Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

"Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam"

media 
Ảnh minh họa : Máy bay Carrier Air Win 5, Carrier Air Wing 9 và tàu sân bay USS John C. Stennis tập trận trong vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016.REUTERS/Courtesy Steve Smith/U.S. Navy


Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ tiến triển rõ nét tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới phân tích. Trong bài viết mang tựa đề rất hóm hỉnh « Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam - Get Ready, China: U.S. Navy Aircraft Carriers are Headed to Vietnam » đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 20/08/2017, nhà báo Zachary Keck đã phân tích thêm về ý nghĩa của sự kiện một  tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm tới 2018.

Nhà báo Mỹ trước hết ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam, từ ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Đối với giới quan sát, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên thắt chặt thêm, và cùng nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Bắc Kinh không hài lòng chút nào.

Cách đây hai tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch công du nước Mỹ và tiếp xúc với đồng nhiệm James Mattis. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận về những bước tăng cường hợp tác song phương cũng như về an ninh khu vực, và đồng ý mở rông hợp tác hải quân và chỉa sẻ thông tin.

Nhân dịp này, hai bên đã bàn về chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Tên chiếc tàu sẽ ghé Việt Nam chưa được cho biết, cũng như cảng mà chiếc tàu sẽ ghé thăm. Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ cho biết là vào năm tới.

Tuy thế, các nhà quan sát cho là tàu sân bay sẽ ghé Cam Ranh, vì như nhà báo của tạp chí Nhật Bản The Diplomat, Prashanth Parameswaran ghi nhận vào năm ngoái, cầu tầu của cầu cảng Cam Ranh đã được tu sửa để có thể đón hàng không mẫu hạm.

Quan hệ thắt chặt nhanh chóng

Dẫu sao thì chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ là dấu hiệu mới nhất phản ánh đà nhanh chóng thắt chặt thêm quan hệ giữa hai nước, để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc, cho dù sự nghi kỵ Mỹ-Việt bắt nguồn từ cuộc chiến trước đây vẫn còn.

Từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, phải chờ đến năm 1995 hai bên mới tái lập bang giao, với quan hệ ấm dần với các cuộc viếng thăm của các tổng thống Mỹ khởi đầu là Bill Clinton năm 2000, George W. Bush năm 2006. Nhưng phải chờ đến thời Obama thì quan hệ song phương mới thật sự được củng cố, với chính sách « xoay trục » bắt đầu từ cuối năm 2011.

Tháng 7/2013, tổng thống Obama và chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thông báo hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Qua năm 2014, Mỹ giảm cấm vận vũ khí một phần, trước khi hoàn toàn bãi bỏ hai năm sau.

Sau đó không lâu, vào tháng 10/2016, hai tàu chiến Mỹ : tàu hâu cần tàu ngầm USS Frank Cable, và khu trục hạm USS John S. McCain ghé cảng Cam Ranh. Đó là lần đầu tiên từ sau chiến tranh mà chiến hạm Mỹ cập bến Cam Ranh. Tàu Mỹ trước đó cũng đã ghé cảng này, nhưng không phải là tàu chiến. Khu trục hạm USS John S. McCain, đặt căn cứ ở Nhật Bản, cũng đã viếng thăm các cảng khác ở Việt Nam trước khi ghé Cam Ranh. Mới tháng Sáu vừa qua, chiếc John S. McCain cũng đã trở lại Cam Ranh.

Tuy nhiên, Zachary Keck cũng công nhận rằng quan hệ Việt Mỹ thời Donald Trump, khởi đầu vất vả khi mà quyết định đầu tiên của ông là rút khỏi hiệp định thương mại TPP. Nhưng rồi quan hệ lại tiếp tục trên con đường của chính quyền Obama trước đây. 

Vào tháng 5, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng thống Trump ở Nhà Trắng, ông Trump cũng có kế hoạch viếng thăm Việt Nam nhân thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam một tuần dương hạm lớp Hamilton vào tháng 5 và một tháng sau thì một tàu chiến hiện đại LCS được bảo trì ở Cam Ranh. Và tháng 7 vừa qua Hải Quân Việt Nam và Mỹ tiến hành  diễn tập thường niên (NEA).

Trung Quốc trong tầm nhắm

Theo nhận định của Zachary Keck, tuy hai bên không thừa nhận, nhưng động lực thắt chặt quan hệ này là Trung Quốc, một mặt do sức mạnh quân sự ngày vươn lên và thái độ ngày quyết đoán hơn, nhất là ở Biển Đông, một mặt khác là do ảnh hưởng Trung Quốc ngày quan trọng hơn. 

Từ khi lên nắm quyền năm 2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích hẳn lại gần Trung Quốc khiến Việt Nam trong thế cô lập hơn trong các quốc gia Đông Nam Á trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Zachary Keck nhắc lại nhận định của Gregory Poling, giám đốc trung tâm Minh Bạch Hàng Hải Châu Á của CSIS (Center for Strategic and International Studies' Asia Maritime Transparency Initiative) trên đài CNN tuần qua : « Khi nói đến tranh chấp ở Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam có lẽ cảm thấy rất lẻ loi những ngày này.”

Việt Nam cũng trong tình thế bị Trung Quốc liên tiếp hù dọa trong năm nay. 

Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam đã cho phép một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc cũng tranh giành.Bắc Kinh đã phản đối ngay qua các kênh ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Việt Nam, dọa sử dụng sức mạnh nếu Việt Nam không bỏ việc khoan thăm dò và hứa không khoan lại ở vùng biển này.

Mặc dù bất đồng quan điểm trong tầng lớp lãnh đạo, nhưng Việt Nam đã phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, một phần do Hà Nội không tin tưởng là có thể dựa vào chính quyền Trump đến giúp đỡ.

Một sự cố khác là trong tháng này, là ngoại trưởng Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc gặp ngoại trưởng Việt Nam vì Hà Nội đưa vấn đề Biển Đông trong thông cáo cuối cùng của các ngoại trưởng ASEAN.

Nhà báo Zachary Keck nhìn thấy thực tế là tổng thống Philippines ‘xoay trục’ sang Trung Quốc và Thái Lan, một đồng minh khác của Mỹ, cũng ve vãn Bắc Kinh từ sau cuộc đảo chính 2014, khiến Washington ngày tin tưởng hơn vào Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông. Động thái biểu tượng như tàu sân bay là bước khởi đầu, nhưng rõ ràng là chưa thể đủ để đối phó với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét