Biểu tình đòi thả người ở sân bay O'Hair, Chicago ngày 28/01/2017. |
(Tổng hợp AFP,
Reuters, Le Figaro, Le Monde, Huffington Post 29/01/2017) Những
người có thẻ xanh bị chận lại ở các sân bay, người có visa hợp lệ vẫn bị buộc
phải quay về nước…Sau sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân bảy nước Hồi giáo
nhập cảnh vào Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump, tình trạng hỗn loạn diễn ra
tại nhiều nơi trên thế giới. Tối qua 28/01/2017 theo giờ Mỹ, hai thẩm phán liên
bang đã ra lệnh tạm thời giải tỏa các trường hợp này, nhưng không đề cập đến
việc có vi hiến hay không. Một cuộc chiến dai dẳng bắt đầu mở ra giữa những
người ủng hộ nhập cư và tân chính quyền Mỹ.
Sắc lệnh chưa từng thấy này cấm nhập cảnh vào Mỹ công dân
các nước Irak, Iran, Libya, Somali, Soudan, Syria, Yemen, ngay cả khi họ có
visa hoặc thẻ xanh (thường trú tại Hoa Kỳ) trong vòng ba tháng. Người tị nạn
Syria thì bị cấm cho đến khi có lệnh mới. Hôm thứ Bảy 28/1, rất nhiều người đã
bày tỏ sự tuyệt vọng trước quyết định của ông Trump.
Ông Fouad Charef trưng ra visa vào Mỹ hợp lệ. Ông đã bán hết nhà cửa, xe cộ để sang Mỹ định cư cùng gia đình, nhưng đã bị đuổi về Irak. |
« Donald Trump đã hại đời tôi! »
« Tôi là tiến sĩ
người gốc Iran ở Mỹ, nhưng nay tôi không còn có thể về thăm gia đình ».
« Là người mang quốc tịch Iran-Canada và sinh sống ở Hoa Kỳ, tôi sợ nếu đi
Canada sẽ không quay lại được ». Một doanh nhân khác cho biết dù đã được cấp visa, ông không
thể đi dự hội nghị do ông tổ chức tại Hoa Kỳ, tuy có hợp đồng trên 500.000 đô
la với các công ty hàng không Mỹ. Một nữ sinh viên quản trị người Iran phải
quay trở về Mỹ ngày 4/2, đã có vé của Turkish Airlines nhưng bị hủy.
Tuy không có quan hệ ngoại giao từ 37 năm qua, nhưng hiện có
một triệu người Iran sống tại Hoa Kỳ, và nhiều từ Iran hàng năm sang thăm gia
đình. Tối qua Iran tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp tương tự với công dân Mỹ nếu
quyết định trên không bị dỡ bỏ.
Hãng hàng không Pháp mời các hành khách đi New York "có vấn đề"đến trao đổi. |
Nhà báo người Syria Honey Al Sayed sống tại Virginia, có thẻ
xanh, từng phụ trách chương trình nổi tiếng « Good
Morning, Syria » thu hút hàng triệu thính giả, nay giảng dạy tại đại
học Georgetown, cũng không dám ra khỏi nước Mỹ, sợ không quay lại được.
Kiểm soát gắt gao hành khách nhập cảnh vào sân bay Los Angeles. |
Biên phòng quá tải, hàng không ngăn khách lên tàu
Các nhân viên an ninh tại các sân bay Mỹ bị quá tải trước
tình hình. Theo chủ tịch Hội đồng Iran-Mỹ, cảnh sát biên phòng được thông báo
về sắc lệnh mới vào 16h30 thứ Sáu 27/1 nhưng không có chỉ thị cụ thể. Nhiều
công dân Iran có thẻ xanh ban đầu bị cấm vào, bị khám xét và thẩm vấn nhiều
tiếng đồng hồ, rốt cuộc được cho nhập cảnh.
Tại các nước khác, trong 27 tiếng đồng hồ qua ngày càng
nhiều hành khách bị chận lại. Ở Cairo hôm thứ Bảy 28/1, năm người Irak và một
người Yemen không được phép lên máy bay đi New York. Dù có visa hợp lệ, các
hành khách quá cảnh bị buộc phải lên một chuyến bay khác về nước.
Qatar Airways cảnh báo các hành khách là công dân bảy nước
bị cấm, chỉ những ai có thẻ xanh hoặc visa ngoại giao mới được lên tàu – chủ
yếu là thành viên các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế
hay NATO, nhưng sau đó cả người có thẻ xanh cũng bị từ chối. KLM thì từ chối
hẳn. Công ty WestJet của Canada thông báo sẽ hoàn tiền lại. Air France đã từ
chối bảy trường hợp bay đi Mỹ, và gởi email, tin nhắn cho các hành khách về quy
định mới.
Khoảng 2.000 người biểu tình tại phi trường JF Kennedy. |
Liên đới phản kháng
Trước tình hình đó, một số quyết định tổ chức phản kháng. Tờ
New York Times nêu ra khả năng khởi kiện tập thể. Liên hiệp quyền công dân Mỹ
(ACLU) và nhiều tổ chức hỗ trợ người nhập cư hôm thứ Bảy đã nộp đơn lên một tòa
án liên bang New York kiện tổng thống Donald Trump và bộ Nội an, về trường hợp
hai người Irak bị câu lưu tối thứ Sáu ở sân bay JF Kennedy. Một người từng làm
việc cho các công ty Mỹ và lãnh sự quán Mỹ ở Erbil mười năm, người kia đi đoàn
tụ với vợ con đang tị nạn tại Mỹ. Cả hai đã được trả tự do sau đó.
Tình hình đặc biệt rối loạn hôm thứ Bảy 28/1 ở sân bay JF
Kennedy, New York, ngõ vào chủ yếu đối với hành khách quốc tế. Nhất là tại
Terminal 4, lực lượng cảnh sát được triển khai hùng hậu, hàng trăm người đến
đón thân nhân không được vào. Khoảng 2.000 người đã biểu tình tại parking sân
bay, trong đó có cả nữ diễn viên Cinthia Nixon nổi tiếng với phim Sex and the
City. Đạo diễn Michael Moore kêu gọi: « Những
bạn nào ở gần New York, hãy đến Terminal 4 JFK ! ».
Hai dân biểu Dân Chủ Jerry Nadler và Nydia Velasquer đến tận
nơi để cố vận động trả tự do cho những người có thẻ xanh hoặc visa hợp lệ bị
tạm giữ, nhưng vấn đề là không biết có bao nhiêu người bị câu lưu, bao nhiêu
người trong những chuyến bay sắp tới. Một số người dân cho biết sẵn sàng cho
những ai bị chận ở sân bay ngủ nhờ nếu cần. New York Times ước tính có khoảng
100 đến 200 hành khách bị câu lưu và bị đe dọa trục xuất.
Phong trào phản kháng lan rộng ra nhiều nơi trên khắp nước
Mỹ. Các cuộc biểu tình diễn ra ở các sân bay Dulles gần Washington, Chicago,
Minneapolis, Denver, San Francisco, Dalas. Chiều thứ Bảy, các luật sư tập hợp
lại tại sân bay Los Angeles (LAX), và một cuộc biểu tình khác sẽ được tổ chức
cũng tại LAX chiều Chủ nhật 29/1.
Được biết vào tối thứ Bảy, thẩm phán Ann Donnelly, do ông
Barack Obama bổ nhiệm tại tòa án liên bang Brooklyn, đã ra lệnh ngưng việc vụ
câu lưu và gởi trả về nước. Thẩm phán Leonie Brinkema ở Alexandria, Virginia do
Bill Clinton bổ nhiệm cho tạm ngưng bảy ngày việc trục xuất những người có thẻ
xanh bị giữ ở sân bay Dulles, Washington.
Đây là những chiến thắng đầu tiên, hứa hẹn một cuộc chiến
lâu dài trong lòng nước Mỹ về vấn đề nhập cư.
Sergey Brin, người sáng lập Google cũng có mặt bên cạnh những người biểu tình tại phi trường Los Angeles. |
Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều người đã đến sân bay JFK. |
Riêng tại Pháp, trên tờ báo Le Figaro (thiên hữu) có bài
viết sớm nhất về sự kiện này, từ tối qua đã có hơn 1.000 lời bình của độc giả,
đa số ủng hộ lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh của ông Trump. Họ cho rằng nếu
nước Pháp cũng hành động tương tự thì đã không xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu
vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét