Quốc Phương - BBC Tiếng Việt
POOL
"Một lãnh đạo quốc gia mà không trước hết nghĩ tới lợi ích quốc gia mình thì không bao giờ thành công. Nhưng một lãnh đạo quốc gia chỉ biết lợi ích của mình bất chấp thiên hạ thì chỉ là một kẻ thiển cận," nhà báo Huy Đức mở đầu một bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân của ông hôm 29/01/2017 về Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, người mới tuyên thệ nhậm chức cách đây chưa lâu.
Trong bài viết với tựa đề vỏn vẹn một chữ là 'Trump', tác giả của 'Bên Thắng cuộc' chia sẻ:
"Khi nghe Trump tranh cử, tôi không muốn bình luận gì. Cái tài của Trump là đã khai thác được sự bất mãn của đông đảo dân chúng với Washington. Tầng lớp elite và báo chí Mỹ đã quá tự mãn và trịch thượng, họ quên rằng, trong thời đại ngày nay quyền lực thứ 4 có thể bị thách thức bởi những kẻ vận hành một cuộc chiến truyền thông phi quy ước, sử dụng fake news đánh những đòn dưới thắt lưng. Nhưng, khi Trump biến những tuyên bố lấy phiếu đó thành chính sách thì quả là tôi rất ngạc nhiên.
"Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể. Làm hả dạ đám đông có thể chỉ cần một kẻ hoạt ngôn nhưng làm chính sách lại cần phải có những cái đầu chiến lược."
Sau khi phân tích về động thái mà tác giả gọi là 'cố đấm' (ăn xôi) khi Tổng thống Donald Trump quyết tâm thực thi lời hứa của ông về xây 'bức tường khổng lồ' kiểm soát nhập cư bất h pháp dọc biên giới Mỹ với Mexico, nhà báo, blogger Huy Đức viết tiếp:
"Bảo hộ có thể giải quyết được nền kinh tế nội địa nhưng một khi làm kinh tế mà không hiệu quả, trong mạnh mà ngoài suy yếu, thị trường bị thu hẹp thì người mất trước tiên là Mỹ.
"Có thể có những người giỏi không giàu nhưng không có ai giàu mà không giỏi. Trump không chỉ giỏi mà còn tỏ ra ông ta là một con buôn xuất chúng.
"Nhưng, đã có những nhà kinh tế đoạt giải Nobel ra làm kinh doanh thất bại. Ngược lại, không phải cứ giỏi "phân lô bán nền" là có thể "bình thiên hạ" ngay."
Theo tác giả 'Bên Thắng cuộc', chính sách vĩ mô có điểm khác với thương trường, trong khi tầm nhìn của một nguyên thủ quốc gia không thể là trước mắt, là đáp ứng vội vàng hiệu chứng 'đám đông đang la ó' và cũng không được căn cứ trên nền tảng 'phi nhân bản', blogger từ Việt Nam đúc kết:
"Chính sách vĩ mô rất khác với thương trường. Có những ý tưởng làm thay đổi thế giới nhưng không mang lại tiền bạc cho một người. Lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khác với con buôn, có những thứ lợi ích mà họ tạo ra không thể hạch toán được trong thế hệ mình và không phải cho gia đình họ.
"Một tổng thống có tầm nhìn không vội vàng thỏa mãn đám đông đang la ó mà biết tiên liệu những mối đe dọa trong tương lai để đảm bảo an ninh lâu dài cho họ. Những quyết định có thể kiến tạo tương lai cho dân chúng không bao giờ có thể được đưa ra trên nền tảng phi nhân bản.
"Cho dù, yêu hay ghét Trump, chắc chắn ông ta sẽ còn được nhắc nhiều trong lịch sử trong khi nhiều người có thể quên Obama hay Clinton. Vấn đề là ông ta sẽ được nhắc đến như như thế nào. Theo Đức Giáo hoàng thì, "Chờ xem," cái nhìn của nhà báo Huy Đức từ Việt Nam kết luận bài viết.
Một Tổng thống 'quậy'
Còn từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, trong một chia sẻ ngay trước đêm Giao thừa và đón Tết Đinh Dậu, hôm thứ Sáu, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng đưa ra bình luận với BBC về tân Tổng thống Mỹ, ông nói:
"Ông Trump, xin dùng từ ngữ phổ thông của Việt Nam, là quậy! Quậy để cho người ta để ý đến ông ấy.
"Nhưng tôi chưa chắc những chính sách của ông, kể cả chính sách đối ngoại và đối nội là đã suy nghĩ kỹ càng.
"Cho nên tôi nghĩ đây là một trường hợp rất đặc biệt. Tôi đã ở Mỹ từ cuối năm 1963 đến nay, qua 12 đời tổng thống, tôi chưa thấy đời tổng thống nào lại đặc biệt như đời tổng thống này."
Hôm thứ Bảy, trong một chia sẻ ngay tối mùng Một tết Đinh Dậu từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC hay ông 'hoàn toàn ngạc nhiên' về tân Tổng thống Trump, đặc biệt trong một phát ngôn gần đây khi ông Trump đề cập việc có cho phép sử dụng lại hay không biện pháp tra tấn đặc biệt được biết tới là 'trấn nước' ở Hoa Kỳ.
Luật sư Lê Công Định nói:
"Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về phát biểu của ông Donald Trump, bởi vì đối với một tư tưởng tôn trọng nhân quyền mà một ai có được bình thường thôi, thì cũng nghĩ hành động dùng đến nhục hình, tra tấn là không thể chấp nhận được.
"Và nhất là để phục vụ mục đích là truy xét để rồi bỏ tù họ, thì càng không thể chấp nhận.
"Mà một người như ông Donald Trump là Tổng thống của một cường quốc chủ xướng về vấn đề tự do và dân chủ trên thế giới mà lại phát biểu như vậy, thì thực sự mà nói, tôi rất là ngạc nhiên.
"Ở trong vị trí của mình, tôi hoàn toàn phản đối chuyện đó và đối với tôi, chuyện đó là không thể chấp nhận được," Luật sư nói với BBC hôm 28/01.
Hai cách nhìn về Trump
Mới đây, cũng từ Hoa Kỳ, học giả Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason cũng chia sẻ với BBC về hai cách nhìn đối với ông Trump và nội các 'có nhiều người giàu' với cả tỷ phú lẫn nhiều triệu phú của ông.
Trước câu hỏi một chính phủ như thế liệu có thể đại diện cho tiếng nói của người dân hay không, như Tổng thống Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm:
"Có thể nói có hai cách nhìn, cách nhìn hiền lành, tử tế nghĩ rằng những người này đã giàu rồi thì người ta sẵn sàng hy sinh, nhiều người vào làm chính trị để có tiền, đằng này người có tiền rồi làm chính trị, thì người ta có thể hy sinh, để ý đến dân chúng.
"Nhưng khi nhìn những ông trong nội các được cử, chưa được bổ nhiệm, thì chúng ta thấy có rất nhiều triệu phú, có ông quên khai ra là ông có một trăm triệu, ông có nhiều tiền quá nên một trăm triệu ông quên mất không khai ra. Quyên rồi! Thành ra những người đó rất giàu. Mà chúng ta thấy những người đã giàu rồi thì... cũng khó có thể nói người ta lo cho dân chúng được.
"Nhưng người ta cũng có thể nói một chuyện khác người ta đưa ra là thí dụ ông (John F.) Kennedy chẳng hạn. Con nhà rất giàu, nhưng ông Kennedy không phải làm chuyện buôn bán mà tranh đấu vì giàu. Bố ông ấy giàu, mà ông ấy chỉ làm chính trị từ đầu đến cuối. Ông ấy là chính trị gia chuyên nghiệp.
"Thì ông này (Trump) khác, những ông này là người buôn bán, làm ăn, rồi bây giờ làm chính trị, thì thực ra chúng ta phải chờ đợi xem ông làm ra sao. Dĩ nhiên chúng ta thấy về phương diện tâm lý, chúng ta cũng khó có thể hiểu là... các ông mà giàu như thế có thể hiểu được dân chúng.
"Thành ra chúng ta phải nhìn xem, ông hứa là ông làm như vậy, thì không biết, hiện nay còn sớm quá để có thể kết tội người ta.
"Tuy nhiên, việc mà các ông (nội các Trump) đòi giảm thuế, thì chính sách giảm thuế của ông Donald Trump bây giờ chưa đưa ra rõ rệt, nhưng đường lối chính mà chúng ta thấy qua cuộc tuyển cử, ông giảm thuế rất nhiều cho người giàu. Người giàu sẽ được lợi rất nhiều," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận với BBC về chính quyền Trump và diễn văn nhậm chức của vị tân tổng thống Mỹ.
Hai tâm tư về Trump
Còn từ California, Hoa Kỳ, ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chia sẻ với BBC từ Quận Cam, nhà báo Đỗ Dzũng từ Nhật báo Người Việt Cali cho hay có hai tâm tư của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đối với ông Trump và chính quyền của ông.
Nhà báo nói: "Tôi nghĩ là họ hy vọng - đặc biệt là những người ủng hộ ông Trump, thì họ rất là sung sướng.
"Họ hy vọng rằng ông Trump sẽ thay đổi nước Mỹ và đặc biệt người Việt Nam, những người ủng hộ ông Trump vẫn hy vọng là ông Trump làm cái gì đó để Trung Quốc đừng xía vào Biển Đông, đó là tâm tư của (người) Việt Nam (tại Mỹ).
"Còn những người không ủng hộ ông Trump, người ta hy vọng ông đừng động vào Obamacare (bảo hiểm y tế), hoặc đừng động vô những chương trình. Chẳng hạn... trong bài diễn văn ông có nói một câu 'Chúng ta sẽ không cho những người đang hưởng trợ cấp xã hội (welfare), bắt họ đi làm!'
"Cái này ông nói rõ ra, mấy hôm trước ông không nói, cũng có nhiều người Việt Nam (ở Mỹ) hưởng trợ cấp này, người ta sang đây vì hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ hay họ nghèo, họ không có tiếng Anh, họ không có việc làm, họ không có tay nghề đi làm, thì họ không đi làm, ở nhà hưởng trợ cấp.
"Họ cũng bị những người Việt Nam khác chỉ trích bởi vì cũng có những người lợi dụng, ở nhà hưởng trợ cấp, nhưng lại đi làm chui lấy tiền mặt, thành ra trong cộng đồng Việt Nam, khi mà nói tới trợ cấp xã hội, có nhiều người không thích.
"Nhưng những người nhận trợ cấp vẫn là cộng đồng Việt Nam, vẫn là đồng hương chúng ta (người Mỹ gốc Việt ), đó là những người... họ nghe (Diễn văn nhậm chức của Tổng thống), họ cũng ngại lắm. Người mà không ủng hộ ông Trump, họ hy vọng ông không làm mất bảo hiểm (y tế) của họ, bởi vì họ sống nhờ bảo hiểm và đừng có động tới trợ cấp của họ.
"Nhưng cũng có điều tốt là khi... ông nói như vậy (trong Diễn văn), ông sẽ làm cho những người hiện nay đang hưởng trợ cấp mà gian lận, tức anh khai anh nghèo, nhưng thực ra anh đi làm chui, ông mà lên thì mình hết ăn, mà phải lo đi làm đàng hoàng và những người cần trợ cấp thực sự, đừng động vào họ, thì tôi thấy (đấy là những điều) người Việt Nam (ở Mỹ) người ta để ý đến nhiều," nhà báo Đỗ Dzũng bình luận với BBC thêm về Diễn văn của Tổng thống Trump trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông hôm 20/01.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét