Khi George Orwell viết cuốn tiểu thuyết 1984 vào năm 1948,
ông nghĩ đến một thế giới dưới một chế độ độc tài toàn trị như Liên Xô của
Stalin hay Trung Quốc dưới thời Mao. Và khi hệ thống Cộng Sản sụp đổ, nhà phê
bình Harold Bloom viết rằng 1984 có nguy cơ trở thành một cuốn tiểu thuyết lỗi
thời giống như Uncle Tom’s Cabin vậy.
Thế nhưng thay vì mờ dần để trở thành một tài liệu lịch sử,
những năm gần đây 1984 bổng trở nên thịnh hành trở lại không phải chỉ trong thế
giới nói tiếng Anh mà trên toàn thế giới. Sự mất đi bối cảnh lịch sử không những
đã không làm cho cuốn tiểu thuyết này mất đi giá trị mà còn có vẻ như giải
phóng nó khiến nó trở thành một thông điệp nói lên một vấn đề căn bản của thế
giới hiện đại.
Trong những năm gần đây, một thế hệ trưởng thành sau Chiến
Tranh Lạnh có vẻ đã tìm ra những âm hưởng thích hợp với tâm hồn họ.
“Tôi chắc chắn là George Orwell không nghĩ rằng ta phải viết
một câu chuyện bổ ích cho một cậu bé tại Iraq. Nhưng cuốn sách này giải thích
cho tôi Iraq dưới thời Saddam Hussein hơn là tất cả những gì viết trước đó và về
sau này.” Ðó là lời của nhà văn Iraq Hassan Abdulrazzak viết vào năm 2014.
Và 1984 trở thành một trong 10 cuốn sách bán chạy nhất tại
Nga năm 2015. Tại Thái Lan cuốn sách trở nên phổ biến trong giới chống đối chế
độ quân phiệt đến nỗi tạp chí để trên máy bay của Philippines Airlines cảnh cáo
khách hàng sang Thái rằng cầm theo cuốn sách này vào Thái Lan có thể gặp khó
khăn với các quan chức nhập cảnh và những giới chức khác.
Kể từ năm 1984, đã có ít nhất là 13 bản dịch cuốn này sang
tiếng Hoa. Cả 1984 và một cuốn khác của Orwell, Animal Farm cũng được dịch sang
tiếng Tây Tạng. Giải thích ý nghĩa của Orwell đối với Trung Quốc, một trong những
dịch giả cuốn này, Ðặng Lệ San viết:
“Thế kỷ thứ hai mươi chẳng bao lâu sẽ kết thúc, nhưng khủng
bố chính trị vẫn còn đó và đó là lý do 1984 vẫn còn có giá trị vào lúc này.”
Những suy tư của Orwell về việc lạm dụng quyền lực chính trị
nhiều khi tìm thấy hưởng ứng tại những hoàn cảnh thật là bất ngờ. Trong lúc
đang ngồi tù tại Ai Cập, nhà tranh đấu cực đoan Hồi Giáo lúc đó Maajid Nawaz bỗng
nhiên thấy cuốn tiểu thuyết Animal Farm đả trả lời cho những trăn trở riêng tư
của mình. Ông viết:
“Tôi bắt đầu nối những mạch rời rạc lại và suy nghĩ ‘Trời, nếu
cái đám mà đang cùng ở tù với tôi mà lên nắm được chính quyền thì chúng cũng là
phiên bản Hồi Giáo của Animal Farm.’” Một nhà đạo diễn Cuba bị bỏ tù không kêu
án vì tìm cách dựng một vở kịch dựa trên Animal Farm vào năm 2014. Nhưng ông có
bị tù cũng phải vì để làm cho các quan chức Cuba biết rõ quan điểm của mình ông
đã để hai con heo đầu đàn một con tên là “Fidel” và con kia tên “Raul.”
Thế nhưng 1984 không phải chỉ có ý nghĩa đối với dân chúng
các nước còn sống trong các chế độ độc tài. Ðối với thế giới phương Tây, 1984
cũng gợi cho người ta những cảm xúc sâu đậm.
Ðối với những người Mỹ hiện nay, bối cảnh chiến tranh thường
trực của 1984 đưa ra một lời cảnh cáo đáng ghê sợ. Trong cuốn sách, cũng như
trong cuộc sống hiện tại của dân Mỹ, chiến tranh nằm sâu trong hậu trường, chỉ
đôi khi xuất hiện qua những mẩu tin. Orwell viết trong 1984:
“Winston không thể nhớ chắc chắn có lúc nào nước mình không
có chiến tranh.”
Và điều đó đúng đối với tất cả những người Mỹ trong tuổi đôi
mươi hoặc trẻ hơn.
Trong một thời đại mà các cuộc chiến mà Hoa Kỳ thực hiện đều
chỉ sử dụng “drone” bắn đi những hỏa tiễn hướng dẫn chính xác với một con số nhỏ
các lính biệt kích tại những nơi xa xôi của thế giới, cộng với lâu lâu một lần
là những cuộc tấn công khủng bố vào Luân Ðôn, Madrid, Paris và New York thì đoạn
văn này của Orwell đúng là có tính tiên tri:
“Ðó là một cuộc chiến có mục tiêu giới hạn giữa những phe
không thể nào tiêu diệt được lẫn nhau, và không có một lý do cụ thể nào để đánh
nhau… Nó chỉ dính líu đến một số người rất nhỏ, hầu hết là được huấn luyện cao
độ và không tạo ra bao nhiêu thương vong. Các trận đánh, nếu có xảy ra tại những
nơi biên thùy xa xôi mà người ta chỉ có thể đoán một cách mơ hồ… tại những nơi
trung tâm văn minh, chiến tranh không có ý nghĩa gì hơn là đôi khi nổ một quả
bom tạo ra vài chục người chết.”
Ðiều thứ hai của thế giới hiện nay gợi cho ta thế giới của
Orwell là sự nổi lên của các “anh cả” (Big Brother) sau sự kiện 9/11. Chúng ta
nay đang sống trong một thế giới mà mọi người đều bị theo dõi, không phân biệt
Ðông hay Tây. Trong những năm đầu thế kỷ thứ 21, chính phủ Mỹ thường xuyên cho
giết những người tại những quốc gia mà Mỹ không có chiến tranh bằng cách dùng
những máy bay điều khiển từ xa. Chiến thuật này trở thành được biết dưới tên
“signature strike” và bao gồm những người bị chính phủ Mỹ nghi ngờ là có quan hệ
với khủng bố. Và nay với những phương tiện theo dõi mới – cũng như các phương
tiện phân tích mới – đã cho phép các chính quyền thành lập những hồ sơ theo dõi
một phần quan trọng dân chúng nước họ.
Cố nhiên là chính phủ Mỹ hành động như vậy là phản ứng đối với
vụ tấn công khủng bố 9/11 mà Orwell chắc chắn cũng sẽ lên án. Nhưng điều chính
trong quan điểm của ông là quyền tự do tư tưởng – chống lại cả sự kiểm soát của
nhà nuớc cũng như những kẻ cực đoan dù rằng tôn giáo hay ý thức hệ. Như Orwell
viết:
“Nếu tự do mà có một ý nghĩa gì đó thì đó là quyền nói ra những
gì người ta không muốn nghe.”
Thành ra trong phương diện này nhân vật Winston của 1984 thấy
nguy cơ lớn nhất cho tự do đến không phải từ bên ngoài mà từ chính chính phủ
mình.
Thành ra để có thể hiểu thế giới năm 2017, chúng ta có thể
trở lại ba tác phẩm hay nhất của Orwell. Thứ nhất Homage to Catalonia, trong đó
ông chứng minh rằng phía tả cũng có thể tàn bạo không kém gì phía hữu và trở
thành hoài nghi mọi độc quyền về chính trị. Thứ hai Animal Farm mà ông gọi là một
truyện thần tiên tân thời, một ngụ ngôn về sự vỡ mộng. và sau cùng 1984 trong
đó ông sửa đổi lại câu chuyên kinh rợn truyền thống. Nhưng con quái vật của ông
ở đây không phải là Frankenstein mà là nhà nước hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét