Năm ngoái, khi đang tranh cử, Tổng
Thống Donald Trump đã nêu tên Việt Nam, sau tên Trung Quốc, trong số các nước
bán quá nhiều hàng qua Mỹ và nhập cảng quá ít. Không công bằng! Ông Trump la,
và dọa sẽ trả đũa! Khi lên nắm quyền, ông Trump đã bỏ quên những lời đe dọa
ngăn chặn hàng hóa Trung Cộng, không nhắc tới nữa. Vả lại, ai cũng biết Việt
Nam nghèo hơn dân Trung Hoa rất nhiều, cho nên mua hàng Mỹ càng ít hơn!
Hơn nữa,
số thâm thủng mậu dịch Mỹ-Việt năm ngoái chỉ có $32 tỷ, chưa bằng một phần mười
so với Trung Quốc, có thể bỏ qua dễ hơn. Người Mỹ nào cũng biết rằng nếu tăng
thuế nhập cảng ngăn chặn những món giày dép, quần áo và bàn ghế làm ở Việt Nam
không cho bán vào Mỹ, thì cũng không khiến các công ty mở cơ xưởng ở Mỹ, cũng
không người dân Mỹ nào muốn đi làm với đồng lương mà các công ty này có thể trả
để vẫn cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Thương mại là trọng tâm chuyến
thăm Washington của ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc đem theo hàng trăm người, với
nhiều thương gia, và đã gặp gỡ Hội Ðồng Thương Mại Hoa Kỳ, Hội Ðồng Kinh Doanh
Mỹ-Ðông Nam Á (US-ASEAN Business Council). Trong mấy ngày, nhiều hợp đồng trị
giá $15 tỷ tới $17 tỷ đã ký, rất nhiều đơn đặt mua hàng, gãi đúng chỗ ngứa của
ông Trump! Ông Trump đã công khai khen ngợi việc đặt mua máy phát điện trị giá
$2 tỷ, cùng $3.6 tỷ các đầu máy phi cơ phản lực, đều do General Electrics sản
xuất – nói rằng “sẽ tạo công việc làm cho người Mỹ,” ông Trump khoe.
Nhưng Việt Nam vẫn là một nền
kinh tế nhỏ, mua bán với Việt Nam không làm cho nước Mỹ giầu hơn bao nhiêu. Năm
ngoái Việt Nam bán qua Mỹ được $38 tỷ và nhập gần $9 tỷ hàng của Mỹ. Một nước
nhỏ xíu như Singapore cũng bán cho Mỹ được $18 tỷ và mua của Mỹ $27 tỷ! Nhưng
quan hệ thương mại Mỹ với Việt Nam có ý nghĩa nhiều hơn là số hàng hóa trao đổi
giữa hai nước.
Sau khi rút khỏi thỏa ước Hợp Tác
Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng Thống Donald Trump cần chứng tỏ rằng ông
không bỏ quên vùng địa lý chiến lược này cho Cộng Sản Trung Quốc thao túng.
Chính quyền Mỹ có thể trấn an các nước Ðông Nam Á bằng những thỏa ước mậu dịch
song phương để giúp kinh tế các nước đó phát triển. Một hiệp ước mậu dịch giữa
Mỹ với Việt Nam sẽ là tín hiệu mạnh cho thấy nước Mỹ vẫn tiếp tục chuyển trục
qua Á Châu, mà không phải chỉ chú tâm vào những trái bom nguyên tử của Kim Jong
Un đe dọa vùng Ðông Bắc.
Việt Nam có thể là một “thí điểm”
cho thấy nước Mỹ vẫn quan tâm đến vùng Ðông Nam Á. Nguyễn Xuân Phúc là người cầm
đầu chính phủ thứ nhất từ Ðông Nam Á đến Mỹ gặp ông Donald Trump – nếu không kể
tổng thống Phi Luật Tân đã được ngỏ lời mời nhưng từ chối vì… bận đi gặp Tập Cận
Bình và Vladimir Putin. Chuyến đi này sẽ mở đường cho một thỏa ước song phương
Việt-Mỹ trong tương lai. Các nước khác trong vùng có thể xúc tiến những thỏa hiệp
tay đôi như vậy, mà ông Trump vẫn tỏ ra thích hơn các liên minh kinh tế nhiều
nước. Họ có thể được hưởng những lợi ích kinh tế không thua gì thỏa ước TPP hứa
hẹn.
Trong bàn cờ Ðông Nam Á, nước Mỹ
vẫn phải đối đầu với Trung Cộng, dù ông Donald Trump có muốn hay không. Dù ve
vãn Tập Cận Bình đủ cách để nhờ làm áp lực với Kim Jong Un, ông Donald Trump
cũng biết hai điều. Thứ nhất, Trung Cộng cần Bắc Hàn, không muốn Hàn Quốc thống
nhất, và Kim Jong Un là một cậu bé rất khó bảo. Thứ hai, bom nguyên tử của Kim
Jong Un đe dọa các nước chung quanh, kể cả Trung Cộng nhiều hơn và còn lâu mới
dụng tới nước Mỹ! Kết luận: Không một chính quyền Mỹ nào lại dại dột nhường
vùng Ðông Nam Á cho Bắc Kinh bành trướng, để đổi lại, chỉ giúp cho Bắc Kinh ngủ
ngon hơn khi cậu Kim Jong Un mất mấy món đồ chơi bom nguyên tử! Gần đây, Bắc
Kinh đã đem hỏa tiễn 55 ly CS/AR-1 tới đảo Fiery Cross, trong lúc Bắc Hàn vẫn
tiếp tục bắn thử hỏa tiễn mới; đó là điều nhắc nhở cho ông Trump!
Trong khi ông Duterte ở Phi Luật
Tân còn “oảnh ọe làm nũng” chưa biết đến bao giờ, chính quyền Mỹ có thể dùng
quan hệ thương mại với Việt Nam làm bước khởi đầu để “chuyển trục” trở lại Ðông
Nam Á. Họ phải chạy đua với chương trình Nhất Ðới Nhất Lộ và thỏa hiệp phát triển
vùng (RCEP) mà Tập Cận Bình đang mời chào các nước khác. Ngày 21 Tháng Năm vừa
qua, bộ trưởng các nước trong thỏa ước RCEP đã họp một hội nghị kỳ thứ ba, ở Hà
Nội, 10 ngày trước khi Donald Trump gặp Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ
cũng là một ao ước của mọi người dân Việt Nam, trước mối đe dọa bành trướng của
đế quốc đỏ phương Bắc. Dân Việt Nam biết kinh nghiệm của các nước đã phát triển
trước nhờ hưởng lợi khi được tự do xuất cảng hàng rẻ tiền qua Mỹ. Nhật Bản, Nam
Hàn, Ðài Loan, Hồng Kông, rồi tiếp đến Trung Cộng, các nền kinh tế này đã phất
lên nhờ thị trường tiêu thụ Mỹ khổng lồ.
Hơn thế nữa, dân Việt Nam, dù
chính quyền Cộng Sản chịu hay không, cũng muốn liên kết với Mỹ về ngoại giao và
an ninh, quốc phòng, để chống Trung Cộng xâm lược. Quan hệ thương mại là bước mở
đầu cho các quan hệ khác. Vì vậy, một hiệp ước mậu dịch tự do Việt Mỹ là giấc
mơ của đồng bào chúng ta ở trong nước.
Nhưng một hiệp ước mậu dịch tự do
không đủ cho tương lai Việt Nam nếu không giữ lại những điều khoản bảo vệ nhân
quyền trong Hiệp Ước TPP. Trong Hiệp Ước TPP, chính quyền Obama đã yêu cầu các
nước ký kết phải tôn trọng nhiều quyền của giới lao động: Tự do đình công, tự
do lập công đoàn, được hưởng lương bổng và điều kiện làm việc xứng đáng với
nhân phẩm. Ngoài ra, giới kinh doanh phải bảo vệ môi trường sống.
Dân Việt Nam đang cần được hưởng
những bước tiến bộ đó, mà thế giới loài người văn minh đang hưởng. Cho nên, người
Việt Nam trong và ngoài nước đều phải đứng lên đòi hỏi những quyền làm người
này phải được bảo đảm trong bất cứ hiệp ước thương mại song phương nào giữa Mỹ
và Việt Nam. Nếu chỉ chú ý cái lợi trước mắt, chỉ nhìn tới số hàng xuất cảng và
nhập cảng, thì giới kinh doanh người Việt và người ngoại quốc có thể sẽ tha hồ
bóc lột người lao động Việt Nam và hủy hoại môi trường sống của con cháu chúng
ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét