Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến bằng súng đạn, đã chấm dứt. Ngày nay, Việt Nam có thể vẫn là mối quan tâm cho quyền lợi của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, nhưng sẽ không quan trọng đến mức họ phải mang Hạm đội Thứ Bảy đến để bảo vệ hải phận Việt Nam hay chuẩn chi nhiều tỉ Mỹ kim để thay thế chế độ CS độc tài đảng trị tại Việt Nam hiện nay bằng một thể chế dân chủ.
Nhiều người khi đọc tin một chiến hạm Mỹ hay hàng không mẫu hạm Mỹ đi
vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hồi hộp đợi chờ dường như cuộc
chiến giữa Mỹ và Trung Cộng sắp bùng nổ nay mai. Họ không biết rằng
trong thời đại toàn cầu hóa này không có kẻ thắng và người bại dứt khoát
nào và ngoài ra những mâu thuẫn giữa các cường quốc chỉ mới bắt đầu còn
rất lâu mới chín muồi cho xung đột võ trang.
Trong quan điểm của Mỹ, quyền tự do lưu thông trên Biển Đông và chủ
quyền của các đảo đang tranh chấp là hai vấn đề chứ không phải là một.
Trung Cộng biết điều đó và đã nhiều lần tuyên bố tôn trọng quyền hải
hành trên Biển Đông nhưng cùng lúc lại tiếp tục quân sự hóa Hoàng Sa và
các phần đã chiếm được ở Trường Sa. Trung Cộng cũng hiểu ngoài những lời
chỉ trích, đưa tàu chiến tuần tra, gởi máy bay đến chụp hình, Mỹ không
thể làm gì khác hơn.
Lý tưởng tự do dân chủ không phải là món quà nhân đạo mà bao giờ cũng gắn liền với quyền lợi của nước Mỹ.
Dù là quốc gia đặt trên nền tảng dân chủ, lịch sử bang giao quốc tế
nhiều lần cho thấy, vì quyền lợi, các chính quyền Mỹ đã bảo trợ, bao
che, nuôi dưỡng những kẻ cầm quyền độc tài nhưng biết nghe lời hơn là
các nhà lãnh đạo yêu nước nhưng khó bảo. Trường hợp Pinochet của Chile,
Noriega của Panama, Somoza của Nicaragua, Marcos của Phi Luật Tân là vài
thí dụ điển hình.
Do đó, đừng ngạc nhiên khi Mỹ chấp nhận trò ngoại giao “đu dây” của CSVN
đến khi nào trò “đu dây” này còn phục vụ cho quyền lợi của Mỹ.
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iraq dưới thời Saddam Hussein là một bằng chứng.
Năm 2003, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld là người phát họa
kế hoạch tấn công Iraq nhưng năm 1983 cũng chính Donald H. Rumsfeld này,
với tư cách đặc sứ của TT Ronald Reagan được Saddam Hussein tiếp đón
niềm nở. Hoa Kỳ nuôi dưỡng chế độ độc tài Saddam Hussein để làm đối lực
với Iran cùng khối Hồi Giáo cực đoan quá khích và hợp tác khai thác dầu
hỏa với chế độ độc tài này. Khi bắt tay với Saddam Hussein, Donald H.
Rumsfeld đã biết Iraq dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh chống Iran
và tàn sát thường dân Kurds nhưng ông ta im lặng. Hai chục năm sau, Mỹ
xua quân lật đổ Saddam Hussein cũng không phải vì lòng thương xót số
phận đau thương của người dân Iraq mà chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ.
Tiếng kêu trầm thống của nhân dân Tây Tạng cất lên từ hơn nửa thế kỷ qua
nhưng ngoại trừ đôi lời an ủi và dăm ba lần tiếp xúc không chính thức,
không một áp lực quốc tế nào cứng rắn đủ để buộc Trung Cộng ngồi vào bàn
đàm phán. Tại sao? Tây Tạng nghèo khó và chẳng có tài nguyên nào để thu
hút các đại công ty tư bản.
Khác với cuộc chiến trước 1975 giữa Việt Nam Cộng Hòa liên minh với khối
thế giới tự do chống lại sự bành trướng của ý thức hệ CS, cuộc tranh
đấu ngày nay hoàn toàn là của người Việt Nam.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và chỉ người Việt Nam mới biết đau
khi những vùng đất của tổ tiên để lại bị Trung Cộng cướp đoạt.
Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh v.v... là người Việt Nam, và chỉ
người Việt mới biết đau từ vết thương của đồng bào mình đang rỉ máu
trong nhà tù CS.
Cuộc tranh đấu mới khó khăn và cô đơn hơn nhiều so với cuộc chiến bằng
súng đạn trước đây. Cuộc tranh đấu hôm nay không giới hạn bởi lằn ranh,
vĩ tuyến, hiệp định; kẻ thù của nhân dân Việt Nam không phải ở bên kia
sông Bến Hải mà ở bất cứ nơi nào, nhiều khi còn ở ngay trong gia đình
hay thậm chí chính bản thân mình.
Bên cạnh những khó khăn, cuộc tranh đấu mới có nhiều thuận lợi.
Làn sóng chuyển hóa mang đặc tính thời đại đang diễn ra trên phạm vi cả
nước, bắt đầu từ kinh tế và lần lượt lan sang những lãnh vực văn hóa,
thông tin, giáo dục và xã hội. Năm 1990, số người dấn thân tranh đấu còn
đếm trên đầu ngón tay, hôm nay họ có mặt ở khắp ba miền. Con số có thể
chưa đủ để tạo thành một lực thay đổi nhưng rõ ràng đang lớn mạnh.
Giới cầm quyền CSVN dùng mọi biện pháp bôi nhọ, đe dọa, bắt bớ, tù đày
các thành phần dân tộc chống đối nhưng chính họ cũng phải biết không bạo
lực nào ngăn chận được sự lớn mạnh âm thầm nhưng mãnh liệt của nhận
thức con người. Bài học Ba Lan, Romania, Đông Đức v.v... còn rất mới.
Ngày xưa chúng ta thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ
đóng vai trò chủ lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc
đẩy chuyến tàu dân chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần
thiết nữa. Một vận hội mới đang mở ra, và người Việt yêu nước, dù ở đâu
trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được hết phần
mình mà không phải chen lấn nhau hay giẫm lên bước chân người khác. Con
tàu phục hưng dân tộc Việt Nam còn rất rộng và đủ chỗ cho mọi người có
tâm huyết, hãy bước lên để cùng đi với dân tộc và thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét