Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội. Ảnh: Báo Công Lý.
Lời tòa soạn: Bạn đọc đang đi đến kỳ cuối của loạt bài
“Thoát nạn ở Hong Kong” của luật sư Nam Quỳnh (Anh quốc). Xuất phát từ vụ án
Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong năm 1931-1933, tác giả Nam Quỳnh đã nêu bật những
khía cạnh của một nền tư pháp độc lập và sự cần thiết của nó trong một xã hội
đã được khai sinh bởi chính Nguyễn Ái Quốc, người đã thoát chết nhờ sự công
minh của nền tư pháp độc lập Anh. Tiếc rằng, 70 năm sau khi Nguyễn Ái Quốc/Hồ
Chí Minh đặt những viên gạch đầu tiên của một nước Việt Nam mới, tư pháp độc lập
vẫn còn là khái niệm xa xỉ và là giấc mơ không có thật của người Việt Nam. Xã hội
vô luật cần dao găm hơn tư pháp độc lập. Vậy làm thế nào để xử lý khối di sản
tư pháp tệ hại đó? Mời bạn đọc theo dõi kỳ cuối của loạt bài này.
Đảng Cộng sản Việt Nam ở đâu trong một nền tư pháp độc lập?
Những rào cản chống lại sự hình thành và tồn tại của một nền
tư pháp độc lập thực thự ở Việt Nam đã được nhà báo Huy Đức tổng kết và phân
tích rất sắc sảo trên facebook của nhà báo này. Người viết xin mạn phép trích dẫn
có chọn lọc lại dưới đây:
“Điều nguy hiểm nhất hiện nay là các công tố viên và thẩm
phán bị cơ quan điều tra viên “lôi vào cuộc”, bị “cộng đồng trách nhiệm” ngay
trong những ngày đầu. Các thủ tục tố tụng phải dựa trên chứng cứ chứ không phải
là suy đoán của điều tra viên. Nếu kiểm sát viên độc lập và không quá sợ cơ
quan điều tra, anh ta sẽ không phê chuẩn tạm giam một công dân nếu chứng cứ mà
cơ quan điều tra đưa ra không thuyết phục.
Tòa án cũng có khuynh hướng bị lũng đoạn bởi cơ quan điều
tra nên cách an toàn nhất trong công tác xét xử của họ là “án tại hồ sơ” và với
những vụ phức tạp thì tòa dưới còn tham vấn tòa trên nhằm tránh án bị “cải, sửa”
khi phúc thẩm để không “mất điểm thi đua”.
(…) Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm
bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng
khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc
quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn
Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý
vị đang thiết kế.”[1] (tô đậm của người trích)
Suy nghĩ một cách thực tế nhất từ điều kiện hiện có ở Việt
Nam, người viết đồng tình với ngụ ý của nhà báo Huy Đức về khả năng tồn tại
song song của đảng Cộng sản Việt Nam và một nền tư pháp độc lập: Việc hình
thành và tồn tại một nền tư pháp độc lập thực thụ không nhất thiết đồng nghĩa với
việc đảng Cộng sản phải hoàn toàn từ bỏ sự kiểm soát nhà nước và xã hội của họ,
vốn có lẽ là thứ họ sợ đánh mất hơn tất cả mọi thứ, và nỗi sợ đánh mất sự kiểm
soát này có vẻ là nguyên nhân cho những động thái đàn áp các nỗ lực phát triển
xã hội dân sự và chèn ép tư pháp độc lập của họ.
Sự tồn tại song song một đảng nắm độc quyền trên thực tế và
một nền tư pháp độc lập nhất trong giới hạn có thể cho phép đã có tiền lệ là thực
trạng hiện nay của Singapore. Cần phải có một sự nghiên cứu đối chiếu và so
sánh với mô hình luật pháp và nhà nước Singapore để giúp chúng ta có thể đánh
giá xem liệu mô hình này có phải là một hướng đi khả dĩ cho Việt Nam hay không.
Mô hình bảo hiến nào?
Một thay đổi tư pháp khả dĩ khác có thể tạo một bước tiến
dài cho việc xây dựng tư pháp độc lập là tạo lập một tòa án hiến pháp riêng
theo mô hình các Tối cao Pháp Viện trong hệ thống tư pháp Anh- Mỹ đứng cao nhất
trong hệ thống tư pháp và dựa vào Hiến Pháp Việt Nam để giám sát hoạt động của
cả ba nhánh tư pháp, lập pháp và hành pháp.
Một tòa hiến pháp tối cao như thế sẽ được giao nhiệm vụ xử
lý các vụ việc người dân thách thức hành vi, chính sách, quyết định của các cơ
quan nhà nước. Dựa vào hiến pháp, tòa này sẽ đánh giá xem các cơ quan nhà nước
có vi phạm hiến pháp hay không, và nếu có thì tòa phải ra phán quyết ngăn cản
hành vi, chính sách, quyết định của cơ quan nhà nước.
Sự có mặt của một tòa hiến pháp có uy quyền tối cao trên tất
cả các tòa án trên khắp đất nước sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước tuân thủ luật
pháp và hiến pháp, và tôn trọng sự độc lập của hệ thống tòa án.
Đồng thời, chuyên nghiệp hóa và chuyên sâu hóa việc áp dụng
hiến pháp để kiểm tra luật pháp cũng sẽ giúp các cơ quan nhà nước Việt Nam, đặc
biệt là bộ Tư Pháp, không phải mệt nhọc bở hơi tai vừa đá bóng vừa thổi còi như
hiện nay. Có thể thấy điều này rõ nhất qua việc các bộ và cơ quan ngang bộ tự
kiểm tra và phát hiện 6.872 văn bản “vi phạm quy định của Chính phủ” chỉ trong năm 2014, theo như báo Thanh Niên đưa
tin.
6.872 văn bản vi hiến không phải là một con số nhỏ, nhưng bản
thân nó còn chưa nói lên được những mâu thuẫn tiềm ẩn trong những văn bản này
khi chúng được áp dụng trong cuộc sống và dẫn đến những va chạm quyền lợi sâu sắc
giữa người dân với nhà nước. Những va chạm quyền lợi này nếu xảy ra trong thực
tế hoàn toàn có thể được đưa lên một tòa án hiến pháp tối cao để được giải quyết
rốt ráo.
Trong bối cảnh mà hệ thống tòa án các cấp của Việt Nam vẫn
còn chưa có đủ một lực lượng quan tòa được đào tạo bài bản, kinh nghiệm và có
hiểu biết chuyên sâu về luật pháp và Hiến Pháp Việt Nam đồng thời thật sự có
tinh thần dũng cảm tôn vinh luật pháp lên trên các lợi ích chính trị, nên chăng
chúng ta ‘đi tắt đón đầu’ bằng cách tuyển chọn ra một nhóm nhỏ các quan tòa thật
sự đáp ứng các tiêu chuẩn nói trên và bổ nhiệm họ vào một tòa hiến pháp tối cao
có khả năng làm ngọn hải đăng cho nền tư pháp độc lập Việt Nam?
Ai cần tư pháp độc lập?
Trong khi việc nền chuyên chính Cộng sản Việt Nam có thể nới
lỏng kiểm soát và đưa vào thực tế những cải cách chính trị và tư pháp theo hướng
cởi mở hơn hay không còn là một câu hỏi lớn của tương lai thì vẫn có những việc
làm thiết thực mà người viết tin rằng những ai ủng hộ sự hình thành và tồn tại
một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam có thể cùng làm trong hiện tại.
Người viết tin rằng mọi thay đổi có lợi cho con người để có
thể trở thành hiện thực theo một cách tốt đẹp nhất thì thường phải xuất phát từ
hành động, từ mong muốn của bản thân con người, chứ không thể mong chờ một sự
ban phát từ thể chế hay một thế lực bên ngoài nào đó.
Một nền tư pháp độc lập thực thụ ở Việt Nam khó mà có thể
trưởng thành nếu không có một xã hội có ý thức về luật pháp và tầm quan trọng của
nó, và có một tinh thần thượng tôn pháp luật thật sự – xem pháp luật đứng trên
mọi cá nhân và quyền thế. Các thành viên trong một xã hội như thế mong muốn và
cảm thấy cần có một nền tư pháp độc lập để giúp đảm bảo là luật pháp được tôn
trọng.
Người viết cho rằng có một mối quan hệ khó xác định theo kiểu
con gà và quả trứng (cái nào dẫn đến cái nào?) giữa một nền tư pháp độc lập và
tinh thần thượng tôn pháp luật của một xã hội.
Một nền tư pháp độc lập giúp đảm bảo tinh thần thượng tôn
pháp luật nhưng chính tinh thần thượng tôn pháp luật sẵn có trong một xã hội
cũng giúp cho nền tư pháp độc lập tồn tại.
Suy cho cùng, một nền tư pháp độc lập khó mà có thể phục vụ
một cộng đồng người dân không cần đến nó, hoặc không cần đến sự độc lập của nó.
Người dân càng tin tưởng vào pháp luật bao nhiêu thì họ sẽ
càng mong muốn có một nền tư pháp độc lập thực thụ bấy nhiêu.
Do đó, việc cần làm là phải tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố
và trau dồi nhận thức của số đông quần chúng về luật pháp: về nội dung, lợi ích
của việc tuân thủ luật pháp, cũng như những giới hạn và khiếm khuyết của luật
pháp, và đặc biệt là những ranh giới của quyền lực ẩn mình trong hệ thống luật
pháp cồng kềnh của Việt Nam.
Nhận thức được vai trò và lợi ích trực tiếp của việc hiểu và
áp dụng đúng luật pháp trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, người dân Việt Nam
có thể giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong cuộc sống thường nhật của mình
theo những cách văn minh, ôn hòa hơn.
Dùng gậy ông đập lưng ông
Trong tương quan với các cơ quan công quyền, đã có những tín
hiệu đáng mừng là nhiều người dân và tổ chức tư nhân Việt Nam hiện nay không
còn lúc nào cũng run sợ trước những động thái đe dọa của các cơ quan công quyền
mà biết dùng hiểu biết pháp luật để khẳng định vị thế và quyền lợi chính đáng của
họ.
Nhà báo Đoan Trang đã chia sẻ trên facebook của cô ngày 23
tháng 05 vừa rồi về một tín hiệu như thế:
“Từ khi ở Hà Nội nổ ra phong trào bảo vệ cây xanh của nhóm
“Vì Một Hà Nội Xanh” theo hướng mạnh mẽ, quyết liệt và đi đến cùng trong việc
đòi chính quyền minh bạch, rất nhiều thành viên của nhóm đã bị lực lượng an
ninh, công an các cấp đe dọa, sách nhiễu dưới nhiều hình thức.
Khi thấy có vẻ không lay chuyển được “đối tượng”, an ninh đã
chuyển sang chơi bài muôn thuở là đánh vào gia đình và nơi làm việc. Màn dạo đầu
thông thường là lân la đến công ty hỏi thăm, nhằm “xác minh, làm rõ một số việc”
mà thực chất là moi thông tin cá nhân của “đối tượng”. Sau đó, tiến thêm một bước
tới đe dọa, “nắn gân” nơi làm việc đó.
Cách làm này của lực lượng an ninh nói chung chỉ dọa được những
cá nhân và cơ quan thiếu hiểu biết về pháp luật và nhất là không hiểu gì về
nhân quyền hay nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, các đồng chí an ninh đã cơ bản thất bại khi đụng
mặt một số ít “đối tượng” là nhân viên của các cơ quan, công ty ngoại quốc ở Việt
Nam. Thường thường khi bị an ninh lân la tiếp cận, dò hỏi thông tin rồi thậm thụt
đòi “xem lại quá trình tuyển dụng”, yêu cầu “quý cơ quan xem xét việc làm của đối
tượng XYZ”, những chủ công ty nước ngoài chỉ thản nhiên trả lời:
– Việc tham gia các phong trào xã hội là chuyện riêng của
anh/chị ấy ngoài giờ làm việc ở công ty chúng tôi, cũng là quyết định cá nhân của
họ, nên chúng tôi không có quyền can thiệp.
– Chúng tôi không có quyền cung cấp thông tin về họ cho quý
vị. Chúng tôi không được phép tiết lộ hồ sơ về họ cho quý vị.
– Chúng tôi không có quyền xem xét lại quá trình tuyển dụng
lúc này, khi mà họ chưa làm gì sai với công ty cả. Nếu bắt buộc phải làm vì yêu
cầu của chính quyền nước sở tại, chúng tôi cũng chỉ có thể làm việc đó với sự
tham gia của cả BA BÊN, nghĩa là phải có mặt họ. Chúng tôi không thể chỉ nghe lời
quý vị mà đuổi việc nhân viên của chúng tôi.
Chỉ trả lời vậy thôi là đủ làm lực lượng an ninh sượng sùng,
hết lý lẽ…”[2] (tô đậm của người trích)
Trong tương quan giữa các công dân và cơ quan tư nhân với
nhau, có thể đưa ra một nhận xét chung là luật pháp đang ngày càng được sử dụng
rộng rãi làm công cụ xử lý mâu thuẫn lợi ích.
Mới đây, chúng ta được chứng kiến việc họa sỹ tự do 27 tuổi
Bùi Đình Thăng từ Nghệ An (Thăng Fly) phát hiện tác phẩm truyện tranh “Ba Tôi”
của anh được chuyển thể thành hoạt hình phát trên kênh truyền hình VTV3 mà
không có sự xin phép bản quyền từ anh.
Trong những ý kiến đóng góp ủng hộ họa sỹ Thăng trên mạng,
chúng ta thấy không ít những ý kiến khuyến khích anh kiện cơ quan vi phạm bản
quyền Sunrise Media. Và thực sự, anh Thăng mới đây đã tìm đến tư vấn luật sư và
tiến hành khiếu nại lên cơ quan nhà nước để giải quyết việc xâm hại quyền sở hữu
trí tuệ của anh.
Việc tin tưởng vào luật pháp và hệ thống tư pháp để giải quyết
mâu thuẫn lợi ích, thay vì chỉ trông cậy đơn thuần vào những cú like, những lần
share, những tâm thư mếu máo hay hằn học, và áp lực từ cộng đồng người dùng mạng
xã hội, giống như Thăng Fly đã làm là một ví dụ điển hình cho việc người dân Việt
Nam đang ngày càng biết rằng pháp luật có thể đứng về phía họ khi họ cần.
Một niềm tin như thế là nền tảng cần thiết cho việc hình
thành một nhu cầu bức thiết cho việc xây dựng và duy trì một nền tư pháp độc lập
tại Việt Nam.
Khi giới luật xắn tay áo
Một tín hiệu đáng mừng khác chính là những nỗ lực của giới
luật sư và luật gia của Việt Nam trong việc đưa pháp luật đến với quần chúng một
cách dễ hiểu và sinh động.
Blog và trang facebook Ezlaw mới thành lập gần đây của hai
luật sư trẻ Nguyễn Thanh Thảo (tốt nghiệp từ Úc) và Trần Đức Hoàng (tốt nghiệp
từ Mỹ) chuyên phổ cập kiến thức về luật pháp Việt Nam cho cộng đồng người dùng
mạng internet ở Việt Nam bằng những cách thể hiện thông tin mạch lạc và sinh động.
Người viết cho là những trang như Ezlaw, Thư Viện Pháp Luật,
và Luật Việt Nam là những ví dụ điển hình nhất cho công việc thiết thực giúp quần
chúng, một cách dễ dàng và ít tốn kém, nâng cao nhận thức về luật pháp và lợi
ích của luật pháp Việt Nam.
Không thể không nhắc đến những nỗ lực đưa nội dung pháp luật
đến với xã hội của bản thân các cơ quan nhà nước Việt Nam qua những trang như
trang của Bộ Tư Pháp hay trang Cơ Sở Dữ Liệu Quốc Gia về Văn Bản Pháp Luật, dù
có dấu hiệu một vài văn bản pháp luật được xem là nhạy cảm vẫn còn… mất tích. Một
dấu hiệu tiến bộ đáng hoan nghênh khác là việc Quốc Hội Việt Nam đã tạo điều kiện
cho người dân góp ý vào các dự thảo luật của Quốc Hội qua mạng internet qua
trang Dự Thảo Online.
Bên cạnh những nguồn thông tin và dữ liệu pháp lý này, phải
trân trọng và biểu dương những nỗ lực đơn lẻ của các luật sư và luật gia Việt
Nam qua những bài viết của họ trên báo chí dòng chính, trên trang facebook cá
nhân hay trên blog của họ góp phần phê phán, minh định luật lệ hay truyền bá những
tư tưởng pháp lý tiến bộ.
Sự trợ giúp của mạng internet và các trang mạng xã hội cũng
góp phần giúp cho giới luật sư và luật gia ở Việt Nam có sự liên kết và đoàn kết
hơn trước đây. Những hành động chèn ép luật sư Võ An Đôn tại Phú Yên không được
báo chí dòng chính để ý đến nhưng vẫn đã nhận được sự chú ý và phản kháng mạnh
mẽ của giới luật sư và luật gia Việt Nam nhờ những chia sẻ trên Facebook cá
nhân của của vị luật sư này.
Các công ty luật Việt Nam vốn cũng đang càng ngày nhận ra
giá trị của việc quảng bá thông tin về pháp luật và theo đó là cho dịch vụ của
họ trên các phương tiện truyền thông xã hội như facebook.
Bằng cách đẩy mạnh hơn những nỗ lực củng cố và trau dồi nhận
thức của số đông quần chúng về luật pháp nói trên tại Việt Nam, người viết tin
rằng đa số người bình dân Việt Nam sẽ ngày càng hiểu biết về luật pháp, tin vào
lợi ích của luật pháp và theo đó, là cảm thấy được thuyết phục về sự cần thiết
phải có một nền tư pháp độc lập để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Internet không phải chìa khóa vạn năng
Cũng nên cẩn thận mà tự phản tỉnh rằng tất cả những hình thức
củng cố và trau dồi nhận thức của số đông quần chúng về luật pháp nói trên chỉ
có thể tác động lên con số hơn 33 triệu người dùng internet tại Việt Nam hiện
nay trong khi dân số Việt Nam tính tới năm nay là 91,9 triệu người.
Ngay cả khi một phần ba dân số dân số có nhận thức sâu rộng
về pháp luật và mong muốn một nền tư pháp độc lập thì liệu có là đủ để làm nên
khác biệt thật sự?
Hình ảnh những người nông dân ở khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương
Điền tỉnh Hải Dương tay không chặn xe xúc đất khốn khổ tới mức một người trong
số họ bị xe cán lên người đến gãy cả xương đã làm rúng động công luận hôm qua
10/07.
Cuộc va chạm này đã diễn ra giữa một bên là những người nông
dân không hài lòng với việc bồi thường ruộng với mức giá quá thấp, và một bên
là “một số đối tượng với nhiều hình xăm trên người, mang theo dao, kim tiêm đến
đe dọa, thậm chí đứng trên máy xúc chửi bới và có hành động khiếm nhã với người
dân“.
Trông thấy những hình ảnh đau đớn đấy, bất giác một con người
có niềm tin vào luật pháp nhưng chưa có đầy đủ thông tin về vụ việc phải tự hỏi
rằng luật pháp đã ở đâu trong mâu thuẫn lợi ích giữa những người nông dân và
bên muốn cưỡng chế đất đai của họ? Những người nông dân có biết nhờ các luật sư
giúp đỡ hay không? Tòa án tại các địa phương của họ có giải quyết được những mất
mát quyền lợi của họ hay không?
Phải chăng cánh tay của luật pháp vẫn còn chưa vươn tới được
những người nông dân chân lấm tay bùn để giúp đỡ và bảo vệ họ? Nếu thế thì nói
xa xôi, viễn vọng về tư pháp độc lập làm gì ở đây?
Việc đẩy mạnh củng cố và trau dồi nhận thức của số đông quần
chúng về luật pháp, nâng cao niềm tin vào luật pháp và tư pháp độc lập cần phải
được tiến hành bằng những hình thức, phương tiện khác nữa, chứ không thể chỉ
trông chờ vào các phương tiện truyền thông hiện đại. Nó đồng thời phải được tiến
hành với việc nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý và các nguồn trợ
giúp pháp lý của những người dân kém may mắn, không đủ điều kiện.
Để lưỡi dao không giải quyết mọi thứ
Mặt khác, cũng nên cẩn thận mà tự phản tỉnh rằng nhận thức
là một chuyện, nhưng vấn đề lớn hơn cả, theo người viết, lại là việc ý thức với
pháp luật của người Việt Nam có lẽ còn chưa đủ để tạo điều kiện cho một nền tư
pháp độc lập có thể khẳng định vai trò của nó một cách mạnh mẽ nhất có thể
trong bối cảnh xã hội Việt Nam.
Sự kém nhận thức làm con người ta vi phạm luật mà không biết,
nhưng sự kém ý thức thể hiện rõ qua việc biết có luật mà vẫn vi phạm, hay tìm
cách lách né luật lệ thay vì tuân thủ nghiêm chỉnh.
Có là mâu thuẫn không khi người Việt Nam chúng ta lên tiếng
yêu cầu các cơ quan công quyền phải tuân thủ luật pháp trong khi bản thân nhiều
người trong chúng ta trong cuộc sống thường ngày vẫn thản nhiên chạy xe vượt
đèn đỏ, dùng phần mềm vi tính bản lậu, và, theo thói quen hay vì ngại chi trả
luật sư, chỉ thích thỏa thuận miệng trên bàn nhậu trong giao dịch làm ăn?
Có là mâu thuẫn không khi một số người Việt Nam chúng ta rất
sẵn sàng phê phán các quan chức và nhân viên công vụ tham nhũng tư lợi nhưng
khi bị thổi phạt ngoài đường thì cũng rất sẵn sàng rút điện thoại ra gọi ‘bố’,
gọi ‘bác’ tới giúp, hay rút ví đề nghị chung chi ‘tiền cà phê’ để có thể thoát
tội và nhanh chóng chạy về nhà?
Người viết thì cho rằng sẽ là một sự sỉ nhục cho một nền tư
pháp độc lập khi trong xã hội của nền tư pháp độc lập đó còn có nhiều cảnh những
chàng trai trưởng thành đi xe trên phố va chạm nhau thay vì dùng luật pháp lý lẽ
để phân định phải trái thì lại thích rút mã tấu, dao găm ra phân định thắng
thua với cái giá phải trả bằng mạng người.
Cần gì đến luật pháp và tư pháp độc lập khi lưỡi dao giải
quyết mọi thứ?
Ý thức với pháp luật phụ thuộc nhiều vào văn hóa truyền thống
và các thói quen theo quán tính sẵn có trong xã hội – những thứ khó mà có thể
thay đổi chỉ trong một hai thế hệ con người.
Tuy nhiên, người viết vẫn tin tưởng rằng tầm nhận thức sẽ có
thể được chuyển hóa thành ý thức và thành thói quen về lâu về dài, nếu những nỗ
lực củng cố và trau dồi nhận thức của số đông quần chúng về luật pháp của giới
luật sư và luật gia Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh cương quyết và trường kỳ
hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét