Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Luật sư Võ An Đôn và giới hạn của quyền tự do biểu đạt

FB Phạm Lê Vương Các


Luật sư Võ An Đôn đang chuẩn bị đối mặt với án phạt kỷ luật từ Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên (Đoàn Luật sư) – nơi ông là thành viên vì Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cho rằng LS Đôn có nhiều bài viết trên FB và các bài phỏng vấn trên báo chí có nội dung nói xấu luật sư, kích động và xuyên tạc không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu đến “uy tín của Đảng, Nhà nước và Luật sư Việt Nam”.

Việc làm này của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có phù hợp với luật định hay thể hiện hành vi tùy tiện, vô pháp?

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta hãy tiếp cận với một chuẩn mực quốc tế quy định về vấn đề ÁP ĐẶT HẠN CHẾ QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT trong Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Theo đó, tại Khoản 3 Điều 19 Công ước này quy định việc thực thi Quyền tự do biểu đạt được đi kèm với những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, do đó được phép có hai lĩnh vực để áp đặt hạn chế quyền này, bao gồm: (a) tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác hoặc (b) để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công, sức khỏe hay đạo đức công chúng.

Qua Thông báo yêu cầu kỷ luật đối với LS Đôn, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã lấy lý do bảo vệ “uy tín của Đảng, Nhà nước và Luật sư Việt Nam” để ngăn chặn và trừng phạt việc thực hành tự do biểu đạt của LS Đôn theo như điểm a, Khoản 3, điều 19 nêu trên. Tuy nhiên, cũng theo quy định này, việc áp đặt giới hạn quyền tự do biểu đạt chỉ được phép với điều kiện trước tiên là phải “được luật pháp quy định”.
Thông báo của Liên đoàn LS tỉnh Phú Yên về việc xem xét kỷ luật LS Võ An Đôn. Nguồn: FB Võ An Đôn.

Giải thích về giới hạn quyền tự do biểu đạt “được luật pháp quy định” theo như khoản 3 này, Ủy ban Nhân quyền (cơ quan giám sát thực thi ICCPR), đã đưa ra một Bình Luận Chung số 34, tại đoạn 25 giải thích rằng: “Vì mục đích nêu trong khoản 3, một quy phạm để được coi là một “LUẬT” phải được xác lập với độ chính xác thích đáng để căn cứ vào đó cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình [..]. Một luật không thể trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chính chủ thể có nhiệm vụ thi hành nó.”

Như vậy, nếu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên tiến hành kỷ luật Ls Võ An Đôn trong trường hợp này là sẽ vi phạm vào khoản 3 điều 19 của ICCPR quy định về giới hạn quyền tự do biểu đạt. Bởi lẽ, Đoàn Luật sư không phải là một cơ quan có thẩm quyền quyết định các giới hạn của quyền tự do biểu đạt. Tức là Đoàn luật sư không có thẩm quyền kết luận một hành vi biểu đạt của bất kỳ ai, kể cả thành viên của mình là đã xâm hại đến “uy tín của người khác”, rồi tự mình đưa các quyết định xử lý nhằm ngăn chặn, và tự mình thi hành luôn quyết định này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu việc hành xử “vừa đá bóng vừa thổi còi” được áp dụng khi ông Đôn không chỉ có tư cách là một luật sư mà còn có rất nhiều tư cách khác, mà tất cả chủ thể liên quan tới tư cách của ông Đôn cũng đòi xử lý như vậy. Chẳn hạn, không chỉ Đoàn luật sư, mà Hội Phụ huynh Học sinh nơi con cái ông đang theo học cũng đòi khai trừ Phụ huynh Đôn ra khỏi Hội; công dân Đôn bị Nhà nước đòi tước tư cách công dân và đuổi ra khỏi đất nước; đồng chí Đôn không còn là Đảng viên thì Đảng tính xử lý như thế nào?

Đó là lý do giải thích vì sao chúng ta đã phải thống nhất với nhau bằng một nguyên tắc xử sự chung trong xã hội – không thể khác được, có một và chỉ một, mà chúng ta gọi nó là LUẬT.

Luật của chúng ta viết rõ rằng, chỉ có Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất có thẩm quyền xét xử và kết luận một hành vi có vi phạm pháp luật hay không. Nếu Đoàn Luật sư cho rằng với phát ngôn: “luật sư không có vai trò gì đối với công lý, chỉ là vật trang trí cho đẹp phiên tòa, để người khác nhìn vào phiên tòa có dân chủ. Sự thật thì luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là “Cò chạy án” để lừa người dân lấy tiền.” là có xâm hại đến uy tín Luật sư Việt Nam thì Đoàn Luật sư cũng cần phải xử sự theo quy định của luật.

Xử sự theo quy định của luật trong vụ việc này này, căn cứ vào Bộ Luật Hình sự của chúng ta đã quy định rõ rằng, để xử lý hình sự cho hành vi xâm phạm đến “uy tín của người khác” thì người bị hại phải có đơn yêu cầu, đơn tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét và truy tố ra Tòa án Hình sự. Nếu muốn vụ việc được xử lý dân sự, nhằm phục hồi uy tín hay bồi thường thiệt hại thì có thể Căn cứ vào Bộ Luật Dân Sự, người bị thiệt hại cần phải khởi kiện ra Tòa án Dân sự. Vậy tại sao Đoàn Luật sư lại không chọn cách xử sự theo luật định thông qua con đường tranh tụng tại tòa án, mà lại chọn một hình thức xử sự áp đặt vô luật pháp như vậy?

Bên cạnh đó, đại diện cho Đảng và Nhà nước đến giờ phút này vẫn chưa có tiếng nói chính thức về các phát ngôn của LS Đôn có xâm hại đến “uy tín” của họ hay không, vậy xin hỏi căn cứ vào đâu để Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư lại tự cho mình cái quyền thay mặt chủ thể này đòi quyền lợi cho họ?

Xét về khía cạnh bảo vệ cho “Uy tín của Đảng và Nhà nước” trước những phát ngôn chính trị của Luật sư Đôn, xin Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư lưu ý rằng, việc phát ngôn liên quan đến các vấn đề chính trị của LS Đôn là không vi phạm luật pháp quốc tế. Căn cứ vào đoạn 38 của Bình Luận Chung số 34 Ủy ban Nhân quyền giải thích phạm vi giới hạn về quyền tự do biểu đạt trong các phát ngôn tranh luận chính trị, được nêu rõ:

“[…] Trong bối cảnh tranh luận công khai về các nhân vật của công chúng trong lĩnh vực chính trị và các thể chế công, Công ước đánh giá cao những biểu đạt không bị ngăn cản. Vì thế, đơn thuần chỉ những hình thức biểu đạt được coi là xúc phạm một nhân vật của công chúng thì không đủ để làm căn cứ áp dụng hình phạt, cũng như các nhân vật của công chúng cũng có thể được hưởng lợi từ các quy định của Công ước. Thêm nữa, mọi nhân vật của công chúng, bao gồm cả những người nắm giữ quyền lực chính trị cao nhất như người đứng đầu nhà nước và chính phủ, đều có thể là đối tượng chính đáng của những phê phán và đối lập về chính trị. Theo đó, Ủy ban bày tỏ quan ngại với những luật về những vấn đề này, như tội khi quân, desacato (bất kính), không tôn trọng người có thẩm quyền, không tôn trọng cờ và các biểu tượng, phỉ báng người đứng đầu nhà nước và bảo vệ danh dự của các công chức, và luật không nên quy định gia tăng hình phạt khi chỉ dựa vào nhân thân của người bị công kích. Các quốc gia thành viên không nên cấm đoán việc phê phán các thể chế như quân đội hay chính quyền.”

Như vậy về phạm vi để hạn chế quyền tự do biểu đạt chính trị , Ủy ban bảo vệ Công ước ICCPR đã cỗ vũ mạnh mẽ quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị, gần như tuyệt đối, khuyến kích sự phê phán đối với các chủ thể chính trị như đảng cầm quyền, cán bộ công chức nhà nước, người nắm giữ quyền lực chính trị đứng đầu nhà nước và chính phủ, hay các chính sách của chính quyền. Thậm chí khi những hình thức biểu đạt được xem là vượt quá giới hạn như xúc phạm hay phỉ báng đến các chủ thể này thì cũng không đủ để làm căn cứ áp dụng hình phạt theo Công ước. Đơn giản vì họ là “nhật vật của công chúng” (được hiểu trong phạm vi nghĩa hẹp trong lĩnh vực chính trị theo Công ước) – những người mà ta đã trao quyền cho họ, phải đóng thuế nuôi họ, mọi quyết định hay hành vi thực thi quyền lực của họ đều ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của chúng ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.

Nếu có sự xung đột giữa các quy định pháp luật Việt Nam (ngoại trừ Hiến Pháp) với các quy định nêu trên của Công ước ICCPR về vấn đề này, căn cứ vào Luật ký kết điều ước quốc tế của Việt Nam, cơ sở áp dụng luật trong trường hợp này sẽ là Công ước ICCPR vì Việt Nam đã ký kết gia nhập từ năm 1982.

Qua đây có thể đánh giá rằng, đòi xử lý các phát ngôn chính trị có thể ảnh hưởng đến uy tín của các chủ thể chính trị như đảng phái hoặc nhà nước là hoàn toàn không được thừa nhận theo Công ước ICCPR, mà trái lại những phát ngôn liên quan đến chính trị gần như được bảo vệ tuyệt đối bởi Công ước ICCPR. Đòi xử lý kỷ luật LS Đôn trong trường hợp này rõ ràng chỉ nhằm ngăn chặn tiếng nói phê phán, công kích của Ls Đôn đối với giới cầm quyền. Nó được hành xử tùy tiện dựa trên cảm tính và hoàn toàn vô pháp của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với thành viên của mình, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do biểu đạt của LS Đôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét