Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Mỹ đang rút khỏi các thỏa hiệp mậu dịch quốc tế

Hà Tường Cát



 Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP. (Hình: SAUL LOEB/AFP/Getty Images) 


Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nạn nhân đầu tiên trong những di sản của chính quyền Obama bị xóa bỏ, đúng như người ta đã chờ đợi ở Tổng Thống Donald Trump. TPP là hiệp định về thỏa thuận tự do mậu dịch có mục tiêu hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Thái Bình Dương. 


Mười hai quốc gia – Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Úc, New Zealand, Nhật, Malaysia,  Brunei, Singapore, Việt Nam – chính thức ký kết hiệp định ngày 4 Tháng Hai, 2016 tại Auckland, New Zealand. Đây là thành tích vận động và nỗ lực thương lượng bền bỉ sau năm năm đàm phán và nếu được thực hiện sẽ trở thành cốt lõi cho chiến lược hướng về Châu Á của chính quyền Obama.

Hôm Thứ Hai, TPP nằm trong loạt các sắc lệnh được tân tổng thống ký hủy bỏ trong ngày làm việc đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc. Trong cuộc tranh cử năm ngoái, ông Trump đã mạnh mẽ phê phán TPP là một thỏa hiệp mậu dịch tệ hại cho công nhân Mỹ.

Ngày 21 Tháng Mười Một, 2016, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã nói rằng ngay sau ngày nhậm chức,  20 Tháng Giêng, ông sẽ ban hành quyết định rút khỏi TPP.  Phản ứng với tin này, trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày tại Buenos Aires, Argentina, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cho là TPP sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Trên thực tế, sắc lệnh rút khỏi TPP của Tổng Thống Trump chỉ mang tính cách tượng trưng vì hiệp định này chưa được Quốc Hội phê chuẩn và có lẽ không bao giờ có được sự đồng thuận. Một mặt, Quốc Hội Mỹ từ những năm gần đây có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai chính đảng. Mặt khác vì nhu cầu ủng hộ của các nghiệp đoàn nhiều thành viên Dân Chủ lại là những người chống TPP trong khi đa số người Cộng Hòa, nhưng không phải là tất cả, tán thành tự do mậu dịch. Do đó, Tổng Thống Obama chưa bao giờ chuyển TPP qua Quốc Hội để xin được phê chuẩn.

Tuy nhiên, hành động xóa bỏ TPP là tín hiệu cho thấy tân chính quyền Mỹ sẽ thực hiện lời hứa hẹn theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn trong sự cạnh tranh với các đối tác quốc tế. Đây là sự đảo ngược chính sách kinh tế của Mỹ từ nhiều thập niên, với các tổng thống thuộc cả hai đảng đều cho giảm mức thuế quan và gia tăng quan hệ mậu dịch với các quốc gia trên toàn thế giới. Trong thời gian tranh cử, ông Barack Obama cũng đã từng chỉ trích các thỏa hiệp mậu dịch quốc tế nhưng khi vào Tòa Bạch Ốc thì lại theo chủ trương phát triển thêm.

Ông Trump tuyên bố khi ký sắc lệnh – được coi như một bị vong lục (memorandum), nghĩa là nhắc nhở đường lối thi hành cho các gới chức hành pháp hữu trách – rằng: “Chúng ta đã nói tới chuyện này từ lâu và đây là một sự kiện to lớn cho giới công nhân Mỹ.” Các phụ tá của ông cho biết tổng thống cũng sẽ nhanh chóng có động thái về việc tái thương lượng NAFTA (Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ).

NAFTA bắt đầu đàm phán từ thời Tổng Thống George H. W. Bush (Bush Cha) và được Quốc Hội thông qua dưới thời Tổng Thống Bill Clinton. Trong vòng gần 20 năm, NAFTA là động lực thúc đẩy thương mại Mỹ phát triển, nhưng cũng bị một số chỉ trích vì làm mất công việc làm và hạ thấp tiền lương của công nhân Mỹ. Ông Trump dự trù sẽ gặp tổng thống Mexico và thủ tướng Canada, hai quốc gia đối tác chính trong hiệp định, để thảo luận.

Nhưng với TPP, chưa rõ Tổng Thống Trump có ý định tìm cách thương lượng song phương với 11 nước thành viên để quy định mối quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và mỗi quốc gia đó hay không. Dù sao, việc này, nếu có, thì cũng chỉ đem đến giá trị hạn hẹp, không thề mang tầm vóc quan trọng như với toàn khối chiếm 13.5% mậu dịch và 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới.

Trong bài diễn văn nhậm chức hôm Thứ Sáu tuần trước, ông Trump xác nhận chủ trương “America First” trong đường lối đối ngoại, mua hàng Mỹ và thuê công nhân Mỹ. Ông nói: “Chúng ta phải bảo vệ biên giới nước Mỹ trước sự tàn phá từ những nước ngoài chế tạo sản phẩm của chúng ta, chiếm các công ty của chúng ta và lấy việc làm của chúng ta.” Theo lời ông: “Bảo hộ (thương mại) sẽ đem lại thịnh vượng và sức mạnh cho nước Mỹ.”

Về ý nghĩa chính trị, khi xóa bỏ TPP, ông Trump đã tách khỏi đồng minh của mình là những người Cộng Hòa ở Quốc Hội từ lâu vẫn tán thành thỏa hiệp kinh tế như thế ở khu vực Thái Bình Dương ngày nay đang chiếm vai trò quan trọng hàng đầu thế giới. Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan từng hợp lực chặt chẽ với Tổng Thống Obama để dành cho tổng thống quyền hạn gọi là “fast track,” nghĩa dễ dàng thương lượng nhanh chóng trước sự chống đối của nhiều nhà lập pháp Dân Chủ.

Chưa ai có thể khẳng dịnh rằng có hay không có TPP sẽ đem đến lợi ích hay thiệt thòi cho nước Mỹ. Duy một điều chắc chắn là ông Trump thắng cử nhờ sự ủng hộ của giới công nhân da trắng ở các tiểu bang vùng Trung Tây và Đông Bắc đã tin tưởng vào chủ trương “America First,” và bây giờ ít nhất ông cần chứng tỏ là trung thành với khối cử tri đó khi quyết định cho bãi bỏ TPP.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét