Những ngày qua có thông tin Viện Sử học Việt Nam vừa cho
phát hành bộ sử Việt gồm 15 tập, do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên, trong đó
khi nói đến miền Nam từ năm 1956 đến 1975, những nhà viết sử đã dùng danh xưng
đúng của mảnh đất này là "Việt Nam Cộng Hòa" chứ không còn gọi là
"ngụy quyền Sài-Gòn".
Nhiều thảo luận đã đưa ra lí giải vì sao có thay đổi cách gọi
tên như thế.
Có ý kiến cho đây là vì Hà Nội muốn đòi lại chủ quyền ở
Hoàng Sa, Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng - những vùng quần đảo này trước
đây thuộc về Việt Nam Cộng hòa (miền Nam), còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền
Bắc) qua Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại thừa nhận Hoàng Sa nằm
trong lãnh hải Trung Quốc.
Theo công pháp quốc tế thì chỉ khi thừa nhận có quốc gia Việt
Nam Cộng hòa thì Hoàng Sa mới thuộc chủ quyền của nước Việt Nam.
Cũng có người nói thay đổi cách gọi tên của miền Nam là tạo
không khí cho chính sách hòa giải dân tộc để chung sức chống lại Trung Quốc
đang bành trướng.
Những nhà sử học cho đó là cách viết sử nghiêm minh và chuẩn
mực, điều mà trước nay bởi nguyên do chính trị và tuyên truyền nên sách sử xuất
bản tại Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã dùng những từ miệt thị khi nói về
Việt Nam Cộng hòa, như khi nói về chính quyền thì gọi là "ngụy quyền"
và những người phục vụ chính quyền đó là "ngụy quân".
Tuy nhiên, một tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lên tiếng
phản đối cách gọi tên đó và cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam Cộng hòa là
"một thây ma" đã chết từ lâu không việc gì phải dựng nó sống lại.
Trên Facebook của tôi, có bạn tỏ ra rất lạc quan với những
biến chuyển chính trị trong vòng một năm qua, với việc Việt Nam đang xích gần lại
với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết trong quan hệ mang tính chiến lược, trước sự bành
trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, và đang tạo ảnh hưởng đến lãnh đạo Hà Nội
cũng như tác động đến nền kinh tế đang có nhiều khó khăn ở Việt Nam.
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày
27/1/1973 tại Paris
Cũng có nhận định cho rằng sắp đến thời điểm đem Hiệp định
Paris 1973 ra để thi hành.
Sự kiện này không phải là điều mới. Từ thập niên 1990, giáo
sư Vũ Quốc Thúc, một nhà kinh tế và giáo sư đại học thời Việt Nam Cộng hòa đã
đưa ra chủ trương khôi phục và thi hành Hiệp định Paris, tức là đòi cho người
dân miền Nam được quyền tự quyết về tương lai chính trị và những quyền tự do
căn bản.
Căn bản của Hiệp định Paris là để quân đội Mỹ rút khỏi Việt
Nam trong danh dự và hai miền chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình trên đất
nước Việt Nam.
Sau đó giải quyết khác biệt chính trị bằng việc thực hiện
hòa giải và hòa hợp dân tộc, tiến đến bầu cử để chọn lựa thể chế chính trị.
Hai chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm
thời Cộng hòa Miền Nam thực thi chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc, người dân
miền Nam có các quyền căn bản, theo điều 11 của hiệp định:
- Thực hiện hòa giải
và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối
xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
- Bảo đảm các quyền
tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự
do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do
đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự
do kinh doanh.
Về việc thống nhất hai miền Nam và Bắc, quyết định đó tùy
thuộc vào chính phủ hai bên.
Hiệp định được Ngoại trưởng bốn bên ký tại Paris ngày
27/1/1973, gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ
Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Ngày 30/4/1975 xe tăng và bộ đội cộng sản miền Bắc vào chiếm
miền Nam, chính quyền Sài Gòn đầu hàng.
Một năm sau hai miền chính thức được thống nhất, đưa đến một
thực tế là chỉ còn một nước Việt Nam từ đó đến nay.
Chủ trương hòa hợp hòa giải
Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng người thì chưa. Đó là nhận
xét của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông trở về Việt Nam năm 2005 để sống những ngày cuối
đời và chết ở đó.
Từ nhiều năm qua, lãnh đạo Hà Nội đã ban hành những nghị quyết,
chính sách với mục đích hòa giải dân tộc, như Nghị quyết 36 cách đây hơn một thập
niên; những chính sách mời gọi người Việt ở nước ngoài, không phân biệt quá khứ,
về đầu tư, tham gia vào việc xây dựng đất nước. Hay chính sách cấp thị thực 5
năm cho người Việt có hộ chiếu nước ngoài.
Những chủ trương hòa giải dân tộc đó đã nhắm sai đối tượng,
vì chỉ quan tâm tới người Việt sinh sống ở nước ngoài, trong khi đối tượng chính
mà nhà nước cần có tinh thần hoà giải là với những công dân Việt đang sinh sống
trên đất nước Việt Nam.
Ngày nay ở Việt Nam chưa có hòa giải vì những người bất đồng
quan điểm với nhà nước vẫn còn bị sách nhiễu, giam tù hay quản chế.
Những tù nhân lương tâm đã được thế giới nhắc đến như Mẹ Nấm
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn
Đài, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Huỳnh Duy Thức là ví dụ.
Sách báo của Miền Bắc trước đây thường dùng cụm
từ 'ngụy quân, ngụy quyền' để gọi chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng hòa - Hình ảnh Keystone/Hulton Archive/Getty Images
Gọi tên "Việt Nam Cộng hòa" lúc này có liên quan
gì đến việc đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa là điều tôi cho là xa vời,
vì ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay quá lớn trong chính trường Việt Nam khiến
lãnh đạo Hà Nội, dù có xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, cũng sẽ không làm gì mạnh về
chủ quyền trên Biển Đông.
Sự kiện Việt Nam, do áp lực từ Trung Quốc, tháng trước đã phải
yêu cầu công ty Repso của Tây Ban Nha ngưng khoan dầu trong vùng biển đặc quyền
kinh tế của Việt Nam cho thấy điều đó.
Qua việc nhắc đúng tên của miền Nam là "Việt Nam Cộng
hòa", tôi chỉ hy vọng lãnh đạo Hà Nội thực tâm nhìn nhận trên đất nước đó
đã có một nền văn hoá, một không khí sinh hoạt chính trị sôi nổi trong hai mươi
năm và những di sản đó vẫn còn trong lòng nhiều người Việt, trong nước cũng như
tại nước ngoài.
Hãy để cho nền văn hoá đó được sống. Đừng cấm đọc, cấm in lại
hay ngăn cản không cho phổ biến những ca khúc đã đi vào lòng hàng triệu người
dân Việt. Điều đó sẽ thể hiện tinh thần hòa giải của chính quyền.
Còn nếu thực sự đem Hiệp định Paris ra làm căn bản hòa hợp
hòa giải cho cả nước, đó sẽ là điều mừng cho đất nước và dân tộc, sau hơn 40
năm chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét