Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Tranh luận ‘nảy lửa’ về chính sách đối ngoại Singapore

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp


Nguồn: “Shanmugam: We didn’t get where we are by ‘thinking small’”, The New Paper, 03/07/2017.

 

Hình: Từ trái sang theo theo chiều kim đồng hồ: GS Mahbubani, Đại sứ Kausikan, Đại sứ Ong, Bộ trưởng Shanmugam. Nguồn: The Straits Time.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam cho biết hôm qua rằng ông thấy bài bình luận của Giáo sư Kishore Mahbubani về chính sách đối ngoại là “có vấn đề về mặt nhận thức” khi nói rằng các nước nhỏ phải luôn hành xử như là các nước nhỏ.

Bài bình luận “Qatar: Big lessons from a small country“(Qatar: Bài học lớn từ một nước nhỏ), cũng đã bị chỉ trích bởi nhà ngoại giao kỳ cựu Bilahari Kausikan, người đã miêu tả quan điểm này là “lộn xộn, thiếu chính xác và thực sự nguy hiểm”.

Đại sứ lưu động Ong Keng Yong cảnh báo rằng sẽ là trái với lợi ích của Singapore nếu quan hệ quốc tế chỉ dựa hoàn toàn vào diện tích các nước.

Tất cả ba người nêu trên đều phê phán những gì mà giáo sư Mahbubani nói là một quy tắc vĩnh cửu trong địa chính trị: “Các nước nhỏ phải hành xử như các nước nhỏ”.

Nhưng vị giáo sư, cũng là Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP), cũng có một người ủng hộ, là tiến sĩ Yap Kwong Weng, cố vấn khu vực về các nước Đông Dương tại trường này.

Tiến sĩ Yap nói rằng đồng nghiệp của ông chỉ đơn giản nhận định rằng “sự thận trọng là cần thiết đối với các nước nhỏ trong các tính toán địa chính trị”, và thêm rằng không có gì nguy hiểm trong những suy nghĩ của Giáo sư Mahbubani.

Trong bài bình luận đăng trên tờ The Straits Times, Giáo sư Mahbubani đã phân tích cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng Ả rập, trong đó bao gồm một Ảrập Xêút lớn hơn nhiều, để rút ra các bài học cho Singapore.

Ông nói rằng Qatar đã lầm tưởng rằng mình có thể can thiệp vào các vấn đề ở nước ngoài nhờ sự giàu có của mình, và đã so sánh quan điểm này với quan điểm của Singapore về tranh chấp Biển Đông.

Ông nói thêm rằng Lí Quang Diệu, người đã bình luận “cởi mở và tự do về các cường quốc”, là một ngoại lệ.

Ông nói: “Đáng buồn là chúng ta sẽ không bao giờ có được một chính khách được kính trọng trên toàn cầu như ông Lý nữa. Do đó, chúng ta nên thay đổi đáng kể hành vi của chúng ta”.

Trên trang Facebook của mình, ông Shanmugam – người từng là Bộ trưởng Ngoại giao – viết rằng nhận định của Giáo sư Mahbubani là trái ngược với một số nguyên tắc cơ bản của vị thủ tướng lập quốc vốn đã làm cho Singapore thành công.

“Ông Lý không bao giờ tán thành sự tham lam, hoặc ‘nghĩ nhỏ’. Liệu chúng ta có được địa vị hiện nay, bằng cách ‘nghĩ nhỏ’ không?”, ông viết.

“Đó là lý do tại sao Singapore đã và đang được tôn trọng, mặc dù chỉ là một trong những quốc gia nhỏ nhất trên thế giới. Và người Singapore tự hào được là người Singapore.”

Ông Bilahari cũng không đồng tình với gợi ý rằng Singapore giờ đây nên cư xử khác đi, nói rằng điều đó là “sai” và “gây xúc phạm” đến không chỉ những người kế nhiệm ông Lý mà còn đến tất cả người dân Singapore.

Ông nói rằng ông Lý và các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Singapore không phải là những người liều lĩnh nhưng cũng không ngần ngại đứng lên vì các lý tưởng và nguyên tắc của họ.

Nhắc lại ví dụ về cách các nhà ngoại giao Singapore đã giữ vững lập trường khi đối mặt với các cường quốc lớn hơn, ông nói: “Singapore đã không tồn tại và thịnh vượng bằng cách trở thành một con chó cảnh ngoan ngoãn của bất kỳ ai”.

Mô tả lời ông Bilahari là “phóng đại và không cần thiết”, Tiến sĩ Yap cho biết các nhà ngoại giao đã hiểu sai những gì Giáo sư Mahbubani viết.

Ông nói thêm rằng vị giáo sư này không nói rằng Singapore nên cúi thấp mình và ngoan ngoãn nghe lời các quốc gia lớn hơn mà chỉ “nhắc nhở chúng ta trong bài viết của mình rằng Singapore nên tiếp tục theo đuổi một hướng đi phù hợp với thế giới mà không nên cố  gắng hành xử như một nước lớn”.

Trong khi đó, ông Ong cho hay mối quan ngại ẩn sau của Giáo sư Mahbubani dường như là việc Singapore đã không đủ khôn ngoan trong việc đối phó với vấn đề Biển Đông.

Ông nghi ngờ liệu điều đó có phải là sự thật hay không, và nói rằng: “Cá nhân tôi nghĩ rằng những người Đông Nam Á biết suy nghĩ luôn kính trọng lập trường chiến lược và các nỗ lực ngoại giao của Singapore.”

Ông Shanmugam đã dựa vào kinh nghiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2011 đến năm 2015 của mình để minh họa cho quan điểm của ông.

Ông nói ông không bao giờ quên rằng Singapore là một nước nhỏ, với nhiều giới hạn đối với những gì mà Singapore có thể làm được.

“Nhưng tôi cũng biết rằng, một khi bạn cho phép mình bị bắt nạt, thì bạn sẽ tiếp tục bị bắt nạt”.

Ông nói thêm: “Và tôi không bao giờ cho phép mình bị bắt nạt khi tôi đại diện cho Singapore”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét