Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Thỏa hiệp ngày sinh nhật

Ngô Nhân Dụng


Nước Mỹ sắp ăn mừng sinh nhật thứ 241. Trong khi hơn 320 triệu người đang chuẩn bị coi pháo bông, nướng thịt, và đốt pháo, nếu không bị cấm, thì các nghị sĩ và dân biểu đang đang lo về đơn vị gặp các cử tri để nghe họ than phiền về chuyện dự luật y tế. Khó nghĩ nhất là các nghị sĩ đảng Cộng Hòa, họ không thể biểu quyết dự luật của Thượng Viện vì trong 52 người còn có trên 10 người chưa đồng ý.


 Sau ngày 4 Tháng Bảy, nếu không đủ 50 phiếu họ cũng chưa làm gì được. Mà nếu thông qua, họ còn phải thỏa hiệp với dự luật của Hạ Viện nữa. Lúc đó lại càng khó khăn, vì quan điểm của các đại biểu thuộc cùng thuộc một đảng nhưng ở hai viện còn xung khắc nặng nề hơn nữa!

Có một giải pháp, là nhân ngày quốc khánh, các lãnh tụ đảng Cộng Hòa có thể lôi kéo một số nghị sĩ và dân biểu thuộc đảng Dân Chủ, thảo luận dự luật mới thay thế đạo luật đang thi hành, thường được gọi là Obamacare! Mỗi bên sẽ cùng nhượng bộ, miễn sao số đại biểu Dân Chủ ủng hộ đông hơn số đại biểu Cộng Hòa chống đối dự luật này! Nếu họ làm được điều đó, thì năm nay dân Mỹ sẽ ăn mừng ngày sinh nhật quốc gia vui hơn!

Những nghị sĩ Cộng Hòa đầu tiên lên tiếng chống dự luật của Thượng viện là những vị khuynh hướng bảo thủ. Các ông Ron Johnson, Mike Lee, Rand Paul và Ted Cruz muốn xóa bỏ Obamacare bằng bất cứ giá nào. Họ coi dự luật mà ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số đưa ra chỉ là vá víu, còn giữ lại quá nhiều điều trong đạo luật của Tổng Thống Obama.

Nhưng một số nghị sĩ Cộng Hòa khác lại chống dự luật McConnell vì lý do ngược lại! Các ông, bà Rob Portman, Dean Heller, Susan Collins, Lisa Murkowski phê bình rằng dự luật này “quá ác” (too mean) cho những người Mỹ nghèo và bệnh tật. Tổng Thống Donald Trump cũng dùng chữ “ác, mean” khi phê bình dự luật đã được Hạ viện thông qua.

Có mấy điều thay đổi có thể bị coi là ác.

Chẳng hạn, những người đang có bệnh mới đi mua bảo hiểm. Đạo luật Obama cấm các hãng bảo hiểm không được bắt họ trả tiền “bảo phí” cao hơn người khác. Nếu điều cấm đoán này bị xóa bỏ thì hàng chục triệu người sẽ khốn khổ. Nhóm nghị sĩ bảo thủ muốn xóa hết dấu vết của ông Obama.

Tại Hạ Viện, nhóm dân biểu bảo thủ cũng đòi bỏ điều này, bị nhóm ôn hòa chống cự, sau cùng họ đi đến thỏa hiệp là cho các tiểu bang quyết định. Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng viện thấy không thể bỏ rơi những trường hợp đang có bệnh. Nhiều người sắp phải tranh cử lại vào năm 2018, và họ biết đa số dân muốn bảo vệ điều luật này. Ở Hạ Viện thì các dân biểu bảo thủ bất cần, vì họ đại diện cho những đơn vị “an toàn,” bao giờ cũng bỏ phiếu Cộng Hòa! Còn các nghị sĩ sẽ phải tranh giành lá phiếu trên toàn tiểu bang, nếu nhiều cử tri chống thì sẽ thua. Nhiều nghị sĩ trước đây không nói gì, như Jerry Moran, Kansas và Shelley Moore Capito, West Virginia bây giờ cũng cũng đứng về phía muốn giữ nguyên điều khoản bắt buộc hãng bảo hiểm không được “phân biệt đối xử” với những người đang có bệnh.

Một điều “mang tiếng ác” quan trọng hơn là cắt giảm chương trình Medicaid, bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo (Medical ở California). Sở Ngân Sách của Quốc Hội (Congressional Budget Office, CBO) tính ra rằng dự luật McConnell sẽ cắt bớt 770 tỷ đô la của chương trình này trong 10 năm tới, giảm hơn một phần ba so với đạo luật Obama. Bà Susan Collins, nghị sĩ Cộng Hòa ở Maine và các nghị sĩ Cộng Hòa ở Nevada, Ohio và West Virginia đã cực lực phản đối vụ cắt Medicaid.

Song song với những cắt giảm chi tiêu trên, dự luật McConnell trù tính sẽ xóa bỏ khoản thuế 3.8% đánh trên lợi tức đầu tư, mà đạo luật Obama đánh trên những người có lương trên $200,000 một năm (hoặc $250,000 cho hai vợ chồng). Bà Collins chống vụ cắt thuế này, cũng như nghị sĩ Corker, tiểu bang Tennessee. Ông Corker nói rằng dư luật của Thượng viện sẽ khiến bao nhiêu người lợi tức thấp mất bảo hiểm y tế, muốn giúp họ thì phải giữ khoản thuế trên những lợi tức đầu tư của người giầu, giải pháp của Obamacare.

Nhưng nhiều nghị sĩ, như ông Patrick J. Toomey, tiểu bang Pennsylvania, vẫn chủ trương phải xóa bỏ tất cả những khoản thuế của đạo luật Obama. Tính ra, 40% những khoản thuế xóa bỏ sẽ được trả lại cho những người Mỹ với lợi tức trên một triệu đô la một năm. Tính trung bình, số tiền họ được bớt cũng chỉ bằng 2% lợi tức; tiền vặt đối với các triệu triệu phú! Một người giầu nhất nước Mỹ là ông Warren Buffett đã chê dự luật của Thượng Viện là “Cứu trợ các nhà giàu!”

Vì vậy, hôm Thứ Năm, nhiều nghị sĩ Cộng Hòa đã tỏ ý không muốn giữ khoản bớt thuế này. Họ không muốn mang tiếng ác, cắt tiền nhà nghèo, giúp nhà giầu! Trong ngày đó, một cuộc nghiên cứu dư luận của nhật báo USA Today cho thấy chỉ có 12% dân chúng cả nước Mỹ ủng hộ dự luật mà Nghị Sĩ Mitch McConnell đề ra. Có 45% chống và 40% không ý kiến vì chưa biết đầy đủ. Khi biết đầy đủ, có lẽ số người chống đối còn tăng, vì hiện nay nhiều người Mỹ không hề biết rằng dự luật của Thượng Viện cắt giảm Medicaid nhiều như vậy! Nhưng từ nay đến cuối năm 2018 nhiều người sẽ biết rõ hơn. Vì vậy các nghị sĩ sắp phải tái tranh cử lo lắng.

Khi phải đình hoãn không đưa dự luật ra bỏ phiếu trước Thượng Viện, Nghị Sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số đã chua chát nói trước các bạn đồng viện và các nhà báo rằng nếu các nghị sĩ Cộng Hòa không thể xích lại gần nhau hơn thì chỉ còn cách là phải tìm thỏa hiệp với các nghị sĩ Dân Chủ.

Điều này có thể xẩy ra, nếu hai đảng dẹp qua thể diện để bàn những vấn đề cụ thể.

Một điều cụ thể là đạo luật của Tổng Thống Obama đã thay đổi toàn cảnh hệ thống bảo hiểm y tế nước Mỹ. Từ nay trở đi, khi bàn về y tế người ta không thể bỏ qua không bàn những vấn đề cụ thể; như giá bảo hiểm không được tăng cao cho những người mua đang có bệnh; vấn đề con cái 25, 26 tuổi được ăn theo bảo hiểm của cha mẹ; lại thêm hơn 10 mục tối thiểu mà hãng bảo hiểm không được từ chối, thí dụ phải chăm sóc cho phụ nữ nếu họ sinh con, vân vân. Trước khi có ông Obama, không ai cần bàn các vụ đó.

Đạo luật Obama cũng đặt mọi người trước một lựa chọn là phải giảm bớt số người Mỹ không được bảo hiểm. Sở Ngân Sách Quốc Hội CBO đã tính rằng dự luật của Thượng Viện sẽ giảm bớt 22 triệu người có bảo hiểm, so với đạo luật hiện hành – nhân đạo hơn dự luật của Hạ Viện, có tới 23, 24 triệu người mất bảo hiểm.

Nước Mỹ giảm bớt được số người không bảo hiểm, từ 18% dân số (năm 2013) xuống 11% (2017), phần lớn nhờ đạo luật Obama mở rộng chương trình Medicaid (Medical). Con số 22 triệu người sẽ mất bảo hiểm tương đương với 7% dân số Mỹ, số khác biệt giữa 11% và 18%! Đó là một thực tế mà các nhà chính trị phải nhìn nhận.

Dân chúng Mỹ có muốn sống trở lại thời kỳ mà cả nước có 50, 60 triệu người không được bảo hiểm y tế hay không? Ngay cả các tỷ phú như ông Donald Trump cũng không chấp nhận – ông đã tranh cử với khẩu hiệu không cắt Medicare, không cắt Medicaid.

Cho nên các đại biểu thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ sẽ phải thỏa hiệp với nhau để tiến tới một giải pháp dung hòa. Họ có thể làm được việc này. Thỏa hiệp của họ sẽ bị các phe cực đoan trong cả hai đảng chống đối. Nhưng họ sẽ thay đổi nước Mỹ.

Những đạo luật thay đổi xã hội Mỹ trước đây cũng dựa vào cộng tác giữa hai đảng. Năm 1935, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã thông qua được đạo luật An Sinh Xã hội (Social Security) nhờ 81 đại biểu Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng 284 Dân Chủ. Cũng vậy, đạo luật thiết lập Medicare của Tổng Thống Lyndon Johnson năm 1965 cũng chỉ được thông qua sau khi ông thuyết phục được đa số các đại biểu Cộng Hòa. Ngày nay không ai nghĩ đó là những “đạo luật của đảng Dân Chủ.” Chúng đã trở thành các định chế xã hội lâu dài của nước Mỹ, cho hàng trăm triệu người cùng hưởng.

Nếu đại biểu Quốc Hội của hai đảng có thể thỏa hiệp, một lần nữa họ sẽ làm nên lịch sử. Cả hai đều có thể về nhà khoe với cử tri rằng họ đã thành công! Bên Cộng Hòa có thể ăn mừng chiến thắng, nói rằng họ đã xóa bỏ, thay thế Obamacare bằng một đạo luật ngon lành hơn! Bên Dân Chủ cũng có thể tuyên bố rằng họ đã buộc phía Cộng Hòa phải nhượng bộ, giữ lại hầu hết các điều khoản giúp những người nghèo trong đạo luật Obama!

Còn Tổng Thống Donald Trump, chắc chắn ông chỉ muốn đặt bút ký tên trên một đạo luật y tế mới, mà chẳng cần biết đến chi tiết! Ông có thể tuýt rằng đó chính là thành tích của mình!

Dân chúng Mỹ sẽ chỉ nhún vai. Vì họ đã được nghe những luận điệu tranh cử như vậy từ ngày lập quốc, đã mấy trăm năm nay rồi. Happy Birthday, America!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét