Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Việt Nam cần có đa đảng





Đảng CSVN hơn ai hết biết là họ đang nắm quyền trên cả nước trong những bối cảnh chính trị hoàn toàn không có tính chính danh. Năm 1945, họ đã “cướp chính quyền” từ chính quyền hợp pháp Trần Trọng Kim của Quốc Gia Việt Nam. Năm 1975, những người cộng sản tóm thâu quyền lực bằng một cuộc chiến tranh xâm lăng kéo dài trên nỗi thống khổ của người dân. Từ đó một mình một chợ, Việt Nam trở thành sân khấu chính trị để đảng cộng sản độc quyền rao bán món hàng dân chủ giả hiệu suốt nhiều năm dài.

Nhưng sự thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa từ “thành trì cách mạng” Liên Xô và sự trở lại giá trị phương Tây của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã khiến người dân Việt Nam bừng tỉnh. Đa nguyên đa đảng không phải là chuyện mới lạ đối với Việt Nam nhưng từ lâu nó đã bị chế độ toàn trị chôn vùi. Giờ đây nhu cầu đa đảng đang sống lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong nguyện vọng dân chủ hóa đất nước của người dân.

Đảng CSVN thì không bao giờ muốn điều đó. Chính vì thế, nỗ lực từ chối hình thức chính trị đa nguyên đa đảng luôn luôn là công việc thường xuyên và tập trung nhất của những cây bút lý luận từ Ban Tuyên giáo. Trong cố gắng xuyên tạc và bôi đen một nền tảng dân chủ phổ biến đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công, mới đây trên báo Tổ Quốc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch một Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự đã nêu lên câu hỏi: Vì sao Việt Nam không cần có đa đảng?

Trước hết, tác giả bài báo vội vàng gán ghép và lên án đòi hỏi đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam hiện nay là âm mưu thủ đoạn “nham hiểm” của các thế lực thù địch. Ông tiến sĩ đảng lu loa rằng âm mưu này nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, tức xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một luận điệu được nhai đi nhai lại nghe nhàm chán như trâu bò nhai lại cỏ chưa tiêu hóa sau khi ăn. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ tỏ ra rất thuộc bài khi lặp lại một cách say mê những gì đã được người khác nói hàng ngàn lần. Nhìn đâu trong nhân dân cũng thấy kẻ thù, có lẽ đó là điều kiện để sống còn của những người cộng sản.

Điều quan trọng là khi bài bác đa nguyên, ông tiến sĩ của đảng lại nhầm lẫn không phân biệt nổi đa nguyên với đa dạng. Để bênh vực thế độc đảng của CSVN, tác giả bài báo khẳng định hiện nay đảng CSVN đang thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh hoạt xã hội. Theo ông Đức Độ, đảng chấp nhận nhiều thành phần kinh tế hoạt động, cho nhiều tổ chức tham gia sinh hoạt trong Mặt Trận Tổ Quốc và như thế là Việt Nam đã có đa nguyên.

Đây chỉ là quan điểm đầu voi đuôi chuột vì sau những thất bại nặng nề trong mô hình kinh tế bao cấp độc quyền, đảng CSVN chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần như một lối thoát bắt buộc để sống còn. Còn sự đa dạng mang ý nghĩa chính trị mà tác giả bài báo đề cập chỉ là hình thức đảng CSVN tự mình vẽ bùa để đeo, không hề mang ý nghĩa đa nguyên hay đa đảng chính trị.

Những tổ chức hội này hội nọ do đảng cho lập ra không khác những âm binh của một thầy pháp cao tay ấn dùng để sai khiến phục vụ cho đảng. Chúng không hề nhằm mục đích phục vụ lợi ích người dân vì mang nguồn gốc nhà nước, luôn trung thành với lợi ích nhà nước. Hay nói khác đi đó là đa nguyên quốc doanh như mọi thứ quốc doanh khác nhan nhản trong chế độ.

Nếu thật sự đa nguyên, cộng sản phải xóa bỏ thế độc quyền, chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm tư tưởng, trong đó có sự cạnh tranh cần thiết để vươn lên giữa các tập hợp. Phải coi sự xuất hiện của các tổ chức chính trị phi cộng sản là sự đóng góp tích cực cho việc tạo dựng nền dân chủ pháp quyền đích thực và là động lực phát triển của quốc gia.

Ưu điểm của một đất nước có trên một đảng là cơ hội cho người dân thực hiện quyền được lựa chọn theo ý mình cũng như có sự giám sát chính quyền từ các đảng đối lập. Nhưng đảng CSVN trước sau như một, đã khăng khăng từ chối, không chấp nhận những tổ chức, đoàn thể khác mình được hoạt động song song. Đây không có gì khác hơn là một thể chế độc tài khoác áo dân chủ trá hình.

Hiện nay, đảng CSVN cố thủ chặt chẽ trong pháo đài độc đảng và liên tục nã đạn vào những gì đi ngược lại con đường toàn trị được củng cố lâu nay. Dân tộc Việt Nam bị đem ra làm vật thí nghiệm trong một thời gian dài đủ để họ nhận ra khuyết điểm và sai lầm của cái thể chế đang đi ngược lại trào lưu dân chủ hóa. Nguyện vọng và ước muốn một đất nước với nền chính trị đa đảng để được sống xứng đáng là con người trong một xã hội dân chủ là nguyện vọng chính đáng không người cầm quyền nào có thể chối bỏ.

Cũng giống những cái loa tuyên giáo khác, ông Nguyễn Đức Độ ra sức đem những lý do cũ rích ra để ngụy biện hòng bảo vệ cho chế độ:

- Đa đảng làm mất ổn định chính trị: 

Đây là một lý do mà chế độ thường đem ra để đe dọa những người cầu an, bưng tai bịt mắt muốn sống yên thân ngày hai bữa với chén cơm manh áo. Họ lầm tưởng có ổn định chính trị sẽ có đời sống tốt hơn nhưng chính trong cái ổn định do độc tài ban phát, họ mất tất cả quyền làm người, sống trong cơ chế xin cho, tư tưởng bị câu thúc chặt chẽ. Trong hoàn cảnh này con người chỉ được suy nghĩ, được nói và được làm khi đảng cho phép. 

Như thế chính chế độ độc tài mới là lý do lớn nhất làm xã hội mất ổn định vì nó liên tục khống chế xã hội và con người, tạo ra mọi hình thức bất công khiến người dân phải chống lại. Khi nhà nước cộng sản vừa là nhà lập pháp vừa là người thi hành pháp luật và cũng là kẻ nắm chặt tòa án trong tay thì cuối cùng chỉ là sự lạm dụng dân chủ để tiêu diệt con người. Tam quyền phân lập được đảng cộng sản phù phép thành “tam quyền thống nhất” mà đảng là người lèo lái toàn quyền.

- Thủ tiêu quyền lãnh đạo của đảng: 

Đây là nỗi lo sợ triền miên của đảng CSVN mà quyền lực có được do chiếm đoạt của người khác. Đảng lúc nào cũng tự phong cho mình cái quyền lãnh đạo đất nước suốt đời thông qua liên minh công nông, như một thứ trời ban. Nhưng cái liên minh công nông ấy ngày nay chỉ còn lại những nông dân bị tước đoạt đất đai và thành phần công nhân bị cách mạng ruồng bỏ phải quần quật kiếm sống nơi xứ người hoặc chấp nhận bị bóc lột bởi tư bản vô tổ quốc.

Trong khi ấy nhìn qua các quốc gia theo thể chế đa đảng trên thế giới, quyền lãnh đạo đất nước được luân chuyển hòa bình qua sinh hoạt nghị trường bình đẳng, nền kinh tế thị trường phát triển hài hòa mà không cần định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế đa đảng mang lại sức cạnh tranh tích cực giữa các chính đảng trong chiều hướng phục vụ lợi ích dân tộc mà không hề loại trừ nhau.

Ngày nay so với các quốc gia láng giềng, Việt Nam với chế độ một đảng chẳng những mất ổn định về chính trị mà còn tụt hậu mọi mặt về kinh tế, giáo dục, y tế... Việt Nam thua cả Campuchia trước đây là một quốc gia cộng sản đàn em. Mặc dù nước này vẫn do đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia cầm quyền nhưng cơ chế đa đảng hiện nay đã khiến quốc gia này vươn lên mọi mặt. Thua cả Miến, thua cả Miên nay mai sẽ thua cả Lào thế nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn mơ tưởng viễn vông nào là “thung lũng Silicone”, “tiểu Singapore” rồi “cách mạng 4.0”.

- Dọn đường cho các tổ chức, đảng phái chính trị phản động: 

Đây lại là một luận điệu mà tác giả bài báo không bỏ quên vì nó nằm trong nhãn quan của những người cộng sản coi các tổ chức khác mình là kẻ thù tiềm ẩn. Rất nhiều lần các lãnh đạo cộng sản đều bác bỏ thể chế đa nguyên đa đảng tại Việt Nam và lo sợ sự xuất hiện của những tổ chức chính trị đối lập. Như ông Nguyễn Phú Trọng có lần tuyên bố “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng”. Vì thế các đảng chính trị cũng như hội đoàn dân sự do người dân lập ra đều bị liệt vào danh sách phản động, là hình thức “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch muốn tranh giành quyền lực với đảng.

Lúng túng trong mô hình “dân chủ độc đảng” để lừa bịp dư luận, nhà lý luận Nguyễn Đức Độ như một kẻ treo đầu dê bán thịt chó, hết lời xấu xa bài bác các nước dân chủ đa đảng để bảo vệ đảng cộng sản một cách ngu dốt.

Trong khi Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng tuyên bố sẵn sàng “không sợ đối thoại” thì ông Nguyễn Đức Độ của báo Tổ Quốc tỏ ra tận tình bào chữa cho chế độ độc tài. Chẳng những vậy lại còn hàm hồ gán ghép cho nguyện vọng của người dân vào tội “diễn biến hòa bình”. Nhưng làm sao khước từ xu thế thời đại về một thể chế dân chủ đa nguyên, đa đảng khi Việt Nam đang trở thành tâm của một cơn bão lớn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét