Một nhân viên phân loại than dùng cho nhà máy điện đốt than
tại một mỏ than ở Đại Đồng, ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc hôm 20/10/2015.AFP photo
Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ có hơn nửa số điện trong nước được sản xuất từ các nhà máy điện
chạy bằng than, cùng lúc phải giảm 25%
lượng khí thải mà những dự án này nhả ra môi trường. Quyết định này gặp nhiều ý kiến phản hồi về mặt kỹ thuật lẫn
môi sinh.
Hãng tin Reuters hôm 24 tháng 5 cho biết Việt Nam sắp cấp
phép cho các công ty đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia để xây dựng 3
nhà máy điện than lớn tổng trị giá 7 tỷ 500 triệu đô la Mỹ. Dự kiến Việt Nam sẽ
cấp phép cho các dự án này vào trước chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn
Xuân Phúc sang Nhật Bản vào đầu tháng 6 năm nay.
Vẫn theo Reuters, dù Việt Nam rất muốn tăng mức sản xuất
năng lượng tái tạo trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên và áp lực bảo vệ môi
sinh nhưng thực tế cho thấy để có thể đáp ứng 11% nhu cầu điện khi mức cầu tăng
cao hàng năm thì mạng lưới điện hầu như
vẫn phụ thuộc gần hết vào thủy điện và
nhiệt điện. Đó là lý do Việt Nam đề kế
hoạch đến 2030 thì hơn một nửa mạng lưới điện
trong nước sẽ được sản xuất bởi
khoảng 40 nhà máy điện than xây thêm trên toàn quốc.
Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết giảm thiểu 25% lượng khí
thải từ các dự án nhiệt điện than từ giờ đến 2030.
Nói về sự mâu thuẫn trong kế hoạch cắt giảm khí thải nhưng lại
gia tăng xây dựng nhà máy nhiệt điện, ông Phạm Khánh Toàn, viện trưởng Viện
Năng Lượng thuộc EVN Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam cho đài Á châu Tự do biết:
Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030
thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%, trong lúc thủy điện và dầu khí đều giảm, còn năng lượng
mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% mà thôi vào năm 2030.
Bởi vì hết những nguồn khác như điện hạt nhân, Việt Nam chỉ
phát triển làm từ 2 đến 4 tổ máy, thủy điện hết rồi, dầu khí thì không tìm ra mỏ
mới để cấp cho nhà máy điện cho nên phải sử dụng than. Trước đây, tính toán cho
thấy than rất cao; nhưng vừa rồi theo tính toán lại nhu cầu và phát triển các
loại có thể khai thác được thì không cao như trước đây. Trước đây chúng tôi
tính than phải dùng 300 triệu tấn than một năm, nhưng nay chừng 140 triệu tấn.
Thế rồi công nghệ giúp bớt phát thải đi.
Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã cho xây thêm các nhà
máy điện chạy bằng than, điển hình như nhà máy nhiệt điện An Khánh I tỉnh
Thái Nguyên. Nhà máy điện than An Khánh
II được khởi công tại Thái Nguyên với công suất 300MW và vốn đầu tư
10 ngàn tỷ Đồng.
Tháng Mười năm 2015, Tập Đoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt
Nam TVK, tiến hành xây nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập ở Nghệ An, dự kiến vận hành
thương mại năm 2020.
Ngoài ra, nhiều nhà máy nhiệt điện đầu tư theo kiểu BOT xây
dựng-vận hành-chuyển giao cũng được Bộ
Công Thương Việt Nam cho lệnh khởi công như nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho đến nhiệt
điện Vĩnh Tân 4 ở Bình Thuận.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 gần đây đã gặp phải sự phản đối
của người dân địa phương do ô nhiễm.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải cho rằng việc xây dựng
và vận hành các nhà máy điện than tại Việt Nam rõ ràng đang gây tác hại nghiêm
trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thí dụ nhà máy nhiệt điện Uông Bí thì chúng ta thấy bụi than
như thế nào. Đầu tiên vận chuyển hàng đến là đường xá bẩn thỉu, mưa thì chất độc
trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2,
các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ một là bay tản ra vùng chung quanh, hai là
tích tụ thành mây để mưa xuống. Quanh đi
quẩn lại tất cả các chất độc sẽ làm hại đất,
nhưng dễ nhất là nó làm người ta
thở không được,làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng. Bụi than xỉ than làm
người ta không thể mở cửa nhà, cửa sổ. Thậm chí bây giờ người ta cố gắng tuyên
truyền là Việt Nam thiếu điện dùng, phải có nhiệt điện nếu không thì không biết
lấy gì bù vào. Biết bao nhiêu giáo sư tiến sĩ thực thụ giỏi, biết bao nhiêu kỹ sư bao nhiêu cử nhân đã học về
năng lượng tái tạo ở nước ngoài có được sử dụng đâu...
Ảnh hưởng lên sức khỏe con người
Khói thải ra từ ống khói nhà máy điện đốt than ở thành phố
Ji'nan, Trung Quốc hôm 23/12/2016. AFP photo
Năm 2015, Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh Green ID thuộc
Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội, đã tổ chức buổi hội thảo
để nói về những tác hại của nhiệt điện than đối với sức khỏe con người. Số liệu
từ Green ID cho thấy hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng
bệnh liên quan đến nhiệt điện than. Green ID cảnh báo là con số 4.300 có thể tăng thành 25.000 khi mà tất cả các dự
án nhiệt điện than theo qui hoạch đi vào hoạt động.
Vẫn theo Green ID, nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt
điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không
khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Nếu thường
xuyên hít vào loại sương mù này con người dần dà có những triệu chứng tức ngực,
ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài
sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thứ đến là xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa
học, khi con người hít vào thì những hạt li ti đó có thể len tận mạch máu, gây
rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…
Ngoài sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt
điện than còn tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh
trong bán kính cả trăm kilomet.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng,
giám đốc Trung tâm Kinh Tế Môi Trường, Đầu Tư Và Khu Công Nghiệp, Đại Học
Xây Dựng, giải thích ảnh hưởng của việc đốt than và những qui định mà một nhà
máy nhiệt điện phải tuân theo:
Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là
than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây
ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi,
SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2,
NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời
cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại
cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để
làm vật liệu xây dựng hay đối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn
nước và các mạch nước ngầm…
Dưới mắt giáo sư Phạm Ngọc Đăng, phát triển nào cũng có hai
mặt tích cực và tiêu cực. Trong kế hoạch phát triển nhiệt điện than, ông nói,
các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về công nghệ, về vận hành cũng
như xử lý chất thải từ nhà máy nhiệt điện:
Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc
cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thực tế một số nhà đầu tư kinh doanh muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người
ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát. Có một số nhà máy gây ô nhiễm môi
trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui
chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Cơ bản việc thực thi
pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực
cũng như chưa làm tròn trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm,
gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện.
Nếu thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì bảo vệ môi trường
được thôi.
Hôm 26 tháng Năm vừa qua, trong một bài viết đăng trên trang
mang Mongabay chuyên về môi trường và sinh thái, nhà báo David Brown có bài chi
tiết về kế hoạch phát triển nhiệt điện than mà Việt Nam muốn đưa vào qui mô năm
2030, nói rằng trong lúc GDP Việt Nam tăng 315% thì lượng khí thải nhà kính Việt
Nam cũng tăng vọt 937% từ 1991 đến 2012.
Trích dẫn lời chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim trước
một cử tọa gồm viên chức chính phủ lẫn doanh gia các nước ASEAN năm 2016, ký giả
David Brown nhắc lại lời ông Jim Yong Kim rằng nếu Việt Nam quyết đạt thêm 40 dự
án điện than với công suất hàng ngàn MW, và nếu cả khu vực đều áp dụng sản xuất
nhiệt điện than giống Việt Nam thì coi như con người và hành tinh này phải gánh
chịu thảm họa môi trường không thể tránh trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét