Tôi cho rằng tình trạng khu
phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7 nơi tôi cư ngụ là sự thu nhỏ hiện
trạng của cả nước. Đảng độc quyền, thoái hoá tham nhũng, đàn áp
những người trung thực.
Hồi ký Tống Văn Công - Đến
Già Mới Chợt Tỉnh
Càng già, tôi càng bê tha và
càng hay la cà/ đàn đúm. Qua tuổi sáu mươi, ngồi điểm lại mới thấy
là số bè bạn thân/sơ dám tới cả ngàn. Đông hết biết luôn!
Đã vậy, gặp ai tui cũng rủ
rê nhậu nhẹt tưng bừng và nài nỉ anh em uống cho tới xỉn luôn để ...
thắt chặt thêm tình bằng hữu. Bởi thế, sau khi chia tay là tôi không
còn nhớ ai vô ai nữa – trừ hai người: Trần Ngọc Thành và Tống Văn
Công.
Cả hai cha nội này đều là
đảng viên cộng sản, và đều đã bỏ đảng chạy lấy người. Ra tới nước
ngoài rồi thì ông Trần Ngọc Thành lại hay bồi hồi nhớ về quê cũ.
Cứ cạn xong mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn, và cạn thêm mấy ly đầy
nữa là thế nào vị Đại Diện Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cũng cất
giọng ca bài “Đi Đâu Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh”!
Tống Văn Công thì không mặn
mà lắm với chuyện rượu chè, ca hát cũng không luôn. Bên bàn rượu, ông
cựu đảng viên (năm mươi sáu tuổi đảng) chỉ hay nhỏ nhẹ và rỉ rả kể
lại chuyện đời để cho đám kẻ hậu sinh – lóc nhóc cỡ tui – được mở
mang trí tuệ:
Biết tôi đang làm thủ tục
nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải góp ý: “Anh nên bàn với anh em
báo Lao Động cho tiếp tục sinh hoạt Đảng ở chi bộ cơ quan, với điều
kiện không dự những buổi họp bàn công việc. Nếu chuyển về địa
phương, anh sẽ mất rất nhiều thời gian hội họp.” Lúc này Tổng bí thư
Đỗ Mười đang kêu gọi hướng về cơ sở, xân dựng cơ sở vững mạnh. Tôi
nghĩ, mình nên cũng sinh hoạt với cơ sở Đảng ở địa phương để biết
rõ “sức khoẻ” của Đảng, của chế độ...
Mấy ngày sau đồng chí Út Kỳ
đảng viên trong chi bộ (nguyên phó chủ tịch huyện Nhà Bè) mời tôi đến
nhà chơi. Trò chuyện với anh tôi mới biết tất cả những đồng chí lão
thành cách mạng ở chi bộ này đều được chia đất. Họ so kè với nhau,
bới móc nhau, anh này bảo anh nọ được miếng đất rộng hơn mình. Anh
nọ bảo anh kia lấn đất của mình.
Có hai cặp ở sát nhau, tranh
chấp ranh đất, đến nỗi coi nhau như kẻ tử thù. Nhiều lần họ đưa nhau
ra chi bộ yêu cầu phân xử. Anh Út Kỷ mời tôi lại nhà để kéo tôi về
phe anh, giành một phiếu trong cuộc họp chi bộ sắp tới.
Để nghe cả hai phía tôi ghé
thăm anh Lê Duyên Hải, đảng viên, nhà bên cạnh Út Kỷ. Tôi không cần gợi
chuyện, Lê Duyên Hải đã dắt tôi ra đầu nhà xem bức tường đầu hồi bị
nứt một đường dài. Anh cho biết, do bên Út Kỷ đào móng gần sát, gây
chấn động mạnh làm nứt.
Anh đã yêu cầu Út Kỷ cho thợ
sửa vết nứt, nhưng bị từ chối với lý lẽ: Móng nhà của Út Kỷ đào
bên đất Út Kỷ, vậy tại sao Út Kỷ phải chịu trách nhiện về tường
nhà Lê Duyên Hải bị nứt?! Nghe chuyện tranh chấp đôi co giữa hai đảng
viên cộng sản sao mà giống như hai đứa trẻ lên ba! (Tống Văn Công. Đến
Già Mới Chợt Tỉnh. Westminster, CA: Người Việt, 2016).
Ôi! Tưởng gì chớ mấy chuyện
“tranh chấp đôi co” như mấy đứa “trẻ lên ba” kiểu này thì tui vẫn được
nghe hoài. Hồi năm trước, một người cầm bút khác, blogger Nguyễn Anh
Tuấn cũng ghi lại một vụ gần tương tự (nhưng hào hứng hơn nhiều) ở
Đà Nẵng:
– 29/8/2014: Bí thư Trần Thọ đính
chính thông tin mới được đưa ra cách đó chưa đầy một tuần bởi Phó Bí thư Xuân
Anh về chuyện có phá hay không chợ Cồn, chợ Hàn: Xuân Anh bảo giữ, Trần Thọ bảo
phải phá. Hành động làm mất mặt trên báo chí này khá xa lạ với truyền thống tổ
chức của các cấp ủy đảng theo đó luôn phải giữ sự nhất trí đồng lòng về chủ
trương, chính sách giữa các cấp ủy viên trước công chúng.
Tỷ số 1-0
– 17/7/2015: Chưa đầy 3 tháng trước
Đại hội, báo Tuổi trẻ đăng bài cáo buộc chính quyền Đà Nẵng cấp đất trái quy định
cho con gái Trần Thọ, với các thông tin chi tiết đến từng bộ hồ sơ đất đai một.
Chiều cùng ngày, Thành ủy họp nóng để Trần Thọ giải trình. Trong khi các thành ủy
viên khác từ Chủ tịch UBND, GĐ Công an, Chủ tịch Mặt Trận…ra sức bảo vệ đồng
chí Bí thư, thì Xuân Anh nhận định với chiều hướng khác hẳn:
“Đây là bài học cho lãnh đạo chủ
chốt của thành phố. Nó ảnh hưởng xã hội ghê gớm lắm. Nếu chuyện xảy ra với người
đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường là chuyện khác, nhưng đây là con của lãnh
đạo thành phố, anh Thọ lại là Bí thư”
Tỷ số 1-1
– 4/11/2015: Chỉ khoảng 2 tuần
sau khi Đại hội kết thúc với việc Xuân Anh đắc cử Bí thư, báo Một Thế giới đưa
tin Trần Thọ – nay đã là cựu Bí thư nhưng vẫn là Chủ tịch HDND – bố trí cho lái
xe riêng tham gia đoàn đi xúc tiến du lịch ở một loạt nước. Vẫn như Tuổi trẻ, Một
Thế giới cho biết thông tin này đến từ dư luận xôn xao, song các đồng chí thường
vụ mới đã rất nhanh chóng đưa bình luận, đơn cử như Phó Bí Công Trí: “Cử lái xe
của ông Trần Thọ đi nước ngoài là ‘sai rõ ràng rồi.”
Tỷ số 1-2
– 31/12/2015: Hai tháng sau khi
nhậm chức Bí thư, Xuân Anh lần đầu tiên đối mặt với chất vấn liên quan đến đất
đai. Hóa ra thông tin 12 lô đất gần sân bay Nước Mặn được một người nghèo ở đất
quý hương Hòa Vang thu mua giúp Trung Quốc chỉ đúng có một nửa. Không có Trung
Quốc nào ở đây cả. Và người nghèo Hòa Vang này hóa ra là anh Cang, từng ra Hà Nội
tá túc nhà thân mẫu, thân phụ của Xuân Anh: cựu Trưởng ban Kiểm tra Trung ương
Đảng Nguyễn Văn Chi. Đáp lại chất vấn, Xuân Anh bỏ lửng, không thừa nhận nhưng
cũng chẳng phủ nhận :
“Còn cá nhân tôi thì tôi không rõ
việc này, tôi cũng không biết mấy chục lô đất đó có phải của gia đình tôi hay
không.”
Tỷ số 2-2
Không biết vụ tranh chấp giữa
hai ông đảng viên lão thành Út Kỷ và Lê Duyên Hải ở chi bộ (cũ) của
Tống Văn Công đã giải quyết xong chưa, chớ còn chuyện ăn thua đủ của
mấy "đứa trẻ lên ba” ở Đà Nẵng thì vẫn còn căng lắm. Tuy Trần
Thọ đã nghỉ hưu nhưng Xuân Anh lại có ngay một địch thủ mới, chủ
tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ, truyền nhân của cựu bí thư.
Nhân sự tuy có khác nhưng mục
tiêu và đối tượng của những trận đấu đá "quyết liệt" thì y
vẫn như cũ: quyền lực, đất đai, tài sản, cổ phần, xe cộ, nhà cửa,
gái gú ... Phương tiện và luận điệu tranh chấp của cả hai ông (cùng
hai phe) cũng thế, cũng giống như “hai đứa bé lên ba” thôi.
Ủa, vậy chớ người lớn đâu
hết trơn rồi? Mấy anh ở trên, các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở Trung
Ương, sao không thấy ai can thiệp vậy cà?
T.T Nguyễn Xuân Phúc là nhân
vật cao cấp nhất trong chính phủ, người vẫn thường được được mô tả
là “sâu sát” nhưng riêng vụ này thì ổng ngó lơ. Lý do, theo một “mật
thư” hiện đang được lưu truyền trên mạng thì chính T.T. lại là tác
giả của tất cả những chuyện “lình xình” vừa kể:
Vụ việc lình xình giữa đồng chí
Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng và đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố
Đà Nẵng là do đồng chí Bảy Phúc gây ra. Đồng chí Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ làm việc
gắn bó, đoàn kết với nhau, làm được nhiều việc cho Đà Nẵng, cho đến khi đồng
chí Bảy Phúc lên làm Thủ tướng thì mâu thuẫn.
Đồng chí Bảy Phúc gây sức ép đồng
chí Xuân Anh, đồng chí Huỳnh Đức Thơ phải nhất nhất nghe theo mọi sự chỉ đạo của
đồng chí ấy, biến Đà Nẵng là sân sau của Thủ tướng ....
Cho dù sự thực có đúng như
vậy chăng nữa thì vẫn còn Đảng chớ bộ. Đồng Chí T.B.T Nguyễn Phú
Trọng (nhân vật được mô tả là “vô cùng liêm khiết”) đâu có thể để cho
những đảng viên dưới quyền làm ăn bậy bạ và bầy hầy tới cỡ này?
Ai cũng tưởng vậy nhưng không
phải vậy. TBT cũng có những nỗi khó khăn (tế nhị) riêng, như chính
ông đã từng tâm sự: đánh tham nhũng thì sợ vỡ bình vì ta tự đánh ta
mà! Toàn đảng, rõ ràng, chưa đứa nào lên bốn cả. Ấy thế mà những
đứa trẻ lên ba này đã khiến cho đảng viên lão thành Tống Văn Công
phải phải bỏ đảng (và vài triệu người Việt khác thì bỏ của) để
chạy lấy người.
Vụ bỏ chạy tập thể này đã
kéo dài vài thập niên, và được tiến sĩ Nguyễn Phương Mai mô tả (hết
sức lịch sự) là một cuộc “tị nạn niềm tin.” Cả một dân tộc đặt
niềm tin vào những đứa bé (hư hỏng) lên ba mà vận nước không lao đao
thì mới là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là dù hai phần ba thế kỷ đã trôi
qua, những đứa bé lên ba ở Việt Nam vẫn cứ ngang nhiên độc quyền quản
lý xứ sở này mà không hề phải đối mặt với bất cứ một sự phản
kháng nào - đáng kể!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét