Tổng thống Donald Trump tại căn cứ quân sự Andrews, Maryland
ngày 28/07/2017. Giông tố pháp lý vẫn không ngớt đổ xuống tổng thống Trump và
các cộng sự thân tín của ông. REUTERS/Jonathan Ernst
Tại Mỹ, cuộc điều tra của tư pháp về các mối liên hệ có thể
với Nga tiếp tục đè nặng lên tổng thống Donald Trump và các cộng sự thân cận và sẽ còn kéo dài. Đây là chủ đề tranh luận
hàng ngày của dư luận Mỹ. Nhật báo Le Monde ra cuối tuần này (30 - 31/08) đăng
bài phân tích của thẩm phán Mỹ Jeffrey Rosen về các tranh luận pháp chế xung
quanh vụ việc này. RFI xin trích dịch nội dung chính của bài viết.
Ngày 24/07, Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn của tổng
thống Mỹ Donald Trump, trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện đã phủ nhận mọi thông
đồng với Nga. Nhưng ngoài chủ đề của cuộc điều tra, tuyên bố trên đã làm dấy
lên tại Mỹ cuộc tranh luận sôi nổi về những nguy cơ pháp lý mà Kushner có thể
phải đối mặt.
Trong khi đó bản thân con trai tổng thống Donald Trump
Junior và ngay cả bản thân Donald Trump cũng đang lần lượt là đối tượng của cuộc
điều tra dính dáng đến Nga, Thượng Viện Mỹ và thẩm phán đặc biệt Robert Mueller
đang điều tra về khả năng có thông đồng giữa ê-kíp tranh cử của Trump với Nga.
Nếu như ông Mueller chứng minh được Kushner, Donald Trump, cựu
cố vấn an ninh của tổng thống Michael Flynn, và Paul Manafort giám đốc chiến dịch
tranh cử của Trump phạm tội, thì ông có thể truy tố họ. Các cáo buộc đối với họ
có thể sẽ là vi phạm các điều luật của Mỹ, theo đó, cấm mọi sự thông đồng với
chính phủ ngoại quốc, cản trở tư pháp vì khai man với các nhà điều tra. Ở
Washington, người ta vẫn quen nói rằng tìm ra thủ phạm nói dối dễ hơn là tìm ra
tội để truy tố.
Điều gì xảy ra nếu ông Mueller truy tố Kushner, Trump Jr hay
M. Flynn ? Tổng thống Trump có thể quyết định tha bổng cho họ về các tội phạm
trong quá khứ và tương lai. Toà Án Tối Cao đã cho phép tổng thống quyết định
quyền miễn trừ cho mọi cá nhân về những tội trước khi mở điều tra hoặc sau kết
án.
Người ta còn nhớ sau khi tổng thống Richard Nixon từ chức
năm 1974, tổng thống kế nhiệm Gerald Ford đã ân xá trong suốt nhiệm kỳ của ông
cho cựu tổng thống R. Nixon mọi tội mà « ông đã và có thể đã phạm phải ».
Có thể truy tố Trump ?
Bản thân tổng thống Trump có thể gặp rắc rối pháp lý do đã
dùng quyền miễn tội vì dụng ý xấu. Trên một diễn đàn của nhật báo New York
Times, hai giáo sư luật của Đại học Chicago giải thích rằng nếu Trump dùng quyền
ân xá với dụng ý ngăn cản cuộc điều tra của thẩm phán Robert Mueller, ông có thể
bị truy tố vì tội cản trở tư pháp.
Tuy vậy ít có khả năng cá nhân tổng thống Trump bị truy tố
khi còn đương nhiệm. Luật pháp Mỹ cho rằng tổng thống không thể bị truy tố
trong nhiệm kỳ và giải pháp duy nhất trong trường hợp nghi ngờ phạm tội thì có
thể mở thủ tục phế truất.
Trái lại, trong quá khứ, khi điều tra nhằm phế truất tổng tống
Clinton, công tố viên đặc biệt Kenneth Starr đã ghi nhận, tổng thống Bill
Clinton có thể bị truy tố ngay cả khi đương nhiệm vì theo ông, « trong đất nước
này, không một ai ngay cả tổng thống Clinton, đứng trên pháp luật ». Tuy nhiên,
ông Starr đã không làm theo kết luận đó.
Như vậy từ trước tới nay, chưa hề có một vị tổng thống nào bị
truy tố khi đương nhiệm. Chính vì thế mà phần lớn các nhà bình luận đều kết luận
giải pháp khả dĩ nhất, trong trường hợp tổng thống Trump mắc tội, chỉ có thể là
phế truất, hoặc nếu truy tố thì chỉ sau khi ông đã rời chức vụ tổng thống.
Vậy trong trường hợp ông Trump sợ bị thẩm phán buộc tội, ông
có thể tự ân xá cho mình hay không ? Vấn đề này đáng được xem xét. Hiến Pháp Mỹ
cấm tổng thống sử dụng quyền ân xá để ngăn cản Quốc Hội phế truất mình. Nhưng
Hiến Pháp không cấm rõ ràng tổng thống dùng quyền ân xá để tự bảo vệ trước việc
bị truy tố một khi đã rời khỏi chức vụ.
Nếu ông Trump có ý định tự ân xá cho mình, nhưng một thẩm
phán không chấp nhận và vẫn quyết định truy tố ông sau khi rời khỏi chức vụ,
thì khi đó Tòa Án Tối Cao có thể có câu trả lời cuối cùng.
Trump có thể bị phế truất không ?
Nếu thẩm phán Mueller phát hiện thấy chính ông Trump vi phạm
luật (trong các vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hay trong các cuộc tiếp xúc
với Nga) giải pháp khả dĩ nhất sẽ không phải là truy tố mà là khởi động thủ tục
phế truất.
Hiến Pháp Mỹ quy định tổng thống vẫn có thể bị khởi tố qua bỏ
phiếu ở Hạ Viện và bị bãi nhiệm nếu 2/3 Thượng Viện bỏ phiếu thông qua. Hai
chuyên gia pháp lý nổi tiếng, một theo cánh tả, một theo hữu, nhấn mạnh rằng «
việc khởi tố không phải là biện pháp để trừng phạt các quan chức chính phủ chỉ
vì không làm tốt nhiệm vụ. Việc khởi tố là nhằm ngăn chặn lạm dụng quyền hạn.
Nhưng ranh giới giữa không đủ năng lực và lạm dụng chức quyền rất mù mờ».
Song song với việc bị điều tra (do thẩm phán Robert Mueller
tiến hành) đeo bám, tổng thống Trump và các cố vấn của ông còn có thể bị kiện
dân sự. Ông Trump đã từng là đối tượng bị kiện dân sự với số lần bằng cả ba người
tiền nhiệm gộp lại.
Trong vụ Clinton năm 1997, Tòa Án Tối Cao đã đánh giá là tổng
thống được quyền miễn trừ trước các vụ kiện dân sự nhắm vào vụ việc khi đương
chức, nhưng tổng thống sẽ không được bảo vệ về các vụ việc xảy ra trước khi nhậm
chức.
Điều này có nghĩa là tổng thống Trump vẫn mong manh trước
các vụ kiện dân sự vì những vụ việc trước khi ông bước vào Nhà Trắng. Trong trường
hợp nếu ông Trump bị buộc tội nói dối trong các vụ kiện dân sự xảy ra từ thời
ông chưa làm tổng thống, thì các chi tiết đó có thể cấu thành lý do để phế truất.
Cho dù không thể dự báo trước tiến trình điều tra sắp tới của
thẩm phán Robert Mueller, nhưng lịch sử cho thấy cuộc điều tra có thể sẽ mở ra
những vụ việc khác, xa hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu, như ở trường hợp cuộc
điều tra của tư pháp Mỹ hiện nay là xem xét các mối liên hệ giữa ê kíp tranh cử
của tổng thống của Donald Trump với nước Nga.
Lấy thí dụ như cuộc điều tra tổng thống B.Clinton, ban đầu
được mở ra chỉ quan tâm đến các điều kiện đáng ngờ trong dự án bất động sản
Whitewater, nhưng sau đó lại phát giác ra mối quan hệ của ông với cô thực tập
sinh của Nhà Trắng, Monica Lewinsky.
Tổng thống Trump đã đánh tiếng ông có thể bãi nhiệm Robert
Mueller nếu cuộc điều tra của thẩm phán này chuyển hướng sang vụ nghi ngờ tài
chính bất minh của tập đoàn Trump Organization chứ không phải mối liên hệ với
Nga. Cho dù ông Trump có quyền thải hồi thẩm phán Mueller, nhưng nếu ông ta làm
như vậy thì sẽ có thể dấy lên thêm nhiều lời kêu gọi phế truất tổng thống.
(Trích dịch từ Le Monde ngày 30/07/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét