Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Kêu gọi bầu cử sớm: Con dao hai lưỡi



 


Thất bại trong việc giành đa số ghế tại Quốc hội của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử sớm chứng minh rằng các chuyên gia chính trị, người thăm dò ý kiến và các nhà dự báo khác lại sai thêm một lần nữa. Và cũng một lần nữa, rất nhiều lời giải thích được đưa ra để lý giải cho một kết quả bất ngờ.

Ví dụ, nhiều người chỉ ra rằng đương kim Thủ tướng Theresa May thuộc Đảng Bảo thủ đã tiến hành tranh cử kém cỏi và các mô hình thăm dò dư luận đánh giá thấp tỉ lệ tham gia bỏ phiếu của các cử tri trẻ tuổi. Trong khi đó, Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng lại tỏ ra tự tin và có năng lực. Nhưng dường như tất cả những lời giải thích đó đều không hợp lý vì chúng tập trung hoàn toàn vào cách chiến dịch vận động tranh cử được tiến hành như thế nào.

Một lời giải thích tốt hơn đến từ lĩnh vực tâm lý học. Nếu các học giả chú ý tới các lý thuyết lâu đời về tâm lý của những cuộc bầu cử sớm, họ có thể đoán trước được kết quả cuộc bầu cử tại Anh. Theo nghiên cứu của nhà khoa học chính trị Alastair Smith thuộc Đại học New York thông qua việc phân tích dữ liệu thăm dò cử tri trước tổng tuyển cử và các kết quả bầu cử từ năm 1945 thì các quyết định bầu cử sớm của các đời Thủ tướng đều đem lại kết quả ngược lại với mong đợi.

Với việc tổ chức bầu cử sớm 3 năm so với kế hoạch, điều hiếm có trong lịch sử, bà May dường như đã có một tính toán sai lầm nghiêm trọng, dù không phải là chưa có tiền lệ. Bà cho rằng sự ủng hộ đông đảo mà bà có được khi thông báo bầu cử sẽ đem lại một kết quả bầu cử tốt cho mình.

Cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson cũng đã có một sai lầm tương tự vào tháng 05/1970 khi ông cố tận dụng tình trạng được lòng dân của Công đảng. Trong suốt các chiến dịch bầu cử sau đó, sự ủng hộ dành cho Công đảng sụp đổ và đảng Bảo thủ dành thắng lợi với 330 ghế trên tổng số 630 ghế. Tương tự vào năm 1997, quyết định kêu gọi một cuộc bầu cử quốc hội sớm của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac dẫn tới kết quả là các đảng đối lập thuộc cánh tả đã giành được phần lớn số phiếu cử tri. Điều tương tự cũng diễn ra ở Australia vào năm 1998.

Năm 2003, trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học chính trị Anh (British Journal of Political Science), Smith kết luận rằng sự ủng hộ của người dân dành cho các nhà lãnh đạo kêu gọi bầu cử sớm thường suy yếu trong giai đoạn trước bầu cử. Phân tích của ông chỉ ra rằng một nhà lãnh đạo càng nhận được nhiều sự ủng hộ khi kêu gọi bầu cử sớm thì càng có nhiều khả năng mất đi sự ủng hộ đó trong suốt chiến dịch tranh cử.

Khi bà May kêu gọi bầu cử sớm vào tháng Tư, bà ghi điểm cao trong các cuộc thăm dò ý kiến đến nỗi bà và các thành viên của đảng Bảo thủ đã mong đợi một chiến thắng vang dội. Nhưng như Smith lập luận, tổng tuyển cử sớm là một ván xì tố tâm lý mà ở đó cử tri sẽ khiến nhà lãnh đạo bị hố.

Bà May nghĩ rằng bà có lợi thế lớn vì bà có nhiều thông tin hơn cử tri bình thường về những viễn cảnh tương lai của đất nước. Là Thủ tướng, bà được cập nhật đầy đủ về các điều kiện kinh tế trong tương lai gần của nước Anh và những kết quả có thể có từ các cuộc đàm phán Brexit với Liên minh Châu Âu.

Nhưng, theo lý thuyết của Smith, quyết định tổ chức một cuộc bầu cử sớm của bà May đã khiến bà bị lộ bài cho cử tri, những người vốn có thể nghi ngờ rằng bà đang lợi dụng lợi thế thông tin của mình để củng cố vị thế chính trị của bà. Để chứng minh cho điều này, Smith dùng ví dụ của Margaret Thatcher, người có một chiến lược bầu cử trái ngược với bà May.

Vào năm 1982, sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Falkland, bà Thatcher đã giành được mức độ ủng hộ cao độ từ cử tri. Và dù không buộc phải kêu gọi một cuộc bầu cử trước tháng 05/1984, bà có thể tưởng tượng được sự ủng hộ to lớn mà bà sẽ có được trong một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng năm 1982 cho thấy rằng bà dường như chắc chắn giành chiến thắng nếu kêu gọi một cuộc bầu cử vào năm đó. Nhưng thay vào đó bà đã chờ đợi bất chấp rủi ro mà những thất bại chính sách trong tương lai có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho bà.

Cách Thatcher đánh giá rủi ro phụ thuộc vào thành tích dự kiến của bà trong những năm tiếp theo. Nếu bà tin rằng mình sẽ có được những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai thì sẽ có ít rủi ro hơn khi chờ đợi đến kỳ bầu cử tiếp theo. Ngược lại, nếu bà không tự tin về các chính sách của mình, lo sợ về những nguy hiểm đối với vị thế của mình sau này, thì bà đã có một động lực mạnh mẽ hơn để tận dụng sự ủng hộ dành cho mình bằng cách kêu gọi một cuộc bầu cử sớm.

Cuối cùng, bà Thacher cũng kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 1983. Sau này, bà và Bộ trưởng Tài chính Nigel Lawson đã lý giải trong các cuốn tự truyện rằng các quyết định của họ trong thời gian đó bị chi phối bởi nỗi lo sợ về lạm phát trong những năm sắp tới. Với việc kêu gọi bầu cử sớm một năm, họ đã tránh được viễn cảnh mà theo đó lạm phát gia tăng có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng dành cho đảng Bảo thủ.

Bài học chủ chốt đó là xác định thời gian của các cuộc bầu cử có thể tiết lộ việc các đương kim lãnh đạo kỳ vọng như thế nào về thành tích của mình trong tương lai. Nếu các yếu tố khác không đổi, các chính phủ có năng lực sẽ chờ đợi lâu hơn trước khi tiến hành bầu cử, trong khi những nhà lãnh đạo không an toàn sẽ cố gắng tận dụng sự ủng hộ dành cho họ khi họ có được điều đó.

Theo lý thuyết của Smith, bất kỳ nhà lãnh đạo nào kêu gọi bầu cử sớm đều nên sẵn sàng chứng kiến sự ủng hộ dành cho mình bị suy yếu như những gì vừa diễn ra ở Vương quốc Anh. Bà May đã tỏ ra là một lãnh đạo thiếu tự tin hơn nhiều so với kỳ vọng của mọi người. Bà đã dẫn dắt một cuộc vận động tranh cử không cuốn hút mà trong đó lời hứa về một “sự lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định” không gây được tiếng vang. Nhưng thất bại đáng hổ thẹn của bà có thể đã được dự đoán ngay cả trước khi chiến dịc tranh cử chưa diễn ra.
*
Raj Persaud là chuyên gia tư vấn tâm lý tại Harley Street, London. Adrian Furnham là giáo sư tâm lý học tại University College London.

 Nguồn: Raj Persaud & Adrian Furnham, “The snap election trap”, Project Syndicate, 09/06/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét