Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Tranh đấu vì hận thù hay vì thương yêu

Kông Kông



Tranh đấu ở đây giới hạn trong phạm vi mà những người chống lại chế độ đương quyền vì cho rằng chế độ đó đang sai lầm nghiêm trọng cần phải sửa đổi hoặc bị thay thế. Trong thời gian chiến tranh Bắc/Nam trước năm 1975 do đảng cộng sản Việt Nam chủ xướng họ đã ca ngợi nhiều nhân vật nữ và tuyển chọn vào danh sách “Nữ anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.



Những phụ nữ tranh đấu thời trước 1975



Lướt qua “thành tích” của một số “nữ anh hùng" đó đều có một điểm chung nổi bật: Đó là sự căm thù! Tất cả công trạng đạt được đều nhờ vào tài “đánh”, “giết”, “mưu trí” kể cả khủng bố, mà nạn nhân của họ là người cùng nòi giống Việt Nam!



Nói chung là họ dùng súng đạn, bạo lực và máu. Ví dụ như:



Út Tịch: Tham dự 23 trận đánh lớn nhỏ, “góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã 200 giặc và thu 70 súng...”, “nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn”



Võ Thị Sáu: 16 tuổi đã trở thành “đội viên công an xung phong, dùng lựu đạn tấn công phá mít tinh”



Đinh Thị Vân: Đại tá, một tình báo viên nổi tiếng, phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân 1968.



Nguyễn Thị Thứ: Che chở, tổ chức, tranh đấu du kích trong mọi hoàn cảnh. Được làm tượng đài hoành tráng với tổng diện tích 15 ha tại Tam Kỳ, Quảng Nam, thời giá năm 2011 là 410 tỉ đồng, đây là “công trình đạt quy mô là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á”! “Thành tích” là có 9 con ruột, 1 con rể, 1 cháu ngoại hy sinh” trong chiến tranh chống Mỹ Ngụy. Như vậy chính bà là nguyên nhân đưa con cháu đi vào chỗ chết một cách oan uổng!



Dương Thị Cẩm Vân: Năm 1966, lúc 19 tuổi, đã cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu ở “hầm râu tôm” dài 2000 mét, “đã bắn xâu táo 1 viên giết 2 tên địch” cách xa khoảng 50-70 mét... “Dùng phân chuồng trộn với lá dá thắt con cúi, lợi dụng chiều gió un khói độc vào đồn địch... suốt 21 ngày đêm trong trận tấn công Chi khu Đầm Dơi... “tham gia 130 trận đánh.. tiêu diệt 150 tên địch, thu 120 súng”.



Võ Thị Thắng: Mới 9 tuổi đã bắt đầu “bước vào cách mạng” làm liên lạc, chuyển thư và đem cơm cho cán bộ trong hầm bí mật. Lớn lên hoạt động trong phong trào sinh viên tranh đấu Sài Gòn. Gia nhập Mặt trận Giải phóng miền Nam. Năm 1968, lúc 23 tuổi, thì thi hành lệnh ám sát ông Trần Văn Đỗ, tại Quận 6, Sài Gòn vì nghi ông nầy làm “mật vụ chỉ điểm”.



“Thành tích” chung của những anh hùng trên luôn luôn gắn liền với Súng đạn, Bạo lực và Máu!



Vào Google gõ dòng chữ “nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thì sẽ thấy một danh sách rất dài.



Những phụ nữ hiện đang tranh đấu



So với số phụ nữ tranh đấu bên trên thì thành tích của những phụ nữ hiện đang tranh đấu để Việt Nam sớm có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền hoàn toàn trái ngược. Những phụ nữ nầy dù được quốc tế công nhận với các giải thưởng giá trị, được ca ngợi hay không, tất cả đều tranh đấu trong ôn hòa cho dù bản thân họ có bị giam cầm, bị tra tấn, bị hạ nhục nhân phẩm nhưng vẫn kiên định chấp nhận thiệt thòi bản thân, với hy vọng đánh thức được lương tâm nhân loại kể cả với những người đang nhẫn tâm ra tay tàn độc họ.



Họ tranh đấu chỉ vì sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Tuyệt đối không phải vì hận thù! Xin được nêu tên (chỉ đại khái một số người vì không thể ghi ra đầy đủ được) như:



Lê Thị Công Nhân: Thành viên khối 8406, bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là tranh đấu cho dân quyền.



Phạm Thanh Nghiên bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” thực sự là tọa kháng chống Tàu cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa ngay tại nhà, chống Trung Quốc giết ngư dân ngoài biển Đông.



Đỗ Thị Minh Hạnh: Bị buộc tội “rải truyền đơn kêu gọi công nhân một công ty da giày ờ Trà Vinh đình công” thực sự là tranh đấu vì chế độ đương quyền cấu kết với tư bản hoang dã bóc lột tàn tệ công nhân.



Bùi Thị Minh Hằng bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” thực sự là xuống đường tranh đấu cho Dân chủ và Nhân Quyền



Cấn Thị Thêu, bị kết tội “chống người thi hành công vụ” thực sự là dân oan Dương Nội, tranh đấu vì các nhóm lợi ích của đảng cướp đất nông dân.



Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tư do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” thực sự là cộng tác với ông Nguyễn Hữu Vinh thực hiện trang Anh Ba Sàm, là tiếng nói đa chiều phản ảnh mặt thật xã hội chống độc tài đảng trị.



Trần Khải Thanh Thủy bị bắt vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là tố cáo tội ác cộng sản ra công luận..



Trần Thị Nga bị buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” thực sự là người năng nổ đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền.



Nguyễn Đặng Minh Mẫn, trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành Nghệ An, bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền” và “có liên quan đến khủng bố Việt Tân” thực sự họ là những thanh niên hoạt động xã hội tranh đấu chống bất công.



Và, mới nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) bị chế độ buộc tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” thực sự là tranh đấu cho dân quyền, dân sinh. Chống Tàu cộng cướp Hoàng Sa, Trường Sa, giết ngư dân. Chống Formosa gây ra thảm họa môi trường biển đang để lại hậu quả lâu dài... !



Tạm kết



Bản thân người phụ nữ là sự kết hợp đường nét mềm mại, hài hòa. Dịu dàng trong cư xử. Nhân áí trong đời sống. Bao dung với người lầm lỗi. Từ đó, xin xem ảnh của những “nữ anh hùng lưc lượng vũ trang nhân dân” rồi so sánh với ảnh của những phụ nữ đang tranh đấu sẽ thấy rõ sự khác biệt ngay trên nét mặt, nếu không muốn nói là trái ngược!



Còn thể hiện qua ngôn ngữ, thì xin tạm dùng 2 câu nói của 2 phụ nữ tranh đấu sau khi họ bị Tòa tuyên án, sẽ thấy bản chất người Cộng sản với người Tự do là trái ngược:



Võ Thị Thắng tuyên bố khi nhận bản án 20 năm tù với thách thức:



“Liệu chính quyền của các ông còn tồn tại được bao lâu mà kết án tôi đến 20 năm tù”



Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi nhận bản án 10 năm tù vẫn rất nhã nhặn và hiền hòa:



“Con xin cảm ơn mẹ và các con, các luật sư đã cố gắng bảo vệ cho tôi. Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”.


 

Blogger Mẹ Nấm và hai con Nấm và Gấu.



Cùng tranh đấu nhưng người cộng sản họ lấy hận thù làm gốc nên sau chiến thắng 1975 là ly tán. Là chia rẽ. Là thù hận. Là đất nước tụt hậu, đưa đến tình trạng nợ nần chồng chất và có nguy cơ bị nô lệ Tàu cộng. Còn người đang tranh đấu thì chỉ vì một Việt Nam Dân chủ, Tự do, Nhân quyền, đặt trên nền tảng nhân bản, giải phóng đất nước và dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét