng 6. Hai tháng sau, văn phòng này bị phóng hỏa.

Quan hệ Trung-Anh rơi vào bế tắc. Theo một nguồn tin có uy tín xin được phép giấu tên, dường như Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc, đã hỏi Mao Trạch Đông liệu ông có ý định yêu cầu Anh trả lại Hồng Kông hay không. Mao nói rằng đó chưa phải lúc, và ông sẽ tôn trọng các hiệp ước mà Trung Quốc đã ký để cho phép Anh cai trị Hồng Kông cho đến năm 1997. Chu sau đó đã ra lệnh ngừng ngay cuộc bạo loạn ở Hồng Kông.

Mao qua đời vào năm 1976, và năm 1981, ĐCSTQ đã thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề trong Lịch sử Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” trong đó lên án mạnh mẽ Cách mạng Văn hoá. Cuộc bạo loạn ở Hồng Kông năm 1967, một phần mở rộng của cuộc cách mạng, cũng bị lên án.

Lí Hậu (Li Hou), nguyên Giám đốc Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông – Ma Cao, cơ quan cấp bộ quản lý hai vùng thuộc địa, đã viết trong cuốn hồi ký năm 1997 của mình rằng vụ bạo loạn năm 1967 là sai lầm tồi tệ nhất của ĐCSTQ tại Hồng Kông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949. “Dù quần chúng là anh hùng,” ông viết, “nhưng chủ trương là sai.”

Nhưng không lâu sau khi Hồng Kông trở về với chủ quyền của Trung Quốc vào năm 1997, những người cộng sản bắt đầu viết lại lịch sử. Năm 2001, Đổng Kiến Hoa, lãnh đạo Hồng Kông vào thời điểm đó, đã trao tặng Huân chương Đại Tử Kinh – huân chương danh dự cao nhất của đặc khu, cho vị lãnh đạo danh nghĩa của cuộc bạo loạn năm 1967.

Kể từ đó, giai đoạn khủng bố này trong sách lịch sử của Hồng Kông đã bị tẩy trắng. Trong năm 2010, hai nhà lập pháp thuộc Liên minh Dân chủ vì Sự Phát triển của Hồng Kông, một đảng thân cộng sản, đã công khai tuyên bố rằng các nhà cộng sản Trung Quốc không liên quan gì đến vụ ám sát Lâm Bân – và ngó lơ sự thật là nhiều tờ báo cộng sản vào thời đó đã tuyên dương việc “hành quyết” ông Bân. Năm 2015, cảnh sát Hồng Kông, lấy lý do phi chính trị hóa lực lượng, đã xóa toàn bộ những sự kiện quan trọng về cuộc đàn áp năm 1967 trên trang web của tổ chức này, làm giảm bớt mức độ liên quan của dân quân cộng sản trong vụ bạo lực.

Những năm gần đây, các học giả và luật sư ở Trung Quốc đại lục đã lên án một hiện tượng mà họ gọi là “tiểu cách mạng văn hoá”: một bầu không khí đầy sợ hãi tương tự như, ngay cả khi nó không thực sự bằng về quy mô với, hành động đàn áp cách đây nửa thế kỷ. Họ đổ lỗi cho chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình và những nỗ lực tập trung quyền lực cũng như khuyến khích việc tôn sùng cá nhân của ông Tập, đồng thời thủ tiêu những tiếng nói bất đồng trong ĐCSTQ.

Khi Cách mạng Văn hoá đe dọa sẽ nhấn chìm Hong Kong cách đây 50 năm, người Anh đang nắm quyền và họ đã phản ứng mạnh mẽ. Lãnh đạo kế tiếp của thành phố, người được bầu gần đây với sự chuẩn thuận của Bắc Kinh, sẽ là “bà đầm thép” Carrie Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam-Cheng Yuet-Ngor). Ngày hôm nay, ai sẽ chống lại “tiểu cách mạng văn hóa” nếu nó lan sang Hồng Kông?

 *

Ching Cheong là một nhà báo sinh sống tại Hồng Kông.
Hình: Sinh viên cánh tả biểu tình ở Hồng Kông năm 1967, trên tay cầm cuốn Mao tuyển. Nguồn: NYT.

 Nguồn: Ching Cheong, “Is a Sub-Cultural Revolution Threatening Hong Kong?”, The New York Times, 05/05/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét