Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Việt Nam phải ‘bồi thường lớn’ khi đề nghị Repsol ngừng khoan?


 
   Một dàn khoan của tập đoàn Repsol Tây Ban Nha


Việt Nam đề nghị công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận những lời đe dọa từ Bắc Kinh, theo một bài viết do BBC đăng tải vào sáng 24/7.
Talisman-Vietnam là công ty con trong tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet. Nhưng BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi khu vực đó.

Vẫn theo bài viết của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục.

Đến hết buổi chiều ngày 24/7, giờ Việt Nam, không có thông tin chính thức nào từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như trên báo chí chính thống trong nước xác nhận hay phủ nhận tin tức kể trên của BBC.

VOA cố gắng liên lạc với một đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm hiểu, nhưng vị này không trả lời, kể cả với điều kiện không nêu tên.

Nơi công ty con của Repsol hoạt động được cho là Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam. Trung Quốc gọi đó là Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Có tin Trung Quốc đã cho một công ty nước ngoài thuê chính lô này, nhưng không rõ đó là công ty nào.

Một nhà phân tích đề nghị không nêu tên ước tính rằng Repsol đã chi khoảng 300 triệu đôla cho dự án của họ ở lô này.

Thông tin về việc Việt Nam đề nghị Repsol ngừng khoan đã được một số người có tầm ảnh hưởng lớn chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lời bình luận. Chiếm đa số là những người bày tỏ ý kiến rằng đây là “một bước lùi” hay “một thất bại của Việt Nam”.

Luật sư Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng chung suy nghĩ với luồng ý kiến đó. Nhưng ông cho rằng do thông tin còn chưa đầy đủ, nên chưa thể nói đây là một bước lùi về mặt chiến thuật hay về chiến lược của Việt Nam.

Mặc dù vậy, quyết định của Việt Nam sẽ có những hệ lụy tồi ngay lập tức, theo lời ông Việt:

“Việt Nam mà hủy hợp đồng với Repsol, Việt Nam chắc là phải bồi thường số tiền rất là lớn, bởi vì hợp đồng dầu khí thường là vài trăm triệu đô. Thứ hai, ảnh hưởng đến các các quốc gia, các công ty khác như thế nào, thì đây cũng là tác động lớn về tâm lý. Họ phải xem xét vấn đề rủi ro rất là cao. Ngoài cái việc có dầu hay không, sức ép chính trị sẽ ảnh hưởng đến tương lai của hợp đồng đó. Cái độ rủi ro này nó cao. Họ sẽ ngại ngần khi tham gia”.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng sự ngại ngần của các công ty và các nước khác sau động thái của Việt Nam sẽ càng làm Việt Nam đơn độc trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Đất nước có dân số lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về sức mạnh kinh tế đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông. Nơi xa nhất trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ để đòi chủ quyền nằm cách bờ biển miền nam Trung Quốc tới hơn 1.600 kilomet.

Vùng biển là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào, đồng thời có nhiều tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới đi qua.

Việt Nam phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Hà Nội cũng đòi chủ quyền về nhiều phần chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về một số phần trong vùng biển.

Động thái được cho là nhượng bộ nhanh chóng mới đây của Việt Nam - dù còn cần thêm thông tin xác thực - đã làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát.

Dàn khoan HD 981của Trung Quốc
                                       Dàn khoan HD 981của Trung Quốc
 
Ông Hoàng Việt nhận định về những khó khăn ở phía Việt Nam:

“Tôi nghĩ là Việt Nam cũng đã tính đến cái bước này, tính đến cái nước Trung Quốc sẽ phản ứng. Chỉ có điều là cách thức của Trung Quốc phản ứng như thế nào thì nó là một vấn đề. Trung Quốc họ có rất nhiều chiêu trên Biển Đông. Chỉ có điều họ ra chiêu gì, vào lúc nào thì rất khó để mà đoán biết trước. Trung Quốc kiên quyết không xuống thang, và cái tham vọng của họ rất lớn ở Biển Đông. Trong trật tự quốc tế mới này, Trung Quốc vẫn đang có lợi, cho nên Trung Quốc không dại gì mà xuống thang”.

Việc Việt Nam lùi bước trước các đe dọa của Trung Quốc, một khi được xác thực, sẽ là tin xấu cho Philippines và Indonesia, hai nước mới đây có những động thái mạnh bạo ở vùng biển có nhiều căng thẳng.

Trong tháng 7, Manila tỏ ý có thể nối lại việc khoan dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) sau 3 năm đình chỉ.

Còn Jakarta trong cùng tháng đã đặt lại tên một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Indonesia cũng tuyên bố có thể sử dụng hải quân bảo vệ việc thăm dò tài nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét