Josh Rogin, Washington Post
Hoàng Thuyên lược dịch
Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rex Tillerson. Ảnh: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images
Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rex Tillerson ra lệnh cho Bộ xem xét lại
sứ mệnh và đưa ra một tuyên bố mới về nhiệm vụ của họ cho thế giới. Bản
nháp hiện thời cũng tương tự như bản cũ, trừ có một điểm – bất cứ điểm
nào liên quan đến việc cổ võ cho nhân quyền bị lấy ra.
Tuyên bố của bản nháp hiện đang lưu hành về mục tiêu là: Chúng tôi cổ
võ cho an ninh, thịnh vượng và lợi ích của người Mỹ trên toàn cầu.
Tuyên bố của bản nháp về sứ mệnh là: Dẫn dắt chính sách ngoại giao
của Hoa Kỳ qua sự cổ xúy, hành động và trợ giúp toàn cầu để định hình
một thế giới an ninh và thịnh vượng hơn.
Tuyên bố của bản nháp về ước vọng là: Người dân Hoa Kỳ phát triển
trong một thế giới hòa bình, liên đới có tự do, bật nảy, thịnh vượng.
Nếu so với Tuyên Bố Sứ Mệnh của Bộ Ngoại Giao phiên bản 2016 hiện thời là:
Sứ mệnh của Bộ là định hình và nuôi dưỡng một thế giới dân chủ, công
bằng, thịnh vượng, hòa bình và tạo điều kiện cho sự ổn định và phát
triển có lợi cho người dân Hoa Kỳ và người dân khắp nơi khác.
Các cựu viên chức của Bộ Ngoại Giao của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng
Hòa đều cho rằng khi loại bỏ các cụm từ “công bằng” và “dân chủ” ra khỏi
tuyên bố sứ mệnh không phải là điều vô tình và cũng không phải là không
gây ra hệ quả.
Tuyên bố sứ mệnh là một câu quan trọng vì nó gửi ra thông điệp về thứ
tự ưu tiên và ý hướng của Hoa Kỳ đến các chính quyền và quần chúng khắp
thế giới. Theo ông Elliott Abrams, từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia
về chiến lược dân chủ toàn cầu dưới thời Tổng thống George W. Bush, và
được ông Tillerson cân nhắc làm Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao nhưng bị Tổng
thống Trump bác bỏ, “thay đổi đó là một lỗi lầm lớn cần phải sửa ngay.
Nếu không, thông điệp gửi ra sẽ làm ấm lòng cho các nhà độc tài trên thế
giới.”
Ông Tom Malinowski, Thứ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền và
lao động dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng bản đề nghị mới của tuyên
bố sứ mệnh khiến cho chính sách ngoại giao Hoa Kỳ đi gần với chính sách
của những nước như Nga.
Theo ông thì đó là một quan điểm gần với quan điểm của Putin, cho
rằng các cường quốc nên tập trung vào quốc phòng và phát triển, hơn là
cổ xúy nhân quyền. Ông nói thêm là khi không đề cập đến các giá trị phổ
quát thì không còn lý do gì để quần chúng bên ngoài hỗ trợ chính sách
ngoại giao của Hoa Kỳ nữa.
Những thay đổi trong bản tuyên bố sứ mệnh của Bộ Ngoại Giao nếu xem
xét riêng tự nó thì có vẻ không đáng kể lắm. Nhưng ông Tillerson đã có
những tuyên bố và quyết định cho thấy là ông dự tính hạ thấp ưu tiên của
vấn đề dân chủ và nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Cũng liên hệ đến việc này, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ sắp sửa bỏ trang web www.humanrights.gov và dời nội dung trang này vào trang www.state.gov/j/drl
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét