Để
đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, Việt Nam nay đang
trông chờ vào một loại vũ khí có tính răn đe rất mạnh, đó là hỏa tiễn siêu thanh BrahMos của Ấn Độ.
Tại cuộc họp
báo thường kỳ ngày 17/08 vừa qua, khi được hỏi về thông tin của báo chí
quốc tế rằng Việt Nam vừa nhận lô tên lửa BrahMos của Ấn Độ, phát ngôn
viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã gián tiếp xác nhận thông tin này
với tuyên bố: “ Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam
là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình
thường để bảo vệ đất nước.”. Thế nhưng, sau đó Bộ Ngoại Giao của Ấn Độ
lại cho rằng thông tin về việc Việt Nam tiếp nhận tên lửa BrahMos là “
không đúng”.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia
thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, thái độ dè dặt của Ấn Độ
trong vụ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam là do tình hình căng thẳng
hiện nay giữa New Delhi với Bắc Kinh. Trên thực tế, Việt Nam đang thúc
đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và trông chờ rất nhiều vào các vũ khí
của Ấn Độ để tăng cường tiềm lực quân sự trước đà lớn mạnh của Trung
Quốc.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
TS Lê Hồng Hiệp, Singapore 26/08/2017
Nghe
RFI :Thưa
anh Lê Hồng Hiệp, anh có thể giải thích vì sao phía Ấn Độ lại rất dè
dặt về thông tin liên quan đến tên lửa BrahMos giao cho Việt Nam, trong
khi phía Việt Nam thì không ngần ngại công bố tin này?
TS Lê Hồng Hiệp :
Nhìn vào bối cảnh hiện tại chúng ta có thể hiểu được tại sao phía Ấn Độ
dè dặt và không chủ động công bố thông tin, trong khi phía Việt Nam thì
có vẻ sẳn sàng hơn trong việc công bố thông tin này ra bên ngoài. Về
phía Ấn Độ thì chúng ta thấy là quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc hiện đang rất
căng thẳng với cuộc đối đầu ở Doklam, gần biên giới Bhutan. Chính vì
vậy tôi nghĩ rằng Ấn Độ thận trọng, để căng thẳng không tăng thêm một
nấc, vì ai cũng biết rằng Việt Nam mua tên lửa BrahMos này là nhằm phòng
thủ trước sức mạnh đang lên của hải quân Trung Quốc, vì vậy mà họ có
một sự dè dặt nhất định.
Trong khi đó Việt Nam có thể
thoải mái hơn trong việc cung cấp thông tin ra bên ngoài, vì chúng ta
biết rằng mục đích của Việt Nam khi trang bị các vũ khí trong đó có tên
lửa BrahMos là nhằm răn đe Trung Quốc trên Biển Đông là chủ yếu. Để răn
đe thành công thì có hai nguyên tắc cơ bản nhất: Thứ nhất là có một năng
lực răn đe khả tín, tức là có một loại vũ khí đủ để gây ra tổn hại cho
đối phương. Thứ hai là sau khi có năng lực răn đe đó thì phải để cho đối
tượng mà chúng ta răn đe biết về năng lực của chúng ta.
Điều
này cũng lý giải là trong thời gian trước đây Việt Nam rất dè dặt trong
việc công khai các thông tin về hiện đại hóa lực lượng vũ trang của
mình, nhưng trong thời gian gần đây thì Việt Nam thường xuyên cung cấp
các thông tin này ra bên ngoài để tăng cường hiệu quả răn đe. Tôi nghĩa
trong trường hợp tên lửa BrahMos này thì cũng tương tự như vậy.
RFI : Tên
lửa BrahMos nói riêng và các vũ khí, thiết bị quân sự nói chung của Ấn
Độ có tầm quan trọng như thế nào đối với nền quốc phòng của Việt Nam ?
TS Lê Hồng Hiệp :
Hiện tại Ấn Độ cũng là cường quốc về quốc phòng và cũng có các chương
trình phát triển vũ khí trong nước, cũng như với sự liên kết với các
nước bên ngoài, cụ thể như trong chương trình sản xuất tên lửa BrahMos
là hợp tác với Nga. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu
vũ khí chủ yếu là từ Nga. Việt hợp tác, trao đổi vũ khí với Ấn Độ là rất
phù hợp với với Việt Nam, vì có sự tương thích giữa các vũ khí do Ấn Độ
sản xuất, với các vũ khí mà Việt Nam đang sử dụng.
Riêng
tên lửa BrahMos là loại vũ khí mà từ lâu Việt Nam đã tìm cách sở hữu,
mặc dù có một trục trặc trong việc xin cấp phép từ phía đối tác Nga,
nhưng những trở ngại này đã được hóa giải. Tên lửa này sẽ có sự đóng góp
quan trọng trong sự phòng thủ bờ biển cũng như phòng thủ đảo của Việt
Nam, vì với tầm bắn khoảng 400 đến 450 km, nó có thể giúp Việt Nam vừa
phòng thủ bờ biển, vừa bảo vệ được các căn cứ quân sự ở Trường Sa một
cách hiệu quả.
Ấy là chưa kể tên lửa BrahMos này có
tốc độ rất cao và có thể bay rất thấp, cách mặt nước biển chỉ khoảng 3
hoặc 4 mét, cho nên rất khó bị phát hiện và như vậy là một loại vũ khí
phòng thủ lợi hại của Việt Nam.
Việc Việt Nam mua
thành công các tên lửa BrahMos này sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ
của Việt Nam, đồng thời cho thấy có sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng
giữa Ấn Độ và Việt Nam, làm cơ sở cho hai bên tiếp tục tăng cường quan
hệ, đặc biệt là trong lĩnh quốc phòng trong thời gian tới.
RFI : Việt
Nam có thể trông chờ những gì từ Ấn Độ trong bối cảnh tranh chấp Biển
Đông vẫn gay gắt ? Ngược lại, đối với Ấn Độ thì Việt Nam có vai trò như
thế nào trong chính sách « Act East » ?
TS Lê Hồng Hiệp :
Như tôi đã nói, Ấn Độ có những lợi ích song trùng với Việt Nam rất là
lớn và cũng là một đối tác ngoại giao lâu đời, từ thời những năm 1950.
Chính vì vậy giữa hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau rất là lớn. Ấn Độ
cũng là một cường quốc lớn trên thế giới, nên sự hợp tác với Ấn Độ về
ngoại giao lẫn chiến lược có thể giúp Việt Nam có được vị thế mặc cả với
Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, nhìn
từ phía Ấn Độ thì Việt Nam cũng là một quốc gia quan trọng trong chính
sách « Hành động hướng Đông » của thủ tướng Modi. Ấn Độ đang cố gắn gia
tăng sự can dự của họ với các nước láng giềng phương Đông và đặc biệt là
trong khu vực ASEAN, mà trong ASEAN thì Việt Nam cũng là một quốc gia
quan trọng, có tiếng nói, có vị thế càng ngày càng lớn, đóng vai trò như
là cửa ngỏ, giúp Ấn Độ thâm nhập khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á
nói riêng.
RFI : Các công ty
dầu khí Việt Nam có thể đóng một vai trò như thế nào để giúp Việt Nam
bảo vệ chủ quyền và các nguồn tài nguyên của mình ở Biển Đông ?
TS Lê Hồng Hiệp :
Hiện tại, công ty ONGC Videsh, công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ,
cũng đang tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực bể Trầm Tích,
Phú Khánh, ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Dự án này
là nằm trong chiến lược của Việt Nam là kéo các công ty dầu khí của các
cường quốc lớn tham gia hoạt động trên vùng biển Việt Nam, để biến lợi
ích của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông thành lợi ích
của các cường quốc này, giúp chống lại các áp lực của phía Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc có những hành động chèn ép Việt Nam, ảnh hưởng đến lợi
ích Việt Nam, thì các hành động này cũng đồng thời ảnh hưởng đến các lợi
ích của những cường quốc đó và trong này thì có trường hợp của Ấn Độ.
Cũng
có những báo cáo nói rằng các lô mà công ty ONGC Videsh đang thăm dò
thì ít có triển vọng tìm thấy dầu khí, nhưng các đối tác Ấn Độ vẫn kiên
trì tham gia thăm dò các lô ở đây, chủ yếu là vì mục đích chiến lược và
chính trị, tức là để duy trì sự can dự của Ấn Độ trong khu vực Biển
Đông, cũng như giúp Việt Nam gia tăng vị thế của mình trên hồ sơ Biển
Đông.
Đây cũng là vai trò rất quan trọng mà Ấn Độ có
thể thực hiện để giúp Việt Nam đối phó với các áp lực từ phía Trung
Quốc, cũng như giúp tăng cường quan hệ Việt Ấn. Giữa hai nước, trong
thời gian qua, những hợp tác về ngoại giao, chính trị và quân sự, chiến
lược đã phát triển rất tốt. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế thì còn nhiều hạn
chế. Chính vì vậy, việc tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu
khí ở vùng biển Việt Nam cũng là một phương thức để tăng cường hợp tác
kinh tế giữa hai nước, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song
phương trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét