Phạm Chí Dũng - VOA
USCIRF website giới thiệu hồ sơ Mục sư Nguyễn Công Chính và
bà Trần Thị Hồng.
Với trường hợp chính thể Việt Nam, cơ chế trả tự do cho tù
nhân lương tâm luôn là sự khởi đầu cho một mối lợi đặc biệt hay sống còn nào đó
của chế độ này.
Ngày 29/7/2017, Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính, người mà
vào năm 2010 đã bị chính quyền Việt Nam xử án tù 11 năm với cáo buộc mơ hồ “phá
hoại chính sách đoàn kết dân tộc” khi ông giúp đỡ cho các người Tây Nguyên theo
đạo Tin Lành và tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của họ, người đã thường bị
ngược đãi và tra tấn trong nhà tù, “bất ngờ” được trả tự do nhưng với điều kiện
chưa có gì thay đổi: Mục sư Chính cùng vợ và 5 người con phải lên máy bay “tống
xuất” sang Hoa Kỳ.
Mối lợi dĩ vãng
Trước vụ Mục sư Chính được trả tự do, trường hợp gần nhất được
chính quyền Việt Nam thả vào tháng Giêng năm 2017 là tù nhân lương tâm Đặng
Xuân Diệu - một thành viên của đảng Việt Tân, nhưng không phải “tống xuất” sang
Mỹ mà là sang Pháp. Đầu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà không biết vô tình
hay hữu ý, đã khởi động một chiến dịch “lobby” cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đi thăm Mỹ.
Đến tháng Ba thì cơ sự đã rõ: trên trang facebook của mình,
chính phủ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bắn ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
sẵn sàng đi thăm Mỹ”, dù rằng thái độ gợi ý công khai như thế có vẻ cầu cạnh
quá lộ liễu và không được lợi thế lắm, nếu đối chiếu với tuyên ngôn “Mỹ cần Việt
Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ” của một số chóp bu Hà Nội.
Trước vụ thả Đặng Xuân Diệu là Tạ Phong Tần. Thành viên của
Câu lạc bộ nhà báo tự do này đã bị công an Việt Nam “tống xuất” sang Mỹ vào
tháng Chín năm 2015 - thời điểm ngay sau khi chuyến công du Hoa Kỳ “của nhân vật
đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng mà được báo đảng tung hô “thành công vượt quá
mong đợi”, cùng trần thuật tràn đầy hể hả của chính ông Trọng “mình phải như thế
nào thì người ta mới mời chứ”; cũng ngay sau khi hai phái đoàn Việt Nam và Hoa
Kỳ hoàn tất các vòng đàm phán song phương về Hiệp định TPP, mở ra triển vọng rất
gần để Việt Nam trở thành thành viên của TPP như cách đã từng là thành viên thứ
150 của Tổ chức Thương mại thế giới 8 năm trước đó.
Còn trước Tạ Phong Tần là năm 2014. Sau cuộc gặp Obama -
Trương Tấn Sang vào tháng Bảy năm 2013 mà đã mở ra triển vọng hoàn tất đàm phán
TPP, 2014 là năm mà chính quyền Việt Nam “mở lòng” nhất khi trả tự do đến 12 tù
nhân lương tâm, trong đó đặc biệt “ưu ái” những trường hợp như Cù Huy Hà Vũ và
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - hai người tù này đều bị công an “tống xuất” sang Mỹ,
thậm chí còn không được gặp gia đình trước khi “bay”, và thậm chí Điếu Cày còn
mang nguyên đôi dép tổ ong đến Mỹ - như một kỷ niệm chích đốt đau đớn của nhà
tù cộng sản.
Những trường hợp khác - được trả tự do trước thời hạn thụ án
nhưng được ở Việt Nam như Nguyễn Phương Uyên (tháng 8/2013), Đỗ Thị Minh Hạnh
(tháng 7/2014) - được xem là may mắn, lồng trong bầu không khí đậm đặc mùi TPP.
Giờ đây, lại một cuộc “tống xuất” nữa. Và hẳn phải có “mùi”.
“Cầu viện”
Không biết vô tình hay hữu ý, chiến dịch “tống xuất” Mục sư
Nguyễn Công Chính lại xảy ra chỉ 3 ngày sau một cuộc gặp đáng chú ý tại trụ sở
Bộ Quốc phòng vào chiều 26/7/2017, giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Cuộc gặp này lại diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nhiều nguồn tin
quốc tế và trong nước cho biết trước sức ép của Trung Quốc, vào ngày 24/7/2017,
chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol
- một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn
được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.
Cuộc gặp trên, dù chỉ được báo đảng mô tả là “tiếp xã giao”,
nhưng lại “vô tình” trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe
dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt
Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, phía Việt Nam đã cấp tốc
liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - như một hành động “cầu viện” -
nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Một chi tiết đáng chú ý khác là cùng thời điểm Mục sư Chính
được trả tự do, đã xuất hiện vài thông tin không thể bỏ qua từ giới chuyên gia
nhà nước, liên quan đến quan hệ quân sự Việt - Mỹ.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của
Việt Nam VIDS, một chuyên gia được xem là có tiếng nói không hoàn toàn mang
“tính đảng”, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFA Việt ngữ đã “xác nhận”
vài thông tin mà đã được dư luận râm ran trước đó: “Rất đáng để ý, có thể nói
là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội
trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động
trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung
được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh...”.
Ngoài ra, còn có vài tin tức khác có vẻ “đời” hơn, chẳng hạn
hình ảnh một máy bay được cho là chở phái bộ quân sự Mỹ vừa đáp xuống sân bay
Tân Sơn Nhất vào ngày 28/7/2017…
Nếu những thông tin mang tính dự đoán của ông Đinh Hoàng Thắng
là có cơ sở, câu hỏi bật ra là chính thể Việt Nam đã đến khúc quanh nào và ra
nông nỗi nào để bắt buộc phải “tập trận” với người Mỹ?
Cơ sự đều có nguồn cơn của nó.
Vì sao tướng Vịnh chưa đi Mỹ?
Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt
Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.
Khi đó, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã gợi
ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng
Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ
không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy
nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối
quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt - mười sáu chữ vàng”.
Sau đó, quả nhiên tình thế Việt - Trung càng lúc càng bất
an, Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh lấn ép không chỉ về giao thương xuất nhập khẩu
mà còn ngay tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, các hợp đồng
Việt Nam mua vũ khí của Mỹ đã gặp phải phản ứng lạnh nhạt từ phía Quốc hội Mỹ -
bao gồm khá nhiều nghị sĩ quan tâm đến rất nhiều vụ nhân quyền bị đàn áp nặng nề
ở Việt Nam.
Chỉ mới đây - cuối tháng 6/2017 và ngay trước chuyến đi Đức
của Thủ tướng Phúc, tòa án Việt Nam đã giáng thẳng xuống đầu blogger Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh - người được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn vinh “Người phụ nữ can đảm quốc tế”
vào tháng 3/2017 - một án tù giam khủng khiếp đến 10 năm.
Trong bối cảnh đó, không ngạc nhiên khi người Mỹ hầu như lạnh
lẽo với một Hà Nội còn nguyên độc trị.
Thế còn chuyện Việt Nam dự định mua vũ khí của Mỹ và “thúc đẩy
hợp tác quân sự” với Mỹ thì sao?
Trong thời gian Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đi
Washington để “tích cực chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ”, ông
Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung
tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, đã cho biết sau chuyến đi Mỹ
của ông Phúc sẽ diễn ra một chuyến đi Mỹ khác vào tháng 7/2017 của Thứ trưởng bộ
quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, liên quan đến hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Tuy vậy,
cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào về chuyến đi này. Một khả năng có
thể xảy ra là sau vụ chính quyền Việt Nam công khai thách thức Mỹ bằng án tù 10
năm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cộng thêm thái độ đu dây cố hữu của Hà Nội,
Washington đã không còn mặn mà để tiếp tướng Vịnh.
Tình thế đã gấp gáp lắm rồi
Khó mà hoài nghi rằng sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm
2017, chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam giữa Trung Quốc và phương
Tây đã chính thức phá sản. Có lẽ giới chóp bu Việt Nam đang “hoảng loạn” đến mức
một lần nữa phải bắn ý “cầu cứu” Hoa Kỳ, mà cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng
Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Ted Osius là một tiền đề để “tiếp tục thúc đẩy hợp tác
quân sự giữa hai bên”.
Nếu TPP mang ý nghĩa lớn nhất là nhằm cứu vãn nền kinh tế và
do đó trở thành “cứu cánh” để chính thể Việt Nam khỏi sụp đổ, các hạm đội hải
quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng có ý nghĩa không kém nhằm ngăn chặn
Trung Quốc tràn xuống phía Nam mà có thể tiện thể “nuốt” luôn Việt Nam.
Giả dụ ngay trước mắt, sự hiện diện của các hạm đội Mỹ ở Biển
Đông và có thể ngay tại Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn, hơn nhiều, để chẳng
phải nuốt hận khi phải miễn cưỡng “hợp tác khai thác dầu khí” chia bôi với Bắc
Kinh. Ngược lại là khác, chính thể Việt Nam sẽ có thể cao đầu ngẩng mặt mà tiếp
tục tiến trình khai thác dầu tại Bãi Tư Chính trong vùng biển chủ quyền của
mình, thu được một khoản lợi nhuận lớn đủ để “duy trì tăng trưởng GDP 6,7%”
theo nghị quyết đề ra, đồng thời bù đắp tình trạng hụt thu nan giải mà nếu
không cẩn thận, thực thu ngân sách năm 2017 so với dự toán có thể bốc hơi đến
11% - mức hụt thu chưa từng có trong nhiều năm qua.
Tình thế đã gấp gáp lắm rồi.
Chỉ đến lúc này, những vận động và gây sức ép liên tục của
Quốc hội Hoa Kỳ nhằm trả tự do cho Mục sư Chính mới “đi vào chiều sâu” - nói
theo ngôn ngữ ngoại giao Việt Nam. Chỉ đến lúc này, vai trò bảo trợ cho Mục sư
Nguyễn Công Chính và gia đình ông từ các nghị sĩ và chính khách Mỹ như Dân Biểu
Alan Lowenthal, Dân Biểu Bill Posey, cựu Đại Sứ Jackie Wolcott, cùng Ủy ban Cứu
trợ người vượt biển (BPSOS) mới trọn vẹn trách nhiệm.
Chỉ đến lúc này, sau 7 năm bị ngược đãi hành hạ trong tù, Mục
sư Tin Lành Nguyễn Công Chính mới bất ngờ được “trả tự do”, như chúng ta đã biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét