Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Việt Thanh Nguyễn: Người Mỹ gốc Việt là hiện thân của mâu thuẫn trong lịch sử Mỹ



Titi Mary Trần/Người-Việt


Ngồi trên ghế sofa trong phòng khách được trang trí rất hiện đại và tinh tế, Việt Thanh Nguyễn nhìn qua khung cửa sổ rộng ra con đường đối diện mà thường ngày xe nối đuôi nhau đậu dọc bên hai hành lang. Thỉnh thoảng anh ngừng lại, nhấp một ngụm nước để giúp giảm đi những cơn ho và bớt đi cái mũi sụt sịt do bị cảm lạnh mấy ngày qua, cùng lúc trầm ngâm suy nghĩ làm sao để trả lời những câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt về cuốn sách mới ra “The Refugees” (Những Người Tị Nạn).

Sinh ra tại Buôn Mê Thuột và lớn lên tại California, tác giả Việt Thanh Nguyễn là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được giải Pulitzer thể loại tiểu thuyết hư cấu của cuốn sách đầu tay, “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên). Với một cách viết rất khéo léo và đầy tinh vi, anh đã nói lên được sự phức tạp của chiến tranh Việt Nam và Mỹ và đưa ra một tiếng nói không mấy quen thuộc trong văn chương chiến tranh Việt Nam: Đó là tiếng nói đầy mâu thuẫn của một người gián điệp thân Cộng.


Từ trái, ông Joseph Nguyễn, thân phụ của tác giả, Việt Thanh Nguyễn, và anh trai, Tùng Nguyễn, tại buổi lễ tuyên dương ở tòa thị chính San Jose. (Hình: Việt Thanh Nguyễn cung cấp)

Sau một vài tin nhắn trên facebook và nhờ vào mối quan hệ bạn bè với người phối ngẫu, phóng viên nhật báo Người Việt được tác giả đồng ý trả lời cuộc phóng vấn riêng tại tư gia của anh ở Los Angeles. Thật ngạc nhiên khi đến căn nhà gạch đỏ, cái cổng sắt đã mở rộng như đang chờ và chào đón khách đến. Cơn gió Santa Ana vào một chiều cuối tuần ở Nam California rú lên trên không làm cho những chiếc lá vàng rơi trước sân nhà xoáy thẳng tạo ra những cơn lốc lá vàng thật lạ. Có lẽ vì vậy mà con đường nhỏ gạch đỏ từ cổng sắt vào cửa chính trở nên huyền bí hơn. Việt Thanh Nguyễn mở cửa với một nụ cười tươi mặc dù gương mặt điển trai của tác giả này có nét gì đó rất mệt mỏi. Đằng sau cánh cửa chính là một cầu thang dẫn vào phòng khách. Cuối chân cầu thang là chỗ tháo giày mà có lẽ người chủ căn nhà tử tế nhắc nhở khách mà không cần lời. Tất cả các đôi giày bao gồm một vài đôi của người lớn và hai đôi bé tí đều được sắp xếp rất gọn gàng. Có lẽ cậu bé con của Việt và người phối ngẫu là chủ của hai đôi giày rất lịch lãm và hợp thời trang này.

So sánh giữa tị nạn và di dân

“The Refugees” là một tuyển tập nhiều truyện ngắn viết trước cuốn “The Sympathizer.” Có một sự khác biệt rõ ràng trong định nghĩa giữa tị nạn và di dân. Trong lúc những người tị nạn bắt buộc phải rời khỏi quê hương và không có sự chuẩn bị nào cả để trốn tránh chiến tranh, khủng bố, hoặc thảm hoạ thiên tai, di dân lựa chọn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để ra nước ngoài đi tìm đường sống với những cơ hội kinh tế, chính trị, xã hội tốt hơn. Hơn nữa, người tị nạn thường đối diện với nhiều khó khăn và thử thách hơn khi hoà nhập vào môi trường mới so với di dân vì họ thường bị kẹt trong những tình huống không có chuẩn bị.

Anh thố lộ, “Tôi lớn lên trong một cộng đồng người Việt tại San Jose vào thập niên 1970, 1980, một nơi có rất nhiều mặt trái, nghèo đói, lừa dối, lạm dụng tiền trợ cấp, bạo lực trong gia đình, những người bỏ nhà ra đi, từ bỏ vợ chồng, con cái, và bạo lực. Cho nên tôi nghĩ đương nhiên những điều đó uốn nắn suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của một người tị nạn. Mà tị nạn không phải là một kinh nghiệm vui vẻ gì, và điều này tất cả những người Việt đều biết. Nhưng hầu như người Mỹ không biết về những câu chuyện tị nạn, và những gì xảy ra trong cộng đồng Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng tôi về mặt lý thuyết một cách mà nó đưa tôi đến con đường muốn cố gắng tìm hiểu làm sao để kể một câu chuyện và làm cách nào mà chúng ta biết hoặc không biết những điều về những người mà mình nghĩ là khác biệt với mình. Trong trường hợp của người Việt, chúng ta là những người khác biệt so với người Mỹ hoặc những người Mỹ khác. Và chúng ta muốn thách thức cái thực tại ở Hoa Kỳ là người Mỹ đa số kể chuyện và viết những câu chuyện về họ, những người Mỹ trắng, mà không phải là những câu chuyện về những người Mỹ mới, những di dân, những người tị nạn, những người như chúng ta.”


Học cách kỳ thị chủng tộc để trở thành Mỹ hơn

Có câu nói “Mỹ là quốc gia của những di dân.” Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài những người mới tới thường bị ăn hiếp. Việt Thanh Nguyễn giải thích, “Những nhóm người mới đến trong quốc gia này trong một thế kỷ, hoặc một thế kỷ hơn, đã trở thành người Mỹ, phần là do những người mới hơn đến sau càng bị thờ ơ ghét bỏ. Và một khi họ đã ở quốc gia này rồi, họ học biết được là nếu họ trở thành những người kỳ thị chủng tộc thì có thể họ trở thành người Mỹ bằng cách tách biệt họ ra khỏi thành phần dân số đang bị miệt thị.”

Người Mỹ gốc Việt thật ra không khác gì. Mặc dù Việt Thanh Nguyễn muốn thách thức ý nghĩ là một người phải có phong cách kỳ thị chủng tộc để trở thành người Mỹ, anh nhận biết rằng, ” Những người Việt mà tôi biết trong cộng đồng Việt nam là những người có tính cách kỳ thị chủng tộc. Họ nói những điều rất thành kiến về người Nam Mỹ, người Mỹ gốc Phi, và đây là một trong những thực tại của văn hoá Việt Nam. Một trong những thực tại của người Việt là khi họ trở thành người Mỹ, họ thu thập tính cách của người Mỹ.” Anh lo lắng là “những người Việt đương thời và những người Mỹ gốc Việt có thể không thông cảm cho người Hồi Giáo hoặc người Syria, và có những người Mỹ gốc Việt đang làm chính xác những việc như vậy, nói rằng chúng tôi là những người tị nạn Việt nam. Chúng tôi, người Mỹ gốc Việt, là những người tị nạn tốt, chúng tôi không giống như người tị nạn Syria. Đó là cách chính xác mà Mỹ hoá, một trong những gương mặt của nó, thực hiện được.”

Khác với “The Sympathizer,” một cuốn sách viết cho độc giả người Việt, “The Refugees” là tuyển tập của nhiều câu chuyện ngắn về người Mỹ gốc Việt và không cho độc giả Việt nam. Tác giả nhận, “Khi tôi còn là một tay bút trẻ, tôi muốn nói lên cái sự vắng mặt hoặc khoảng cách đó trong những câu chuyện ngắn, nhưng nếu làm như vậy thì có nghĩa những độc giả hàng đầu của tôi sẽ là người Mỹ. Người Việt đã biết những câu chuyện này rồi bằng cách này hay cách khác.”

Việt Thanh Nguyễn mất gần 20 năm để viết những câu chuyện ngắn nói lên những thắc mắc nội tâm về nhân cách như kỳ thị chủng tộc, đồng hoá, văn hoá ưu thế đối với văn hoá ức chế, để nhận ra rằng anh không phải giải thích sự khác biệt về văn hoá cũng như về màu da của riêng anh cho dân số dòng chính của Mỹ.

“Tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức,” anh nhấn mạnh.

“Người thiểu số trong quốc gia này và hầu hết các quốc gia khác thường có cảm giác họ phải giải thích bản thân họ cho những người thuộc dòng chính. Những người thuộc dòng chính chưa bao giờ phải giải thích gì hết vì họ tự cho rằng mọi người đã biết những giả định và hiểu biết về họ. Thành thử, nếu bạn là một tác giả trong dòng chính, bạn không phải giải thích. Lý do tôi nói tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức vì tôi nghĩ tất cả những tác giả thuộc dòng phụ nên là những tác giả ngang ngược và thách thức. Và nếu chúng ta giải thích, chúng ta sẽ là tác giả dòng phụ đến suốt đời. Công việc của tôi, một tác giả, là không từ chối văn hoá dòng phụ thiểu số nơi mà tôi lớn lên để tôi có thể viết về những người Việt, nhưng tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính.”

Việt Thanh Nguyễn và mẹ tại đồn điền cao su Ban Mê Thuột năm 1973 (Hình: Việt Thanh Nguyễn cung cấp)

“Cái động lực căn bản trong quốc gia này là một người thuộc dòng phụ bạn chỉ có hai lựa chọn, thường là vậy, một là thuộc dòng chính hoặc dòng phụ. Đó là một trong những lý do tại sao nhiều người Mỹ gốc Á trong quốc gia này hoặc là dính chặt với dân của họ hoặc là họ đồng hoá với người da trắng. Họ lấy người da trắng chẳng hạn. Họ thường không thành hôn với người Nam Mỹ hoặc người Mỹ gốc Phi, và cái lựa chọn một-hoặc-hai này là cái lựa chọn tôi từ chối bởi vì tôi nghĩ nó tự động nhấn mạnh lại ưu thế của dòng chính của người da trắng, và tôi cũng không thích thú xoa dịu cái dân số đó cho lắm.”

“Người Mỹ gốc Việt là một trong những thiểu số ở quốc gia này mà phải cố gắng vươn lên để sống Giấc Mơ Mỹ–một cách nói khác về một thuyết lý sâu sắc giữa người Mỹ. Trong khi đó, sự tồn tại của người Mỹ gốc Việt ở quốc gia này mang lại một lịch sử đi ngược lại với Giấc Mơ Mỹ. Hầu hết chúng ta sẽ không có trong quốc gia này nếu không phải do chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh đó, bạn có thể cải chính và tất cả những điều khác nhau, nhưng nó tồn tại trong lịch sử Hoa Kỳ như là một chương rất chia rẽ trong xã hội Mỹ, phần là vì nó chống lại tất cả những lý tưởng cao quý của Mỹ. Cho nên chúng ta là một trong những hiện thân đang sống của một sự mâu thuẫn sâu sắc trong lịch sử và tích cách Mỹ.

Người Mỹ, Việt Thanh Nguyễn diễn tả, “thì lạc quan một cách chóng quên.”

Hoa Kỳ thả bom tại Việt Nam nhiều hơn tất cả các bom Hoa Kỳ thả trước đó trong hai thế chiến, bao gồm hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Không thể nào từ chối quốc gia Việt nam và con người Việt Nam có một chỗ đứng trong lịch sử Mỹ. Nhưng giống như những thành phần thiểu số khác, sự cố gắng để được thừa nhận và từ đó tạo ra một danh tánh trong một quốc gia di dân đa dạng của Hoa Kỳ là một cố gắng không ngừng nghỉ và biến đổi qua nhiều giai đoạn. Quá trình này hiện rõ trong hành trình Việt Thanh Nguyễn trở thành một tác giả.

Anh hồi tưởng lại cú sốc văn hoá chủng tộc đầu tiên: “Tôi nhớ khi tôi đến San Jose trong cuối thập niên 1970, ba má tôi mở một tiệm tạp hoá ngay trung tâm thành phố. Tôi đi bộ xuống đường một ngày và thấy hàng chữ trên một cửa sổ của một tiệm khác ghi, ‘Lại một người Mỹ bị mất nghiệp vì người Việt,’ và lúc đó tôi không biết phân biệt chủng tộc là gì hết, nhưng nó làm tôi rối loạn. Tôi chưa bao giờ quên điều đó vì tôi thấy ba má của tôi không có làm cho ai thất nghiệp cả, bởi vì trung tâm thành phố San Jose lúc đó thật không phải là nơi tốt để sinh sống. Tôi cảm thấy được thật là sai khi đổ lỗi cho người Việt về những vấn đề kinh tế đang xảy ra tại San Jose, và rõ ràng đó là những vấn đề về văn hoá kỳ thị chủng tộc ở đây.”

Chủng tộc, màu da có thể thắng các vấn đề khác

Việt Thanh Nguyễn chọn ngòi bút như là vũ khí cá nhân để giải quyết các vấn đề danh tánh và văn hoá anh phải đối diện trong lúc trưởng thành. “Tôi chắc chắn thuộc dòng chính khi nói về học vấn, ngôn ngữ, tài sản, nghề nghiệp, những thứ như vậy, nhưng tôi không thuộc dòng chính khi nói về màu da. Và thực tế của quốc gia này là nó vẫn còn rất quan trọng như cuộc bầu cử tổng thống mới cho thấy. Và chủng tộc có thể thắng các vấn đề khác, theo đúng nghĩa đen. Đó là lý do tại sao tôi từ chối cái lựa chọn một-hoặc-hai của dòng chính hoặc dòng phụ, của đa số hoặc thiểu số. Một số tác giả không thuộc dòng chính quyết định họ sẽ không viết về lai lịch thiểu số của họ, nhưng thay vào đó họ quyết định viết về dòng chính, họ viết về người da trắng. Và một lần nữa đó là quy phục vào một lựa chọn sai lầm. Tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính nhưng cùng một lúc tôi cũng sẽ nói về người Việt Nam. Hai cái đó cần phải kết hợp với nhau. Những chiến lược đó là trái tim của những gì tôi cho là một quyết định thuần mỹ mà tôi đã quyết định trong lúc viết những quyển sách của tôi.”

Tác giả tiếp tục, “Tôi phải trải qua một thời gian dài để biết được làm sao để làm như vậy và đó là tại sao viết tuyển tập những câu chuyện ngắn là một phần cốt yếu trong giáo dục của tôi như một tác giả. Đây là cách tôi dạy cho bản thân trở thành một tác giả, bằng cách viết truyện ngắn. Lúc đầu tôi nghĩ tôi muốn giải thích người Việt cho những người không phải là người Việt. Nhưng khi đến đoạn cuối thì tôi lại nghĩ tôi sẽ từ chối giải thích và tôi sẽ viết về những kinh nghiệm không thuộc dòng chính như là tôi thuộc dòng chính và do đó dựng nên một nền tảng cho tôi viết cuốn ‘The Sympathizer,’ nó ngang ngược và tức giận hơn là ‘The Refugees.'”

Mặc dù Việt Thanh Nguyễn thuộc lớp người tị nạn Việt Nam đầu tiên thoát khoải Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, anh nghĩ anh may mắn khi đến Hoa Kỳ lúc anh còn bốn tuổi. Những người tị nạn Việt nam lớn tuổi hơn thường mang theo những vết sẹo chiến tranh và đã là người trưởng thành rồi. Họ có thể sẽ không bao giờ hoà nhập vào xã hội Mỹ dễ dàng như là những đứa trẻ.

Tôi là một người ngoài cuộc

Việt Thanh Nguyễn là một phần của dòng phụ ngay cả trong những cộng đồng Viêt Nam cho tới khi anh được giải Pulitzer. Anh thừa nhận, “Từ bản thân là một người trẻ, tôi không có được những di sản văn hoá, vừa là sức mạnh hoặc là nhân chứng. Thật ra, tôi nhận mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam là như vậy cho tới năm ngoái, tôi thuộc dòng phụ trong cộng đồng đó, vì tôi là một người ngoài cuộc.”

Truyện duy nhất thuộc tiểu sử trong tuyển tập “The Refugees” là “War Years.” Trong đó, tác giả là một cậu bé giúp ba má trông chừng tiệm tạp hoá tại San Jose, và quan sát những giao thiệp hàng ngày giữa mẹ của anh và khách hàng. Những thực tập quan sát này tất nhiên giúp anh trở thành một tác giả riêng biệt khác với nhiều người Mỹ gốc Việt, và khác với ngay cả người Việt sống tại Việt Nam. “Tôi cảm nhận rằng,” anh giải thích, “cho chính tôi cái cảm giác xa cách khỏi cộng đồng người Việt, dù là cộng đồng ở đây hay ở Việt Nam, mà tôi nghĩ như là rắc rối vì tôi chưa bao giờ thích hợp với cộng đồng này và tới giờ vẫn chưa. Cùng lúc đó, điều này rất có lợi cho tôi là một tác giả bởi vì tôi biết đủ về Việt Nam và cộng đồng Việt Nam để hiểu nhiều những gì xảy ra, nhưng tôi lại ở bên ngoài nên tôi có thể nhìn thấy được những giới hạn của họ. Có nhiều người Việt Nam chìm sâu trong trong văn hoá Việt Nam quá mức đến nỗi họ không thấy được những gì bên ngoài của nó, và đó là một vấn đề. Cho những tác giả, nó là một điều tốt nếu có thể nhìn thấy được cả mặt trong và mặt ngoài của văn hoá mình đang viết.”

Những câu chuyện văn hoá

Trong “Other Men,” một truyện ngắn trong tuyển tập, Việt Thanh Nguyễn cho vai chính là một người đàn ông đồng tính tị nạn từ Việt nam, một người đang đối chọi với bản năng giới tính của chính mình trong lúc sống chung với hai người đàn ông đồng tính khác ở San Francisco. Mặc dù câu chuyện là hư cấu, tác giả công nhận là nó có một chút tiểu sử về khía cạnh anh từng là một người kỳ thị giới tính trong những năm anh còn ở bậc trung học.

Anh nhớ lại kinh nghiệm khi một người nào đó thách thức lối suy nghĩ của anh về kỳ thị đồng tính ở trung học. Lúc đó anh đi làm và một trông những bạn làm chung là một cô gái đồng tính. Anh chẳng hề mảy may cô là một cô gái đồng tính và quản lý của anh bảo, “Vâng, cô là một người đồng tính.” Anh nói, “Thật hả?” và quản lý nói, “Vâng, cô Nghĩ anh kỳ thị giới tính.” Anh trả lời, “Thật hả?” Sau này anh giải thích, “Tôi nghĩ đó là một giây phút khá thú vị cho chính tôi vì có một vài người khi bạn nói ‘bạn kỳ thị chủng tộc’ họ sẽ tự động nói ‘không.’ Họ sẽ như là ‘Không, tuyệt đối không! Tôi là một người tốt.’ Tôi nghĩ đó là một đáp trả không lành mạnh bởi vì bạn nên chất vấn. Bạn nên có khả năng chất vấn chính bản thân, và trong trường hợp của tôi, tôi như là, ‘Ok, có thể tôi kỳ thị giới tính. Tôi phải tìm hiểu nó có nghĩa gì.’ Người Việt cũng vậy, thực ra, họ sẽ chối là họ kỳ thị chủng tộc mặc dù họ đang làm điều đó. Họ nghĩ kỳ thị chủng tộc là một cái gì đó kinh khủng, tồi tệ, và nó là những điều mà KKK làm. Thật ra, hầu hết mọi người kỳ thị chủng tộc một cách ẩn ý, ôn hoà, và có thành kiến, và việc chối bỏ nhận ra điều này chính nó là một vấn đề.”

Phóng viên nhật báo Người Việt hỏi Việt Thanh Nguyễn anh có bao giờ tự hỏi chính suy nghĩ bản thân về những người thuộc giới đồng tính, đa tính, chuyển giới hay bị gán cho những thành kiến mà cộng đồng này thường gặp phải. Ngay cả suy nghĩ của anh cũng làm cho người khác phải đắn đo. Anh nói, “Tôi nghĩ những người kỳ thị giới tính theo định nghĩa sẽ không tự hỏi chính bản thân họ. Hầu hết mọi người nằm trong quang phổ từ 100% đồng giới tính và 100% không đồng giới tính. Chúng ta nằm đâu đó trong quang phổ này và trong trường hợp của tôi, khoảng 90% không đồng giới. Tôi bằng lòng với điều đó. Ví dụ, 10% có nghĩa tôi nhận ra đàn ông thì quyến rũ nhưng tôi không có cảm giác lôi cuốn. Tôi bằng lòng với nhận định đó và tôi nghĩ điều đó lành mạnh nếu bạn có thể bao dung sự thật là có một tập hợp nhiều màu sắc từ hầu hết nhiều người, nhưng nếu bạn tuyệt đối và căn bản chối bỏ cái khả năng đó thì bạn có thể không nhận ra điều đó, và đó là một vấn đề thật sự.”

Gia đình:  Người Mỹ gốc Việt thì cũng giống như tất cả người khác thôi

“The Refugees” là một quyển sách nhằm kể những chuyện của người Mỹ gốc Việt cho người Mỹ nghe. Nhưng nó có vẻ không nói tới nhiều cho lắm về hôn nhân đa chủng tộc, một đề tài về danh tính hôn nhân thu hút quan tâm của nhiều giới trẻ gốc Việt. Khi hỏi anh nghĩ gì về đòi hỏi của những cuộc hôn nhân khác chủng tộc, những gia đình nhiều thế hệ, và gia đình Việt Nam truyền thống, anh chỉ nói thoáng qua một cách chung chung. Việt Thanh Nguyễn chia sẻ, “Tôi được cha mẹ nuôi dưỡng. Họ tin rằng gia đình Việt Nam và con người Việt nam là hoàn hảo bởi vì họ là người Công Giáo. Họ muốn tôi lấy một cô gái Việt, bởi vì những người phụ nữ Việt là nhất và trong trắng nhất và tất cả. Nhưng những cuộc tiếp xúc của tôi với những người gốc Việt, phụ nữ Việt, và đàn ông Việt thì sự thật là rất xa vời. Người Việt cũng giống như tất cả người khác thôi. Tôi có một chuỗi lý tưởng và đức hạnh dành cho những hành động giới tính mẫu mực của nam giới và nữ giới, của cha và mẹ, của mẹ và con. Nhưng trong thực tế, chúng ta lúc nào cũng phá vỡ những định mức văn hoá đó. Người Việt ngoại tình. Họ đối xử tệ bạc với nhau, với con cái của họ, cùng trên những gì tốt. Cũng có những điều tốt xảy ra nữa.”


Những suy nghĩ kết

Nhưng mà, Việt Thanh Nguyễn giải thích, “Tôi cố gắng không minh bạch về những điều mà người Việt đã biết rồi vì nếu chúng ta đã biết rồi, chúng ta không cần phải minh bạch. Trong người Việt, chúng ta biết là cha mẹ và con cái chăm sóc lẫn nhau nhiều giai đoạn trong cuộc sống của họ. Điều đó ít khi nào cần phải nói ra. Nếu tôi nên nói lớn ra, thì tôi chắc sẽ phải giải thích cho một người nào đó không phải là Việt Nam và trong tuyển tập truyện ngắn tôi cố gắng không giải thích vì nếu bạn giải thích thì có nghĩa bạn tự động điều chỉnh mình về hướng độc giả không phải người Việt. Trong những câu chuyện này, mối quan hệ giữa những người Việt được những hiểu biết văn hoá thầm kín đưa đẩy. Rất quan trọng đối với tôi để miêu tả và biết rằng những mối quan hệ này là bình thường. Bởi vì trong cộng đồng người Việt, những điều này là bình thường. Chỉ khi nào người nào đó không phải là người Việt gia nhập vào trong hình ảnh thì những mối quan hệ này không có vẻ là bình thường vì người đó có một hiểu biết khác. Và nếu người đó là người da trắng thì tôi là một tác giả có lựa chọn giải thích hoặc không giải thích.”

Những cuộc phỏng vấn với những tác giả tuyệt tác và những cá nhân sâu sắc thường đem đến sự hiểu biết thông suốt và nhiều sức mạnh có tính thúc đẩy. Cuộc nói chuyện của Việt Thanh Nguyễn với tư cách là một người Mỹ gốc Việt về danh tính, văn hoá, kỳ thị chủng tộc, gia đình, và những thành quả cá nhân qua quá trình viết lách thì quả thật là những hiểu biết giúp nâng cao tri thức và thúc đẩy hành động sâu sắc. Một người không thể nào đạt được đến mức đó nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tâm trí của người Mỹ gốc Việt. Có lẽ đó là tại sao anh chọn ma, cả ma sống và ma chết, để làm vai chính trong chương đầu tiên của tuyển tập truyện ngắn “The Refugees.”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét